Nội dung giáo dục địa phương, bước thụt lùi của chương trình mới
GDVN- Một giáo viên mà dạy cả Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân thì chất lượng có đạt được mục tiêu mà chương trình đã đề ra hay không?
Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 có Nội dung giáo dục địa phương thì giáo viên cũng không biết gọi là gì cho đúng. Bởi vì gọi Nội dung giáo dục địa phương là “môn học” hay là “hoạt động” thì cách gọi nào cũng thấy chưa ổn.
Ngay cả chương trình và những Công văn chỉ đạo như: Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH, Công văn 3699/BGDĐT-GDTrH mà Bộ ban hành trong năm học 2021-2022 để hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thì cũng chỉ gọi là “Nội dung giáo dục địa phương” mà thôi.
Trong khi, Nội dung giáo dục địa phương có tới 6 phân môn, đó là: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật nhưng các trường học đang bố trí người dạy rất khác nhau.
Có trường phân công phân môn thuộc chuyên ngành nào thì giáo viên bộ môn đó dạy, có trường phân công 1 giáo viên dạy cả Nội dung giáo dục địa phương nên phải nói thẳng là hiệu quả môn học này chưa được xem trọng.
Nội dung giáo dục địa phương rất cần thiết nhưng cách thực hiện còn bất cập
Thực tế cho thấy, mỗi tỉnh, thành đều có những nét riêng về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội… mà sách giáo khoa của Bộ rất khó có thể thể hiện hết được trong chương trình chung.
Vì thế, mỗi địa phương có một số tiết nhất định đối với một số môn học sẽ giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về nơi mình sinh ra, lớn lên để yêu thương, tự hào là điều rất cần thiết.
Vậy nên, trong Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông đã nêu rõ: “Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp…
Nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…
Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương;
Chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt”.
Từ những hướng dẫn của Bộ, các Sở Giáo dục đều chủ trương xây dựng, biên soạn Nội dung giáo dục địa phương. Tuy nhiên, điều khác biệt nhất ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với chương trình 2002 là tên gọi của “môn học” này.
Chương trình năm 2002 chủ trương đưa các tiết học địa phương vào luôn môn học chính và tên gọi cũng rất dễ hiểu. Chẳng hạn như: Lịch sử địa phương; Địa lí địa phương, Ngữ văn địa phương… nên giáo viên dạy, kiểm tra vào điểm thuận lợi và tất nhiên là hiệu quả hơn nhiều bởi mỗi môn học được phân công cụ thể cho một giáo viên đúng chuyên ngành đảm nhận.
Thế nhưng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 không làm như chương trình 2002 mà “gộp” 6 phân môn là: Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Âm nhạc; Mĩ thuật; Giáo dục công dân thành… Nội dung giáo dục địa phương.
Trong khi, số tiết được biên chế cho Nội dung giáo dục địa phương là 35 tiết nhưng các trường chỉ có thể bố trí dạy 31 tiết vì còn 4 tiết dành cho kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ của học kỳ I và học kỳ II.
Trong số tiết ít ỏi đó có tới 6 phân môn và cả năm có tới 8 cột đánh giá cho kiểm tra thường xuyên và định kỳ nên việc bố trí giáo viên dạy, phân chia số bài kiểm tra cho từng phân môn có phần rắc rối.
Năm nay mới bắt đầu thực hiện ở lớp 6 nhưng năm học tới đây sẽ là lớp 7, lớp 10 và được cuốn chiếu cho đến hết cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thì mức độ rối chắc chắn sẽ còn nhiều hơn mà các nhà trường sẽ phải đối mặt.
Sự rối rắm, phức tạp nằm trong việc phân công giáo viên giảng dạy, xếp thời khóa biểu, phân chia tỉ lệ bài kiểm tra và nhận xét kết quả học tập của học trò theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
Nhưng, điều đáng lưu tâm nhất là hiệu quả giảng dạy, học tập của Nội dung giáo dục địa phương có lẽ chưa được chú trọng đúng mức. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc phân công giáo viên giảng dạy ở các nhà trường.
Có trường thì phân công phân môn của môn nào thì giáo viên môn đó dạy rồi đến khi kiểm tra, vào điểm, nhận xét sẽ thống nhất với nhau nhưng cũng có trường phân công cho 1 giáo viên dạy.
Thử hỏi, một giáo viên mà dạy được cả Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Âm nhạc; Mĩ thuật; Giáo dục công dân thì chất lượng có đạt được mục tiêu mà chương trình đã đề ra hay không?
Đó là chưa kể việc biên soạn sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương hiện nay cũng có quá nhiều điều đáng bàn vì năm nay là năm đầu tiên lớp 6 thực hiện nhưng học kỳ I đã hết mà có địa phương còn chưa có sách giáo khoa. Không biết, tình hình này có được khắc phục trong những năm tới đây hay không?
Trả các phân môn của Nội dung giáo dục địa phương về các môn học như chương trình 2002 sẽ hiệu quả hơn
Có lẽ trong thâm tâm của mỗi giáo viên đang dạy chương trình giáo dục phổ thông đều luôn ủng hộ chủ trương đổi mới chương trình của ngành giáo dục nhưng sự ủng hộ đó phải đi liền với hiệu quả giáo dục.
Nhưng, thực tế Nội dung giáo dục địa phương đang được áp dụng giảng dạy ở lớp 6 trong năm học này dù suy nghĩ tích cực như thế nào đi chăng nữa thì đội ngũ nhà giáo cũng khó tìm thấy những ưu điểm khi gộp 6 phân môn Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Âm nhạc; Mĩ thuật; Giáo dục công dân thành Nội dung giáo dục địa phương.
Trong khi, 6 phân môn của Nội dung giáo dục địa phương được thực hiện xuyên suốt từ lớp 6 đến lớp 12 bởi ở cấp Trung học cơ sở là “môn học bắt buộc” và cấp Trung học phổ thông là “chuyên đề học tập lựa chọn”.
Chúng tôi cho rằng để đạt được hiệu quả trong giảng dạy chương trình địa phương thì điều đầu tiên là các nhà trường, giáo viên phải xem trọng các nội dung này.
Thứ nhất: theo quan điểm của người viết thì đưa các phân môn trong Nội dung giáo dục địa phương vào các môn học cụ thể như chương trình năm 2002 để giáo viên thuận lợi trong việc giảng dạy, đánh giá mới hy vọng đến tính hiệu quả của môn học.
Thứ hai: các địa phương cần có hướng dẫn cụ thể trong việc bố trí giáo viên giảng dạy một cách khoa học (nếu vẫn giữ như chương trình lớp 6 hiện hành). Tuyệt đối không bố trí 1 giáo viên dạy cả 6 phân môn như một số trường đang bố trí trong năm học này vì giáo viên không có đủ khả năng để “ôm” hết được kiến thức của rất nhiều lĩnh khác nhau.
Thứ ba: các địa phương cần xây dựng, biên soạn chương trình sách giáo khoa địa phương phải thể hiện được bản sắc của địa phương mình. Cách biên soạn cũng cần chú trọng đến tính khoa học, hệ thống các đơn vị kiến thức tiêu biểu của địa phương.
Đặc biệt, chương trình, sách giáo khoa phải ra đời trước khi áp dụng giảng dạy ở các nhà trường. Tránh tình trạng giáo viên và học sinh phải dạy chay, học chay – khi mà tư liệu tối thiểu nhất là sách giáo khoa cũng chưa có như đối với lớp 6 ở một số địa phương trong năm học này.
Thứ tư: Bộ, Sở, Phòng Giáo dục, Hội đồng bộ môn cần có định hướng, thống nhất, tập huấn cho giáo viên về chương trình, cách thức kiểm tra, đánh giá… tránh tình trạng “thả trôi” mỗi trường thực hiện mỗi cách khác nhau.
Bởi lẽ, với trình độ của giáo viên phổ thông thì có lẽ đa phần thầy cô giáo không tài nào hiểu nổi vì sao Bộ lại chủ trương “tích hợp” kiến thức của 6 phân môn, gồm: Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Âm nhạc; Mĩ thuật; Giáo dục công dân thành Nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên để họ “tự chủ” thì khó khăn nhiều lắm!
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
HƯƠNG MAI