NSND Tạ Minh Tâm: ‘Đất nước trọn niềm vui’ là một phần máu thịt trong cuộc đời tôi’
“Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay/ Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây…” những giai điệu hào hùng của ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” do NSND Tạ Minh Tâm thể hiện lại vang lên vào mỗi dịp kỷ niệm Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30-4.
Hơn 45 năm gắn bó với ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”, nam nghệ sĩ đã ghi dấu ấn khó quên với khán giả.
Nhân dịp cả nước kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4 -2022), PLO đã có buổi trò chuyện với NSND Tạ Minh Tâm.
“Tôi rất biết ơn ngày giải phóng đất nước”
. Phóng viên: Một mùa kỷ niệm Giải phóng hoàn toàn miền Nam 30-4 nữa lại về cũng là lúc ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” vang lên. Cảm xúc của anh thế nào?
+ NSND Tạ Minh Tâm: Sau hai năm cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khiến các hoạt động phải dừng lại, người dân gặp nhiều khó khăn thì dịp tháng 4 này tôi cảm thấy rất vui khi nhịp sống đã trở lại bình thường và ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” một lần nữa lại vang lên mang đến một ý nghĩa đặc biệt, trọn vẹn như thế.
. Là người thể hiện thành công ca khúc và gắn bó trong hơn 45 năm qua, anh còn nhớ ngày đầu đầu tiên thể hiện ca khúc?
+ Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác vào ngày 26-4-1975 và được được phát trên trên sóng truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đó, tôi là một học sinh THPT tại An Giang thì khi nghe ca khúc tôi cảm thấy rất thích và tập hát.
Từ đó bắt đầu hát ca khúc này. Rồi sau chính nhờ những bài hát cách mạng đó tôi mới bắt đầu sinh hoạt văn nghệ, tìm hiểu về âm nhạc và đi theo con đường âm nhạc
Vì vậy, tôi cũng đã từng nhiều lần nói: “Nếu không có ngày 30-4 đó thì tôi sẽ làm một ngành khác nghề khác chứ không phải là ca sĩ”. Cho nên, trên cương vị là một người ca sĩ tôi rất biết ơn ngày giải phóng đất nước đã định hướng lại cho tôi một con đường để tôi có được như ngày hôm nay.
. Ca khúc đã đồng hành với anh trong suốt các chương trình lớn nhỏ, vào các dịp đặc biệt… đến bây giờ mỗi khi thể hiện hẳn cảm xúc vẫn như những ngày đầu?
+ Đối với một người ca sĩ, mỗi lần biểu diễn một bài hát nó sẽ có những cảm xúc khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh, môi trường cụ thể của đêm diễn đó. Dù bài hát có quen thuộc bao nhiêu đi nữa thì mỗi một lần hát nó sẽ có một cảm xúc riêng.
Với ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” mỗi lần vang lên thì nó cũng tương tự như vậy. Mỗi một dịp lễ, ca khúc sẽ có một sân khấu,cảm xúc, thời điểm và một thời khắc riêng.
Nhưng càng hát tôi càng cảm thấy có một điều gì đó nó gắn bó với mình hơn và cảm thấy mình biết ơn cuộc đời, biết ơn ca khúc đã tạo cho tôi cơ hội để được công chúng biết đến và yêu quý.
Tự hào khi được nhắc tên cùng “Đất nước trọn niềm vui”
. Anh từng chia sẻ, bản thân đã thể hiện ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” trên 3 bản phối khác nhau. Với anh, bản phối nào anh yêu thích và tâm đắc nhất ?
+ Với tôi bản phối nào cũng hay cả. Nhưng bản phối đầu tiên để lại cho tôi cảm xúc rất đặc biệt vì chính nó làm cho mọi người biết tới tôi dù khi đó điều kiện thu âm không đủ điều kiện như bây giờ về mặt âm thanh kỹ thuật máy móc…
Cách phối cũng đã mấy chục năm không phải là mới và trình độ kỹ thuật âm thanh ngày đó cũng không thể tối tân bằng bây giờ nhưng tôi đã hát với nó vào lúc cảm xúc của tuổi trẻ, tuổi 20-30 hừng hực khí thế.
Dù về sau bản phối ngày một điêu luyện tinh xảo hơn âm thanh càng ngày càng tối tân hơn, tôi hát ngày một điêu luyện hơn thì mỗi lần hát như vậy nó lại có cảm xúc khác nhau, sự khác nhau không thể so sánh được.
Nhưng chỉ có bản phối đầu tiên bao giờ cũng để lại cảm xúc mạnh cho tôi còn những bản phối sau thì tôi cảm thấy hài lòng hơn về mọi mặt nghệ thuật, kỹ thuật.
. Vậy ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp âm nhạc của anh?
+ Có thể nói, ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” là một phần của cuộc đời tôi và những khán giả yêu mến tôi có lẽ đều sẽ thấy như vậy.
Nó đã giúp tên tuổi tôi đến gần hơn với khán giả vì vậy tôi nghĩ ca khúc đã trở thành một phần máu thịt trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Và trong tâm thế của ai đó, thì tôi nghĩ bất kì người nào họ cũng có một cảm xúc tương tự như vậy.
. Nói về hành trình nghệ thuật của mình, hơn 45 năm qua có điều gì khiến anh cảm thấy hạnh phúc, tự hào?
+ Tôi tham gia rất nhiều chương trình lớn tôi đi được rất nhiều nơi để đón nhận được tình cảm của khán giả từ trong đến ngoài nước. Tôi cũng không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu sân khấu, bao nhiêu nước để mà nhận được tình cảm đó.
Vì vậy điều tự hào nhất là khi được mọi người nhắc đến tên mình cùng với ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”. Còn bao nhiêu thành tựu, cảm xúc khác đều tuyệt vời nhưng riêng tháng tư này thì cảm xúc đó lại trỗi dậy.
“Nhạc truyền thống cách mạng chỉ đang lùi về sau”
. Gắn liền với những ca khúc truyền thống cách mạng và định danh với dòng nhạc này, tuy nhiên hiện nay nó đã dần trở nên xa lạ với giới trẻ. Anh có cảm nhận thế nào?
+ Đó là một điều rất tự nhiên, bởi không riêng gì dòng nhạc cách mạng, nhiều dòng nhạc như tiền chiến, Pop của Mỹ những năm 70 từng rất thịnh hành nhưng bây giờ giới trẻ cũng đã xa dần và có những dòng âm nhạc khác của họ.
Tuy nhiên, giá trị của các ca khúc cách mạng sẽ không bao giờ mất bởi vì đến vẫn có rất nhiều người yêu thích nó trong đó có giờ trẻ. Mặc dù bây giờ họ nghe nhiều dòng nhạc khác nhau nhưng họ vẫn thích nghe dòng nhạc cách mạng.
Tôi cũng như nhiều người thấy điểm đó, trong sinh hoạt cộng đồng liên hoan, thế nào cũng có người đem nhạc cách mạng ra hát.
Thời nào cũng có cách biểu hiện của nó, có dòng nghệ thuật riêng. Tất cả mọi thứ sẽ trôi vào dĩ vãng không có nghĩa là người ta quay lưng lại với nó mà là đó nguyên tắc thời gian nó đi tới và để lại những gì đã qua vào quá khứ nhưng những giá trị sẽ không bao giờ mất đi mà nó tồn tại mãi mãi ở góc rất thiêng liêng có giá trị trong tim của mỗi người.
. Và có bao giờ anh chạnh lòng về điều đó?
+ Một khi đã hiểu được những điều được những điều mà tôi đã nói ở trên, thì không có gì phải chạnh lòng cả mà phải tự hào về những điều mình đã đạt được.
Ví dụ một người người đã đạt được thành tựu cách đây vài chục năm về trước, đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và sau này tới thời của các bạn trẻ với những thành tựu khác, thì chẳng lẽ người đó lại chạnh lòng?
Không nên như vậy mà thay vào đó họ phải tự hào vì mình đã là người đi trước, là người đã đặt viên gạch để cho mọi thứ phát triển về sau nên tôi nghĩ chuyện chạnh lòng đó khá… tiêu cực (cười).
. Anh có nghĩ cần có nhiều chương trình đột phá hay đổi mới như Giai điệu tự hào… để dòng nhạc này tiếp cận hơn đến với giới trẻ hiện nay?
+ Như tôi đã nói, nhạc cách mạng không “xa rời” giới trẻ mà đó là một quy luật của thời gian. Nên tôi nghĩ không cần giải pháp gì cả.
Dòng nhạc cách mạng vẫn đang tiếp tục phát huy giá trị của mình và theo thời gian nó đang đi lùi dần về quá khứ giống như tất cả mọi thứ khác chứ không phải giới trẻ quay lưng lại với nó.
Ví dụ như nhạc trẻ của Mỹ và các nước trên thế giới thì cũng có những bài đã lùi dần về quá khứ và giới trẻ cũng không nhớ tới nữa, mặc dù nó đã có một thời rất huy hoàng, chuyện đó là bình thường.
Mọi thứ trôi đi, nhưng những tác phẩm hay nó vẫn sống mãi mặc dù là nó ít được biểu diễn hơn chứ không phải là … “giới trẻ quay lưng”, dùng chữ này tôi không đồng ý.
Nghĩa là nó hoàn thành nhiệm vụ của mình và lùi về quá khứ trở thành một sản phẩm quý, một món đồ quý giá để được trân trọng bảo tồn.
Khán giả làm sao quên được “Trường ca sông Lô” của Văn Cao rồi Đất nước trọn niềm vui, những ánh sao đêm, Câu hò bên bờ Hiền Lương…. Những ca khúc tuyệt vời như thế tôi nghĩ 50-70 năm nữa nó vẫn sống chứ không phải là người ta ít hát nó là nó sẽ chết.
Hay như nhạc Đoàn Chuẩn bây giờ cũng ít ai hát, rồi theo thời gian nhạc Trịnh sẽ không còn nhiều người hát nữa nhưng đâu có nghĩa là nó không còn giá trị nữa?
Những bài hay nó sẽ vẫn còn giá trị của mình và thỉnh thoảng người ta lại đem ra hát với sự trân trọng.
. Được biết, năm 2021, anh từng ấp ủ tổ chức Liveshow kỉ niệm sinh nhật tuổi 60 của mình nhưng phải gác lại vì dịch bệnh. Thời gian tới anh có nghĩ mình sẽ trở lại với ý định này?
+ Ý định đó bao giờ tôi cũng luôn ấp ủ, nhưng hiện tại tôi chưa thể nói trước được điều gì cả. Khi nào đủ điều kiện “chín muồi” thì tôi sẽ làm.
Trước khi làm trong một thời gian ngắn tôi sẽ thông báo đến mọi người và cũng mong là được mọi người chia sẻ.
. Cảm ơn NSND Tạ Minh Tâm về buổi trò chuyện này!
NSND Tạ Minh Tâm sinh ngày 17-6-1960 tại Long Xuyên, An Giang. Ông là ca sĩ thuộc thể loại Opera, nhạc cách mạng.
Bên cạnh âm nhạc, NSND Tạ Minh Tâm cũng tham gia đóng phim và làm người dẫn trò chơi truyền hình Chung sức của đài Truyền hình TP.HCM.
NSND Tạ Minh Tâm nhận hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2001. Nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019.
Năm 2020 NSND Tạ Minh Tâm về hưu sau thời gian đảm nhận vị trí Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM.
NSND Tạ Minh Tâm: ‘Nếu không có ngày 30-4 thì sẽ không có Tạ Minh Tâm’
(PLO)- ‘Vang bóng một thời’ tập 15 với sự góp mặt của một cây đa cây đề trong dòng nhạc cách mạng Việt Nam, NSND Tạ Minh Tâm.