Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa chiến lược với giai đoạn p

Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Từ điểm cầu trung tâm, hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.

Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt được mức khá cao 

Hội nghị nhằm tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy nhằm hoàn thiện báo cáo, xây dựng dự thảo nghị quyết mới để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII).

leftcenterrightdel

 Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn đặt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn, có tính chiến lược và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra hệ thống quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sáng suốt, đồng bộ, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ.

Sau hơn 13 năm thực hiện nghị quyết, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện: Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt được mức khá cao (2,94%/năm), chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng 8,17%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm, với những thành tựu to lớn, toàn diện và lịch sử…

Tuy vậy, qua tổng kết đánh giá, chúng ta cũng nhận thấy, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Thu nhập ở nông thôn còn thấp, chênh lệch vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao; môi trường nông thôn còn ô nhiễm…

leftcenterrightdel

Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. 

Bước sang giai đoạn mới, trước bối cảnh và yêu cầu mới với nhiều biến đổi, trong đó bao gồm cả thuận lợi và khó khăn đan xen. Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh; quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ; Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội; thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp; biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh; những vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phân tầng xã hội; hậu quả và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã, đang và tiếp tục ảnh hưởng đến từ người dân, nhất là những người yếu thế.

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp phát triển đất nước

Trong giai đoạn tới, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp phát triển đất nước…Tại hội nghị này, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình triển khai, thực hiện nghị quyết về những thành công và hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết đã đề ra; xác định về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiềm năng, lợi thế, lợi thế so sánh, khó khăn, thách thức của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh mới, xu hướng mới. Những vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới với đặc điểm có tốc độ đô thị hóa nhanh, vùng nông thôn sản xuất nông nghiệp và khu vực miền núi, vùng khó khăn…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân là vấn đề chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nghị quyết 26-NQ/TW ra đời hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, tạo được cảm hứng của cả hệ thống chính trị. Sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất bài bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, của các cơ quan nhà nước đã thúc đẩy tính tích cực của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Ban, Bộ, ngành Trung ương tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

leftcenterrightdel

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, nông nghiệp trong nhiều năm liền được nhắc đến như là trụ đỡ của nền kinh tế. Thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới mà chúng ta đạt được trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình trong đất nước và thế giới có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

“Chủ trương hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội XIII đề ra, đòi hỏi phải tăng cường thêm nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến thời điểm này đã chín muồi để tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và cũng là thời điểm để có thể ban hành một Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn”- đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định.

Gợi ý về quan điểm, mục tiêu và giải pháp đối với Nghị quyết mới, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu: Tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có vai trò, ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt mục tiêu mà Đại hội XIII đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Ban, Bộ, ngành về vị trí, vai trò ý nghĩa chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết mới phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên cơ sở cái gì mà đã làm hay thì tiếp tục phát huy, giải pháp mới để giải quyết các vấn đề mới, khắc phục tối đa các hạn chế yếu kém.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng lưu ý một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội như về thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp được hoàn thiện; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải là chờ đợi để giải cứu; nông thôn trở thành môi trường để giới trẻ khởi nghiệp trong kinh tế nông nghiệp; môi trường bền vững, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao…

Tin, ảnh: GIA MINH-VŨ DUNG