Tháp bà Pô Nagar: Hành trình của một tên gọi nữ thần

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGÔ VĂN DOANH
(Viện nghiên cứu Đông Nam Á)

     Kể từ khi tiếp nhận và tiếp tục thờ phụng cho đến nay, khu đền tháp cổ Chămpa ở Nha Trang được người Việt gọi bằng những cái tên khác nhau: Tháp Thiên Y A Na, Thiên Y cổ tháp, Tháp Thiên Y Thánh Mẫu, Tháp Bà, Tháp Bà Pô Nagar; riêng nữ thần được thờ phụng ở đây, ngoài những tên gọi trên, còn được gọi là Bà chúa tiên, Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi, Chúa Ngọc Diễn Phi. Như các nhà nghiên cứu đã nhận thấy, trong tất cả những cái tên được người Việt gọi này, chỉ cái tên Thiên Y A Na là gần nhất về phát âm với cái tên cổ của người Chăm: Yan Pu Nagara (Yan Pu được dịch nghĩa sang tiếng Việt là “thiên” với nghĩa là thần trời, ví dụ như nữ thần Thiên Mụ của chùa Thiên Mụ ở Huế). Vậy cái tên Yan Pu Nagara xuất hiện bao giờ và như thế nào trong lịch sử của khu đền Pô Nagar?

     Theo những tài liệu hiện được biết, cái tên Yan Pu Nagara xuất hiện lần đầu trong bia ký bằng chữ Chăm cổ ở cửa ra vào), khắc năm 1084/85 (năm 1006 Saka) của vua Paramabodhisatva (1081- 1086)(1). Và, ngay tại bia ký này, Yan Pu Nagara lần đầu tiên được tôn vinh là Nữ thần Hộ mệnh của Vương quốc, là nữ thần lớn (trong bia ký còn nói tới việc con trai cả của nhà vua là hoàng tử Vyu dâng cúng cho nữ thần bé (“Yan Pu Aneh”). Ngay những dòng đầu của bia ký đã cho chúng ta những tư liệu thật quý về tình hình đất nước và vương triều Chămpa thời đó: “Kính lạy! Đức vua Sri Paramabodhisatva, người đã bảo vệ vương triều và vương quốc Champa (nagara Campa) chống lại những thảm họa của chiến tranh;  vua Sri Rudravarman bị bắt làm tù binh và bị đem đi khỏi thủ đô của Campa… Vương quốc Campa đã phải lâm vào cuộc chiến tranh suốt 16 năm. Đã có 10 người đàn ông lên làm vua trong thời chiến tranh này… vua Sri Paramabodhisatva đã tham gia nhiều trận chiến… Kết quả của chiến tranh là thủ đô của vương quốc bị bỏ hoang, dân chúng rời bỏ thành phố.. Rồi thì sau đấy, một người đàn ông của vùng Panran tự đưa mình lên làm vua, còn dân chúng, vì hậu quả của chiến tranh, phải dời đến Panran… người đàn ông đó giữ được ngôi vua cho mình trong suốt 16 năm… Thế nhưng, cuối cùng thì Sri Paramabodhisatva đã được công nhận là vua của Champa; ngài đã đem quân đi đánh lại kẻ tự phong mình là vua ở Panran… kẻ tự phong vua này cùng những kẻ hùa theo hắn bị bắt làm tù binh rồi được tha… Sau sự việc trên, vua Sri Paramabodhisatva trở thành vị vua duy nhất cai quản và hưởng thụ mọi tài sản và đất đai hoàng gia của mình. Ngài đã dâng cúng cho nữ thần Po- Nagar; một mũ miện (makuta) vàng, một vòng cổ có những viên ngọc. Ngài cũng dâng cho nữ thần nhỏ (ỵan pu aneh) một số đồ dùng và đồ trang sức bằng vàng hoặc bạc và một mũ miện vàng nặng 9 thil, và một vòng cổ có những viên ngọc. Công chúa Garbhalaksmi, người chị cả của Sri Paramabodhisatva dâng cúng cho nữ thần Po Nagar một vrat (?) bằng vàng nặng 56 thil. Pulyan Sri Yuvaraja, tức hoàng tử Vyu, con trai cả của Sri Paramabodhisatva, đã dâng cúng cho nữ thần bé một chiếc đĩa bạc nặng 33 thiỉ. Trong số những cúng vật khác, có những con voi, đã được dâng lên cho nữ thần của vương quốc (yan pu nagar) và nữ thần bé vào năm Saka 1006”. Và, chỉ bắt đầu từ thời điểm được tôn lên làm Nữ thần của vương quốc, cái tên mang tính chất “ngữ nghĩa” Yan Pu Nagara mới ngày càng xuất hiện nhiều và dần dần được xác định và trở thành vị thần chính của khu đền Pô Nagar.

     Trong bia ký có niên đại thế kỷ XII (thời trị vì của Jaya Indravarman II từ 1086-1113), được khắc bằng chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ trên cột cửa trái của ngôi tháp chính, cái tên Yan Pu Nagara không chỉ được nhắc tới, mà còn được chỉ dẫn khá chi tiết về nguồn gốc(2). Ngay ở hai dòng đầu tiên của bia ký, Yan Pu Nagara đã được diễn giải là ai rồi: “l. Tôi cúi đầu thành kính trước vị thần được Brahma và các thần linh khác ca tụng và người vợ thần thánh của ngài, người mẹ của ba thế giới, người được nổi danh với cái tên Yapu- Nagara… 2. Hãy ban phước lành cho tôi, hỡi Đức Ông, người thâm nhập vào tất cả mọi vật… và, hỡi Đức Bà, người vợ thần thánh của Ngài, người nổi danh dưới cái tên Yapu-Nagara…”. Không còn nghi ngờ gì, ở bia ký này, vị thần được Brahma và các thần khác ca tụng và vị thần thâm nhập vào tất cả mọi vật, chính là Siva, còn Yapu-Nagara chính là vợ của Ngài. Cũng giống như ở bia ký của Paramabodhisatva, bia ký này cũng nói tới một nữ thần khác. Và, ở đây, nữ thần khác này có tên là Sri Maỉadakuthara. Điều đặc biệt là, ở hai dòng tiếp theo của bia ký, Sri Maladakuthara xuất hiện như đối tượng cầu nguyện chính: “3. Hãy ban hạnh phúc cho tôi, hỡi nữ thần, Người được gọi là Sri Maladakuthara, vợ của vị thần mà bụi từ hai bàn chân hình hoa sen của Ngài mỗi khi xuất hiện sẽ như những viên ngọc trên đầu các thần, các hiền nhân thiên thánh và các Asura (các quỷ). 4. Tôi cúi đầu trước thần nữ có tên Sri Maladakuthara, vợ của vị thần, mà nếu thiếu ngài, thì ngay cả các thần cũng phải chìm đắm trong đại dương của thế giới vì không có thuyền cứu giúp.” Nữ thần ở đây cũng chính là một người vợ nào đấy của thần Siva, người được ca ngợi là chiếc thuyền cứu trợ thậm chí cho tất cả các thần, và có bụi ở bàn chân hoa sen tựa như ngọc mà các thần dùng để trang điểm trên đầu. Như vậy là, như các dòng bia ký đã chỉ rõ, chính vị nữ thần chính của dòng Siva giáo là Bhagavati vốn được thờ phụng ở khu đền Pô Nagar ngay từ những ngày đầu bên cạnh vị thần tối cao-người chồng của mình là thần Siva(3), đến cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII, đã từ nữ thần của xứ Kauthara trở thành nữ thần chủ của cả vương quốc Chămpa và được nổi danh dưới một tên gọi mang tính ngữ nghĩa Yan Pu Nagara (“nữ thần của vương quốc”).

     Đến bia kỵ (chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ) được khắc năm 1160/61 (nãm 1082 Saka) trên cột cửa bên phải tháp chính Pô Nagar của vua Jaya Harivarman I (1145 – sau 1170), thì nữ thần Yan Pu Nagara đã trở thành đối tượng chính duy nhất được cầu và dâng cúng(4). Đoạn đầu của bia ký viết: “Sau khi đã tận hưởng niềm vui vì quyền lực của mình trải lên cả mặt đất cũng như ra xa ngoài biển khơi, và muốn hướng tới có được niềm vui quyền lực đối với các thần trên trời, người mà đức vua tôn kính và dâng cúng rất nhiều của cải là nữ thần có tên Ya Pu Nagara.”. Đoạn thứ hai có nội dung và những chi tiết lịch sử thật lý thú về triều vua của Jay a Harivarman I: “Đức vua Sri Harivarmadeva, hoàng tử Sivanandana, viên ngọc của mặt đất, người chiến thắng, con trai của vua Sri Rudravarmadeva, đức vua của mặt đất, người đã đánh bại những toán kẻ thù người Cambốt và người Việt ở Vijaya, đánh bại các vùng phía bắc tới tận Amaravati, các vùng phía nam, gồm cả Panduranga, các vùng phía tây, cho tới tận nơi của người Rade, Mada và những người miền núi khác, vì ngài là vị vua của thế giới được tận hưởng chiến thắng ở mọi thời khắc. Ngoài ra, vào năm Saka 1082, ngài còn dâng cúng nhiều của cải và đất đai cho vi nữ thần của vương quốc (Yan Pu Nagara devi)”. Điều lý thú là, ở đoạn sau này, cái tên của nữ thần Yan Pu Nagara được gọi rõ là nữ thần (thuật ngữ “devi” bằng tiếng Sanskrit) của vương quốc (“nagara”, theo tiếng Sanskrit, có nghĩa là vương quốc, còn “Yan Pu”, theo tiếng Chăm, có nghĩa là “thần”). Thế là, đến nửa sau thế kỷ XII, nữ thần Yan Pu Nagara không chỉ trở thành nữ thần chính của khu đền Pô Nagar, mà cái tên mang tính “ngữ nghĩa” Nữ thần của vương quốc (Yarc Pu Nagara devi) gần như đã được thay hẳn cho cái tên có nguồn gốc Ấn Độ.

     Một bia ký khác của Pô Nagar, có niên đại muộn hơn (nửa sau thế kỷ XIII), còn cho biết thêm cả những chi tiết rất hay về việc thờ phụng cũng như nguồn gốc của nữ thần Yan Pu Nagara. Đó là bia ký của công chúa Suryadevi khắc năm 1267/68 (năm 1189 Saka)(5). Như thông lệ, đoạn đầu của bia ký là những dòng mang tính sơ yếu lý lịch về người khắc bia: “Kính lạy thần Siva! quý bà Ratnavali, công chúa Suryadevi, viên ngọc lớn nhất trong triều, con gái đức vua Jaya Indravarmadeva và hoàng hậu Sri Paramaratnastri; vẻ đẹp của nàng là vô song. Nàng đã kết duyên vĩnh viễn với người chồng của nàng là On Rasunandana, vị chúa tể và người chồng có thân hình đẹp đẽ, được sinh ra trong một gia đình tốt đẹp, quý phái, may mắn, trong sáng, trung thực. Hai con người quý phái này đã tận hưởng mọi điều tốt đẹp của cuộc đời và đã hoàn thành công việc ngoan đạo của mình: dâng cúng cho ngôi đền Prakrta (prakrta prasadà), dựng một hình Bhagavati Matrlingesvari… Vào năm Saka 1178, công chúa cao quý Ratnavali dâng cúng cho Yan Pu Nagara một vòng đeo ngực vàng, một vòng đeo cổ bạc… Sau đấy, vào nãn Saka 1189, quý bà Pulyan Ratnavali đưa ra những quy định cho các Devadasi (các vũ nữ) chuyên làm vui và hầu hạ Yan Pu Nagara…”. Trong bia ký này cũng như ở một số bia ký khác của khu đền Pô Nagara, ngoài Yan Pu Nagara, một vài nữ thần khác có tên Ấn Độ như Bhagavati, Uma, Durga, Gauri… vẫn thỉnh thoảng được nhắc tới. Thế nhưng, cũng như ở Ấn Độ và quốc gia cổ chịu ảnh hưởng của Bàlamôn giáo, tại Chămpa, tính nữ (shakti) của thần Siva (vị thần chủ được thờ phụng ở Pô Nagar) có nhiều nguồn gốc xuất xứ, tên gọi và các hình ảnh được thờ phụng có khác nhau(6). Ví dụ, trong bia ký của Jaya Indravarman IV (1170-1190), khắc năm 1183 (năm 1105 Saka)(7), nữ thần chủ của xứ Kauthara vẫn được gọi là Bhagavati Kautharesvari. Bia ký viết: “Kính lạy! Đức vua Jaya Indravarmadeva Gramapuravijaya dâng cúng những lễ vật này cho Bhagavati Kauth are svari; đức vua dâng cúng một chiếc mũ miện (makuta) bằng vàng nặng 60 thil, một chiếc ấm (kalassa) bằng bạc, một chiếc vòng cổ (? bak) bằng vàng nặng 13 thei 9 dram… vào năm Saka 1097. Khi muốn đánh chiếm Cambodia, vào năm Saka 1105, đức vua dâng cúng cho nữ thần một chiếc bình bạc nặng 172 thei.,.”. Và, trong bài bìa ký có niên đại muộn nhất hiện được biết nở Pô Nagar, bia ký của công chúa Ratnavali khắc năm 1275/76 (năm 1197 Saka)(8), hai nữ thần chính của Pô Nagar là Yan Pu Nagara và Bhagavati Matrlingesvari đã được nhắc đến. Bài minh văn gồm bốn dòng bằng chữ Chăm cổ khắc trên mặt C chiếc trụ cửa đá bên trái ngôi tháp chính này có nội dung như sau: “vào năm 1197 Saka, công chúa cao quý Ratnavali đã dâng cúng rất nhiều lễ vật cho nữ thần Yan Pu Nagara và cho nữ thần Bhagavati Matrlingesvari. Lễ vật gồm những cánh đồng tại hai nơi ở Panran, những cánh đồng ỏ Huma Padan, những nô lệ…”.

     Như vậy là, những tài liệu bia ký của khu đền Pô Nagar đã cho thấy cả một chặng đường hình thành và phát triển của một hình tượng nữ thần rất đặc trưng và tiêu biểu của nền văn hoá cổ Chămpa: Nữ thần Vương quốc Yan Pu Nagara. Có thể thấy rất rõ một điều là, hình tượng Nữ thần Mẹ Bhagavati của văn hoá Ấn Độ chính là nguồn gốc của nữ thần Chămpa Yan Pu Nagara. Cùng với sự thay đổi chức năng từ một nữ thần mẹ của Bàlamôn giáo và chỉ có phạm vi bảo hộ trong một xứ đến nữ thần chủ hộ mệnh cho cả vương quốc (nagara) Chămpa, vị thần Ấn Độ đã được có thêm một tên gọi mang tính “ngữ nghĩa” là Yan Pu Nagara (nữ thần của vương quốc). Rồi thì, dần dần, theo thời gian, cái tên ngữ nghĩa Yan Pu Nagara đã trở thành tên gọi chính của nữ thần được thờ chính ở khu đền Pô Nagar. Và, cũng theo thời gian, cái tên Yan Pu Nagara đã dần lấn át và thay thế hẳn cái tên gốc Bàlamôn giáo của vị nữ thần ban đầu. Và, cuối cùng, kết quả, đã được thực tế chứng minh, là: vị nữ thần Yang Pu Nagara có nguồn gốc Bàlamôn giáo, sau khi trở thành và đóng vai trò nữ thần bảo mệnh cho vương quốc Chămpa trong nhiều thế kỷ, đã dần dần hoàn toàn được dân gian hoá để trở thành một trong những vị thần chính của người Chăm hiện nay: Nữ thần Mẹ của Xứ sở (Yang Pô Inư Nagar).

     Chú thích:

     1. C.Majumdar, Inscriptions of Champa, Gian Publishing House, Shakti Nagar, Delhi, 1985, tr. 168-169; Karl-Heinz Golzio (ed.), Inscriptions of Campa, Shaker Verlag, Aachen, 2004, tr. 144-145.

     2. C.Majumdar, sdd,tr.173-175; Shaker Verlag, sdd, tr.150-152.

     3. Về sự việc này, có thể xem: Ngô Văn Doanh, Tháp Bà Pô Nagar- từ nơi thờ thần Siva đến đền thờ nữ thần xứ biển Kauthara của Chămpa, Nghiên cứu Đông Nam Á (NCĐNA), số 6(63)/ 2003, tr. 36-39.

     4. C.Majumdar, sđd, tr.194-195; Shaker Verlag, sđd, tr. 162-163.

     5. C.Majumdar, sđd,tr.213-214; Shaker Verlag, sđd, tr.190-191.

     6. Ngô Văn Doanh: Pho tượng vàng năm 918,NCĐNA, 1(64) năm 2004, tr.53-66…

     7. C.Majumdar, sđd,tr.198; Shaker Verlag, sđd, tr. 173-174.

     8. Shaker Verlag, sđd, tr.191-192.

Nguồn: Nghiên cứu Đông Nam Á, tháng 5/2005

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://evbn.org)

Download file (PDF): Tháp bà Pô Nagar : Hành trình của một tên gọi nữ thần (Tác giả: PGS.TS Ngô Văn Doanh)

Source: https://evbn.org
Category: Sao Nữ