Nội tiết tố là gì? Có tác dụng gì cho sức khỏe? 10 loại phổ biến

Nội tiết tố là gì? Khi nói đến nội tiết tố, có người nghĩ chỉ phụ nữ mới có nội tiết tố. Thực tế, cả nam và nữ đều có hệ thống nội tiết tố, tập hợp các tuyến sản xuất hormone trong cơ thể. Cùng tìm hiểu về nội tiết tố qua tư vấn dưới đây của bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường.

nội tiết tố là gì

Nội tiết tố là gì?

Nội tiết tố là hệ thống tập hợp tất cả hormone được tiết ra từ các tuyến nội tiết của cơ thể, có chức năng phối hợp với nhau để duy trì hoạt động trong cơ thể bình thường. Các tuyến nội tiết không có ống dẫn do đó hormone được sản xuất ra sẽ trực tiếp đi vào máu. Một số tuyến nội tiết chính trong cơ thể bao gồm: tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến tụy, tinh hoàn, buồng trứng… (1)

Các nội tiết tố hoạt động bằng cách giải phóng hormon đi vào máu đến các cơ quan khác nhau như da, cơ, mô… để điều chỉnh sự trao đổi chất, tăng trưởng và phát triển, tâm trạng, chức năng tình dục, sinh sản… Những tín hiệu được truyền qua hormone có vai trò điều khiển cơ thể hoạt động theo quy luật hợp lý. 

Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được hơn 50 hormone trong cơ thể người. Mỗi hormone đóng một hoặc nhiều vai trò nhất định bao gồm: trao đổi chất, cân bằng nội môi, điều hòa huyết áp và lượng đường trong máu, cân bằng chất lòng, chất điện giải và nhiệt độ cơ thể. Tăng trưởng và phát triển, chức năng sinh dục, sinh sản, nhịp sinh học, tâm trạng…

Nếu thiếu một hoặc nhiều hormone cơ thể sẽ bị rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Để đảm bảo nội tiết tố hoạt động tốt, mỗi người nên khám các bệnh nội tiết định kỳ hàng năm tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường. 

Hormone được tiết ra bởi các tuyến nội tiết trong cơ thể

Nội tiết tố có tác dụng gì?

Nội tiết tố là tên gọi chung cho tập hợp nhiều hormone trong cơ thể. Mỗi hormone đóng một hoặc nhiều vai trò nhất định. Nói chung, nội tiết tố có 2 tác dụng đặc trưng bao gồm:

  • Quản lý hoạt động cơ thể:

    nội tiết tố được ví như sứ giả ảnh hưởng và quản lý gần như tất cả quá trình hoạt động của cơ thể. Thông thường, một quá trình cơ thể được quản lý bởi nhiều hormone khác nhau. Một nội tiết tố chỉ tác động lên một bộ phận của cơ thể nếu các tế bào trong mô đích có các thụ thể nhận thông báo của nội tiết tố. Dễ hiểu hơn, hãy ví hormone như chìa khóa và các tế bào của mô đích là ổ khóa. Nếu chìa khóa mở được ổ khóa thì nó sẽ hoạt động. Các hormone sẽ gửi một thông báo khiến trang đích thực hiện một hành động cụ thể. 

  • Chức năng giao tiếp:

    hormone được sử dụng cho 2 loại giao tiếp của cơ thể. Thứ nhất là giao tiếp giữa 2 tuyến nội tiết. Một tuyến nội tiết tiết ra một hoặc nhiều loại hormone, có chức năng kích thích các tuyến khác thay đổi mức độ tiết hormone. Ví dụ, giữa tuyến yên và tuyến giáp, khi tuyến yên giải phóng hormone kích thích tuyến giáp thì tuyến giáp giải phóng hormone giáp. Loại giao tiếp thứ 2 là giữa tuyến nội tiết và cơ quan đích. Mỗi hormone được tiết ra chứa 1 lệnh nhất định truyền tải tới cơ quan đích cho một hoạt động cụ thể. Ví dụ, tuyến tụy giải phóng insulin, insulin tác động lên cơ và gan để giúp xử lý glucose.

khác biệt không nhiều về tuyến nội tiết ở nam và nữ

10 loại nội tiết tố phổ biến

Hiện các nhà khoa học đã xác định được hơn 50 loại hormone trong cơ thể. Dưới đây là 10 loại hormone phổ biến và đóng vai trò quan trọng:

1. Gonadotropin releasing hormone (GnRH)

Gonadotropin releasing hormone được tạo ra bởi một phần của não gọi là vùng dưới đồi. GnRH có vai trò kích thích tuyến yên tiết ra hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Ở nam giới những hormone môn này có vai trò giúp tinh hoàn tạo ra testosterone. Ở phụ nữ, chúng khiến buồng trứng tạo ra estrogen và progesterone. (2)

2. FSH (Follicle Stimulating Hormone)

FSH được tiết ra bởi tuyến yên, có vai trò quan trọng với chức năng sinh sản. Ở phụ nữ, FSH giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và kích thích sự phát triển của trứng trong buồng trứng. Ở nam giới, FSH giúp kiểm soát việc sản xuất tinh trùng. Ở trẻ em, nồng độ FSH thường thấp cho đến tuổi dậy thì. Khi nồng độ FSH tăng lên, ở bé nữ sẽ báo hiệu cho buồng trứng tạo ra estrogen. Ở bé trai giúp tinh hoàn tạo ra testosterone. (3)

3. LH (Luteinising Hormone)

LH là một hormone trong cơ thể được tạo ra bởi tuyến yên. LH có vai trò quan trọng trong hệ thống sinh sản của con người. Nó giúp kích thích rụng trứng và sản xuất hormone cần thiết để hỗ trợ mang thai. 

4. HCG (Human Chorionic Gonadotropin)

HCG là hormone được sản xuất bởi nhau thai trong thời kỳ mang thai. HCG giúp làm dày niêm mạc tử cung của người để hỗ trợ phôi thai phát triển và ra lệnh cho cơ thể ngừng kinh nguyệt. Nồng độ HCG tăng sau khi thụ thai và tiếp tục tăng đến khoảng 10 tuần đầu của thai kỳ. 

5. Estrogen

Estrogen là một trong hai hormone giới tính thường liên quan đến nữ giới. Cùng với progesterone, estrogen đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản. Estrogen giúp phát triển các đặc điểm giới tính thứ cấp bao gồm: ngực, hông… và các quá trình kinh nguyệt, mang thai, mãn kinh… (4)

Estrogen giúp cân bằng chu kỳ kinh nguyệt. Nó thúc đẩy quá trình rụng trứng, giúp làm dày niêm mạc tử cung để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Nồng độ estrogen đạt đỉnh trước ngày rụng trứng. Đây là thời kỳ dễ thụ thai nhất vì estrogen làm loãng chất nhầy trong cổ tử cung giúp tinh trùng tiếp cận trứng dễ dàng hơn. 

6. Progesterone

Progesterone là hormone đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sinh sản. Progesterone hỗ trợ kinh nguyệt và giúp duy trì giai đoạn đầu của thai kỳ. Progesterone hoạt động bằng cách làm dày niêm mạc tử cung của bạn và tạo môi trường tốt cho trứng đã thụ tinh làm tổ. Trong chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ progesterone giảm giúp niêm mạc tử cung mỏng đi và vỡ ra bắt đầu của chu kỳ kinh nguyệt. 

7. Prostaglandin

Prostaglandin là một nhóm lipid có tác dụng giống như hormone mà cơ thể tạo ra chủ yếu tại các vị trí tổn thương hoặc nhiễm trùng. Có một số loại prostaglandin khác nhau và chúng đóng vai trò thiết yếu trong việc điều chỉnh các quá trình của cơ thể bao gồm: hình thành các cục máu đông tại vị trí chấn thương, điều chỉnh lưu lượng máu, làm lành vết thương, khởi phát chuyển dạ trong thai kỳ, rụng trứng…

8. Androgen

Androgen là hormone giới tính. Ở tuổi dậy thì chúng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản và sự phát triển của cơ thể. Cả nam và nữ đều tiết ra androgen, tuy nhiên nam giới tiết nhiều hơn. Androgen ở nam giới có chức năng bao gồm: đảm bảo mật độ xương, phát triển cơ bắp, quá trình dậy thì, sản xuất hồng cầu, chức năng sinh dục, giọng trầm (kéo dài dây thanh quản), mọc lông trên da mặt, da đầu, nách, bộ phận sinh dục, sự phát triển của tinh trùng…

9. Oxytocin

Oxytocin là một loại hormone được sản xuất ở vùng dưới đồi và được giải phóng vào máu bởi tuyến yên. Chức năng chính của nó là tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh nở, oxytocin vừa kích thích tử cung co bóp, thúc đẩy sản xuất prostaglandin làm tăng co bóp tử cung. Sau sinh, oxytocin giúp di chuyển sữa từ ống dẫn sữa đến núm vú. Hormone oxytocin cũng được kích thích sản xuất khi yêu nên nó còn được gọi là “hormone tình yêu”. (5)

10. Prolactin

Prolactin có tên khác là luteotropic hormone, được tiết ra bởi tuyến yên. Prolactin có vai trò quan trọng trong sản xuất và tiết sữa mẹ. Ngoài ra, prolactin còn có vai trò quan trọng về các vấn đề ăn uống, giao hợp, kích thích sản sinh hormone estrogen… 

Các tuyến nội tiết trong cơ thể

Một số bệnh liên quan đến nội tiết tố

Nếu một hoặc nhiều hormone trong cơ thể tiết nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết. Rối loạn nội tiết cũng có thể xảy ra khi cơ thể tiết đầy đủ hormone nhưng các thụ thể phản ứng với hormone gặp vấn đề. Rối loạn nội tiết ảnh hưởng trên diện rộng đối với cơ thể chúng ta (6). Một số loại rối loạn nội tiết phổ biến nhất bao gồm:

1. Mãn kinh

Mãn kinh là giai đoạn cơ thể phụ nữ mất chức năng sinh lý hay chấm dứt các chu kỳ kinh nguyệt (vô kinh) do giảm chức năng buồng trứng. Phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh sẽ có các triệu chứng bao gồm: bốc hỏa, ra mồ hôi ban đêm, dễ nổi giận, da khô sạm, rối loạn giấc ngủ, teo âm hộ, âm đạo, không có kinh nguyệt hơn 1 năm…

2. Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Cơ thể người bệnh tiểu đường không tạo đủ insulin hoặc cơ thể không sử dụng tốt insulin làm đường trong máu không được xử lý hiệu quả dẫn đến tăng đường huyết. Tình trạng đường huyết tăng trong thời gian dài gây ra các biến chứng bao gồm: bệnh tim, giảm thị lực, bệnh thận, bệnh thần kinh… Hiện vẫn chưa có cách chữa trị bệnh tiểu đường. Người bệnh được chỉ định chế độ ăn lành mạnh, ít đường tinh bột, phải dùng thuốc hàng ngày. 

3. Bệnh Cushing

Bệnh Cushing xảy ra khi cơ thể có quá nhiều hormone cortisol do người bệnh uống quá nhiều thuốc corticosteroid hoặc cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol. Bệnh Cushing gây bướu mỡ giữa hai vai, khuôn mặt tròn trịa, rạn da. Người bệnh Cushing có thể bị biến chứng huyết áp cao, loãng xương, tiểu đường tuýp 2. Điều trị bệnh cortisol càng sớm cơ hội phục hồi càng cao. 

4. Bệnh Graves

Bệnh Graves là bệnh rối loạn hệ thống miễn dịch khiến sản xuất quát nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp). Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh cường giáp, tuy nhiên bệnh Graves là nguyên nhân phổ biến nhất. Hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến nhiều hệ thống của cơ thể, do đó triệu chứng của bệnh Graves rất đa dạng bao gồm: lo lắng, cáu kỉnh, tay run, nhạy cảm với nhiệt, tăng tiết mồ hôi, sụt cân không lý do, bướu cổ, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, rối loạn cương dương hoặc giảm ham muốn tình dục, mắt lồi, mệt mỏi, đánh trống ngực, rối loạn giấc ngủ… Bệnh Graves có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Điều trị bệnh Graves bằng cách giảm hàm lượng hormone tuyến giáp. 

5. Viêm tuyến giáp Hashimoto

Viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể tấn công các tế bào tuyến giáp dẫn đến tổn thương hoặc chế tế bào. Hiện chưa có nguyên nhân chính xác gây bệnh Hashimoto, nhiều người bệnh Hashimoto có điểm chung liên quan đến các yếu tố dưới đây: di truyền, nhiễm trùng, nhiễm phóng xạ… Bệnh Hashimoto dễ dẫn đến các biến chứng bao gồm: bướu cổ, tim mạch, sức khỏe tâm thần, chức năng sinh sản, thụ thai kém… 

6. Cường giáp/suy giáp

Bệnh cường giáp do tuyến giáp tiết quá nhiều hormone giáp trong khi bệnh suy giáp do tuyến giáp tiết quá ít hormone giáp. Cả bệnh cường giáp và suy giáp đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do vậy, khi nhận thấy cơ thể có các triệu chứng như: ăn không ngon, táo bón, giảm trí nhớ, trầm cảm, giọng khàn và trầm hơn, đánh trống ngực, đau khớp và cơ, giảm ham muốn tình dục, sụt cân không lý do, tăng hoạt động, tiết nhiều mồ hôi, nhạy cảm với nhiệt, mệt mỏi, thèm ăn, mất ngủ… cần gặp bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để được thăm khám và điều trị sớm. 

7. U tiết Prolactin

U tiết Prolactin hay còn gọi u tuyến yên tăng tiết prolactin. Là một khối u lành tính được hình thành từ tế bào tuyến yên. Sự xuất hiện của khối u này làm tăng tiết hormone prolactin, hormone có vai trò quan trọng với tuyến vú. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, gây các biến chứng nguy hiểm. 

8. Ung thư các tuyến nội tiết

Ung thư xuất hiện ở các tuyến nội tiết như: tuyến thượng thận, tuyến yên, tuyến giáp, tuyến tùng… ảnh hưởng đến chức năng của các tuyến nội tiết gây nghiêm trọng cho sức khỏe.

Nội tiết tố là gì? Nội tiết tố bao gồm tất cả các hormone trong cơ thể con người. Một trong số hormone gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe thậm chí gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Do vậy, cần khám nội tiết định kỳ hàng năm để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, cân bằng nội tiết tố.