Những vấn đề về xuất khẩu nông sản của Việt Nam: cCác nhân tố quốc gia (phần 7)

Những vấn đề về xuất khẩu nông sản của Việt Nam: Các nhân tố quốc gia (phần 7)

Các nhân tố quốc gia đối với sản xuất nông nghiệp

1. Nhân tố về điều kiện tự nhiên cho sản xuất nông sản

Nhân tố này bao gồm các điều kiện về đất đai, khí hậu, vị trí địa lý của mỗi quốc gia mà từ đó tạo ra những thuận lợi hay khó khăn khách quan cho sản xuất và xuất khẩu nông sản. Các quốc gia trên thế giới như ở Mỹ La Tinh đang có vị trí đáng kể về sản xuất và xuất khẩu nông sản, đa phần là những quốc gia có điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn nước khá thuận lợi cho sản xuất nông sản.

Sản xuất nông nghiệp nói chung, chịu sự tác động rất lớn của các yếu tố tự nhiên như: thời tiết, thiên tai, lũ lụt, do đó, mức độ rủi ro trong kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản rất lớn, đôi khi không lường trước được và không tránh khỏi những tổn thất và thiệt hại ngay cả khi được mùa thu hoạch. Mặt khác, do sự khác biệt và không ổn định về thời tiết, khí hậu giữa các vùng miền cũng như khả năng khắc phục những khó khăn của điều kiện tự nhiên ở các quốc gia, các vùng, các địa phương khác nhau khiến cho khả năng cung cấp nông sản làm nguyên liệu không ổn định. Do đó có thể lúc này, nơi này việc sản xuất và xuất khẩu một vài loại nông sản gặp khó khăn, nhưng ở nơi khác lại là thuận lợi, do vậy nếu một quốc gia hoặc doanh nghiệp nắm bắt được tính bất ổn về thời tiết thì không những hạn chế được rủi ro, tổn thất mà còn nâng cao được hiệu quả xuất khẩu nông sản.

Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về điều kiện tự nhiên để sản xuất và xuất khẩu nông sản. Việt Nam có nhiều tiềm năng về đất, với diện tích 330.363 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp có khoảng 10,5 triệu ha gồm nhiều loại thổ nhưỡng có giá trị kinh tế cao như đất đỏ bazan, đất phù sa rất thích hợp để phát triển các cây công nghiệp như cà phê, cao su, chè và các loại cây lương thực, cây ăn quả, rau màu, với tài nguyên đất đai, khí hậu và địa hình đa dạng nên sản xuất nông nghiệp khá thuận lợi.

Trong xu thế toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, hầu hết các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp đều đã được quốc tế hóa, giá cả gần như trên cùng một mặt bằng thì yếu tố lao động đã trở thành yếu tố quan trọng trong cạnh tranh, Việt Nam với nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ là một yếu tố mang lợi thế so sánh. Với một cơ cấu dân số trẻ trong đó gần 50% dân số đang ở độ tuổi lao động là một lực lượng lao động dồi dào cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Theo nguyên lý lợi thế so sánh: một nước sẽ sản xuất và xuất khẩu những loại hàng hóa mà việc sản xuất ra chúng cần sử dụng nhiều yếu tố rẻ và sẵn có của nước đó. Ngành sản xuất, chế biến nông sản sử dụng rất nhiều lao động trong tất cả các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, chế biến. Bởi vì, về cơ bản sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn mang nặng tính chất thủ công, do đó đòi hỏi số lượng lao động lớn. Tuy nhiên yếu tố lao động nhiều và rẻ sẽ bị dần mất đi cùng với quá trình hội nhập kinh tế. Thêm vào đó, lao động nước ta, đặc biệt là lao động nông thôn chưa thể xóa bỏ được tập quán sản xuất nhỏ và tùy tiện, vì vậy lực lượng lao động này cần phải trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động.

2. Cơ chế chính sách của nhà nước

Thực tế ở nhiều nước trên thế giới đang có vị trí sản xuất và xuất khẩu nông sản quan trọng mặc dù trình độ khoa học và công nghệ còn thấp so với Mỹ, Nhật và EU, song họ có hệ thống chính sách kinh tế tốt và hợp lý để khuyến khích sản xuất và xuất khẩu nông sản, họ biết tổ chức sản xuất và kinh doanh có hiệu quả. Cho nên có thể nói, việc khai thác các nhân tố khác có đạt hiệu quả cao hay không chủ yếu phụ thuộc vào trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh và sự hỗ trợ tích cực bằng các chính sách kinh tế của chính phủ.

Khi Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường, tham gia kinh doanh xuất khẩu nông sản ngoài doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn có các công ty tư nhân và các thành phần kinh tế khác. Ngoài xuất khẩu chính ngạch chủ yếu do các tổ chức kinh doanh xuất khẩu nhà nước đảm nhiệm, bao gồm các khâu: thu mua, chế biến và trực tiếp xuất khẩu, thì trong xuất khẩu tiểu ngạch sự tham gia của các tư thương và công ty tư nhân chiếm một vị trí đáng kể và thường xảy ra cạnh tranh quyết liệt. Vì vậy đối với các doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm công tác tổ chức sắp xếp mạng lưới kinh doanh như: chủ động tìm kiếm thị trường, tìm kiếm nguồn hàng, tổ chức tốt khâu quản lý, thanh quyết toán kịp thời; xúc tiến hoạt động của các mạng lưới kinh doanh trong và ngoài nước để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện tốt mối liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu có hiệu quả hay không phụ thuộc vào nỗ lực của chính người sản xuất kinh doanh, mặt khác, nó cũng phụ thuộc vào hệ thống chính sách của chính phủ. Một hệ thống chính sách hợp lý sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và xuất khẩu, nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông sản xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Các sản phẩm nông sản của một quốc gia thường chia thành hai loại: nông sản chưa qua chế biến và nông sản đã qua chế biến, thường các sản phẩm đã qua chế biến có giá trị xuất khẩu lớn hơn nhiều lần so với các sản phẩm thô chưa qua chế biến. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải có chính sách cơ cấu sản phẩm phù hợp nhằm tăng dần tỷ trọng các sản phẩm đã qua chế biến để đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn trong hoạt động xuất khẩu.

Chính sách phát triển và mở rộng thị trường là một yếu tố quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu nông sản. Đây là công việc khó khăn, phức tạp và phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa các quốc gia. Các chính phủ cần phải xây dựng chính sách sản phẩm nông sản phù hợp và thích ứng với từng thị trường, từng khu vực. Trên cơ sở định hướng và những hiệp định song phương, đa phương được ký kết của chính phủ, cũng như các thông tin về sản phẩm và thị trường do các cơ quan, các tổ chức xúc tiến thương mại của Nhà nước cung cấp, các doanh nghiệp chủ động giới thiệu sản phẩm nông sản tới các thị trường tiêu thụ. Chính sách hỗ trợ của chính phủ có tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu nông sản, nó có tác dụng khuyến khích hoặc hạn chế hoạt động xuất khẩu. Ví dụ các chính sách về phát triển nông thôn, chính sách về vùng nguyên liệu, chính sách về tỷ giá hối đoái, chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất nông sản xuất khẩu. Trong điều kiện hội nhập và tự do hóa thương mại, các chính sách hỗ trợ này phải phù hợp với các nguyên tắc của WTO.

3. Nhân tố về sự phát triển của khoa học công nghệ tác động đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển nông sản.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, thị trường nông sản thế giới ngày càng tăng trưởng nhanh chóng, cho phép thỏa mãn nhu cầu đa dạng của giới tiêu dùng về nông sản. Đó cũng là điều kiện quyết định để tăng năng suất lao động, tăng năng suất cây trồng và chất lượng nông sản, từ đó hạ giá thành sản phẩm nông sản. Đồng thời nó lại tác động cho phép tăng cầu về nông sản ở mỗi quốc gia. Như vậy, khoa học và công nghệ đã tạo ra hiệu quả có tính hai mặt: tăng khả năng thanh toán của giới tiêu dùng nông sản đồng thời hạ giá bán sản phẩm nông sản. Vì vậy thị trường nông sản thế giới sẽ biến động theo chiều hướng có lợi cho cả người sản xuất và xuất khẩu nông sản lẫn người nhập khẩu và tiêu dùng nông sản.

Nhân tố này được xem xét trên hai phạm vi: trong sản xuất nông nghiệp và ngoài sản xuất nông nghiệp nhưng có liên quan trực tiếp đến sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Trong khâu sản xuất nông nghiệp, nhân tố khoa học và công nghệ bao gồm cơ giới hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa, áp dụng những thành tựu mới của công nghệ sinh học vào sản xuất nông sản sẽ ngày càng có vị trí quyết định trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản. Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, khối EU đang có nhiều ưu thế trong lĩnh vực này.

Ngoài khâu sản xuất nông nghiệp, khi xem xét nhân tố khoa học và công nghệ trong công nghiệp chế biến nông sản sẽ phải kể đến trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa khâu chế biến, bảo quản nông sản. Do phần lớn sản phẩm nông sản là mặt hàng thực phẩm thiết yếu có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nước nhập khẩu đặc biệt là những quốc gia nhập khẩu lớn ngày càng đòi hỏi khắt khe, chặt chẽ hơn.

Trái với nhân tố điều kiện tự nhiên, nhân tố khoa học và công nghệ ngày càng giữ vai trò quyết định đối với khả năng sản xuất và xuất khẩu nông sản. Với công nghệ bảo quản đơn giản, hàm lượng khoa học thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác nuôi trồng, chế biến, bảo quản, vận chuyển lạc hậu, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch kém dẫn đến tỷ lệ hư hỏng sản phẩm cao là nhân tố quan trọng đẩy giá thành sản phẩm lên cao, vì vậy giá nông sản xuất khẩu của Việt Nam khó cạnh tranh được so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác có nền khoa học công nghệ tiến bộ trong lĩnh vực này.

Nhận thức được vấn đề này, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 18/03/2002 về đẩy nhanh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010 nhằm “xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu”.

Lương Thanh Hải

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại- VIOIT