Nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước châu Âu chú ý đến hội chứng Covid kéo dài khi có ít nhất 17 triệu người ở châu lục này đã trải qua hội chứng trên trong hai năm đầu tiên của đại dịch.

Với dự báo hàng triệu người ở Lục địa Già có thể mắc hội chứng Covid kéo dài trong những năm tới, WHO kêu gọi các nước cần gấp rút đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phục hồi sức khỏe.

Trong khi đó, các nhà khoa học Mỹ cũng đang làm việc để tìm lời giải cho những ẩn số liên quan tới hội chứng Covid kéo dài, trong đó có câu hỏi về việc liệu các phân tử virus SARS-CoV-2 có tồn tại dai dẳng trong mô của các bệnh nhân hay không.

Nhóm nghiên cứu trên, gồm các nhà khoa học hàng đầu nước Mỹ, hy vọng sớm khám phá ra bản chất của dịch Covid-19 và xem xét thử nghiệm phương pháp điều trị.

Theo đó, các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng các kỹ thuật hình ảnh và giải trình tự gene để tìm kiếm bằng chứng về sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 trong các mô, đồng thời phân tích ảnh hưởng của chúng đối với hệ thống miễn dịch.

Để lại hệ lụy dai dẳng cho sức khỏe của người bệnh trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng kể từ lần đầu mắc Covid-19, hội chứng Covid kéo dài là nguyên nhân chính cản trở người lao động quay trở lại với công việc và cuộc sống bình thường.

Những người mắc hội chứng Covid kéo dài có thể gặp vấn đề về thể lực và trí lực, với những triệu chứng khác nhau, như mệt mỏi, khó thở, bất thường về tim mạch, chứng đau nửa đầu, sương mù não, trầm cảm và lo lắng… Đây cũng là yếu tố dẫn tới bài toán thiếu hụt nhân lực trầm trọng trên thế giới.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, gần 20% số người trưởng thành ở nước này có các triệu chứng Covid kéo dài. Trên toàn cầu, ước tính hơn 150 triệu người mắc Covid kéo dài.

Một nghiên cứu quốc tế do Viện Đo lường và Đánh giá y tế thuộc Đại học Washington (Mỹ) thực hiện trong năm 2020 và 2021 cho thấy, số ca mới mắc hội chứng Covid kéo dài đã tăng 307% từ năm 2020 đến hết năm 2021.

Những con số trên là hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế-xã hội của toàn cầu.

Dù dịch Covid-19 dần được kiểm soát nhưng thế giới vẫn dễ bị tổn thương trước đại dịch này và vaccine vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp bảo vệ người dân trước dịch bệnh.

Nghiên cứu mới đây của Đại học Bar-Ilan (Israel) cho thấy, bệnh nhân mắc Covid-19 nếu được tiêm từ hai mũi vaccine trở lên có khả năng giảm đáng kể nguy cơ bị các triệu chứng có thể xuất hiện nhiều tháng sau khi khỏi bệnh.

Theo kết quả phân tích từ dữ liệu của gần 3.500 bệnh nhân trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 11/2021, những người được tiêm ít nhất hai mũi vaccine đã giảm từ 50% đến 80% nguy cơ mắc các triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng hậu Covid-19.

Người phụ trách khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge nhấn mạnh, các nước châu Âu cần phải thừa nhận rằng, hội chứng Covid kéo dài là một vấn đề gây ra hậu quả nghiêm trọng và cần nghiêm túc ứng phó hội chứng này, nhất là khi các nước sắp bước vào mùa đông – thời điểm dịch Covid-19 có thể bùng phát mạnh trở lại.

Nâng cao sức khỏe cho người dân trong thời kỳ đại dịch cũng chính là góp phần bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng cho chặng đường phục hồi và phát triển của toàn cầu.