Nữ quyền

Có một số nhà đấu tranh nữ quyền bị nhìn nhận sai lầm về nữ quyền. Nữ quyền không phải là sự cào bằng về quyền lợi và trách nhiệm giữa nữ giới và nam giới, mà nó là giải phóng người phụ nữ khỏi các khuôn mẫu mà xã hội áp đặt lên họ (bao gồm cả chính họ tự áp đặt lên mình). Điều này có nghĩa là nam giới cũng cần đấu tranh cho nam quyền, bởi vì xã hội được xây dựng nên bởi khuôn mẫu. 

Ví dụ như khi ta nói: “Đã là phụ nữ thì phải thế này phải thế kia…”, hoặc “là phụ nữ thì chỉ nên thế này thôi”, chúng là sự áp đặt về khuôn mẫu. Sự giải phóng phụ nữ và nữ quyền, vì vậy, để chống lại các khái niệm như thế, nó sẽ có phát biểu như: “Tại sao phụ nữ lại không thể như thế này hoặc như thế kia?”, nó phải bắt đầu bằng một câu chất vấn chứ không phải là lời khẳng định, bởi lẽ có tồn tại những khuôn mẫu nhất định do tạo hóa sinh ra (ví dụ sự mang thai chẳng hạn)  

Khi một người đàn ông đánh một người khác ở nơi công cộng để bảo vệ vợ mình, đó không hẳn là đấu tranh cho nữ quyền, bởi vì anh ta giữ nguyên sự lệ thuộc của người phụ nữ vào nam giới như khuôn mẫu. Anh ta có thể bênh vực vợ mình, đó là quyền của anh ấy và nó cần có giới hạn nhất định và tương xứng. Sự bênh vực ấy là cần thiết. Trong một số hoàn cảnh cụ thể, ví dụ như chính người vợ đứng lên và lên tiếng bảo vệ danh dự của mình trước công chúng, thì ắt hẳn hành động ấy có tính nữ quyền hơn bởi vì nó phá vỡ khuôn mẫu về sự lệ thuộc của họ vào nam giới. 

Tất nhiên người ta có thể đánh nhau vì một người phụ nữ, các quốc gia có thể tàn sát nhau vì một người đẹp, Sơn Tinh – Thủy Tinh có thể chiến tranh làm chúng sinh rơi vào vòng điêu linh lầm than, chỉ vì một cô công chúa… nhưng tất cả những điều đó không hẳn là đấu tranh cho nữ quyền bởi vì nó thậm chí còn làm tăng tính khuôn mẫu về sự lệ thuộc của nữ vào nam giới. 

Ở trường hợp Sơn Tinh, Thủy Tinh, nếu hai vị thần này, thay vì choảng nhau để tranh giành một cô gái, họ có thể trình diện rồi bỏ đi để cho cô gái có quyền chọn cho mình một tấm chồng ưng ý, đó có thể là một trong hai vị thần hoặc không ai cả. Thậm chí, cao cả hơn, nếu như sau khi Mị Nương chọn lựa xong mà người đó không còn thích cô nữa thì cũng không có vấn đề gì. Đấy là phá vỡ tính khuôn mẫu trong phong tục “kén rể” cho người nam giới, bởi lẽ suy cho cùng thì ai cũng có quyền từ chối khuôn mẫu trong một xã hội có vận động. 

Đó là bình đẳng giới, nó không phải là cổ súy người phụ nữ làm các công việc mà đàn ông vốn làm, cũng không cổ súy cho người đàn ông đảm nhiệm các vị trí thế mạnh của nữ giới, mà là giải phóng họ khỏi khuôn mẫu (nếu như khuôn mẫu gây phương hại tới sự tiến bộ của họ). 

Ví dụ, khuôn mẫu của phụ nữ là mang thai và sinh con, khả năng phá vỡ khuôn mẫu ở đây là đưa nó về một “lựa chọn”, tức là người phụ nữ sẽ được tự do lựa chọn mình có mang thai và sinh con hay không (hoặc thời điểm làm điều đó). Sự lựa chọn này phá vỡ đi khuôn mẫu rằng người phụ nữ bị buộc phải làm thế một cách thiếu chủ động. Phá vỡ khuôn mẫu không phải là bắt nam giới mang thai và sinh con bởi vì tạo hóa không (chưa) có giải pháp này. Một người chồng chăm rửa bát không tạo nên nữ quyền, một người vợ có khả năng lựa chọn giữa rửa và không rửa mới là nữ quyền. 

Việc đấu tranh để người phụ nữ được đi bầu cử ở quốc gia này, có thể coi là đấu tranh nữ quyền; việc đấu tranh để người phụ nữ không bị mua đi bán lại ở quốc gia khác, cũng là đấu tranh nữ quyền. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các khuôn mẫu mà xã hội ở nơi này, nơi kia áp lên nữ giới trầm trọng tới mức nào.