Nước mắt mang tên “hạnh phúc” của những bà mẹ hiếm muộn
Đó là lần chị Minh đặt cược tất cả niềm tin, sự hy vọng vào lần thụ tinh trong ống nghiệm cuối cùng, khi chồng chị ngăn cản “Lúc trẻ không có khả năng có con, giờ cao tuổi thì làm gì còn hy vọng. Em không cần phải cố gắng nữa”.
Đây là một trong những câu chuyện đặc biệt được chị Nguyễn Thị Minh (1977) và anh Mẫn Xuân Minh (1973) chia sẻ tại lễ kỷ niệm tám năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (2012 – 2020) và Hội thảo tổng kết “Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2020 – Hạnh phúc sẻ chia” ngày 12-7.
Chồng quyết đi xuất khẩu lao động kiếm tiền để “săn con”
Bế cậu con trai 9 tháng tuổi Mẫn Xuân Thiện Nhân giống mình y đúc, anh Mẫn Xuân Minh (1973, Hiệp Hòa, Bắc Giang) tủm tỉm kể: “Cuối cùng vợ cũng đã “đẻ thuê” được cho mình”.
Sau 20 năm trải qua những cung bậc cảm xúc, có lúc tuyệt vọng vì có bao nhiêu tiền, hai vợ chồng lại lên khăn gói quả mướp đi chữa hiếm muộn, thì giờ hạnh phúc rạng ngời luôn thường trực trong đôi mắt của đôi vợ chồng đã ở tuổi U50.
Năm 2008, chị Minh lần đầu tiên làm IVF sau tám năm hôn nhân. Kinh phí cạn kiệt của nhiều lần chạy chữa đông, tây y và lần IVF này khiến gia đình chị kiệt quệ. Anh Minh đành phải đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền giả nợ.
Năm 2015, hai vợ chồng có chút vốn lại định làm IVF tại một bệnh viện sản tuyến Trung ương. Nhưng nỗi sợ hãi vì lần làm IVF thất bại và kinh tế chưa đủ dư dả, anh chị lại quyết định từ bỏ.
Bé Thiện Nhân là trái ngọt sau 20 năm ròng rã tìm kiếm của anh, chị Minh.
Năm 2018, sau 10 năm bôn ba xứ người, anh Minh về hẳn quê hương. Lúc này, số nợ cũ đã trả hết, anh Minh nói với vợ, không nghĩ đến chuyện chạy chữa nữa, cứ thế mà ở. Nhưng chị Minh vẫn đau đáu nỗi khao khát làm mẹ. Họ đặt cược vào cơ hội cuối năm 2018 tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vào tháng 11-2018.
Hai tháng sau, chị Minh hồi hộp với cuộc chuyển phôi lần đầu tiên. Đó là ngày bác sĩ Lê Thị Thu Hiền (Phó Giám đốc BV) khuyên chị cân nhắc: “Niêm mạc rất xấu, khó thụ thai. Nếu em quyết, nên chỉ chuyển phôi ở top khá, giành phôi tốt cho lần sau”.
Bác sĩ không lạc quan, anh chị chần chừ. Bấy giờ, anh Minh vỗ về vợ: “Em cứ chuyển phôi đi”. Sáu ngày sau chuyển phôi, chị lén chồng ôm mặt khóc trong nhà vệ sinh vì nhìn thấy hai vạch mờ ở que thử. Chị lén đi xét nghiệm máu và bật khóc nức nở khi biết mình đã có thai sau 11 năm thất bại.
Chị Nguyễn Thị Minh làm mẹ ở tuổi 42 đã trải qua hành trình 20 năm đầy nước mắt.
Và cứ thế, chị đếm hạnh phúc từng ngày với mầm sống trong cơ thể. Bị dọa sẩy, nằm viện liên tục, bị tiểu đường thai kỳ… nhưng tất cả những điều đó vẫn không ngăn cản duyên mẹ con của chị Minh với bé Nhân cho tới tuần thứ 39. Thời điểm đó, những trận khóc nhiều vì sợ hãi của chị Minh, vẫn luôn có anh Minh bên cạnh an ủi: “Em đừng khóc để có sức khỏe tốt nhất. Việc gì đến, nó sẽ đến”.
Chị tâm sự, ngày biết bản thân không thể mang thai do lạc nội mạc tử cung, bị cắt bỏ vòi tử cung và đã từng làm IVF thất bại, nỗi buồn lớn nhất không phải từ phía gia đình hai bên nội ngoại, mà vì chính áp lực xã hội. Nhưng chính anh Minh là người trấn an chị suốt 20 năm qua. “20 năm là hành trình rất dài với bất kỳ cặp vợ chồng nào. Ở lại với nhau, đồng hành với nhau đến hôm nay, không những bản thân vợ chồng mừng phát khóc mà anh em, bạn bè cũng mừng. Có người gọi điện và òa khóc thay cho vợ chồng tôi”, chị Minh tâm sự.
Các bác sĩ đã can thiệp thành công cho chị Minh trong lần IVF thứ 2.
Ánh sáng cuối đường hầm cho nhiều gia đình hiếm muộn
Nhờ sự hỗ trợ của can thiệp sinh sản hiện đại, nhiều cặp vợ chồng đã nhân đôi hạnh phúc khi chào đón những đứa con chào đời khỏe mạnh.
Gia đình chị Lê Thị Xuân (1984) – anh Nguyễn Minh Thắng (1977) ở Sóc Sơn, Hà Nội có con gái đầu lòng năm 2007 sau một năm cưới. Nhưng đến năm 2012, khi sinh bé trai thứ hai, bé chẳng may bị bệnh do bố mẹ đều mang gien Thalassemia và mất khi vừa một tuổi.
Năm 2018, hai vợ chồng tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại đây, gia đình được các bác sĩ tư vấn thực hiện thụ tinh ống nghiệm với sự hỗ trợ của kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ.
BS Lê Thị Thu Hiền cho biết, kết quả đã chuyển phôi thành công ngay từ lần đầu can thiệp. Chị Xuân đã sinh hai bé (một trai, một gái) vào đầu năm 2019 và hai bé hoàn toàn khoẻ mạnh, không mang gien Thalassemia như bố mẹ.
Các kỹ thuật hiện đại nhất can thiệp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Bệnh viện cũng đã can thiệp thành công cho trường hợp cả hai vợ chồng cùng mang gien Thalassemia là chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (1984) – Nguyễn Văn Luân (1985), quê Bắc Ninh.
Kết hôn năm 2007, họ có con đầu lòng vào năm 2014 nhờ thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) tại một bệnh viện khác nhưng không may bé bị Thalassemia. Hàng tháng, bé phải vào Viện Huyết Học và Truyền máu Trung ương để truyền máu. Đến tháng 6-2018, hai vợ chồng thực hiện IVF tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
BS Hiền cho biết, bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật PGT kết hợp xét nghiệm HLA (tìm sự tương thích giữa phôi xét nghiệm với em bé đã sinh ra), kiểm tra thì có một phôi chuyển được. Các bác sĩ đã chuyển phôi dị hợp thành công, chị Nguyệt sinh bé gái vào năm 2019.
“Chúng tôi đã tư vấn hai vợ chồng lấy tế bào gốc từ cuống rốn của con gái để cấy ghép tế bào gốc cho con trai mắc Thalassemia. Sau thời gian cấy ghép đến nay (hơn sáu tháng), bé trai chưa phải truyền máu lần nào như trước đây”, BS Hiền cho hay.
Hai vợ chồng cùng mang gien Thalassemia là chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (1984) – Nguyễn Văn Luân đã sinh con khỏe mạnh, không mang gen bệnh.
Trường hợp vợ chồng chị Bùi Thị Loan (1990) và anh Bùi Tiến Mạnh (1987) (Lương Sơn, Hoà Bình) cũng đặc biệt hy hữu khi đến với Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Anh Mạnh chẳng may bị chấn thương tinh hoàn, dẫn đến vô tinh. Sau hơn chín năm chạy chữa hiếm muộn, tháng 5-2018, các bác sĩ đã thực hiện mổ cho anh để lấy tinh trùng thực hiện IVF ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm với phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn). Kết quả, chị Loan đã sinh hai bé trai khỏe mạnh và đã bước sang 15 tháng tuổi khỏe mạnh, kháu khỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nói chung, khoa Hỗ trợ sinh sản nói riêng đã thực hiện thành công cho hàng ngàn ca, trong đó có không ít ca khó như: Hiếm muộn trên 20 năm thất bại sau nhiều lần IVF, cả hai vợ chồng cùng mang gien tan máu bẩm sinh (Thalassemia), người chồng vô tinh,…
ThS, BS Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc BV hạnh phúc bên các gia đình hiếm muộn đã được can thiệp thành công.
BSCKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc BV cho biết: “Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tỷ lệ thành công của các chu kỳ IVF khá cao và tăng dần theo từng năm, hiện tại là khoảng từ 50-70%. Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư của bệnh viện lẫn nỗ lực từ đội ngũ y bác sĩ, chuyên viên. Không dừng lại ở đó, chúng tôi còn luôn cố gắng để giúp hành trình tìm con của các gia đình được nhẹ nhàng, thoải mái hơn bằng các hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần thông qua những chương trình mang dấu ấn riêng của bệnh viện như Tuần lễ Vàng”.
Trong hai tuần diễn ra Tuần lễ Vàng, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã dành tặng năm nghìn suất tư vấn, khám, siêu âm, xét nghiệm tinh dịch đồ, soi tươi đường sinh dục; xét nghiệm nội tiết tố sáu chỉ số (nữ giới) (LH, FSH, Estradiol, Testosterone, Progesterol, Prolactin) miễn phí tại bệnh viện cùng nhiều hỗ trợ khác.
Năm nay, bệnh viện tiếp tục dành tặng 10 suất thụ tinh ống nghiệm miễn phí (70-100 triệu đồng/ca) cho 10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là năm thứ ha2 liên tiếp bệnh viện triển khai chương trình này.
Trong các ca được thụ tinh ống nghiệm miễn phí trong năm đầu tiên, đến nay, nhiều trường hợp đã có “quả ngọt” cũng như đã sinh bé khoẻ mạnh.