Ông vua cà phê Trung Nguyên là ai? Cuộc đời, sự nghiệp của Đặng Lê Nguyên Vũ
Cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ đã trở thành từ khóa tìm kiếm hot trong suốt một thời gian dài liên quan đến những vụ kiện cáo, tranh chấp rồi ly hôn giữa ông và vợ. Vốn dĩ ông vua cà phê Việt Nam được nhiều người ngưỡng mộ bởi sự thành công trên thương trường và cuộc sống gia đình viên mãn nên đứng trước sự đổ vỡ hôn nhân của ông, người ta vẫn trăn trở với câu hỏi “tiền nhiều để làm gì?”
Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tiểu sử và con đường chinh phục giấc mơ cà phê của ông vua Đặng Lê Nguyên Vũ!
Mục Lục
Đặng Lê Nguyên Vũ là ai?
Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10 tháng 2 năm 1971 là một doanh nhân Việt Nam thành đạt. Ông là nhà sáng lập, đồng thời là Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Trung Nguyên, người được National Geographic Traveller và Forbes Asian vinh danh là “Vua cà phê Việt Nam”.
Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp bằng con đường cà phê, quá trình gây dựng thương hiệu Cà phê Trung Nguyên cũng là quá trình ông khai sáng những triết lý của Học thuyết cà phê, nâng tầm kinh doanh lên một tầm ý nghĩa mới, biến Việt Nam trở thành “thánh địa cà phê” toàn cầu.
Nhưng khi ở đỉnh cao của sự nghiệp, ông lại vướng vào cuộc “nội chiến” với chính vợ của mình là bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Cuộc ly hôn nghìn tỷ này kéo dài nhiều năm khiến cho giới báo chí, truyền thông đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực.
Tóm tắt tiểu sử
Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Vào thời điểm năm 1979, gia đình ông Vũ chuyển từ Khánh Hòa lên sinh sống tại cao nguyên M’drak, Đắk Lắk nhiều nắng gió. Tuổi thơ gian khó của ông là con đường mòn dài 15km từ nhà tới trường, là làm nương, làm rẫy.
Biến cố xảy đến với gia đình ông khi năm 1981, bố ông lâm trọng bệnh, gia cảnh đã nghèo lại càng sa sút. Ông từng tâm sự: “Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc cũng không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh”. Nhưng cũng nhờ những ngày tháng gian khó, cơ hàn đó mà trong ông luôn nung nấu một ý chí, một khát khao làm giàu cháy bỏng.
Đất nước bước vào thời kì Đổi mới những năm 1986, Đặng Lê Nguyên Vũ lúc đó còn là một học sinh phổ thông, hàng ngày phải làm giúp mẹ những công việc vất vả. Thế nhưng, thành tích học tập của ông vẫn rất xuất sắc và năm 1990, ông thi đỗ vào trường Đại học Y Tây Nguyên.
Vừa đi học, ông vừa đi làm kiếm sống. Thời điểm ông học Đại học cũng là lúc ông bắt đầu mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực cà phê và bắt đầu yêu nó, cho tới tận bây giờ.
Tình yêu, niềm đam mê với cà phê đủ lớn để ông Vũ quyết định nghỉ học khi đang học năm thứ 3 đại học. Quyết định này của ông đã khiến mẹ mình khóc hết nước mắt, nhớ lại lúc ông khăn gói lên đường đi học, mẹ ông đã bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà.
Sau khi quyết định nghỉ học, ông Vũ lên Sài Gòn ở nhà chú để bắt đầu lập nghiệp nhưng thật không may cho ông Vũ khi chú của ông lại muốn ông về Đắk Lắk để học cho xong đã.
Con đường đến với thương hiệu “Ông vua cà phê”
– Năm 1996, ông Vũ chính thức tiếp quản công ty của cha (được thành lập từ năm 1986 bởi ông Đặng Mơ) nhưng “công ty” lúc đó chỉ mới là một cơ sở rang xay với diện tích vài mét vuông cùng với chiếc máy rang cà phê thủ công cũ kĩ. Hai năm sau thì ông Vũ kết hôn với bà Lê Hoàng Diệp Thảo, khi đó, ông vẫn chưa có gì trong tay ngoài tình yêu sâu nặng với hạt cà phê Tây Nguyên cả.
– Ông có một quán cà phê nhỏ ở Buôn Ma Thuột chuyên giao cà phê rang xay cho các quán cà phê khác.
– Năm 1998, Công ty Trung Nguyên chính thức có mặt tại Sài Gòn lần đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận với mục tiêu mở rộng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu. Các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên kể từ đó xuất hiện phổ biến trên toàn quốc.
– Tính đến tháng 11/ 2018, thương hiệu Trung Nguyên Legend Cafe đã có chuỗi gồm 64 cửa hàng, đứng thứ 3 sau 133 cửa hàng của The Coffee House và 233 cửa hàng của Highlands Coffee.
– Năm 2003 là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự bắt đầu chuyển mình của Trung Nguyên với việc phát triển thương hiệu cà phê hòa tan G7. Mặc dù lúc đầu chỉ chiếm thị phần nhỏ trên thị trường cà phê Việt (khoảng 5%) nhưng Trung Nguyên đã dần khẳng định vị trí của mình.
– Tiếp đó, năm 2005 Công ty Cà phê Trung Nguyên khánh thành nhà máy chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam tại Bình Dương. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên là người đại diện hợp pháp của nhà máy này nhưng ngay khi vợ chồng ông xảy ra tranh chấp, ngày 21/ 4/ 2016, ông Vũ đã sang tên nhà máy cho mình.
– Năm 2006 là thời điểm ông Vũ quyết định thành lập hệ thống cửa hàng phân phối G7 Mart, một mô hình siêu thị kiểu mới với mức đầu tư gần 500 tỷ đồng cho mục tiêu 10 nghìn điểm bán lẻ trên toàn quốc. Mô hình này đã thất bại sau 5 năm đi vào hoạt động. Năm 2011, G7 Mart chuyển hướng sang cộng tác nhượng quyền với Ministop của Nhật Bản nhưng cũng không gặt hái được thành công và chính thức xóa sổ vào 4 năm sau đó.
– Năm 2010 chính thức đánh dấu sự kiện thương hiệu cà phê Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ vươn ra thị trường thế giới. Sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu, tiêu biểu như Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật, Trung Quốc…
– Cái tên “Cà phê Trung Nguyên” xuất hiện trên tờ báo danh giá Financial Times (Thời báo Tài chính) vào ngày 27/ 4/ 2011 như một điển hình về mô hình doanh nghiệp thành công và được bình chọn là doanh nghiệp thành công nhất, trong đó có đoạn: “Ông Vũ khơi dậy khát vọng của người dân Việt Nam. Một tầng lớp trung lưu đang nổi lên đã chấp nhận thương hiệu này và các quán cà phê Trung Nguyên trở thành những trung tâm xã hội quan trọng”
– Tháng 2 năm 2012, danh hiệu “Ông vua cà phê Việt” trên Tạp chí uy tín National Geographic Traveller đã chính thức gọi tên Đặng Lê Nguyên Vũ. Đến tháng 8 năm 2012, Tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi ông Vũ từ nhân vật vô danh trở thành một anh hùng “zero to hero”.
Sở thích và những hoạt động xã hội
Đặng Lê Nguyên Vũ là một người rất yêu sách. Với ông, sách là một khối tài sản giá trị trong cuộc đời mình.
Ông Vũ là một người cởi mở, có cái nhìn ưu ái với những bạn trẻ, nhất là những sinh viên có tinh thần cầu thị, khuyến khích họ khởi nghiệp, sáng tạo, thay đổi bản thân và cố gắng cống hiến cho đất nước.
Cho đến nay, khi đã ở đỉnh cao của sự nghiệp, ông vua cà phê họ Đặng vẫn là tác giả của hàng trăm cuốn sách đồng hành cùng sinh viên, khuyến học, khởi nghiệp… Bên cạnh đó, ông còn cho xây dựng bảo tàng cà phê và các công trình sáng tạo ở mảnh đất Đăk Lăk mà ông đã lớn lên.
Đặng Lê Nguyên Vũ cũng cho ra đời sự kiện Ngày hội sáng tạo vì khát vọng Việt, chương trình “Hành trình khát vọng Việt” nhằm khuyến khích thế hệ trẻ Việt Nam vươn lên, cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Sau những ồn ào, tai tiếng từ cuộc hôn nhân đổ vỡ với bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn đồng hành với dự án “Hành trình từ tráu tim”, đi qua rất nhiều nẻo đường trên cả nước, từ vùng núi cao, vùng sâu, vừng xa đến biên giới, hải đảo để trao tặng sách và hỗ trợ khởi nghiệp.
Với những tổng hợp trên đây, có lẽ các bạn cũng đã hiểu hơn về tiểu sử doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ. Xin được mượn lời của “ông vua cà phê” họ Đặng để khép lại bài viết này: “Muốn thành công thì phải có khát vọng, muốn hạnh phúc phải phụng sự. Trách nhiệm càng cao, vinh quang càng lớn”