Niêm yết là gì? Quy định pháp luật về việc niêm yết công khai
Niêm yết là gì? Quy định pháp luật về việc niêm yết được quy định như thế nào? Có những tài liệu pháp lý nào buộc phải niêm yết công khai? Khái niệm niêm yết được hiểu trong một số ngành luật chuyên ngành sẽ được Luật Minh Khuê tư vấn cụ thể:
Mục Lục
1. Khái niệm niêm yết
Niêm yết là việc dán giấy để thông báo chính thức, công khai cho công chúng biết về một vấn đề nào đó.
Niêm yết là việc công khai hoá những văn bản, cáo thị nhằm mục đích thông tin, phổ biến, quảng cáo, vận động quần chúng hưởng ứng thi hành nội dung văn bản, cáo thị đó.
Ví dụ: việc niêm yết việc đăng kí kết hôn tại trụ sở uỷ ban nhân dân cấp xã.
Niêm yết là một thủ tục được quy định trong một số văn bản pháp luật.
Ví dụ: niêm yết danh sách cử tri. Đối với án xử vắng mặt bị cáo thì bản án được niêm yết trong thời hạn 10 ngày sau khi tuyên án (Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự).
Mục đích của việc niêm yết còn nhằm công khai hoá những thông tin cần cho công chúng biết về một sự kiện, sự việc, con người hoặc một vấn đề nhất định, qua đó, để công chúng kiểm tra về độ chính xác của các thông tin; phát hiện những gian dối, giả mạo, sai lệch của các thông tin, từ đó giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan niêm yết) có được những quyết định đúng đắn.
Trong xã hội dân chủ, việc niêm yết là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Một mặt, giúp cho nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát những hoạt động của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, mặt khác, tạo điều kiện cho nhân dân thể hiện ý chí của mình đối với các quyết định của cơ quan nhà nước cũng như bày tỏ nguyện vọng sát hợp với thực tiễn đời sống xã hội.
2. Một số quy định pháp luật về niêm yết
2.1. Thủ tục niêm yết theo Luật Chứng khoán 2019
Khoản 24 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định:
Niêm yết chứng khoán là việc đưa chứng khoán có đủ điều kiện niêm yết vào giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết.
Chứng khoán niêm yết được tổ chức phân bảng theo các khu vực thị trường riêng biệt như sau:
– Bảng niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ,. chứng quyền có bảo đảm, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết và các sản phẩm tài chính khác;
– Bảng niêm yết công cụ nợ;
– Bảng niêm yết trái phiếu doanh nghiệp;
– Bảng niêm yết chứng khoán phái sinh.
Hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ:
(i) Hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của công ty chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa bao gồm:
– Giấy đăng ký niêm yết cổ phiếu theo Mẫu số 28 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP;
– Bản cáo bạch niêm yết theo Mẫu số 29 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP; Giấy chứng nhận đăng ký chào bán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, báo cáo kết quả chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức đăng ký niêm yết hoặc quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về Đề án cổ phần hóa (trong trường hợp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp cổ phần hóa); Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu;
– Sổ đăng ký cổ đông của tổ chức đăng ký niêm yết được lập trong thời hạn 01 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký niêm yết; kèm theo danh sách cổ đông lớn, cổ đông chiến lược, người nộp bộ và người có liên quan của người nội bộ (số lượng, tỷ lệ nắm giữ, thời gian bị hạn chế chuyển nhượng (nếu có));
– Cam kết của cổ đông là cá nhân, tổ chức có đại diện sở hữu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Bản Kiểm soát (Kiểm soát viên), Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị bổ nhiệm và cam kết của cổ đông lớn là người có liên quan của các đối tượng trên về việc nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 06 tháng kể từ ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 06 tháng tiếp theo;
– Hợp đồng tư vấn niêm yết, trừ trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết là công ty chứng khoán;
– Giấy chứng nhận của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam về việc cổ phiếu của tổ chức đăng ký niêm yết đã đăng ký chứng khoán tập trung;
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương;
– Báo cáo tài chính trong 02 năm liền trước năm đăng ký niêm yết của tổ chức đăng ký niêm yết theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
(ii) Hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của công ty đã giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom tối thiểu 02 năm, bao gồm:
– Tài liệu quy định tại các điểm a, c, d, đ, g, h khoản 1 Điều 110 Nghị định 155/2020/NĐ-CP;
– Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu;
– Bản cáo bạch niêm yết theo Mẫu số 29.
(iii) Hồ sơ đăng ký niêm yết chứng chỉ quỹ đóng, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ hoán đổi danh mục và cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng bao gồm:
– Giấy đăng ký niêm yết chứng chỉ quỹ, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán theo Mẫu số 28;
– Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đầu tư chứng khoán, Giấy phép thành lập và hoạt động công ty đầu tư chứng khoán kèm theo bản cáo bạch, sổ đăng ký nhà đầu tư hoặc sổ đăng ký cổ đông;
– Báo cáo danh mục đầu tư của quỹ, công ty đầu tư chứng khoán tại thời điểm đăng ký niêm yết có xác nhận của ngân hàng giám sát;
– Giấy chứng nhận đăng ký chứng chỉ quỹ, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cấp.
Sở giao dịch chứng khoán sau khi chấp thuận niêm yết phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 01 bản sao hồ sơ đăng ký niêm yết.
Thủ tục đăng ký niêm yết:
– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết đầy đủ và hợp lệ, Sở giao dịch chứng khoán có quyết định chấp thuận niêm yết; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được chấp thuận niêm yết, tổ chức đăng ký niêm yết phải đưa chứng khoán vào giao dịch.
2.2. Thủ tục niêm yết theo Luật Giá 2012
Niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên Bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng háo hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ gắn với thông số kinh tế – kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lựa chọn thêm một hoặc một số hình thức như họp báo, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức thích hợp khác.
2.3. Thủ tục niêm yết theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về Thủ tục niêm yết công khai như sau:
– Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
– Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện theo thủ tục sau đây:
+ Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tổng đạt, thông báo;
+ Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
+ Lập biên bản về thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.
– Thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.
2.4. Thủ tục niêm yết theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Điều 137 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về Việc cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng, theo đó việc cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện thông qua các phương thức:
– Cấp, giao, chuyển trực tiếp;
– Gửi qua dịch vụ bưu chính;
– Niêm yết công khai;
– Thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng;
Việc cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng phải thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Điều 140 quy định về Thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng:
– Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện khi không rõ địa chỉ hoặc không rõ người được cấp, giao đang ở đâu.
– Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cuối cùng người được cấp, giao văn bản tố tụng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi cuối cùng người đó làm việc, học tập.
Văn bản tố tụng phải được niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết công khai được lập biên bản ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.
Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày kết thúc việc niêm yết.
Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng cho người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Người được giao trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng nhưng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ theo quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luât, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Để được hỗ trợ tư vấn cụ thể hơn về thủ tục niêm yết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Luật Minh Khuê qua số tổng đài tư vấn pháp luật: 19006162. Trân trọng!