NTO – “Chiêu” thiết kế bài thực hành với động vật môn Sinh học
Từ đó phát huy được tính tự lực của học sinh và tiết kiệm được thời gian trong những buổi thực hành tiếp theo.
3 vấn đề cần ghi nhớ
Trước hết, giáo viên cần làm rõ để học sinh ghi nhớ ba vấn đề, đó là:
Yêu cầu về kĩ năng phải được đặt lên hàng đầu trong các bài thực hành, học sinh hiểu được mình cần phải rèn luyện được những kĩ năng cụ thể nào qua bài thực hành này. Qua đó, phần nào học sinh dần tự xác định được kĩ năng chính và những kĩ năng phụ trong bài thực hành.
Yêu cầu về kiến thức được cụ thể hóa trong các bài tập được thiết kế dưới dạng phiếu học tập mà giáo viên giao cho các nhóm. Qua các bài tập đó, học sinh tự rút ra những tiểu kết, rồi đi đến kết luận chung của bài thực hành. Kiến thức mà học sinh rút ra qua bài thực hành có tính bền vững hơn nhiều vì các con được tự tìm ra qua việc “sờ tận tay, nhìn tận mắt”
Yêu cầu về thái độ đối với các bài thực hành là bồi dưỡng lòng say mê nghiên cứu khoa học, rèn luyện cách làm việc gần giống với các nhà khoa học, ngoài ra tùy từng bài mà có những yêu cầu riêng.
Chuẩn bị và cách tiến hành
Học sinh cần phải biết được mình cần những công cụ gì, chuẩn bị mẫu vật gì để đạt được những yêu cầu trên. Đây là khâu rất quan trọng mang đến thành công trong tiết thực hành nên theo ngoài việc hướng dẫn học sinh lấy mẫu vật, giáo viên (hoặc nhân viên phụ trách phòng thực hành) cần chủ động chuẩn bị dụng cụ và mẫu vật cùng học sinh.
Nội dung tiến hành: Tùy từng bài mà nội dung có thể gồm 1 hoặc nhiều đơn vị kiến thức cần tiến hành riêng, cần cụ thể hóa trong khâu này qua các bước thực hành, có thể tiến hành đồng thời hoặc lần lượt từng đơn vị thực hành.
Đây là phần quan trọng nhất trong quá trình thực hành. Học sinh cần nắm rõ, mình sẽ tiến hành như thế nào, thứ tự các bước tiến hành ra sao, trong quá trình thực hành cần đặc biệt chú ý những gì để có kết quả chính xác, an toàn, đúng thời gian…
Khi đã nắm chắc các bước tiến hành, học sinh sẽ chủ động trong việc tiến hành thực hành một cách hiệu quả, tránh được những sai sót, đồng thời giáo viên cũng tránh rơi vào tình trạng giảng dạy theo cách “dắt người mù qua đường” thiếu hiệu quả.
Thu hoạch: Tiến hành thực hành là để học sinh rút ra kiến thức và thể hiện trên các phiếu thu hoạch. Đây là khâu để đánh giá kết quả quan sát và nhận biết của học sinh. Việc viết thu hoạch có thể tiến hành trên lớp hoặc giao về nhà cho học sinh.
Từ việc luôn phải xác định rõ: Yêu cầu, dụng cụ và mẫu vật, cách tiến hành, nội dung thu hoạch… , học sinh sẽ chủ động trong hoạt động nhóm về mọi mặt: công việc phải làm, cách làm, mục tiêu cần đạt, thời gian cho phép…
Học sinh cũng sẽ được độc lập làm việc trong tổ chức nhóm theo sự phân công, được chịu trách nhiệm về công việc được giao, được thấy tầm quan trọng của bản thân- “một mắt xích” trong một “cỗ máy”… Đồng thời, hình thành phương pháp thực nghiệm trong học tập bộ môn và trong nghiên cứu khoa học thực nghiệm.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại