Nuôi trâu chọi ở Hải Lựu mùa dịch COVID-19

Chú thích ảnh
Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc. Ảnh (tư liệu): Minh Đức/TTXVN

Lễ hội chọi trâu truyền thống Hải Lựu là lễ hội truyền thống có từ lâu đời của người dân xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội được khôi phục năm 2002, tổ chức vào ngày 16-17 tháng Giêng. Trước đây, Lễ hội có 32 “ông Cầu” (trâu) tham gia so tài ở hai vòng thi đấu, tuy nhiên, từ năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định Lễ hội chọi trâu truyền thống Hải Lựu tổ chức với quy mô thu gọn, chỉ gồm 20 trâu và không bán vé.

Chúng tôi đến xã Hải Lựu những ngày giáp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, không khí xuân đang về trên vùng quê ven bờ sông Lô này. Tuy nhiên, khác với mọi năm, trên các tuyến đường năm nay, không có băng rôn, khẩu hiệu quảng bá Lễ hội chọi trâu. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản tạm dừng tổ chức các lễ hội có quy mô lớn, trong đó có Lễ hội chọi trâu Hải Lựu.

Lễ hội phải tạm dừng tổ chức, nhưng không vì thế mà người nuôi trâu chọi ở Hải Lựu lơ là việc chăm sóc những “ông Cầu”. Ông Dương Văn Hải, thôn Thống Nhất, xã Hải Lựu – người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong tìm và huấn luyện trâu chọi cho biết: Trâu chọi sau khi làm lễ trình Thành hoàng làng được gọi là “ông Cầu”. Việc chọn được “ông Cầu” có “tướng” là việc rất khó mà chỉ người trong nghề mới nắm kỹ được.

Trâu chọi phải có tướng hùng dũng và độ gan lỳ. Ngoài việc đảm bảo các yêu cầu về độ tuổi, cân nặng mà ban tổ chức lễ hội đưa ra, trâu chọi phải có vòng ngực tối thiểu là 2,05m, cổ rộng, sừng cân và hướng tiền, mắt nhỏ, mi dày, chân to, móng hến…

Chuồng trại nuôi trâu lúc nào cũng phải sạch sẽ, mùa hè thoáng mát, mùa đông che chắn gió cẩn thận. Hàng ngày người chủ phải thường xuyên chuyện trò, gãi lưng, xoa đầu để tạo sự gần gũi với trâu.

Khi người chủ và “ông Cầu” đã “tâm đầu ý hợp” thì việc luyện tập mới được đảm bảo. Thông thường, trâu chọi sẽ có 4 miếng đánh cơ bản: Hổ lao, móc mắt, ngáng chân và khóa sừng. Tuy nhiên, không một con trâu nào hội tụ đủ cả 4 miếng đánh này. Vì vậy, người luyện trâu phải biết nhìn nhận những điểm mạnh của mỗi con để tập luyện cho chúng. Ngoài việc cho tập húc, hàng ngày, chủ trâu còn dắt “ông Cầu” ra gần sới chọi để làm quen với sân đấu.

Vừa dắt “ông Cầu” của gia đình đi tắm, anh Hán Văn Quyết, thôn Dân Chủ, xã Hải Lựu chia sẻ: Nuôi trâu chọi kỳ công, khác hoàn toàn với nuôi trâu thường. Người nuôi phải biết các kỹ thuật chăm sóc và các miếng đánh.

Trâu của gia đình anh Quyết được 8 tuổi, là dòng trâu đại, có nguồn gốc từ Campuchia. Anh Quyết mua lại của chủ trâu cũ với giá 100 triệu đồng cách đây gần 2 năm. Hàng ngày, anh Quyết cho trâu đi bộ thể dục. Rồi cho trâu ra đồng  húc đất, đằm bùn, sau đó đưa trâu đi tắm. Hàng ngày phải xuống chuyện trò, gãi lưng, xoa đầu, xoa tai cho chúng.  Khẩu phần ăn của trâu chọi cũng đặc biệt hơn trâu bình thường. Mỗi ngày trâu ăn hết 4 kg mật mía, 6 kg ngô nấu và các loại cỏ, cây ngô. Hiện chú trâu của gia đình anh nặng khoảng 1 tấn, trông trâu khỏe mạnh, cặp sừng to, rộng  và đen nhánh.