Ô nhiễm môi trường không khí – Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục – Công ty Môi trường CCEP
Ô nhiễm môi trường không khí đã và đang là mối quan tâm của toàn nhân loại. Qua bài viết này, Công ty Môi trường CCEP sẽ chỉ ra hiện trạng và cách khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí hiện nay.
Thành phần của không khí và bầu khí quyển gồm có nitơ (78,1% theo thể tích), oxy (20,9% theo thể tích), với một lượng nhỏ agon (0,9%), Carbon dioxide (khoảng 0,035%), hơi nước và một số các chất khí khác. Bầu khí quyển trái đất bảo vệ cuộc sống trên Trái Đất bằng cách hấp thụ các tia UV từ mặt trời & tạo ra các hình thái thời tiết phù hợp với môi trường sống của động thực vật và con người.
Mục Lục
Khái niệm ô nhiễm môi trường không khí
Theo Wikipedia:
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí. Chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí lạ được đưa vào không khí; có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu; gây bệnh cho con người và cũng có thể gây hại cho sinh vật khác như động vật và cây lương thực. Nó có thể làm hỏng môi trường tự nhiên hoặc xây dựng. Hoạt động của con người và các quá trình tự nhiên có thể gây ra ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí trong nhà và chất lượng không khí đô thị kém được liệt kê là hai trong số các vấn đề ô nhiễm độc hại tồi tệ nhất trên thế giới theo báo cáo của Viện Công nghiệp Blacksmith Institute vào năm 2008
Các tác nhân gây ô nhiễm môi trường không khí
Các chất gây ô nhiễm không khí là các chất trong không khí có thể gây hại cho con người và hệ sinh thái. Các chất này có thể là các hạt rắn, giọt chất lỏng, hoặc khí. Chất gây ô nhiễm thường có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người tạo ra. Chất gây ô nhiễm được phân loại sơ cấp và thứ cấp. Các chất gây ô nhiễm sơ cấp thường được phát thải từ quá trình chẳng hạn như tro từ phun trào núi lửa, từ các hoạt động sản xuất.
Các chất ô nhiễm có thể kể đến như: Carbon dioxidee (CO2), Carbon monoxide (CO), Sulfur oxide (SOx), Nito Oxide (NOx), Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), Các hạt mịn (PM), Các kim loại độc như chì và thủy ngân, và đặc biệt là các hợp chất của chúng, Chlorofluorocarbons (CFCs), Amonia (NH3)
Những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí đó là yếu tố tự nhiên & tác động của con người. Cụ thể như sau:
Ô nhiễm môi trường không khí tự nhiên
Ô nhiễm từ gió:
Gió là một trong những tác nhân quan trọng nhất trong hiện tượng ô nhiễm môi trường không khí. Các chất ô nhiễm phát thải từ nguồn thải, nhờ gió mà phát tán đi xa, gây ảnh hưởng diện rộng và nhanh chóng hơn.
Gió có thể mang bụi từ nguồn phát sinh bụi ra các khu vực lân cận khác, hoặc đi xa hơn tùy thuộc vào hướng gió và tốc độ gió.
Bão:
Bao gồm nhiều loại như: bão tuyết, bão cát, bão bụi và bão gió mưa thông thường. Đi kèm với bão là gió giật mạnh, là tác nhân gây ra sự chuyển dời của các hạt bụi, cát vào trong không khí và được di chuyển ra nơi khác. Trong các loại bão thì bão cát và bão bụi là ảnh hưởng nhiều đến môi trường không khí nhất.
Cháy rừng:
Cháy rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí ở một vài khía cạnh sau:
- Phát thải lượng khí lớn COx, NOx… vào không khí gây ra hiệu ứng nhà kính, nóng lên toàn cầu.
- Tiêu hủy và giảm diện tích của các cánh rừng, là các lá phổi xanh của trái đất
Núi lửa:
Khi núi lửa phun trào. Một lượng lớn dung nham, tro núi lửa, và khí thải thoát ra từ một lò Magma ở dưới bề mặt trái đất.
Tro núi lửa theo gió bay đi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một diện tích rất rộng. Ngoài ra các khí thải phát sinh ra từ núi lửa tiếp xúc với hơi ẩm trong không khí tạo ra mưa axit trên diện rộng, ảnh hưởng không chỉ đến môi trường mà nhiều loài thực vật, động vật. Trong quá khứ đã từng diễn ra mùa đông núi lửa gây ra nạn đói trên diện rộng.
Xem thêm về
Mùa đông núi lửa
Ô nhiễm môi trường không khí do con người
Bên cạnh tự nhiên, khi nền công nghiệp phát triển, con người là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí. Những hoạt động của con người như sinh hoạt, sản xuất, xây dựng và giao thông… đã đang và ngày càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí; khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng và bức thiết hơn.
Một số ảnh hưởng từ con người gây ra ô nhiễm môi trường không khí:
– Hiệu ứng nhà kính – Nóng lên toàn cầu
Do các hoạt động sản xuất phát thải các khí thải gây hiệu ứng nhà kính
– Thủng tầng Ozone:
Tầng Ozone là lá chắn giúp bảo vệ trái đất khỏi tia UV phát sinh từ mặt trời xuống trái đất.
Thủng tầng Ozone là hiện tượng suy giảm lượng Ozone trong tầng bình lưu. Theo thông kê từ năm 1979 đến 1990 lượng Ozone trong tầng bình lưu đã suy giảm 5% (theo Wikipedia). Sự phát thải các chất khí như Cacbon Tetrachloride, các hợp chất của Brom, các hợp chất cacbon của clo và flo (CFC – chlorofluorocacbons) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng Ozone.
Các nguyên tử Clo trong các hợp chất này được giải phóng bởi tia cực tím; sẽ trở thành chất xúc tác hủy diệt các phân tử Ozone trong một chu kỳ khép kín. Một nguyên tử Clo đơn độc sẽ phân hủy Ozone mãi mãi nếu như không có các phản ứng khác mang nguyên tử Clo này ra khỏi chu kỳ.
– Mưa axit: Như đã trình bày ở trên, khi các khí sinh ra trong quá trình đốt nóng như NOx, COx, SOx… tiếp xúc với độ ẩm trong không khí gây ra axit, lượng axit này theo mưa rơi xuống bề mặt trái đất gây ra hiện tượng mưa axit.
Một số nguyên nhân gây ô nhiễm không khí dưới tác động của con người:
– Trong các ngành sản xuất có sử dụng các khí thải chứa các hợp chất CFC. Trong một thời gian dài, ngành sản xuất điều hòa, tủ lạnh thường sử dụng các khí thải chứa hợp chất CFC để làm lạnh. Ở thời kỳ này quá trình suy giảm tầng Ozone diễn ra nghiêm trọng. Chính vì lẽ đó, hiện nay người ta cấm sử dụng các chất CFC trong ngành công nghiệp làm lạnh.
– Khói, bụi và khí thải ô nhiễm từ các nhà máy:
Là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí, ảnh hưởng cả đến nguồn nước & nguồn thức ăn của các loài động thực vật.
Trong khói bụi từ các nhà máy có một lượng lớn các khí COx, SOx, NOx, các chất hữu cơ chưa cháy hết (muội than, bụi) với nồng độ cực cao. Các khí này nếu không được xử lý khí thải tốt sẽ ảnh hưởng rất xấu đến môi trường. Là nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính làm nóng lên toàn cầu.
Các khí này cũng là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng mưa axit, gây nhiều thiệt hại cho động thực vật và cho chính con người.
– Ô nhiễm môi trường không khí đến từ các hoạt động giao thông:
Lượng khói, bụi đến từ các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu khí đốt để hoạt động… chiếm một phần rất lớn bởi các phương tiện giao thông đang ngày một tăng cao.
Các phương tiện giao thông sử dụng nguyên liệu đốt chứa nhiều tạp chất; hay công nghệ đốt không tối ưu dẫn đến phát sinh ra nhiều các chất khí ô nhiễm không mong muốn. Lượng khí thải này tăng rất nhanh theo thời gian.
– Ô nhiễm đến từ các quá trình sản xuất nông nghiệp
Các quá trình chăn nuôi phát sinh các khí Amonia (NH3), và Carbon dioxidee (CO2).
– Các cuộc tập trận và thử nghiệm vũ khí trong chiến tranh và sản xuất vũ khí:
Việc thử nghiệm các vũ khí hạt nhân gây phát thải các chất phóng xạ vào không khí. Các khí độc sinh ra do các vũ khí chiến tranh; các chất hóa học trong vũ khí hóa học & tên lửa cũng là một trong các nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm môi trường không khí.
Giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường không khí
Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng. Do đó để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường không khí; cần phải có những giải pháp quyết liệt và cụ thể. Hiện nay thế giới cũng rất chú trọng đến vấn đề giải quyết và hạn chế ô nhiễm môi trường không khí. Điều này được thể hiện qua các chính sách, luật bảo vệ môi trường, các yêu cầu khắt khe hơn về mặt kỹ thuật được thể hiện qua các tiêu chuẩn và quy chuẩn đối với từng ngành sản xuất riêng biệt.
Các biện phát kỹ thuật để cải thiện như:
- Cải tiến dây chuyền công nghệ, máy móc lạc hậu gây ô nhiễm bằng các dây chuyền công nghệ hiện đại, máy móc và thiết bị sử dụng có hiệu suất sử dụng nguyên liệu cao hơn. Từ đó hạn chế được các chất ô nhiễm phát thải ra môi trường không khí.
- Thay thế nhiên liệu đốt cháy từ than đá, dầu mazut bằng việc sử dụng các nhiên liệu đã được tinh luyện để lọc bớt tạp chất như Xăng A95. Hoặc sử dụng nhiêu liệu hữu cơ như xăng E5… để ngăn chặn ô nhiễm không khí bởi mồ hóng và SO2.
- Sử dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, và sóng biển….
- Đưa ra nhiều chính sách và quy hoạch cụ thể:
– Xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy tại các địa điểm xa khu dân cư, thành phố lớn.
– Đưa ra các quy định, và luật về việc xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường không khí.
– Phát triển các phương tiện công cộng và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng để giảm thiểu phát thải các khí thải nhà kính
- Bảo vệ rừng, trồng rừng.
Quy hoạch các công viên cây xanh trong thành phố, các hàng rào cây xanh quanh khu vực sống.
Có các chương trình nâng cao ý thức của người dân về việc ô nhiễm môi trường sống và bảo vệ môi trường sống.
Công ty môi trường CCEP
Website: http://ccep.com.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/nuocthaikhithai/
Hotline:
091.789.6633
Email: [email protected]
Xưởng sản xuất thiết bị: Xuân Trạch – Xuân Canh – Đông Anh – Hà Nội
VPDD: Nhà NV 6.1 Khu đô thị Viglacera Hữu Hưng – 272 Hữu Hưng – Nam Từ Liêm – Hà Nội
5/5 – (1 bình chọn)