PGS. Võ Tường Kha và hành trình phát triển ngành y học thể thao Việt Nam
PGS. Võ Tường Kha và hành trình phát triển ngành y học thể thao Việt Nam
16/05/2022
Trên thế giới, y học thể thao được coi là một bộ phận không thể tách rời trong hệ sinh thái thể thao ở mỗi quốc gia. Mặc dù trong nhiều năm trở lại đây, y học thể thao Việt Nam đã có những thành tựu và đóng góp cụ thể vào thành tích của nền thể thao, tuy nhiên sự phát triển này vẫn chưa như kỳ vọng và nhu cầu của xã hội. Đó là lý do, PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam và tập thể bệnh viện đang miệt mài hành trình “gieo rắc” y học thể thao, với kỳ vọng Việt Nam sẽ phát triển được một mạng lưới y học thể thao trên toàn quốc.
1. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, PGS.TS.BS VõTường Kha đã đưa ra một cái nhìn tổng quan hơn về vai trò của y học thể thao. Theo đó, y học thể thao có 2 vai trò chính, đó là: vai trò với thể thao thành tích cao và vai trò với những người dân tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe.
Với thể thao thành tích cao, y học thể thao có nhiệm vụ quan trọng đó là bảo đảm sức khỏe của các vận động viên (VĐV) trong tập luyện cũng như thi đấu. Việc điều trị phải đảm bảo phục hồi phong độ 100% cho các VĐV như ban đầu.
Y học thể thao còn có nhiệm vụ quan trọng khác đó là tư vấn trong công tác tuyển chọn các VĐV. Theo đó, dựa trên những chỉ số nhân trắc học, sinh lý học và hóa sinh học trên cơ thể mỗi VĐV, bác sĩ có thể tư vấn VĐV lựa chọn đúng thế mạnh đặc biệt của mình.
Không chỉ vậy, y học thể thao còn giúp kiểm soát, biến đổi ngưỡng tâm lý, sinh hóa trong cơ thể tương ứng với mức độ luyện tập hay mục tiêu thành tích của mỗi VĐV, hay như các vấn đề dinh dưỡng thể thao, tâm lý các VĐV,…
Với vai trò thứ hai, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống nhân dân được cải thiện, vì đó hoạt động thể dục thể thao trở thành một nhu cầu thiết yếu để nâng cao sức khỏe. Bởi vậy, y học thể thao, nếu được phát triển đúng mức góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nền tảng thể chất của người dân Việt Nam.
Theo đó, y học thể thao có thể hỗ trợ chữa các bệnh lý không lây nhiễm như: bệnh lý béo phì, thừa cân, tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường,… Với những bệnh lý này, y học thể thao có thể hướng dẫn cách tập luyện để giảm và tránh việc phụ thuộc vào thuốc.
2. Theo bác sĩ Võ Tường Kha, đặc thù của y học thể thao đó là đặc thù về đối tượng. Đó là những VĐV chuyên nghiệp hoặc những người hay chơi thể thao. Ngưỡng sinh lý và vận động của nhóm người này cao hơn người bình thường rất nhiều, nên các phương pháp điều trị phải “cực kỳ” hiện đại theo tiêu chí của thể thao mạnh hơn, cao hơn, xa hơn để đáp ứng đủ kỳ vọng thành tích và hiệu quả điều trị. Theo đó, các phương pháp y học hiện đại, tiên tiến nhất sẽ được kết hợp với các nguyên tắc về huấn luyện thể thao.
Điều đặc biệt, tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam, y học cổ truyền đang được ứng dụng điều trị và bước đầu cho thấy những giá trị ưu việt của y học cổ truyền Việt Nam. Theo bác sĩ Võ Tường Kha các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, hay trong khu vực như Thái Lan đã ứng dụng rất hiệu quả nền y học cổ truyền vào việc điều trị, phục hồi và nâng cao thể chất cho các VĐV. “Đây có thể là thế mạnh đặc thù của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, mà chúng ta có thể tập trung nghiên cứu, phát triển trong thời gian tới”, PGS Võ Tường Kha nhấn mạnh.
Cụ thể, Bệnh viện đã dùng hệ thống máy dò huyệt vị để tư vấn trong công tác tuyển chọn và đánh giá năng lực tuyển chọn các VĐV. Máy sẽ dò vào huyệt hoặc đo năng lượng của huyệt, để đo năng lượng sinh học chảy trong hệ thống kinh lạc giữa các VĐV và người bình thường khác nhau như thế nào. Từ đó xác định trình độ thể lực của VĐV ở những thời điểm khác nhau.
Với việc hồi phục sức khỏe cho VĐV sau thi đấu hay tập luyện, Bệnh viện đã tiến hành các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, khí công hoặc yoga,… Việc nghiên cứu để sử dụng các bài thuốc bổ khí, bổ huyết, tăng sức đề kháng trong y học cổ truyền hay những sản phẩm dược liệu dùng công nghệ sinh học để chiết xuất cũng được Bệnh viện chú trọng.
3. Nhận thấy vai trò đặc biệt của y học thể thao, và những ứng dụng thành công tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam là mô hình để PGS.TS.BS Võ Tường Kha có niềm tin với hoài bão xây dựng nên một nền móng cho y học thể thao Việt Nam.
Cuối tháng 3 vừa qua, PGS.TS.BS Võ Tường Kha đã đề xuất, chỉ đạo thành lập Chi hội Sinh lý học thể dục thể thao. Theo đó, Chi hội Sinh lý thể dục thể thao là nền tảng cho kế hoạch thành lập mạng lưới y học Thể thao toàn quốc và cho bộ môn y học Thể thao (thuộc trường ĐH Y Dược, ĐH quốc gia Hà Nội, đặt cơ sở tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam). Đây sẽ là nơi đào tạo phát triển bác sĩ thể thao cho chiến lược đào tạo bác sĩ thể thao của ngành TDTT Việt Nam trong thời gian tới.
Những kế hoạch này được kỳ vọng sẽ gỡ “nút thắt” về vấn đề đội ngũ y bác sĩ, nhân lực của y học thể thao đã tồn tại hơn 3 thập niên qua. Theo đó, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 50 bác sĩ thể thao, 2050 có 300 bác sĩ thể thao được đào tạo.
Công tác tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam từ ngày đầu tiên bệnh viện được thành lập, PGS.TS.BS Võ Tường Kha là người hiểu rõ hơn ai hết những “nút thắt” của ngành. Đó là lý do bác sĩ Võ Tường Kha cùng tập thể Bệnh viện Thể thao Việt Nam, một đơn vị chuyên về y học thể thao đầu tiên và duy nhất của Việt Nam nhận thấy trách nhiệm của mình trong hành trình “gỡ nút thắt” này.
PGS.TS.BS Võ Tường Kha kết thúc câu chuyện với chúng tôi bằng một ví von vui rằng ông và các cộng sự đang thực hiện hành trình “gieo rắc” nhận thức về y học thể thao, theo kỳ vọng của người thầy- Nhà giáo Nhân dân.GS.TS.BS. Lê Quý Phượng đặt lên vai ông. Vì theo ông đó là một phần không thể thiếu cho một nền thể thao thành tích cao và cao hơn nữa là trong việc nâng cao nền tảng thể chất cho người dân Việt Nam”./.
Bài: Thảo Vy
Ảnh: Khánh Long & Tư liệu Bệnh viện Thể thao Việt Nam