Nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân để truyền nghị lực sống cho người khuyết tật

PV: Chị có thể chia sẻ một chút về con đường khởi nghiệp của mình cũng như về đứa con tinh thần mang tên “Nghị Lực Sống”. Cái tên dường như nói lên hết những sự cố gắng của bản thân chị?

Chị Nguyễn Thị Vân: Việc học của Vân có thời điểm bị ngắt quãng nhưng sự đam mê học tập chưa bao giờ ngừng. Vân tập trung trau dồi tiếng Anh và Tin học. Vốn ưa thích thiết kế nên Vân tiếp tục mày mò học thêm về đồ họa. Vân quan niệm quyết tâm học tập, nỗ lực vươn lên là một cách để mình có thể vượt qua được nghịch cảnh.

người khuyết tật, nỗ lực

“Trung tâm Nghị Lực Sống mang biết bao tâm huyết của hai anh em Vân” – chị Vân chia sẻ.

Con đường lập nghiệp có thể nói trải qua biết bao gian nan, thăng trầm. Vân cùng anh trai và một số người bạn thân thành lập Trung tâm Nghị Lực Sống. Tại đây, dựa vào kiến thức và kinh nghiệm về tin học của mình, hai anh em Vân quyết tâm đào tạo tin học và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật. Những ngày đầu gặp muôn vàn khó khăn nhưng Vân và mọi người ở Trung tâm quyết không đi xin các quỹ từ thiện bởi nhiều định kiến của xã hội dành cho người khuyết tật.

Ngay từ khi mới thành lập Trung tâm Nghị Lực Sống, Vân và anh trai luôn trăn trở: Làm thế nào để người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận tri thức, vươn lên trong cuộc sống, tham gia vào quá trình xây dựng đất nước? Làm thế nào để xóa bỏ rào cản và trao quyền cho người khuyết tật? Đó mới là đích đến cuối cùng của hai anh em.

người khuyết tật, nỗ lực

Trung tâm đào tạo miễn phí cho người khuyết tật.

Mình đã từng nhận thấy khi đi đến nhà hàng, các cơ quan, doanh nghiệp tại Hà Nội, gần như không có một người lao động nào là người khuyết tật. Việc làm và tạo thu nhập cho người khuyết tật vẫn luôn là vấn đề nổi cộm ở Việt Nam khi mà một tỷ lệ lớn người khuyết tật vẫn đang thất nghiệp, còn đối với hầu hết số người có việc làm thì công việc bấp bênh, không thuộc thị trường chính thức, thu nhập thấp. Làm thế nào để người khuyết tật thực sự trở thành động lực mà không phải là gánh nặng cho xã hội là câu hỏi mà mình luôn đau đáu.

Những trăn trở đó đã thôi thúc Vân cùng đội ngũ của Trung tâm Nghị lực sống luôn nỗ lực giúp đỡ, đồng hành, hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế hòa nhập toàn diện vào cộng đồng. Vân mong muốn người khuyết tật được tự tin khi ra đường, được tiếp cận với giáo dục và sau đó đi làm, tự kiếm thu nhập nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, từ gia đình hay nguồn hỗ trợ từ thiện…

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, do sự ra đi đột ngột của anh trai, Vân đã thay anh trai tiếp quản Trung tâm Nghị Lực Sống. Suốt 20 năm kể từ ngày ra mắt, Trung tâm Nghị lực đã đào tạo miễn phí cho hơn 1.200 học viên, hằng năm đã hỗ trợ việc làm cho 60 – 70 người khuyết tật.