NHỮNG LỜI CĂN DẶN CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO
12.09.2020 21:11
2442 đã xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người cho xã hội mới, cho dân tộc Việt Nam. Suốt cả cuộc đời mình, Người đã dành biết bao tâm trí cho sự nghiệp giáo dục. Trước lúc đi xa, Người còn ân cần dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người cho xã hội mới, cho dân tộc Việt Nam. Suốt cả cuộc đời mình, Người đã dành biết bao tâm trí cho sự nghiệp giáo dục. Trước lúc đi xa, Người còn ân cần dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Trong “Thư gửi cho học sinh”, ngày 5/9/1945, Bác viết: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958
Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Bác Hồ đề cao sứ mệnh của người thầy giáo: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Trung học GT-VT Thủy – Bộ.
Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Ngày 15/10/1968, nhân ngày khai giảng năm học 1968 – 1969, Bác đã viết “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới”. Đây là bức thư cuối cùng Bác gửi cho Ngành Giáo dục trước lúc đi xa. Bức thư luôn được là “Di chúc” của Bác dành riêng cho các nhà giáo, học sinh, sinh viên cả nước, thể hiện niềm tin tưởng và hy vọng của Người đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Bức thư có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và to lớn không chỉ đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, mà cả đối với dân tộc Việt Nam.
Thấm nhuần lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác trong bức thư cuối cùng Người gửi cho Ngành Giáo dục, toàn Ngành Giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học; các em sinh viên, học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để mai sau cống hiến cho nước nhà.