Những vấn đề liên quan đến thuốc trong bệnh viện
Như vậy, chất lượng thuốc như thế nào, giá cả được qui định ra sao, tình trạng thiếu thuốc ở bệnh viện có xảy ra hay không, nếu có thì những giải pháp như thế nào? Cuộc trao đổi cùng ThS Dược sĩ Đỗ văn Dũng- Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược của Sở Y tế TP.HCM xung quanh những vấn đề này.
Mục Lục
Thưa ông, tiêu chuẩn để đủ điều kiện đấu thầu thuốc trong bệnh viện là gì? Giá thuốc trong bệnh viện được qui định như thế nào?
Tại mỗi bệnh viện có một hội đồng thuốc và điều trị. Hội đồng này có 2 nhiệm vụ chính, xây dựng các hướng dẫn điều trị và xây dựng danh mục thuốc điều trị trong bệnh viện. Để có danh mục thuốc, bệnh viện phải căn cứ vào nhu cầu thuốc được gửi lên từ các khoa khám, dược và khoa lâm sàng. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, trình độ chuyên môn của thầy thuốc trong bệnh viện, khả năng tài chính và tiên lượng về tồn kho và dự báo nhu cầu thuốc trong thời gian tiếp theo. Khi xây dựng xong, hội đồng thuốc và điều trị cùng với các chuyên gia hàng đầu về vấn đề sử dụng thuốc của bệnh viện sẽ thảo luận, hình thành danh mục thuốc dùng cho nội viện và thuốc dùng cho ngoại viện. Dựa vào danh mục thuốc này, bệnh viện xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc. Kế hoạch sẽ được các chuyên gia của Sở Y tế thẩm định và Giám đốc Sở Y tế phê duyệt. Trong quá trình đấu thầu, các thuốc được chia thành các nhóm dựa theo tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chí kỹ thuật và công nghệ. Ở mỗi nhóm như thế, nhóm nào có giá thuốc rẻ, tốt nhất thì sẽ trúng thầu. Để trúng thầu, các doanh nghiệp phải có đủ năng lực, kinh nghiệm, tiêu chí kỹ thuật chất lượng của sản phẩm dự thầu đạt yêu cầu. Sau khi đấu thầu, Sở Y tế sẽ chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm- thực phẩm thường xuyên lấy mẫu chất lượng thuốc. Hầu như tất cả các mẫu thuốc hiện nay và trong những năm gần đây vào trong bệnh viện đều có chất lượng tốt.
Riêng đối với các hoạt động ngoại trú thì bệnh nhân sẽ mua thuốc ở nhà thuốc bệnh viện. Đối với giá thuốc, giá bán ra cho phép lãi từ 2- 15% tùy theo giá cho 1 đơn vị đóng gói nhỏ nhất. Chẳng hạn như những viên thuốc có giá trị từ 1.000 VNĐ trở lại thì nhà thuốc bệnh viện chỉ lãi tối đa 15%. Nếu từ 1.000 VNĐ cho đến dưới 5.000 VNĐ thì lãi khoảng 10%. Từ 5.000 VNĐ cho đến dưới 100.000 VNĐ lãi 7% và từ 100.000 VNĐ cho đến 1.000.000 VNĐ thì lãi 5%. Những viên – lọ – ống thuốc trị giá trên 1.000.000 VNĐ thì lãi tối đa là 2%. Nếu như nhà thuốc bệnh viện không thực hiện đúng quy định này sẽ bị xử phạt rất là nặng.
Nhân đây, ông cũng cho biết thêm, nhà thuốc tư nhân sẽ niêm yết giá thuốc theo hình thức nào?
Nhà thuốc ở bệnh viện, không chỉ riêng bệnh viện công lập mà những nhà thuốc ngoài công lập được quản lý, kiểm soát rất chặt chẽ, chịu sự chi phối của giá thuốc đầu vào và việc bán ra cho người bệnh. Còn những nhà thuốc trên thị trường, thực hiện việc bán thuốc theo cơ chế thị trường, giá thuốc bán ra do nhà thuốc đó tự quyết định. Theo quy định của pháp luật thì họ phải niêm yết giá và khi bán không được bán giá cao hơn giá niêm yết. Nếu về giá cả, thuốc ở nhà thuốc bệnh viện thường rẻ hơn do có cơ chế quản lý chặt chẽ.
Thưa ông, đâu là thang đo lường chất lượng cho những loại thuốc khi có một mức giá rẻ hơn thuốc tại bệnh viện?
Hiện nay Việt Nam chúng ta đang xây dựng hệ thống quản lý chất lượng thuốc toàn diện để bảo đảm được thuốc từ khâu nguyên liệu, sản xuất, lưu giữ ở các kho đến các nhà bán buôn và bán lẻ phải đảm bảo được chất lượng. Để làm được điều đó, tất cả các thuốc nhập khẩu đều phải có sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ đầu vào. Các cơ quan chức năng, trong đó có thanh tra, trung tâm kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm thực phẩm thường xuyên lấy mẫu ở tất cả các điểm phân phối và đánh giá chất lượng thông qua kiểm nghiệm. Khi có vấn đề về chất lượng, ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng, Sở y tế. Sở y tế là cơ quan sẽ đề xuất với cục quản lý dược ra quyết định thu hồi những thuốc kém chất lượng, để tránh cho người dân tiếp cận với nguồn thuốc kém chất lượng, không đảm bảo hiệu quả, an toàn trong điều trị.
Thưa ông, chất lượng thuốc bảo hiểm y tế trên thực tế như thế nào? Nhiều người thường mặc định: Thuốc BHYT chất lượng không tốt, có đúng như vậy không? Danh mục thuốc bảo hiểm y tế có gặp những khó khăn, hạn chế nào không?
Hệ thống kiểm soát chất lượng thuốc toàn diện của Việt Nam yêu cầu tất cả các bên phải đảm bảo tiêu chí “thực hành tốt”. Ví dụ: nhà sản xuất phải thực hành tốt về sản xuất thuốc, công ty xuất nhập khẩu phải thực hành tốt bảo quản thuốc để giữ cho thuốc nguyên vẹn và chất lượng, các công ty bán buôn phải thực hành tốt phân phối thuốc và các cơ sở bán lẻ. Mỗi tiêu chuẩn thực hành tốt này có quy định tiêu chuẩn về cơ sở, kho bãi, vật chất, nhân sự, quy trình trong quá trình bảo quản, cấp phát, chống nhầm lẫn và giữ được chất lượng thuốc tốt. Hiện nay, vấn đề bảo hiểm y tế cũng gặp rất nhiều khó khăn. Với số tiền đóng bảo hiểm không lớn và chỉ có 1 mức bảo hiểm duy nhất, nhưng tất cả đều được hưởng quyền lợi tối đa. Ví dụ: bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, những bệnh mãn tính… mặc dù số tiền đóng bảo hiểm không nhiều, nhưng chi phí cho một phác đồ điều trị rất lớn. Vì vậy, bảo hiểm y tế phải sử dụng quỹ chung, bao gồm phần bảo hiểm của những người không gặp rủi ro để sử dụng những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo này.
Thưa ông, thuốc ở bệnh viện tuyến dưới có đảm bảo chất lượng như những bệnh viện tuyến trên hay không?
Thuốc ở các tuyến thì chất lượng vẫn phải đảm bảo. Hiện nay để được dùng thuốc và thanh toán thuốc bảo hiểm thì thực hiện theo 2 thông tư quan trọng của Bộ Y tế. Thông tư 40 năm 2014 có khoảng 1049 thuốc tân dược sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán khi sử dụng. Đối với thông tư 05 năm 2014 thuốc thành phẩm đối với thuốc đông y, từ dược liệu danh mục này có khoảng 239 thuốc. Còn dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền có khoảng 349 dược liệu và vị thuốc. Xét về chủng loại, các thuốc được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán đủ cho việc sử dụng thuốc trong bệnh viện. Do đó, bệnh nhân không cần lo lắng về vấn đề thiếu thuốc hoặc lo lắng về lý do vì sao thuốc bảo hiểm ít chủng loại, những thuốc có tầm chất lượng thấp. Như đã trình bày, với cơ chế đấu thầu, tiêu chí hàng đầu vẫn là thuốc đảm bảo chất lượng, trên lâm sàng phải bảo đảm hiệu quả và an toàn. Bên cạnh đó giá cả phải phù hợp kinh tế.
Thưa ông, cùng một loại thuốc nhưng với những mức giá khác nhau thì chất lượng thuốc có khác nhau hay không?
Nếu chúng ta sử dụng loại thuốc có chất lượng kỹ thuật, chất lượng cao, công nghệ tiên tiến được sản xuất bởi các nước có nền công nghiệp dược phát triển hoặc những thuốc chuyên khoa đặc trị, thì phải chi trả số tiền nhiều hơn. Biệt dược gốc là những thuốc được nghiên cứu và phát minh qua 4 giai đoạn và tốn kém chi phí rất nhiều. Chính vì vậy, quốc tế cũng như Việt Nam vẫn để cho các hãng dược phẩm bù lại phần chi phí nghiên cứu và phát triển, chính vì vậy cũng làm giá thuốc lên cao. Sau thời gian sở hữu độc quyền từ 15 – 20 năm thì các quốc gia nghèo, trong đó có Việt Nam, có thể sản xuất thuốc này dựa theo công thức đã được nghiên cứu trước đó, tiết kiệm được chi phí nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, với thuốc Generic, trong đấu thầu thuốc vẫn được chia làm nhiều nhóm. Trong cùng 1 nhóm có nhiều sản phẩm tương đồng và nhiều nhà phân phối tham dự thầu. Chỉ có những nhà phân phối nào có giá mềm nhất trong cùng 1 nhóm kỹ thuật, chất lượng thì mới được trúng thầu. Vấn đề quan trọng nhất của công tác đấu thầu cung ứng thuốc là các đơn vị phải làm đúng luật và phải đạt được mục tiêu là mua thuốc chất lượng với giá cả tương ứng. Đồng thời sử dụng phải đạt yêu cầu ở trên lâm sàng, mang lại hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân. Trong quá trình điều hành, để đạt được 3 mục tiêu này, Sở Y tế TP.HCM cũng như các cơ quan chức năng luôn tăng cường các cơ chế kiểm tra, giám soát, hậu kiểm để thúc đẩy tất cả mọi tổ chức cá nhân khi tham gia vào quá trình đấu thầu, cung ứng thuốc cũng như sử dụng thuốc cho bệnh nhân hướng đến sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.
Thưa ông, tình trạng thiếu thuốc trong bệnh viện có xảy ra hay không? Nếu có thì vấn đề trên xuất phát từ nguyên nhân gì?
Nguyên nhân thiếu thuốc trong thời gian gần đây trên địa bàn TP.HCM nói chung và cả nước nói riêng, phần lớn do sự tăng đột biến những nhu cầu không lường trước được. Thường xảy ra khi lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng đột biến từ địa phương, đặc biệt là các bệnh viện ở TP.HCM, những bệnh viện đa khoa tuyến cuối của khu vực. Khi bảo hiểm thông tuyến bệnh viện quận huyện, bệnh nhân đi khám bệnh viện quận huyện của tỉnh này đến bệnh viện của TP.HCM được xem là đúng tuyến và được thanh toán bảo hiểm. Ngoài ra, việc thiếu thuốc còn do việc đánh giá và dự trữ tồn kho ở các bệnh viện. Sau mỗi kỳ đấu thầu, lượng tồn kho cũ còn rất ít mà thuốc trúng thầu mới chưa đáp ứng được, hoặc nhà thầu chưa giao hàng kịp thời khi cùng 1 lúc có nhiều đơn hàng, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc cục bộ. Và việc thiếu thuốc chỉ xảy ra 1 vài ngày. Trong những trường hợp như vậy, Sở y tế luôn có những cơ chế để bổ sung lượng thuốc này. Chẳng hạn, khi có trường hợp phát sinh trong quá trình điều trị hoặc khẩn cấp, các bệnh viện hoàn toàn có thể xây dựng kế hoạch mua thuốc bổ sung, áp dụng các hình thức ngoài đấu thầu rộng rãi. Như chỉ định thầu rút gọn, mua thuốc chỉ trong vòng chưa đến 2 tuần đã có thuốc. Trong trường hợp khác có thể trực tiếp từ kết quả đấu thầu ở các thành phố trên toàn quốc, sẽ có thuốc trong vòng từ 4-6 tuần. Với việc mua thuốc bổ sung kết hợp với đấu thầu thường quy hằng năm, TP.HCM ít rơi vào tình trạng thiếu thuốc.
Xin cám ơn ông.
Tư vấn chuyên môn:
ThS. DS Đỗ Văn Dũng
Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược Sở Y tế TP.HCM
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn
Minh Khuê
Bạn muốn đặt câu hỏi cho
Đỗ Văn Dũng
Đặt câu hỏi cho bác sĩ