Nông nghiệp công nghệ cao – Tầm nhìn phát triển nông nghiệp – Hafiquacen
Hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao không còn xa lạ với thế giới. Đây là một xu hướng hứa hẹn sẽ là bước tiến lớn để ngành nông nghiệp phát triển vượt trội, cải thiện năng suất lao động, gia tăng giá trị sản xuất. Vậy nâng nghiệp công nghệ cao là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nông nghiệp công nghệ cao là gì?
Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Công nghệ cao được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến…), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao…; các quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ… cho hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị sản xuất.
Đặc điểm của nông nghiệp công nghệ cao
Nông nghiệp công nghệ cao hiện tại có những ưu nhược điểm sau:
Ưu điểm
-
Tiết kiệm diện tích đất trồng
-
Tránh việc lây lan sâu bệnh
-
Cách ly với môi trường và thời tiết bên ngoài
-
Đảm bảo cây có thể phát triển tốt
-
Cung cấp cho cây đầy đủ chất dinh dưỡng và lượng nước cần thiết
-
Điều chỉnh ánh sáng hợp lý
-
Điều khiển tự động
-
Giúp giảm nhân công và chi phí vận hành đáng kể
-
Chống thất thoát nước
-
Có thể điều chỉnh môi trường theo từng giai đoạn phát triển của cây…
Nhược điểm
-
Vốn đầu tư cao khi đầu tư công nghệ cao
-
Mô hình mới mẻ này còn nhiều thiếu sót trong khâu quản lý
-
Chuyên gia và nhân lực chưa có đủ trình độ kỹ năng, kinh nghiệm
-
Khó khăn trong việc chọn lựa nhà cung cấp uy tín, chất lượng
Bên cạnh những điểm chung trên thì nơi ứng dụng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay được chia thành 2 khái niệm là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
-
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:
là khu tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ:
-
Chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao;
-
Phòng, trừ dịch bệnh;
-
Trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao;
-
Tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp;
-
Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp;
-
Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.
Đặc trưng của sản xuất tại các khu nông nghiệp công nghệ cao: đạt năng suất cao kỷ lục và hiệu quả kinh tế rất cao.
-
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
: là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng thành tựu của nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện nhiệm vụ sản xuất một hoặc một vài nông sản hàng hóa và hàng hóa xuất khẩu chiến lược dựa trên các kết quả chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh; trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao; sử dụng các loại vật tư, máy móc, thiết bị hiện đại trong nông nghiệp; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Lợi ích và hiệu quả khi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Với những đặc điểm trên của nông nghiệp công nghệ cao, có thể thấy được 6 lợi ích hàng đầu khi ứng dụng vào sản xuất như:
-
Làm tăng sản lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó đáp ứng được nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của xã hội.
-
Tạo số lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao, đồng đều; do đó, có thể tham gia chuỗi giá trị và thương mại toàn cầu nhờ đáp ứng được yêu cầu về nguồn cung ứng cũng như chất lượng sản phẩm theo tiêu chí của thị trường và có thể truy xuất được nguồn gốc.
-
Mang lại thu nhập lớn cho doanh nghiệp nhờ tạo ra được năng suất sản phẩm lớn nhất trên mỗi đơn vị tài nguyên sử dụng với giá thành thấp nhất.
-
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương và quốc gia khi doanh thu từ sản xuất tăng lên, đóng thuế từ doanh nghiệp tăng và đồng thời hình thành mới các dịch vụ hỗ trợ.
-
Tạo thêm công ăn việc làm cho một số bộ phận dân cư và cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp địa phương trên cơ sở hình thành các thị trường sản phẩm có giá trị gia tăng mới.
-
Tạo giá trị gia tăng cho một số sản phẩm địa phương (kể cả phụ phẩm nông nghiệp), hình thành các sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực của quốc gia, vùng và địa phương (mỗi làng một sản phẩm).
Các ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
-
Công nghệ sinh học
Công nghệ sinh học đóng vai trò rất quan trọng, đã được ứng dụng trong chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu cao. Công nghệ nhân giống in vitro được ứng dụng rộng rãi trong nhân giống cây lâm nghiệp, cây hoa, cây chuối… giúp giảm giá thành cây giống, tạo ra lô cây giống có độ đồng đều cao, sạch bệnh. Nhiều chế phẩm sinh học đã được nghiên cứu tạo ra và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, vật nuôi, hạn chế dịch bệnh và thay thế dần thuốc hóa học.
-
Robot
Robot ứng dụng trong nông nghiệp
Robot là một trong những công nghệ mới vẫn đang được thử nghiệm và nghiên cứu. Tuy nhiên, ngày nay robot đang dần thay thế con người trong lao động sản xuất, thậm chí ngay cả những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác như là thu hoạch dâu, nho. Robot cũng có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực trong các trang trại ở Mỹ và tăng năng suất lao động một cách đáng kể.
-
GPS
Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) được tạo thành từ mạng lưới gồm 32 vệ tinh quay quanh Trái Đất. Công nghệ này có thể xác định vị trí chính xác bạn, điều hướng máy bay và vô số nhiệm vụ khác. GPS đã mở đầu cho cách mạng nông nghiệp khi cài đặt GPS trên máy móc để tự động điều khiển và điều hướng. Công nghệ này giúp quá trình chăm sóc khoa học hơn, tránh việc gieo hạt, tưới nước, phân bón một khu vực hai lần gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường.
-
Máy bay không người lái
Máy bay không người lái cung cấp cho nông dân một cái nhìn chi tiết về cánh đồng của họ. Chúng có thể tự vận hành theo kế hoạch lập trình của nông dân và có thể trang bị những bộ cảm biến, máy ảnh và phần cứng cung cấp đầy đủ thông tin cho người nông dân.
Những cảm biến đo diệp lục đánh giá sức sống tổng thể của cây. Máy ảnh chứa bộ lọc màu sắc giúp xác định nhiệt độ mặt đất, hàm lượng nước, kiểm đếm số lượng, xác nhận hạt giống đang nảy mầm, ước tính năng suất cây trồng và phát hiện sâu bệnh, cỏ dại.
Máy bay không người lái
-
Hình ảnh vệ tinh
Hình ảnh vệ tinh cung cấp cái nhìn toàn cảnh đến chi tiết, những thứ mà từ mặt đất, nông dân khó nhận thấy cho đến khi hàng cây trồng bị hư hại hoặc bị phá hủy. Phương pháp quản lý thông minh giúp theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, phát hiện sâu bệnh để có những biện pháp phòng ngừa kịp thời, hạn chế rủi ro cho người nông dân.
Nông nghiệp công nghệ cao hiện nay được coi như là một bước đi chiến lược cho nền nông nghiệp hiện nay. Hy vọng với những kiến thức trên đây sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm được hướng đi phát triển nhất trong quá trình phát triển nông nghiệp tại khu vực.