Ô nhiễm nhựa trong đại dương ngày càng nghiêm trọng

Theo báo cáo của WWF, 88% các loài sinh vật biển mà tổ chức này nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm nhựa rất nghiêm trọng. Ít nhất có 2.144 loài phải sống trong môi trường ô nhiễm nhựa. Báo cáo cũng dự đoán sản lượng nhựa sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, khiến lượng rác thải nhựa trên đại dương tăng gấp 4 lần. Hiện mỗi năm có khoảng 14 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra đại dương.

leftcenterrightdel

 Ô nhiễm nhựa đại dương hiện là một trong những thách thức lớn nhất toàn cầu. Ảnh minh họa: tapchimoitruong.vn

Nhựa là một loại polymer hữu cơ tổng hợp được làm từ dầu mỏ với các đặc tính lý tưởng phù hợp cho nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau, như: Bao bì đóng gói, thiết bị gia dụng, thể thao, xe cộ, điện tử, nông nghiệp, xây dựng… Khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hằng năm, một nửa trong số đó là các sản phẩm sử dụng một lần như túi nylon, cốc nhựa, ống hút… Tuy nhiên, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần rất khó bị phân hủy và có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm.

Rác thải nhựa trong đại dương có nguồn gốc từ đất liền, bị cuốn theo những dòng chảy từ các đô thị, do tràn cống, xả rác, chất thải từ các hoạt động công nghiệp và xây dựng… Ô nhiễm nhựa trên đại dương cũng bắt nguồn từ ngành đánh bắt cá, các hoạt động hàng hải và nuôi trồng thủy sản.

Dưới tác động của bức xạ tia cực tím, gió, dòng chảy và các yếu tố tự nhiên khác, nhựa bị phân hủy thành các hạt nhỏ được gọi là hạt vi nhựa hoặc nano nhựa. Kích thước nhỏ khiến chúng dễ dàng bị các sinh vật biển vô tình ăn phải.

Với mức độ ô nhiễm nhựa đang ở quy mô toàn cầu, chi phí loại bỏ nhựa ra khỏi môi trường là rất lớn. Do đó, đa số giải pháp cho vấn đề ô nhiễm nhựa đều tập trung vào việc ngăn chặn rác thải nhựa hoặc hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa.

Nhận thức về tình trạng ô nhiễm nhựa trong đại dương cũng chính là một trong những lý do mà Hội nghị thượng đỉnh Một đại dương (One Ocean Summit) được tổ chức tại thành phố biển Brest ở miền Tây nước Pháp. Hội nghị diễn ra từ ngày 9 đến 11-2 với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo trên khắp thế giới. Mục tiêu hội nghị hướng tới bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển, đồng thời đạt được tiến bộ về một số trật tự pháp lý trước hội nghị quốc tế về môi trường của Liên hợp quốc tại New York dự kiến vào tháng 3 tới.

HIỀN MINH