Phẩm chất và năng lực giảng dạy của giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung phân tích, đánh giá đội ngũ giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội thông qua tiêu chí phẩm chất và năng lực giảng dạy được quy định trong Luật Giáo dục đại học và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở các tiêu chí được quy định và kế thừa, phát triển từ kết quả nghiên cứu trước[1], tác giả tổng hợp thông tin thứ cấp từ nhiều văn bản của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, đồng thời tiến hành khảo sát trực tiếp 249 giảng viên của Trường trong năm 2021 để có được thông tin đầy đủ nhất về thực trạng phẩm chất, năng lực giảng dạy của đội ngũ nhân lực này.

Từ khóa: giảng viên, phẩm chất, năng lực giảng dạy.

1. Phẩm chất, năng lực giảng dạy của giảng viên

1.1. Phẩm chất của giảng viên

Trong hoạt động quản lý, pháp luật Việt Nam hiện hành[2] quy định giảng viên phải có phẩm chất đạo đức với những tiêu chuẩn chung và những tiêu chuẩn riêng gắn với đặc điểm nghề nghiệp. Trên cơ sở những quy định đó, tác giả cụ thể hóa phẩm chất đạo đức của giảng viên thành những tiêu chí dưới đây:

– Chấp hành pháp luật: Giảng viên phải luôn ý thức chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy định của ngành giáo dục và đào tạo; quy định của cơ sở giáo dục đại học nơi họ công tác.

– Tác phong, lề lối làm việc, trách nhiệm nghề nghiệp: Giảng viên phải có tác phong, lề lối làm việc phù hợp với công việc của môi trường giáo dục và đào tạo; luôn thể hiện được tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ và có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao; giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

– Tinh thần, thái độ làm việc: Giảng viên phải có thái độ làm việc nghiêm túc, trung thực, cầu tiến; có tinh thần cống hiến, phục vụ cho nhà trường và xã hội bằng chính năng lực của mình; tinh thần đấu tranh chống những biểu hiện, hành vi tiêu cực trong nhà trường và xã hội.

1.2. Năng lực giảng dạy của giảng viên

Năng lực giảng dạy của giảng viên theo cách tiếp cận, giải nghĩa trên phương diện từ điển học[3], có thể hiểu là khả năng thực hiện nhiệm vụ giảng dạy được giao dựa trên những phẩm chất, kiến thức, kỹ năng của họ. Nhiệm vụ này được quy định rõ trong Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT, trở thành tiêu chí đánh giá năng lực của giảng viên. Từ đó, tác giả có thêm cơ sở để cụ thể hóa năng lực giảng dạy của giảng viên thành những tiêu chí chính, bao gồm:

– Giảng bài, hướng dẫn học tập, thực hành: Tiêu chí này thể hiện khả năng, phương pháp truyền đạt, hướng dẫn của giảng viên để người học lĩnh hội kiến thức một cách nhanh và thuận lợi nhất. Khả năng, phương pháp truyền đạt kiến thức được thực hiện trong nội dung bài giảng chính thức trên lớp được duyệt theo chương trình, kế hoạch của nhà trường. Khả năng, phương pháp hướng dẫn học tập, thực hành được thực hiện qua hoạt động hướng dẫn người học nghiên cứu lý thuyết, thực hành, thảo luận, thực tập nghề nghiệp, học tập thực tế; hướng dẫn làm luận văn, đồ án tốt nghiệp đại học; hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ; hướng dẫn làm luận án tiến sĩ khi có đủ điều kiện theo quy định.

– Đánh giá hoạt động dạy và học: Tiêu chí này thể hiện thông qua việc đánh giá hoạt động giảng dạy và hoạt động học tập, được thực hiện nhằm nhận diện thực tế năng lực dạy học của giảng viên và năng lực học tập của người học. Việc đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên gồm: Tự đánh giá năng lực hoạt động dạy của mình; tham gia đánh giá hoạt động giảng dạy thông qua nhiều hình thức như dự giờ, chấm giảng hàng năm. Việc đánh giá hoạt động học tập của người học được thực hiện thông qua nhiều hình thức như chấm bài kiểm tra, bài tiểu luận, bài thi, đánh giá sự tương tác của người học trong quá trình giảng dạy.

– Giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho người học: Giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho người học cần được giảng viên xác định là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong mỗi chương trình đào tạo. Nội dung tiêu chí này thể hiện qua việc giảng viên kết hợp việc giảng bài theo nội dung kiến thức chuyên môn với việc giáo dục về nhận thức, hành vi, thái độ cho người học, giáo dục truyền thống, chính trị, tư tưởng, đạo đức cho người học trong phạm vi mục tiêu chương trình đào tạo, giúp cho người học phát huy vai trò chủ động trong học tập và rèn luyện.

Việc xây dựng các tiêu chí, chỉ báo trên một cách cụ thể, chi tiết sẽ giúp cho tác giả có cơ sở để xây dựng phiếu khảo sát nhằm thu thập dữ liệu sơ cấp một cách thuận lợi, phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài. Với mỗi chỉ báo thuộc các tiêu chí trên, tác giả thiết kế thang đo 5 mức độ và tiến hành khảo sát theo quy trình bài bản: 1 – Rất không đồng ý; 2 – Không đồng ý; 3 – Không ý kiến; 4 – Đồng ý; 5 – Rất đồng ý.

2. Thực trạng phẩm chất, năng lực giảng dạy của giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Tính đến năm học 2019-2020, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội có 249 giảng viên trong tổng số 498 viên chức[4], người lao động, chiếm tỷ lệ 50%. Trong nhiều văn bản quản lý của Nhà trường, giảng viên được đánh giá về phẩm chất và năng lực giảng dạy, đó là:

– Đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp: “Tác phong làm việc nghiêm túc; tuân thủ kỷ luật; luôn nỗ lực cố gắng, đoàn kết, nhất trí, hỗ trợ lẫn nhau, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”[5]. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp nhân lực giảng dạy thực hiện nội quy, quy chế,… chưa nghiêm, thậm chí vi phạm đến mức phải kỷ luật[6].

– Đội ngũ giảng viên có năng lực giảng dạy đạt yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy được giao; không có trường hợp giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ do hạn chế về năng lực giảng dạy[7]. Tuy nhiên, năng lực giảng dạy ở bậc sau đại học còn hạn chế do tỷ lệ giảng viên Nhà trường có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở mức thấp: 51/249 người, chiếm 20%[8].

Kết quả khảo sát của tác giả về phẩm chất đạo đức, năng lực giảng dạy của giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội[9] cũng cho thấy thông tin tương đồng với những nhận định, đánh giá trên, thể hiện trong Bảng 1, Bảng 2.

Bảng 1. Thống kê kết quả khảo sát phẩm chất đạo đức của giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

thong_ke_ket_qua_khao_sat_pham_chat_dao_duc

Nguồn: Tác giả khảo sát năm 2021

Bảng 2. Thống kê kết quả khảo sát năng lực giảng dạy của giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

khao_sat_nang_luc_giang_day_cua_giang_vien_truong_dai_hoc_noi_vu_ha_noi  Nguồn: Tác giả khảo sát năm 2021

Kết quả khảo sát trong Bảng 1, Bảng 2 cho thấy:

– Các tiêu chí về phẩm chất đạo đức được giảng viên Nhà trường trả lời khẳng định ở mức cao, trung bình 3.89-4.30 điểm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều giảng viên không có ý kiến trả lời (thang điểm 3) về các tiêu chí phẩm chất đạo đức, cũng cho thấy họ có sự dè dặt, e ngại khi trả lời khẳng định các nội dung tiêu chí này, hàm ý cho thấy vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm những quy định liên quan trong hoạt động nghề nghiệp của giảng viên Nhà trường.

– Việc giảng bài, hướng dẫn học tập, thực hành được khẳng định ở nội dung giảng dạy đúng chương trình, kế hoạch (4.58 điểm); hướng dẫn người học nghiên cứu lý thuyết, thực hành, thảo luận trong bài giảng, thực tập nghề nghiệp, học tập thực tế (4.52 điểm); hướng dẫn người học làm luận văn, đồ án tốt nghiệp (3.78 điểm), cho thấy việc giảng dạy của giảng viên Nhà trường được duy trì thực hiện đúng quy định, có sự kết hợp khá phù hợp giữa việc giảng bài lý thuyết và hướng dẫn thực hành, học tập thực tế. Tuy nhiên, nội dung “hướng dẫn người học làm luận văn thạc sĩ” được đánh giá ở mức thấp (2.53 điểm), cũng cho thấy nhiều giảng viên chưa đủ điều kiện về năng lực hướng dẫn luận văn thạc sĩ.

– Việc đánh giá hoạt động dạy và học được đa số khẳng định ở nội dung “chấm bài kiểm tra, tiểu luận, bài thi; đánh giá sự tương tác của người học trong quá trình giảng dạy” (4.47 điểm), nhưng lại không được nhiều người khẳng định ở nội dung “dự giờ, chấm giảng hàng năm” (2.50 điểm). Điều đó cho thấy giảng viên Nhà trường bên cạnh việc thường xuyên thực hiện việc đánh giá hoạt động dạy, học thông qua việc “chấm bài kiểm tra, tiểu luận, bài thi; Đánh giá sự tương tác của người học trong quá trình giảng dạy” nhưng lại có ít cơ hội tham gia và thể hiện trách nhiệm tham gia hoạt động “dự giờ, chấm giảng hàng năm”, đã và đang đặt ra vấn đề cần có sự quan tâm hơn nữa từ phía Nhà trường để giảng viên có nhiều cơ hội rèn luyện, nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy.

– Việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho người học được khẳng định ở mức cao theo hai nội dung: “Giáo dục về nhận thức, hành vi, thái độ cho người học trong phạm vi mục tiêu bài giảng, môn học” (4.27 điểm) và “giáo dục truyền thống, chính trị, tư tưởng, đạo đức cho người học trong phạm vi mục tiêu chương trình đào tạo” (4.39 điểm), cho thấy giảng viên Nhà trường không chỉ đạt yêu cầu về giảng bài, truyền đạt kiến thức chuyên môn, mà còn đáp ứng yêu cầu trong việc giáo dục nhận thức, thái độ cho người học theo mục tiêu chương trình đào tạo.

3. Kết luận và khuyến nghị

Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát trên, có thể thấy đội ngũ giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội có phẩm chất, năng lực giảng dạy đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ của Nhà trường. Đây là yếu tố có tác động ảnh hưởng tích cực, làm nên những thành quả to lớn mà Nhà trường đạt được trong những năm qua, góp phần khẳng định vị thế, uy tín, sự lớn mạnh của Nhà trường trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học của quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chưa nghiêm túc thực hiện nội quy, quy chế, cá biệt vẫn còn trường hợp nhân lực giảng dạy vi phạm đến mức phải kỷ luật; vẫn còn nhiều giảng viên Nhà trường chưa đạt tiêu chuẩn năng lực giảng dạy đáp ứng yêu cầu giảng dạy bậc sau đại học. Việc này làm cho hoạt động đào tạo sau đại học chưa thực sự chủ động về nhân lực, trong khi Nhà trường đang trong giai đoạn phát triển mở rộng ngành đạo tạo của bậc học thạc sĩ. Thực tế trên cũng đang đặt ra thách thức đối với Lãnh đạo Nhà trường và để giúp giải quyết vấn đề này, tác giả đưa ra một số khuyến nghị:

– Nhà trường cần nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề hàng năm về giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho giảng viên. Việc này được thực hiện thường xuyên theo năm sẽ có tác động tích cực, không chỉ giúp cho Nhà trường thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị nội bộ, mà còn giúp cho giảng viên được bổ sung kiến thức phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp.

– Nhà trường cần nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích, khen thưởng, xử phạt phù hợp đối với giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn ở bậc học tiến sĩ; chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với giảng viên đăng ký xét công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư để gia tăng tỷ lệ giảng viên có năng lực giảng dạy đáp ứng yêu cầu đào tạo bậc sau đại học của Nhà trường trong cả hiện tại và tương lai.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Ngô Sỹ Trung, Trần Thanh Xuân (2021), Chất lượng giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, NXB. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

[2] Quốc hội (2010). Luật Viên chức năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Giáo dục đại học năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2018), Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT.

[3] Nguyễn Lân (2006), Từ điển Từ và ngữ Việt Nam, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh: “Năng lực là khả năng làm việc tốt nhờ có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn”.

[4] Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2019), Quyết định số 1039/QĐ-ĐHNV ngày 27/11/2019.

[5] Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2019), Báo cáo số 2794/BC-ĐHNV ngày 31/12/2019. Nội dung này cũng được đề cập xuyên suốt trong báo cáo tổng kết năm từ năm 2014 đến năm 2019. Xem tài liệu tham khảo số [7], [8], [9], [10], [13], [15].

[6] Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (1997), Quyết định số 1997/QĐ-ĐHNV ngày 19/9/2018; Thông báo số 1792/TB-ĐHNV ngày 21/9/2018.

[7] Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2014),  Báo cáo của Trường các năm 2014-2019: Xem tài liệu tham khảo số [7], [8], [9], [10], [13], [15].

[8] Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2019), Quyết định số 1039/QĐ-ĐHNV ngày 27/11/2019.

[9] Tác giả khảo sát bằng phiếu khảo sát đối với 249 giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, trong đó 236 phiếu trả lời hợp lệ, đạt tỷ lệ 95%.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ (2014), Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên.
  3. Chính phủ (2019), Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
  4. Nguyễn Lân (2006), Từ điển Từ và ngữ Việt Nam, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
  5. Quốc hội (2010), Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15/11/2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019).
  6. Quốc hội (2012), Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2018).
  7. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2014), Báo cáo số 14/BC-ĐHNV ngày 07/12/2014 về tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2015.
  8. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2016), Báo cáo số 116/BC-ĐHNV ngày 22/01/2016 về tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2016.
  9. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2016), Báo cáo số 1831/BC-ĐHNV ngày 30/12/2016 về tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017.
  10. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2017), Báo cáo số 2686/BC-ĐHNV ngày 29/12/2017 về tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018.
  11. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2018), Quyết định số 1997/QĐ-ĐHNV ngày 19/9/2018 về việc kỷ luật viên chức.
  12. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2018), Thông báo số 1792/TB-ĐHNV ngày 21/9/2018 về việc áp dụng hình thức kỷ luật viên chức.
  13. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2019), Báo cáo số 42/BC-ĐHNV ngày 09/01/2019 về tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019.
  14. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2019), Quyết định số 1039/QĐ-ĐHNV ngày 27/11/2019 ban hành Đề án chiến lược phát triển Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
  15. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2019), Báo cáo số 2794/BC-ĐHNV ngày 31/12/2019 về tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020.
  16. Ngô Sỹ Trung, Trần Thanh Xuân (2021), Chất lượng giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, NXB. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

 

THE QUALITIES AND TEACHING ABILITIES OF LECTURERS WORKING FOR HANOI UNIVERSITY OF HOME AFFAIRS

Master. DINH THI PHUONG

Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

This paper assessed the qualities and teaching abilities of lecturers working for Hanoi University of Home Affairs based on Law on Higher Education and some guiding documents’ provisions on teaching abilities. This paper analyzed secondary information collected from documents of Hanoi University of Home Affairs and also surveyed 249 lecturers of the university to get the most completed information about their qualities and teaching abilities.

Keywords: lecturers, qualities, teaching abilities.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 9, tháng 4 năm 2021]