Những thuận lợi và thách thức cho Doanh nghiệp khi Việt Nam gia nhập WTO

Ngày 11/1/2007 tại trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sĩ, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Thương mại thế giới WTO tiến hành nghi lễ trao thẻ thành viên chính thức. Vậy khi Việt Nam gia nhập WTO thì doanh nghiệp sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?

 

1. Quy chế thành viên WTO có ý nghĩa gì đối với doanh nghiệp?

Thành viên của WTO là các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tự trị về thương mại (như Hồng Kông, Đài Loan…). Nói cách khác, quy chế thành viên WTO là quy chế cho quốc gia (cấp chính phủ), không phải quy chế cho từng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không có các quyền và nghĩa vụ trực tiếp từ các quy định của WTO. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ chịu những tác động từ WTO qua ảnh hưởng mang lại từ việc Việt Nam và các nước thành viên khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy chế thành viên WTO.

Những nghĩa vụ của Chính phủ có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp:

– Nhóm các nghĩa vụ về mở cửa thị trường (giảm thuế quan, không dùng biện pháp phi thuế, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia thị trường…)

– Nghĩa vụ không phân biệt đối xử (về thuế, phí, lệ phí, các quy định, thủ tục) giữa hàng hoá dịch vụ đến từ các thành viên với nhau (còn gọi là đối xử tối huệ quốc), giữa hàng hoá dịch vụ nhập khẩu với hàng hoá, dịch vụ nội địa (còn gọi là đối xử quốc gia);

– Nhóm các nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế (về trị giá hải quan, xuất xứ hàng hoá, kiểm định hàng hoá, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật…)

– Nghĩa vụ minh bạch hoá chính sách, thủ tục, quy định thương mại nội địa…

Đứng từ góc độ doanh nghiệp Việt Nam (cả doanh nghiệp lớn và nhỏ, khối Nhà nước và khối dân doanh), lợi ích từ việc Việt Nam gia nhập WTO chủ yếu là ở thị trường nước ngoài (thông qua việc các nước thành viên khác thực hiện nghĩa vụ theo quy định của WTO).

Ngược lại, thách thức đối với các doanh nghiệp sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức này sẽ chủ yếu diễn ra ở thị trường trong nước (hệ quả của việc Việt Nam thực hiện các cam kết mở cửa cho hàng hoá, dịch vụ nước ngoài).

 

2. Gia nhập WTO, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào?

Gia nhập WTO, Việt Nam phải thực hiện một loạt những điều chỉnh về chính sách và pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc và quy định liên quan của tổ chức này.

Những thay đổi này sẽ có tác động hai mặt đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

– Các tác động tích cực đối với môi trường kinh doanh là khá rõ ràng đối với tất cả các doanh nghiệp (không phân biệt quy mô, loại hình):

+ Môi trường thương mại thuận lợi, thông thoáng và bình đẳng

Các quy định trong WTO về cơ bản đều hướng tới việc tự do hoá thương mại bằng việc giảm thuế quan và thủ tục, bãi bỏ hạn ngạch, đơn giản hoá thủ tục hành chính….Việc tuân thủ các yêu cầu này của WTO sẽ khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi, thông thoáng, hợp lý và bình đẳng hơn, do đó mang lại nhiều lợi ích hơn cho tất cả các doanh nghiệp.

+ Chính sách, thủ tục thương mại minh bạch

Nguyên tắc minh bạch của WTO đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải công khai các thông tin về chính sách, luật lệ, thủ tục…có liên quan đến hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp có thông tin cần thiết cho việc lập và triển khai hiệu quả kế hoạch kinh doanh của mình.

– Các tác động tiêu cực đối với môi trường kinh doanh tập trung chủ yếu vào một số nhóm doanh nghiệp nhất định:

+ Những lợi ích từ môi trường kinh doanh độc quyền hay được bảo hộ từ Nhà nước sẽ không còn hoặc giảm bớt nhiều so với trước đây. Thách thức cạnh tranh bình đẳng là rất lớn đối với nhóm doanh nghiệp vốn được bảo hộ (bằng trợ cấp, bằng các biện pháp hạn chế nhập khẩu, thuế quan cao, các rào cản gia nhập thị trường như giấy phép hay điều kiện kinh doanh…);

+ Những lợi thế về thông tin hay đặc quyền xuất phát từ quan hệ không chính thức giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý sẽ mất dần khi môi trường kinh doanh được minh bạch hoá và điều chỉnh chủ yếu qua công cụ pháp luật. Những doanh nghiệp trước đây tạo lập lợi thế cạnh tranh từ các quan hệ này chắc chắn sẽ bị tác động không nhỏ.

+ Đối với tất cả các doanh nghiệp, môi trường kinh doanh với sự gia tăng về số lượng đối thủ cạnh tranh có tiềm lực mạnh (về vốn, công nghệ, trình độ quản lý) khiến cạnh tranh gay gắt và khó khăn hơn nhiều.

 

3. Việt Nam gia nhập WTO có lợi gì đối với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá?

Lợi ích mà việc gia nhập WTO mang lại cho doanh nghiệp xuất khẩu tập trung chủ yếu ở 04 mảng:

– Thuế quan;

– Các biện pháp phi thuế;

– Các quy định về thủ tục và điều kiện nhập khẩu; và

– Các loại thuế, phí, lệ phí và quy định thương mại tại thị trường xuất khẩu.

* Thứ nhất, về thuế quan:

Về nguyên tắc, lợi ích dễ nhận thấy nhất trong WTO là hầu hết các dòng thuế nhập khẩu vào các nước thành viên WTO đều giảm, cam kết giảm (theo lộ trình xác định) và không tăng trở lại.

Ngoài ra, các nước thành viên không được phân biệt đối xử giữa hàng hoá nhập khẩu từ các nước khác nhau (về thuế, phí, các thủ tục, quy định…). Như vậy, cơ hội cạnh tranh giữa hàng hoá Việt Nam với hàng hoá nhập khẩu từ các nước khác trên cùng một thị trường xuất khẩu về nguyên tắc là bình đẳng.

Tuy nhiên, Việt Nam đã gia nhập WTO nhưng thuế nhập khẩu vào các thị trường lớn hầu như không giảm so với trước đây: Việt Nam gia nhập WTO đồng nghĩa với việc từng nước thành viên WTO sẽ cho hàng hoá Việt Nam hưởng thuế suất nhập khẩu đang và sẽ áp dụng cho hàng hoá đến từ các nước thành viên WTO khác theo Biểu cam kết của nước đó trong WTO (gọi là thuế suất MFN). Trong khi đó, ngay khi Việt Nam chưa gia nhập WTO, nhiều nước đối tác thương mại chính đã cho hàng hoá Việt Nam hưởng thuế suất MFN. Hơn nữa, trong một thời gian dài, nhiều hàng hoá Việt Nam xuất đi một số thị trường (như EU, Canada, Nhật Bản…) được hưởng GSP (hệ thống ưu đãi thuế quan mà nước phát triển áp dụng riêng cho một số nước đang phát triển). Thuế suất GSP thấp hơn nhiều so với mức thuế MFN. Do đó, về cơ bản không có sự thay đổi lớn trong thuế suất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam vào các thị trường lớn giữa giai đoạn trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

* Thứ hai, về các biện pháp phi thuế:

Các nước thành viên WTO không được sử dụng các rào cản phi thuế (ví dụ hạn ngạch, lệnh cấm nhập khẩu…) trừ một số rất hạn chế các trường hợp (ví dụ khi áp dụng biện pháp tự vệ, rào cản kỹ thuật…) với hàng hoá đến từ các nước thành viên khác.

Do đó doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể bớt đi nỗi lo về các biện pháp hạn chế nhập khẩu gay gắt hoặc tuỳ tiện tại các thị trường xuất khẩu (ví dụ, hàng dệt may Việt Nam sẽ không còn bị áp dụng chế độ hạn ngạch ở bất kỳ thị trường nào).

* Thứ ba, về các quy định nhập khẩu:

WTO buộc các nước thành viên phải tuân thủ các nguyên tắc chung về thủ tục hải quan, trị giá tính thuế, quy tắc xuất xứ, kiểm định hàng hoá, cấp phép nhập khẩu…Do đó, các thủ tục nhập khẩu ở tất cả các nước này sẽ tương đối hợp lý, ổn định và thống nhất.

Vì thế, doanh nghiệp xuất khẩu có được những đảm bảo nhất định rằng những thủ tục nhập khẩu cơ bản sẽ không biến động lớn tại một thị trường cũng như giữa các thị trường với nhau.

Khi Việt Nam chưa là thành viên WTO, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu đã phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu của nước nhập khẩu (bao gồm cả các thủ tục hải quan, phương thức tính thuế, các điều kiện xuất xứ, kiểm định, các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, quy định chống bán phá giá, chống trợ cấp, biện pháp tự vệ…), áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn (không phân biệt nước xuất khẩu là thành viên WTO hay chưa). Khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng hoá Việt Nam vẫn tiếp tục phải tuân thủ các quy định này chứ không được hưởng ưu tiên hay miễn nghĩa vụ nào.

Tuy nhiên, khi Việt Nam đã là thành viên WTO, nếu các thủ tục hay quy định nhập khẩu tại các nước thành viên WTO áp dụng cho hàng hoá Việt Nam không phù hợp với quy định của WTO thì doanh nghiệp có thể thông báo với Chính phủ Việt Nam để có cách bảo vệ phù hợp (trong đó bao gồm cả việc kiện nước nhập khẩu ra WTO theo cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này – việc mà khi chưa là thành viên WTO Việt Nam không thể làm được).

*Thứ tư, về các loại thuế, phí, lệ phí và các quy định thương mại nội địa nước nhập khẩu

Với nguyên tắc đối xử quốc gia (NT), các nước thành viên WTO phải dành cho hàng hoá nhập khẩu từ các thành viên khác sự đối xử (về thuế, phí, lệ phí…) không kém thuận lợi hơn hàng hoá nội địa của mình. Như vậy, nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ có được vị thế bình đẳng trong cạnh tranh với nhà sản xuất nước sở tại.

 

4. Gia nhập WTO đặt ra thách thức gì cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nội địa?

Gia nhập WTO, Việt Nam phải thực hiện một loạt các quy định, cam kết về mở cửa thị trường trong nước. Thách thức cũng phát sinh từ đó:

– Thứ nhất, việc hạ thuế quan và mở cửa thị trường trong nước sẽ khiến cạnh tranh ở cấp độ sản phẩm (hàng hoá và dịch vụ) gay gắt hơn. Hàng hoá từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng mức thuế quan thấp hơn so với trước đây, và được bình đẳng với hàng hoá tương tự của Việt Nam về các loại phí, lệ phí, luật lệ…nên có sức cạnh tranh mạnh hơn với hàng hoá nội địa. Dịch vụ cung cấp qua biên giới hay trực tiếp tại Việt Nam của các cá nhân/tổ chức dịch vụ nước ngoài cũng sẽ thuận lợi hơn khiến cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ gia tăng;

– Thứ hai, việc mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp cung cấp hàng hoá/dịch vụ nước ngoài sẽ khiến cạnh tranh ở cấp độ doanh nghiệp khó khăn hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ, với vốn thấp, cơ cấu quản trị còn lỏng lẻo, phần nhiều mang tính quan hệ (bạn bè, gia đình) sẽ đứng trước thách thức lớn khi phải tổ chức lại kinh doanh để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài lớn, dầy dạn kinh nghiệm trong quản trị và kinh doanh.

– Thứ ba, việc thực thi các nguyên tắc về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong WTO sẽ khiến cho chi phí sản xuất tăng lên đáng kể và ảnh hưởng đến khả năng đổi mới công nghệ/quy trình sản xuất của không ít doanh nghiệp (tất nhiên, theo chiều ngược lại, các doanh nghiệp chủ sở hữu các tài sản trí tuệ sẽ được hưởng lợi từ việc này);

– Thứ tư, việc bãi bỏ và/hoặc cắt giảm các hình thức trợ cấp sẽ khiến cho các ngành sản xuất vốn nhận được trợ cấp từ Nhà nước dưới các hình thức khác nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp) gặp khó khăn.

 

5. Gia nhập WTO những ngành nào của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Gia nhập WTO đồng nghĩa với việc Việt Nam mở cửa thị trường trong nước cho cạnh tranh từ bên ngoài vào. Do đó, mọi doanh nghiệp, thuộc tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ có cam kết mở cửa sẽ phải chấp nhận kinh doanh trong môi trường cạnh tranh gay gắt hơn.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến các ngành là khác nhau, phụ thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố (i) mức độ mở cửa và (ii) mức độ bảo hộ (bên cạnh các yếu tố truyền thống khác như diễn biến thị trường, tâm lý tiêu dùng…).

– Từ góc độ thuế quan và mở cửa thị trường: các ngành sản xuất loại hàng hoá có mức cam kết giảm thuế lớn, với lộ trình ngắn như dệt may, cá, sản phẩm gỗ, giấy, máy móc và thiết bị điện – điện tử… được dự báo là sẽ bị tác động mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Trong lĩnh vực dịch vụ, chịu tác động mạnh nhất là các ngành vốn chưa phải đối mặt với cạnh tranh từ bên ngoài (ví dụ ngân hàng, viễn thông…) và nay phải mở cửa theo cam kết;

– Từ góc độ bảo hộ: những ngành chịu tác động lớn sẽ là những ngành từng được Nhà nước bảo hộ dưới các hình thức khác nhau (ví dụ được trợ cấp vay vốn, được bảo vệ khỏi cạnh tranh từ bên ngoài bằng các dạng quy định cấm, thủ tục xin phép hay bằng thuế nhập khẩu cao…).

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)