Những sai lầm về khởi nghiệp làm giàu của giới trẻ – SUNO.vn Blog

Mấy năm gần đây, từ khởi nghiệp (start-up) được dùng nhiều đến mức người ta mở một quán cà phê, một xe bánh mì, một quầy bánh tráng trộn cũng tự gọi là khởi nghiệp. Thông qua khảo sát từ các buổi tập huấn về khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, cho thấy các bạn sinh viên nói riêng và đặc biệt là giới trẻ nói chung đang có những tư duy khá sai lầm về khởi nghiệp và làm giàu.

Giới trẻ hiện nay đang mắc phải khá nhiều tư duy sai lầm về khởi nghiệp và làm giàuGiới trẻ hiện nay đang mắc phải khá nhiều tư duy sai lầm về khởi nghiệp và làm giàu

1. Sai lầm đầu tiên về khởi nghiệp chính là hiểu sai khái niệm:

Hiện nay, chỉ cần mở một quán cà phê, một xe bánh mì, một quầy bánh tráng trộn cũng được gọi là khởi nghiệp. Các ví dụ này không phải nói về mặt quy mô kinh doanh mà vấn đề ở đây chính là khái niệm khởi nghiệp chưa được dùng chính xác.

Khi một người bắt đầu sản xuất, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ta gọi đó là khởi sự kinh doanh (to do business, to start an entrepreneurship). Ví dụ như mở quán cơm, mở khách sạn, dịch vụ photocopy, trung tâm dạy tiếng Anh… Những mô hình tương tự với những thứ đã và đang hoạt động, đầu tư tiền bạc, thời gian, chất xám… để sinh lợi gọi chung là khởi sự kinh doanh.

Việc khởi sự kinh doanh được gọi là khởi nghiệp (start-up) khi:

  • Quá trình kinh doanh ở giai đoạn bắt đầu.
  • Phải có một hoặc nhiều yếu tố sau: sáng tạo, mới lạ, ứng dụng khoa học công nghệ mới hoặc tạo ra hình thức kinh doanh mới, phân khúc thị trường mới…

Điểm khác biệt giữa khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp là ở khâu đầu vào của kế hoạch kinh doanh. Khởi sự kinh doanh là dựa vào những nguồn lực nội tại từ chủ doanh nghiệp là chính (ý tưởng, mối quan hệ, vốn…). Trong khi đó khởi nghiệp dựa vào giá trị khác biệt mà họ có thể tạo ra (core value, “bird in hand”), từ đó có thể kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư và các mối quan hệ khác.

Khâu đầu ra cũng có sự khác biệt giữa khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. Các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh cung cấp sản phẩm, dịch vụ mà thị trường cần. Nhưng là những cái đã có với chất lượng và giá cả phù hợp, cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ cùng phân khúc khách hàng, cùng thị trường tiêu thụ. Trong khi start-up sẽ đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới, tập trung chủ yếu giải quyết những nhu cầu của khách hàng còn chưa được giải quyết với giá cả và chất lượng hoàn toàn mới.

2. Sai lầm về khởi nghiệp tiếp theo, là lầm tưởng chỉ làm chủ chứ không làm thuê:

Với “hiện tượng” khởi nghiệp hiện nay, càng lúc càng có nhiều sinh viên bỏ học, hoặc ra trường rồi bỏ bằng đại học để “khởi nghiệp”. Các bạn xem thường việc đi làm thuê với tư tưởng “nếu bạn không tự xây ước mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ” (Tony Gaskins). Điều đó đúng, nhưng ước mơ của bạn là gì? Chỉ muốn là một chủ doanh nghiệp, là một doanh nhân start-up dù không có gì khác trong tay?

Làm chủ tất nhiên oai hơn làm thuê, nhưng quan trọng là làm điều gì phù hợp với bản thân bạn mới là tốt nhất. Làm thuê có ngày nghỉ, có người trả lương, có thể học hỏi kinh nghiệm, thất bại cùng lắm là mất việc. Làm chủ trăm nghìn thứ phải lo. Nếu bạn chỉ muốn sở hữu một công việc kinh doanh riêng, chỉ muốn làm doanh nhân, thì trừ khi nhà bạn quá giàu, còn không thì hãy nghĩ lại.

Khởi sự kinh doanh cũng tốt, khởi nghiệp cũng được, vấn đề là bạn cần tìm hiểu kỹ càng và chính xác công việc mình đang muốn làm. Cần xem bản thân có đáp ứng hay chưa, nếu chưa có suy nghĩ sáng tạo nào để tạo ra giá trị mới, chưa giải quyết được “job to be done” nào cho khách hàng tiềm năng, thì cần nghiên cứu tiếp.

Nhiều lúc làm thuê với mức lương xứng đáng, phúc lợi tốt, có thời gian để dành cho những sở thích, đam mê, gia đình, bè bạn… chẳng phải thoải mái hơn sao? Nếu bạn là một người thích phóng khoáng, tự do có thể đôi khi bạn không thực sự phù hợp với việc start-up.

3. Khi khởi nghiệp thì đừng NGU (Never Give Up):

Thoạt nghe từ NGU chắc nhiều người đang hiểu lầm :D. Nhưng không phải là nghĩa đó đâu mọi người. NGU là viết tắt của Never Give Up – Đừng bao giờ từ bỏ.

Bạn có một ý tưởng kinh doanh mới lạ, độc đáo, đột phá, chưa từng có… Bạn tạo ra một phần mềm ưu việt, tiện lợi, hỗ trợ khách hàng giải quyết vấn đề tuyệt vời nhất… Bạn sản xuất ra một sản phẩm mà nghĩ rằng ai cũng sẽ muốn mua. Và bạn nghĩ rằng nhất định phải thành công với nó. Đó chính là hành trình của nhiều start-up từ bàn tay trắng làm nên nợ nần.

Có lẽ ở lần thứ 1000, 10.000 bạn sẽ thành công đó, nhưng mất bao lâu để đến được đó. Quan trọng là liệu bạn có kiên trì theo đuổi và không bao giờ từ bỏ? Khi sản phẩm, dịch vụ của ta còn trong giai đoạn ý tưởng, nó luôn luôn tuyệt vời. Nhưng mọi thứ đều phải được kiểm chứng bằng thực tiễn. Dựa vào đánh giá của khách hàng, sự tiếp nhận của thị trường… Đừng bao giờ cho rằng một sản phẩm, dịch vụ của mình đưa ra thì nhất định phải thành công.

Sự thật là cần phải tranh thủ kiểm chứng ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ của mình để nếu có thất bại thì phải thất bại một cách nhanh chóng và ít tổn thất nhất. Sau đó, tranh thủ thời gian để bắt đầu lại. Đó là tinh thần fail fast trong khởi nghiệp. Đồng thời, đừng dồn tất cả trứng vào một rổ, đừng cược mọi thứ trong một ván. Hãy luôn chừa cho cho mình một đường lui, một back-up plan đề phòng nếu bạn thất bại.

Hãy lập kế hoạch, chuẩn bị tốt, đưa vào thử nghiệm, rút ra bài học, cải tiến sản phẩm, tiếp tục thử nghiệm… cho đến khi giải quyết được nhu cầu của khách hàng, được thị trường tiếp nhận. Trong quá trình đó, có thể sản phẩm, dịch vụ của bạn đã trở thành một thứ hoàn toàn khác so với ý tưởng ban đầu. Đừng NGU mà hãy luôn thay đổi để phù hợp và phát triển.

Lời kết:

Trên đây là 3 sai lầm cơ bản mà giới trẻ khi khởi nghiệp làm giàu thường mắc phải. SUNO hy vọng rằng, thông qua việc chia sẻ những thông tin này sẽ giúp nhiều bạn trẻ có cái nhìn và nhận định đúng đắn hơn về việc start-up. Từ đó có được lựa chọn sáng suốt để đạt được thành công.