Ông Biden đối mặt thử thách hàn gắn đồng minh Nhật – Hàn

Bất đồng do yếu tố lịch sử trong quan hệ Nhật – Hàn được cho là thách thức lớn với ông Biden khi công du tới hai nước đồng minh tuần này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20/5 sẽ tiến hành chuyến công du đầu tiên tới châu Á kể từ khi nhậm chức. Sau khi thăm Hàn Quốc, ông Biden sẽ đến Nhật Bản để gặp Thủ tướng Fumio Kishida và tham dự cuộc họp của nhóm Bộ Tứ, cơ chế an ninh được Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ thành lập nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mỹ xem Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận, là yếu tố quan trọng để xây dựng “liên minh các nước cùng chí hướng” nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc và Triều Tiên tại khu vực này, theo Paula Hancocks, bình luận viên kỳ cựu của CNN về các vấn đề Đông Bắc Á.

Tổng thống Biden (phải) bước xuống trực thăng tại Nhà Trắng ngày 18/5. Ảnh: AFP.

Tổng thống Biden (phải) bước xuống trực thăng tại Nhà Trắng ngày 18/5. Ảnh: AFP.

Dù đang dồn lực ứng phó với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 3/3 tuyên bố sự trỗi dậy của Trung Quốc là “phép thử địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21”.

Trong khi đó, Triều Tiên đã thực hiện 15 vụ phóng tên lửa kể từ đầu năm nay và tình báo Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng đã hoàn thành quá trình chuẩn bị để có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân vào bất cứ lúc nào. Tình báo Mỹ lo ngại Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc thử hạt nhân ngay trước thềm chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Biden.

Hancocks cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Biden thể hiện mong muốn của Mỹ về quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc đoàn kết ứng phó với tình hình hiện tại.

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai quốc gia này lại thường xuyên “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” liên quan đến những tranh cãi về nô lệ tình dục trong thời kỳ Thế chiến II, cũng như tranh chấp chủ quyền một nhóm đảo trên biển Nhật Bản, mà Hàn Quốc gọi là Biển Đông.

Bởi vậy, hàn gắn quan hệ giữa hai đồng minh lớn nhất ở châu Á được xem là nhiệm vụ khó khăn mà Tổng thống Biden phải đối mặt trong chuyến công du châu Á lần này, theo Hancocks.

Mâu thuẫn lịch sử

Hàn Quốc và Nhật Bản có “mối quan hệ cay đắng và khó khăn” trong lịch sử, bắt nguồn từ vấn đề sử dụng lao động cưỡng bức trong giai đoạn 1910-1945, thời kỳ bán đảo Triều Tiên là thuộc địa của Nhật Bản.

Hàn Quốc cáo buộc Nhật Bản bắt nhiều phụ nữ nước này làm việc trong các nhà thổ của quân đội thời kỳ Thế chiến II. Giới học giả tiếp tục tranh cãi về số nạn nhân bị bắt làm nô lệ tình dục cho lính Nhật giai đoạn này, song các nhà hoạt động xã hội năm 2019 ước tính con số có thể lên tới 200.000 phụ nữ Hàn Quốc và Triều Tiên.

Cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) bắt tay cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Thành Đô, Trung Quốc, ngày 24/12/2019. Ảnh: Reuters.

Cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) bắt tay cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Thành Đô, Trung Quốc, ngày 24/12/2019. Ảnh: Reuters.

Nhật Bản năm 1993 từng xin lỗi về những hành động của nước này trong quá khứ. Trong thời gian nắm quyền, thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng đạt thỏa thuận song phương với Seoul về vấn đề “phụ nữ mua vui” vào tháng 12/2015, đặt nền móng cho mối quan hệ song phương.

Tuy nhiên, tiến trình này dừng lại khi ông Moon Jae-in đắc cử tổng thống Hàn Quốc năm 2017.

Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc hai công ty Nhật phải bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản cho rằng phán quyết trên vi phạm thỏa thuận bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1965, trong đó đồng ý khép lại vấn đề lao động cưỡng bức.

Tháng 7/2019, Tokyo áp đặt hạn chế thương mại với Seoul và nói động thái này là do suy giảm lòng tin với Hàn Quốc. Seoul lên án mạnh mẽ quyết định này, cáo buộc Nhật Bản sử dụng ưu thế thương mại để trả đũa phán quyết của tòa án.

Để đáp trả, người Hàn phát động phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật, còn chính phủ nước này đe dọa rút khỏi Thỏa thuận Chia sẻ Thông tin Tình báo Quân sự (GSOMIA), đẩy mối quan hệ Nhật – Hàn xuống mức thấp nhất sau 5 thập kỷ bình thường hóa.

Tranh chấp lãnh thổ

Mâu thuẫn Nhật – Hàn còn liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại nhóm đảo Dokdo/Takeshima trên biển Nhật Bản. Hàn Quốc hiện kiểm soát nhóm đảo này và gọi là Dokdo, nhưng Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi nó là Takeshima.

Hàn Quốc tuyên bố đã giải phóng nhóm đảo khỏi ách thống trị của Nhật từ năm 1945, trong khi Tokyo cáo buộc Seoul chiếm đóng thực thể này trái phép.

Tháng 11/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori đã hủy họp báo với những người đồng cấp Hàn, Mỹ để phản đối chuyến thăm của Kim Chang-yong, Tổng ủy viên Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc (KNPA) tới nhóm đảo này.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno ngày 17/5 yêu cầu Seoul giải thích qua kênh ngoại giao về việc một công ty nhà nước Hàn Quốc tiến hành hoạt động khảo sát gần nhóm đảo Dokdo/Takeshima. Ông Matsuno khẳng định Tokyo không chấp nhận bất kỳ hoạt động thăm dò, khảo sát nào trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

Vị trí nhóm đảo Dokdo/Takesshima. Đồ họa: DW.

Vị trí nhóm đảo Dokdo/Takesshima. Đồ họa: DW.

Evans Revere, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, cho rằng khi căng thẳng Nhật – Hàn ngày càng tăng về các vấn đề an ninh và kinh tế, Mỹ sẽ rất khó thực hiện các nghĩa vụ với họ cũng như chiến lược đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên nếu Tokyo và Seoul không chủ động đàm phán và hợp tác với nhau.

Tuy nhiên, Revere nhận định nhiệm vụ hàn gắn của ông Biden sẽ nhẹ nhàng hơn một chút, khi cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều có lãnh đạo mới, những người có chung quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, Triều Tiên, cũng như mong muốn phát triển quan hệ quân sự với Mỹ.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết sẽ xem xét để Hàn Quốc tham gia Bộ Tứ trong cuộc họp thượng đỉnh của nhóm tại Nhật Bản sắp tới.

Cả ông Yoon và Thủ tướng Nhật Kishida cũng đều thể hiện dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng gác lại quá khứ. Ông Yoon đã chìa cành ô liu với Nhật Bản vào tháng trước, khi cử phái đoàn đến Tokyo trước lễ nhậm chức của mình, như một phần trong kế hoạch giúp Hàn Quốc có “khởi đầu mới” với tư cách là “quốc gia trọng điểm toàn cầu” mà ông nêu trong phát biểu tranh cử.

Phái đoàn Hàn Quốc đã chuyển tới ông Kishida một bức thư từ ông Yoon. Thủ tướng Kishida sau khi nhận thư đã nói rằng hợp tác chiến lược Mỹ – Nhật – Hàn là cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh an ninh quốc tế bị đe dọa, đồng thời cử Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi tới lễ nhậm chức của Tổng thống Yoon hồi đầu tháng.

Tuy nhiên, bình luận viên Hancocks cho rằng ngay cả khi các nhà lãnh đạo Nhật, Hàn đặt lợi ích quốc gia lên trên bất đồng quá khứ, họ vẫn phải chú ý đến phản ứng của dư luận trong nước trước thềm những cuộc bầu cử quan trọng sắp tới.

Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử địa phương trong tháng 6, trong khi Nhật Bản sẽ bầu thượng viện vào tháng 7.

Giáo sư Kohtaro Ito, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Toàn cầu Canon (CIGS), cho biết phần lớn cử tri tại Nhật Bản là thế hệ già, có quan điểm dân tộc chủ nghĩa và ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Hàn Quốc. Do đó, ông Ito nhận định Tổng thống Biden khó có thể tạo ra bất kỳ đột phá nào trong chuyến thăm.

Revere có chung quan điểm. “Chủ nghĩa dân tộc thường tác động rất lớn đến mối quan hệ và các vấn đề lịch sử giữa hai nước, có thể cản trở bất cứ nỗ lực hòa giải nào”, ông nói.

Đức Trung (Theo CNN/Kyodo News)