Những vấn đề pháp lý cơ bản khi tách doanh nghiệp

1. Căn cứ pháp luật

Luật Doanh nghiệp

Bộ luật Lao động

Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế

Thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số điều của văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới thuế

2. Tách doanh nghiệp

Tách doanh nghiệp là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp. Trong đó, một doanh nghiệp bị tách có thể tách thành một hoặc nhiều doanh nghiệp mới mà không làm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị tách.

3. Loại hình có thể tách

– Công ty cổ phần

– Công ty TNHH  một thành viên.

– Công ty TNHH hai thành viên trở lên.

– Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân không thể tách vì tính đặc thù của 2 loại hình doanh nghiệp này về trách nhiệm với tài sản và tính minh bạch, rõ ràng giữa tài sản doanh nghiệp với tài sản cá nhân.

– Doanh nghiệp được tách phải là Công ty cổ phần, Công ty TNHH một thành viên hoặc Công ty TNHH hai thành viên trở lên.

– Doanh nghiệp được tách không nhất thiết phải cùng loại hình với doanh nghiệp bị tách.

4. Các phương thức tách

Cách thứ nhất: một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới.

Cách thứ hai: toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới.

Cách thứ ba có thể kết hợp từ hai cách thức trên.

5. Trách nhiệm của Công ty được tách

– Gửi Nghị quyết tách doanh nghiệp đã được thông qua có kế hoạch về công ty được tách, phương án sử dụng lao động, phương án chia tách … cho các chủ nợ, người lao động biết trước 15 ngày kể từ ngày thông qua Nghị quyết.

– Xây dựng, biểu quyết ban lãnh đạo Công ty được tách và thực hiện thủ tục đăng ký mới.

– Sau khi tách, Công ty bị tách sẽ giảm vốn điều lệ nên phải thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ và có thể đăng ký lại danh sách thành viên, cổ đông tương ứng.

– Sau khi tách, Công ty bị tách và Công ty được tách cùng liên đới chịu trách nhiệm với các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài chính khác của Công ty bị tách. Trừ trường hợp Công ty bị tách có thỏa thuận khác với chủ nợ, khách hàng và người lao động.

6. Lưu ý khi tách

– Trước khi tách, Công ty bị tách phải hoàn thành các nghĩa vụ về thuế; nếu chưa hoàn thành thì khi tách xong, Công ty bị tách và Công ty được tách cùng có nghĩa vụ liên quan tới nghĩa vụ về thuế.

– Công ty bị tách và Công ty được tách có trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động đang làm việc và sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động cho phù hợp. Trường hợp không bố trí được hết phải thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định pháp luật về lao động.

Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN SJK VIỆT NAM

Hotline yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn: 0962420486

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: [email protected]

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng ./.