Những nội dung cơ bản Luật phòng chống tác hại của rượu bia

Trịnh Thu Trang

Trường chính trị tỉnh Kon Tum

https://truongchinhtri.kontum.gov.vn/uploads/banners/baner-chu-2022.jpg

 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 gồm có 07 chương, 36 điều, quy định về các biện pháp, cách thức cụ thể để phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe và các hệ lụy xã hội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia; tập trung quy định các biện pháp giảm cầu, giảm cung, giảm tác hại của rượu, bia; chú trọng biện pháp quản lý toàn diện đối với sản xuất rượu thủ công theo hướng: bên cạnh các quy định chung cho cả sản xuất rượu thủ công và sản xuất rượu công nghiệp, còn có thêm các quy định đặc thù cho sản xuất rượu thủ công. Ngoài ra, luật còn quy định về khuyến mại, quảng cáo, sản xuất, mua bán rượu, bia, có tách riêng rượu và bia để quản lý trên cơ sở nồng độ cồn trong sản phẩm.

       Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đưa ra một số khái niệm như:

       “Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.”

       “Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.”

       “Tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng, tác động có hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.”

       Thông qua luật, Nhà nước đảm bảo cho cá nhân, tổ chức quyền được sống trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia và được cung cấp thông tin chính xác, khách quan, khoa học về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tác hại của rượu, bia.

       Nhà nước tiến hành thực hiện đồng bộ, đồng thời ưu tiên các hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông trong công tác phòng, chống tác hại của rượu bia, đặc biệt đối với các đối tượng đặc thù như: Trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; Bảo đảm nguồn lực của y tế cơ sở và cộng đồng, xã hội hóa các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến nhằm giảm tác hại của rượu, bia.

       Bên cạnh đó, luật cũng quy định cá nhân có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời có trách nhiệm phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tố cáo việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

       Điều 5 Luật phòng chống tác hại của rượu bia quy định mười ba hành vi bị luật pháp nghiêm cấm. Trong đó đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Nhà nước nghiêm cấm hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi sử dụng rượu, bia; quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cung cấp thông thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe;…

               bia

       Các cơ sở kinh doanh rượu, bia có nghĩa vụ phải niêm yết thông báo, không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Cụ thể, khoản 5 Điều 32 của Luật chỉ rõ: “Cơ sở bán, rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”. Hay tại Điều 32, khoản 6 có quy định: “Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia”.

       Bên cạnh đó, luật đã cụ thể hóa về quy định đối với địa điểm không uống rượu, bia. Đó là các địa điểm mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động đến cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm đối tượng cần được bảo vệ (như: người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên) ảnh hưởng đến chất lượng lao động, và ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước. Các địa điểm này bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; Cơ sở bảo trợ xã hội; Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia; Các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.

       Với thực trạng sử dụng rượu bia ở nước ta hiện nay, Nhà nước đã quy định năm biện pháp chính nhằm phòng chống tác hại của rượu bia, được ghi nhận trong Luật phòng chống tác hại của rượu bia, đó là:

       Thứ nhất, phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia: Luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; Chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông; Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông hoặc người gây ra tai nạn giao thông; Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý.

       Thứ hai, phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe. Điều 34 của Luật quy định các gia đình có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia.Đồng thời, cần hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỷ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

       Thứ ba, tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

       Thứ tư, biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng;

       Thứ năm, chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.

       Có thể thấy, mục tiêu, quan điểm của Nhà nước ta là điều chỉnh, phòng ngừa và tăng cường và nâng cao ý thức cho người dân về tác hại do sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế. Từ đó người dân có thể điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Kết hợp giữa phòng và chống tác hại của rượu, bia, trong đó “phòng” là chính, do vậy, bên cạnh một số quy định mang tính “chống” tác hại của rượu, bia, phần lớn các quy định của Luật nghiêng về các giải pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia./.