Những lưu ý sau chuyển phôi để tăng tỷ lệ đậu thai – VnExpress
Sau chuyển phôi, người bệnh cần sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ, vận động nhẹ nhàng, ăn uống lành mạnh và kiêng quan hệ tình dục để tăng tỷ lệ đậu thai.
Chuyển phôi là khâu cuối cùng của quy trình thụ tinh ống nghiệm (IVF) và cũng là giai đoạn vô cùng quan trọng với cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Phôi sau khi đưa vào buồng tử cung sẽ bám và làm tổ bên trong lớp nội mạc tử cung, là nền tảng cho các bước phát triển sau
Theo bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM, có một số điểm lưu ý quan trọng sau chuyển phôi có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ thành công của IVF.
Thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM đang chuyển phôi cho bệnh nhân điều trị hiếm muộn. Ảnh: Như Ngọc
Lưu ý đầu tiên là sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đây là việc làm duy nhất ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị sau khi thủ thuật chuyển phôi hoàn thành. Các loại thuốc được chỉ định sau chuyển phôi thường chứa các thành phần nội tiết, có mục đích hỗ trợ phôi làm tổ và duy trì sự phát triển của thai trong giai đoạn sớm.
Nhiều người quan niệm sau chuyển phôi phải nằm bất động để phôi “làm tổ”. Tuy nhiên, theo bác sĩ Mỹ Tú, không nên nằm lâu một chỗ bởi việc làm này không những không mang lại lợi ích mà còn có thể gây hại cho người bệnh. Kết quả của nhiều nghiên cứu đều thống nhất rằng: nhóm bệnh nhân có nằm nghỉ sau chuyển phôi không có sự khác biệt về tỷ lệ làm tổ so với nhóm đi lại ngay sau đó. Thậm chí, nằm nghỉ sau chuyển phôi còn có thể gây cảm giác lo lắng và căng thẳng không cần thiết, tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong một số trường hợp nằm bất động kéo dài. Tại trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh HCM, tất cả bệnh nhân đều được tư vấn và hướng dẫn ra về ngay sau chuyển phôi.
Ngược lại, các vận động nhẹ nhàng sau chuyển phôi lại được khuyến khích vì giúp tăng lưu thông máu và giảm căng thẳng trong khi chờ đợi đến ngày thử thai. Người phụ nữ sau chuyển phôi hạn chế tập luyện kiểu bài tập cardio cường độ cao, thay vào đó có thể luyện tập bằng cách đi bộ với thời gian khoảng 30 phút mỗi ngày. Các bài tập thể dục cường độ cao và hoạt động quan hệ tình dục có thể gây xuất hiện các cơn co thắt tử cung và cản trở việc phôi làm tổ trong tử cung.
Sau chuyển phôi, chị em cần ngủ đủ giấc và tránh xa các chất kích thích có thể gây rủi ro cho thai kỳ như rượu, thuốc lá và caffeine. Cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh giàu protein, chất xơ, chất béo tốt, trái cây và rau quả. Không sử dụng các loại thực phẩm sống chưa qua chế biến kỹ và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng.
“Nên trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày càng sớm càng tốt. Tránh thực hiện các thói quen gây căng thẳng không cần thiết. Quá trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm thực sự là một hành trình dài và vất vả, đặc biệt đối với người phụ nữ. Hãy để khoảng thời gian chờ đợi đến ngày thử thai được diễn ra một cách nhẹ nhàng và thoải mái” bác sĩ Mỹ Tú chia sẻ.
Anh Ngọc