Ô nhiễm môi trường nước là gì ? Quy định về ô nhiễm môi trường nước

Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Người dân chưa được cung cấp nguồn nước sạch mà phải sử dụng các nguồn nước thay thế từ nước ngầm, nước mưa, nước từ các nguồn cung cấp không đảm bảo

 

1. Ô nhiễm môi trường nước được hiểu như thế nào ?

Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị bẩn, đồng thời các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và các sinh vật khác.

Các loại ô nhiễm môi trường hiện nay được phân ra theo những hình thức sau:

– Ô nhiễm môi trường đất.

– Ô nhiễm môi trường nước.

– Ô nhiễm môi trường không khí.

– Ô nhiễm tiếng ồn.

Trong đó ô nhiễm môi trường nước được quy định như sau

Ô nhiễm môi trường nước là việc nguồn nước tại các ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, mạch nước ngầm, biển…. chứa các chất độc hại với hàm lượng cao gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người và động thực vật.

Những chất độc hại này đến từ tự nhiên và đặc biệt là từ công nghiệp, sinh hoạt là những tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường nước như hiện nay.

 

2. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước

Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước toàn cầu như hiện nay được chia làm hai phần là: ô nhiễm môi trường nước tự nhiên và nhân tạo.

– Ô nhiễm do nguồn gốc tự nhiên.

– Ô nhiễm do nước thải sinh hoạt.

– Ô nhiễm do hoạt động các khu công nghiệp.

– Ô nhiễm do hoạt động sản xuất nông nghiệp.

– Ô nhiễm do rác thải y tế.

 

2.1 Ô nhiễm môi trường nước có nguồn gốc tự nhiên

Ô nhiễm tự nhiên đến từ việc tuyết tan, mưa, lũ lụt, gió bão… Ngoài ra còn có thể đến từ các hoạt động sống của sinh vật, kể cả xác chết. Khi cây cối và sinh vật chết đi, xác của chúng sẽ bị vi sinh vật phân huỷ thành chất hữu cơ. Một phần chất hữu cơ sẽ ngấm vào lòng đất và nước ngầm. Điều này gây ô nhiễm nguồn nước ngầm rồi dần dần ngấm vào sông hồ, suối, biển…Nguyên nhân chủ yếu là do xác chết động vật lâu ngày bị phân hủy và ngấm vào lòng đất, chảy vào mạch nước ngầm, hay các thiên tai bão lũ khiến các nguồn nước bị ô nhiễm lẫn vào các dòng nước sạch làm ô nhiễm cục bộ nguồn nước.Nhưng đây chỉ là nguyên nhân thứ yếu gây nên ô nhiễm môi trường nước như hiện tai, nguyên nhân chính vẫn đến từ các tác nhân nhân tạo.

 

2.2 Ô nhiễm môi trường nước có nguồn gốc nhân tạo

– Ô nhiễm do hoạt động của nhà máy, khu công nghiệp

Tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá tăng nhanh gây áp lực lên tài nguyên nước. Theo đó, mỗi khi hoạt động, các nhà máy sẽ có chất thải công nghiệp. Nước thải công nghiệp không có thành phần cố định. Thành phần cấu tạo phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất của mỗi công ty. Nhưng dù thành phần như thế nào thì nó cũng có hại. Các chất gây hại chính có thể kể đến COD, BOD5 và SS. Khi thải ra, các chất thải sẽ được thải vào sông, biển. Khi không được xử lý kỹ sẽ khiến các nguồn nước này bị ô nhiễm. Con người hoặc sinh vật uống phải nước này sẽ có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

– Ô nhiễm do nước thải sinh hoạt

Tình trạng ô nhiễm nước ở các đô thị, nước thải, rác thải sinh hoạt không có hệ thống xử lý tập trung mà trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận (sông, hồ, kênh, mương). Mặt khác, còn rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, phần lớn các bệnh viện và cơ sở y tế lớn chưa có hệ thống xử lý nước thải, một lượng rác thải rắn lớn trong thành phố không thu gom hết được… là những nguồn quan trọng gây ra ô nhiễm nguồn nước.

Trong nguồn nước thải này còn chứa các chất gây ô nhiễm như: Na+, K+, PO43, CL-…..

– Ô nhiễm do đô thị hóa

Tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá khá nhanh và sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước trong vùng lãnh thổ. Môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn. Ở các thành phố lớn, đông dân chất thải do sinh hoạt cũng là một nguyên nhân quan trọng đang gây ô nhiễm môi trường nước.

– Nước nông nghiệp

Từ những hoạt động như chăn nuôi, trồng trọt của các bà con nông dân cũng dẫn đến ô nhiễm môi trường khi thức ăn thừa, phân động vật chưa được xử lý được thải ra môi trường hằng ngày. Ngoài ra nhiều hộ nông dân còn sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học làm các chất độc hại này thấm xuống đất và ngấm vào mạch nước ngầm làm ô nhiễm môi trường nước ngầm.

Đặc biệt còn có những hộ dân sử dụng các hóa chất cấm để bón, tưới cho cây trồng không những nguy hại đến sức khỏe con người mà còn làm tình trạng ô nhiễm môi trường nước trở nên nặng hơn.

– Nước thải y tế

Nước thải y tế từ các phòng thí nghiệm, phẫu thuật, các cơ sở rửa thực phẩm…. luôn mang theo các mầm bệnh, vi rút, khi chưa được xử lý mà thải ra môi trường sẽ khiến các vi rút lây lan nhanh ra môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước và sức khỏe con người.

– Nước thải công nghiệp

Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước như hiện nay, bởi vì tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng nhanh, kéo theo đó là các khu công nghiệp mọc lên để đáp ứng nhu cầu của con người.

Ở các khu công nghiệp các nhà máy xả thải hàng nghìn m3 nước ra môi trường mỗi ngày mà chưa qua xử lý kéo theo nguồn nước tại các khu vực này ô nhiễm nặng khiến cho tuổi thọ, sức khỏe của người dân tại đây ngày càng giảm sút. Đáng báo động hơn là tính trạng “Làng Ung Thư” xuất hiện càng ngày càng nhiều quanh các khu công nghiệp.

Ngoài ra các sự cố tràn dầu cũng khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng và các sinh vật biển chết hàng loạt.

 

3. Hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường nước

Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm lâu ngày sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột, dịch tả, các bệnh lý về da, nguy hiểm hơn còn khiến chúng ta ngộ độc, mắc các bệnh như ung thư, dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ…. 

Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỉ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước như viêm da, tiêu hoá, tiêu chảy và nguy cơ ung thư ngày càng cao. Tại một số địa phương, trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ung thư, viêm nhiễm phụ khoa chiếm từ 40 – 50%, nguyên nhân là do từng sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Theo đánh giá của các Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 9000 người chết vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; trên 100.000 trường hợp mắc ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra ô nhiễm nguồn nước đang gây tổn thất lớn cho các ngành sản xuất kinh doanh,nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản…
 
Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, khi sử dụng nước nhiễm asen để ăn uống, con người có thể mắc bệnh ung thư trong đó thường gặp là ung thư da. Ngoài ra, asen còn gây nhiễm độc hệ thống tuần hoàn khi uống phải nguồn nước có hàm lượng asen 0,1mg/l. Vì vậy, cần phải xử lý nước nhiễm asen trước khi dùng cho sinh hoạt và ăn uống.
 
Người nhiễm chì lâu ngày có thể mắc bệnh thận, thần kinh, nhiễm Amoni, Nitrat, Nitrit gây mắc bệnh xanh da, thiếu máu, có thể gây ung thư. Nhiễm Natri (Na) gây bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch; nhiễm lưu huỳnh gây bệnh về đường tiêu hoá; nhiễm Kali, Cadimi gây bệnh thoái hoá cột sống, đau lưng. Hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản thực phẩm, phốt pho… gây ngộ độc, viêm gan, nôn mửa.
 
Vi khuẩn, ký sinh trùng các loại là nguyên nhân gây các bệnh đường tiêu hóa, nhiễm giun, sán. Kim loại nặng các loại: titan, sắt, chì, cadimi, asen, thuỷ ngân, kẽm gây đau thần kinh, thận, hệ bài tiết, viêm xương, thiếu máu.
 
Trước vấn đề ô nhiễm môi trường nước ngày một trầm trọng,yêu cầu đặt ra là phải có chính sách, kế hoạch cụ thể, lâu dài và điều quan trọng nhất là cần là có sự chung tay của cả động đồng. Do đó, trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác động của ô nhiễm nguồn nước đến môi trường cũng như sức khỏe của mỗi người.Cùng với đó cũng cần có những quy định nghiêm ngặt hơn về việc xử lý các chất thải và rác thải từ các doanh nghiệp sản xuất. 

 

4. Thực trạng ô nhiễm môi trường nước Tại Việt Nam và trên thế giới

Ngày nay cách ngành công nghệ, công nghiệp ngày càng phát triển nhằm đáp ứng và nâng cao chất lượng đời sống của con người. Nhưng kéo theo đó cũng chính là những hệ lụy có thể hủy hoại môi trường sống của con người và các sinh vật, thực vật trên địa cầu.

Việc công nghiệp hóa quá mức, lạm dụng nguồn nước đã khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở mức đáng báo động. Á châu chính là châu lục có mức độ ô nhiễm cao nhất trên thế giới, tình trạng các chất độc trong nước ở đây cao gấp 3 lần so với chỉ số trung bình trên thế giới.

Tại Bangladesh gần 1,2 triệu dân phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm khi chỉ có 15% là nước sạch đạt chuẩn.

Đáng chú ý đây chỉ là những con số thống kê về thực trạng ô nhiễm môi trường nước trên thế giới với nguồn nước bề mặt, còn những nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm cũng chính là vấn đề nan giải của các quốc gia trên thế giới.

 Theo số liệu thống kê ô nhiễm môi trường nước của UNEP thì 60% nguồn nước trên các dòng sông của 3 châu lục Á-Phi-Âu bị ô nhiễm. Theo Unicef thì 5 quốc gia có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất là: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam.

200 triệu dân của Indonesia thiếu nước sạch trầm trọng, trong khi chính phủ nước này chưa có biện pháp cụ thể nào để khắc phục hậu quả trên thì ý thức người dân ở đây vẫn chưa được cải thiện khiến cho nguồn nước tại nước này ngày càng ô nhiễm trầm trọng.

Chương trình “Sông sắt” của chính phủ nhằm đánh giá chất lượng nguồn nước thải của các công ty, doanh nghiệp mặc dù đã cải thiện phần nào tính trạng ô nhiễm môi trường nước nhưng là chưa đủ để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng này.

Tại Việt Nam có khoảng 17 triệu dân chưa tiếp cận được nước sạch (báo cáo mới nhất của viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường). Họ phải sử dụng các nguồn nước ô nhiễm từ nước mưa, nước giếng khoan, và nước máy lọc chưa đảm bảo an toàn.

Tại Hà Nội có hơn 1.000m3 rác thải và gần 400.000m3 nước thải thải ra môi trường mỗi ngày nhưng chỉ có khoảng 10% trong số đó được xử lý. Lượng nước thải của Thủ đô đổ hết ra các sông ngòi, kênh rạch như: Sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đà, hồ Linh Đàm,… Đáng chú ý con sông Tô Lịch từng được xem là “Long Mạch của Thủ đô” nay tình trạng ô nhiễm đã rất cao. Nước bốc mùi hôi thối khiến người dân, du khách không thể “thở nổi” khi đi ngang qua đây.

Tại cụm khu công nghiệp Thanh Lương Hồ Chí Minh ước tính mỗi ngày có khoảng 5.000m3 nước thải ô nhiễm từ các nhà máy giấy, bột giặt, nhuộm…. Tại các khu vực kênh quanh các quận 8,11,6,.. đang bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt là kênh Tàu Hủ khi nơi đây là nơi tập kết lượng nước, rác thải tại các quận đổ về. Nhiều hộ dân sống tại đây phải đối mặt với tính trạng ô nhiễm nguồn nước nặng và mùi hôi thối từ kênh Tàu Hủ bốc lên mỗi ngày. Ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của các hộ dân sống gần đây.

Theo Bộ Y tế, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn trung bình mỗi năm có đến 9000 người chết do sử dụng nguồn nước bẩn, hơn 100.000 người mắc ung thư.

 

5. Xử lý nguồn nước thải đúng cách

Xử lý nước thải đúng cách chính là cách làm giảm tối thiểu. Do đó, cần có quy trình xử lý và làm sạch nước tiên tiến ở một số nước phát triển.

Áp dụng công nghệ xử lý nước thải giúp loại bỏ được những mầm bệnh cho gia đình bạn.

Bên cạnh đó còn bảo trì và sửa chữa lại những cơ sở hạ tầng xử lý nước thải tránh bị rò rỉ và bị lỗi. Những bể chứa tự hoại trong gia đình của bạn cần phải đảm bảo được việc xử lý nước thải. Thánh để nước thải thấm dần vào đất.

Xử lý rác sinh hoạt đúng cách

Việc xử lý rác thải cần chuẩn bị được những vật dụng có nắp đậy kín. Và có thể chứa đựng được tất cả các loại rác thải sinh hoạt trong một ngày. Nhất là đối với những khu tập thể và những nơi công cộng hiện nay. 

Ngoài ra, cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh. Đối với rác thải sinh hoạt đúng cách và hợp vệ sinh để tránh gây ô nhiễm nguồn nước.

Tiết kiệm nước cho gia đình

Hiện nay, để tránh được tình trạng ngày càng ô nhiễm nguồn nước và ngày càng cạn kiệt. Chúng ta cần thực hiện được một số những phương pháp nhằm tiết kiệm nguồn nước sinh hoạt. Tránh sự lãng phí bằng những cách đơn giản và thiết thực nhất. Chẳng hạn như tắt vòi nước khi đánh răng, kiểm tra thường xuyên đường ống dẫn nước …

Thực hành nông nghiệp xanh

Đối với những người nông dân có thể hướng đến việc thực hành nông nghiệp xanh. Bằng cách xây dựng và thực hành những kế hoạch về quản lý chất dinh dưỡng dư thừa và đất và nước ngầm. Quản lý dư lượng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu bằng cách sử dụng kỹ thuật quản lý dịch hại hoặc kiểm soát dịch hại sinh học. Làm giảm thiểu được sâu bệnh và sự phụ thuộc vào hóa chất.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Biện pháp tốt nhất để bảo vệ nguồn nước chính là nâng cao ý thức của người dân. Chỉ cần những người trong chúng ta tự giác bảo vệ nguồn nước sạch. Thì chúng ta sẽ có được cộng đồng tốt để bảo vệ nguồn nước. 

Có thể từ những việc nhỏ hàng ngày chẳng hạn như xả rác vào đúng nơi quy định, tắt khi không sử dụng nước, không xả chất độc hại ra môi trường,…

Khuyến khích nông dân xây dựng các hầm chứa, hầm biogas để xử lý phân và nước tiểu của các động thực vật. Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, đặc biệt là các hóa chất cấm.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến bài viết Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại.Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)