Những vấn đề pháp lý liên quan đến vốn điều lệ khi thành lập công ty – Công ty Luật Quốc tế DSP
Vốn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với việc thành lập và phát triển doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có vốn, hoặc vốn không đủ thì doanh nghiệp không thể được thành lập cũng như duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Vậy nên, hiện nay, nhu cầu hiểu biết về vốn của doanh nghiệp trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều cá nhân, tổ chức. Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật Quốc tế DSP cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản liên quan đến quy định của pháp luật hiện hành về vốn điều lệ khi thành lập công ty.
1. Vốn điều lệ là gì?
1.1. Khái niệm vốn điều lệ
Theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần”.
Trong đó:
– Vốn điều lệ của công ty hợp danh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do các thành viên hợp danh và tổng giá trị phần vốn góp các thành viên góp vốn cam kết góp vào công ty.
– Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
– Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.
– Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
1.2. Đặc điểm của vốn điều lệ
Thứ nhất, vốn điều lệ chỉ xuất hiện ở loại hình công ty. Theo đó, khác với các loại hình công ty, Doanh nghiệp tư nhân không có vốn điều lệ mà chỉ có vốn đầu tư. Thực chất, vốn điều lệ và vốn đầu tư đều là giá trị tài sản mà chủ sở hữu, thành viên của doanh nghiệp đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập doanh nghiệp, chỉ là tên gọi khác nhau tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.
Thứ hai, vốn điều lệ giúp xác định mức độ trách nhiệm của chủ sở hữu, thành viên công ty. Theo đó, đối với những công ty có chế độ trách nhiệm hữu hạn thì chủ sở hữu, các thành viên trong công ty phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp hoặc phần vốn đã cam kết góp đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
2. Những vấn đề pháp lý liên quan đến vốn điều lệ khi thành lập công ty
2.1. Tài sản góp vốn
Theo quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì tài sản góp vốn bao gồm:
– Đồng Việt Nam
– Ngoại tệ tự do chuyển đổi
– Vàng
– Quyền sử dụng đất
– Quyền sở hữu trí tuệ
– Công nghệ, bí quyết kỹ thuật
– Tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Theo đó, chỉ các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với những tài sản nêu trên thì mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, bởi chế độ trách nhiệm hữu hạn nên các thành viên công ty cũng phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty và việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty, cụ thể:
– Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ.
– Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.
Lưu ý: Đối với trường hợp góp vốn bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi thì hình thức thanh toán có sự khác biệt khi chủ thể góp vốn là cá nhân, tổ chức. Theo đó, nếu các cổ đông, thành viên công ty là cá nhân thì có thể góp vốn bằng tiền mặt. Tuy nhiên, đối với các cổ đông, thành viên công ty là tổ chức thì không sử dụng tiền mặt để thanh toán mà thực hiện bằng các hình thức theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt như sau:
– Thanh toán bằng Séc;
– Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
– Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
2.2. Số vốn góp
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 chưa có quy định về mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp cần đáp ứng hay mức vốn tối đa doanh nghiệp được phép đăng ký. Đối với những ngành nghề kinh doanh bình thường thì pháp luật không quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì pháp luật có quy định về mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp cần đảm bảo khi đăng ký thành lập. Lúc này, vốn điều lệ trở thành vốn pháp định.
Ví dụ: Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 20.000.000 đồng là điều kiện mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cần phải đảm bảo khi đăng ký thành lập doanh nghiệp (Điều 1 Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành).
Một vấn đề quan trọng nữa để xác định số vốn góp của doanh nghiệp là việc định giá tài sản góp vốn. Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về định giá tài sản góp vốn như sau:
– Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
– Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
– Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
2.3. Thời hạn góp vốn và trách nhiệm khi không góp đúng hạn, góp đủ số vốn đã cam kết
Tùy từng loại hình công ty khác nhau mà quy định về thời hạn góp vốn cũng khác nhau, cụ thể:
Công ty hợp danh:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 178 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã không quy định thời hạn góp vốn cụ thể của Công ty hợp danh mà khi đăng ký doanh nghiệp, thành viên hợp danh, thành viên góp vốn phải đăng ký về thời hạn cam kết góp vốn. Thời hạn cam kết góp vốn này là căn cứ để xác định thời hạn góp vốn của Công ty hợp danh.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 186 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn mới phải nộp đủ số vốn cam kết góp vào công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được chấp thuận, trường hợp Hội đồng thành viên quyết định thời hạn khác thì phải góp vốn đúng thời hạn theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Nếu thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty. Nếu có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty. Trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Công ty cổ phần:
Theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, trường hợp Điều lệ công ty hoặc Hợp đồng đăng ký mua cổ phần có quy định một thời hạn khác ngắn hơn thì thực hiện theo Điều lệ công ty hoặc Hợp đồng đăng ký mua cổ phần. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này.
Trường hợp sau thời hạn nêu trên, cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì thực hiện theo quy định sau đây:
– Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác.
– Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.
– Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải tiến hành thủ tục đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này. Theo đó, cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:
Theo quy định tại Điều 75 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.
Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn nêu trên thì chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
Ngoài ra, chủ sở hữu công ty còn phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ đã cam kết.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:
Theo quy định tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
Tuy nhiên, sau thời hạn quy định nêu trên mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:
– Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty.
– Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp.
– Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
Cũng giống như các công ty khác, trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp theo đúng quy định.
Từ những phân tích trên có thể thấy, pháp luật hiện hành đã có những quy định chặt chẽ liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp nhằm đảm bảo doanh nghiệp có đủ tiềm lực về kinh tế để vận hành và phát triển doanh nghiệp, cùng với đó giúp cho quyền và lợi ích của các khách hàng, đối tác của doanh nghiệp được bảo đảm. Trên cơ sở nắm rõ các quy định về vốn điều lệ cũng như hậu quả pháp lý khi không góp đúng hạn, góp đủ vốn sẽ giúp doanh nghiệp có cho mình những chiến lược phù hợp trong quá trình thành lập và phát triển doanh nghiệp.
3. Cơ sở pháp lý
– Luật Doanh nghiệp năm 2020.
– Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
– Thông tư 09/2015/TT-BTC hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Quốc tế DSP về những vấn đề pháp lý liên quan đến vốn điều lệ khi thành lập công ty. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Điện thoại: 0236 222 55 88
Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728
Email: [email protected]
Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn
Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA