Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Danh nhân văn hoá và giá trị di sản

Tiến sĩ, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có ông Christian Manhart – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cùng các nhà khoa học trong nước và quốc tế; đại diện dòng họ Hồ.

Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua các Văn bản, Quyết định liên quan của Hội đồng Chấp hành và Nghị quyết số 41C/15: UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-1822) nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Việt Nam vào năm 2022.

Nghị quyết 41C/15 của UNESCO đã xác định bảy điểm cốt lõi về danh nhân Hồ Xuân Hương: Hồ Xuân Hương có tư tưởng nhân văn mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người – con người với tư cách là những thực thể tồn tại trên mặt đất với mọi nhu cầu, khát vọng sống trần thế; Hồ Xuân Hương là hiện tượng văn hóa-thẩm mỹ đặc biệt với hệ thống quan niệm độc đáo qua các tác phẩm thi ca.

Hồ Xuân Hương có đóng góp lớn cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của phụ nữ; di sản của Hồ Xuân không chỉ là thơ ca, mà còn là hệ ứng xử-tinh thần-ý thức vì một sự tiến bộ tốt đẹp.

Hồ Xuân Hương không chỉ đấu tranh, bảo vệ mà còn có ý thức cảnh báo, phê phán, chống lại, phủ định những gì ngăn cản sự tiến bộ của con người.

Hồ Xuân Hương và di sản của bà có sức sống mãnh liệt, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng đến nhiều dân tộc, nhiều quốc gia; tác phẩm của Hồ Xuân Hương đã được giới nghiên cứu nhiều nước thừa nhận và dịch sang tiếng nước mình.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hoá và giá trị di sản ảnh 1

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, trải qua hơn 200 năm xuất hiện trên văn đàn, nữ sĩ Hồ Xuân Hương vẫn là một hiện tượng văn học tài năng nhưng ẩn chứa rất nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Phong cách với cá tính sáng tạo độc đáo của Hồ Xuân Hương chắc chắn sẽ còn là vấn đề hấp dẫn cho những công trình nghiên cứu trong tương lai.

Với tấm lòng yêu mến nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tâm huyết với việc tôn vinh và bảo vệ, phát huy di sản văn hóa gắn với nữ sĩ, hội thảo được kỳ vọng sẽ tổng hợp, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong lịch sử văn học Việt Nam và thế giới.

Đồng thời, hội thảo cũng được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều phát hiện mới, có giá trị về cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân, cũng như đề xuất thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến hay giúp tỉnh Nghệ An bảo tồn và phát huy di sản văn hóa về nữ sĩ Hồ Xuân Hương trên quê hương bà.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hoá và giá trị di sản ảnh 2

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, với tinh thần không chỉ tôn vinh, tri ân, học tập, mà hơn thế là tiếp thu và phát huy giá trị di sản của Hồ Xuân Hương trong thời đại ngày nay, mục đích của Hội thảo khoa học nhằm thông báo và công bố rộng rãi việc UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm sinh (1772-2022), 200 năm mất (1822-2022) danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương; đồng thời khởi tạo bầu không khí tinh thần mới trong tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp nhận và phát huy giá trị di sản văn hóa của nữ sĩ-danh nhân Hồ Xuân Hương.

Cùng với đó, hội thảo nhìn nhận, đánh giá lại lịch sử tiếp nhận Hồ Xuân Hương và giá trị khối di sản của bà ở cả trong và ngoài nước; công bố một số sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu mới về con người, cuộc đời, sự nghiệp và trước tác của danh nhân Hồ Xuân Hương; công bố những nghiên cứu, đề xuất mới về những đóng góp, tầm vóc, vị thế của Hồ Xuân Hương và những ý tưởng, dự án về phát huy giá trị di sản của danh nhân trong bối cảnh mới.

Hơn 100 bài nghiên cứu được tập hợp trong kỷ yếu hội thảo, trong đó có hơn 10 tham luận được trình bày tại hội thảo do các nhà khoa học, học giả, nghiên cứu trong nước và quốc tế đã thể hiện quan điểm, góc tiếp cận đa diện về “hiện tượng độc đáo” – danh nhân Hồ Xuân Hương, từ đó cho thấy tầm vóc, quy mô, giá trị nghệ thuật của những tác phẩm thơ ca của “bà chúa thơ Nôm”; tư tưởng bình đẳng giới, giải phóng người phụ nữ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương mang tầm vóc nhân loại.

Cho đến nay, tác phẩm của Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng trên thế giới. Các nghiên cứu cũng đã đặt Hồ Xuân Hương trong các mối liên hệ với văn hóa dân tộc, văn hóa khu vực và văn hóa nhân loại.

Những vấn đề về thi pháp, phong cách nghệ thuật và sức hấp dẫn, lan toả của thơ Hồ Xuân Hương. Từ đó đặt ra vấn đề tiếp nhận và phát huy giá trị di sản của danh nhân Hồ Xuân Hương trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh, Hồ Xuân Hương là nhà hoạt động vì bình đẳng giới, những tư tưởng của bà mãi về sau trở thành những tư tưởng, nguyên tắc của UNESCO sau này. Việc tổ chức hội thảo cũng là cơ hội để xúc tiến, quảng bá di sản của bà trên toàn thế giới.

Đại diện Hội đồng họ Hồ Việt Nam, ông Hồ Huy nhấn mạnh, việc nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung, bà con họ Hồ nói riêng. Từ đây, bà con họ Hồ cùng với đông đảo nhân dân càng ý thức sâu hơn việc bảo vệ và phát huy di sản mà Hồ Xuân Hương để lại.

Hội thảo khoa học quốc tế là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương; đồng thời, nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam khi trình hồ sơ lên UNESCO để cùng tôn vinh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất danh nhân Hồ Xuân Hương.