Những lễ hội nổi bật, đáng chú ý nhất đầu Xuân Kỷ Hợi
1. Hội chùa Bái Đính (khai hội mùng 6 tháng Giêng)
Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều mùng 1 tết, khai mạc mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ngoài thời gian trên trong năm, du khách chỉ có thể vãn cảnh chùa mà không được thăm thú các hoạt động văn hóa của lễ hội.
Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội.
Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm đất Cố đô. Phần sân khấu hóa thường do Nhà hát Chèo Ninh Bình đảm nhiệm có tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế và lễ tế cờ của Vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận.
2. Lễ hội chùa Hương (khai hội mùng 6 ttháng Giêng, đến hết tháng 3 âm lịch)
Hằng năm cứ mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương, hành trình về một miền đất phật. Nơi trác tích Bồ Tát Quán Thế Âm ứng thiện tu hành, để dâng lên người một nén tâm hương, một lời nguyện cầu, hoặc thả hồn mình bay bổng hòa quyện với thiên nhiên, ở một vùng miền còn in dấu tích phật thoại và văn hóa tâm linh.
Hội Chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Chùa Hương đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng là Di tích Quốc gia (ngày 8/4/1962, tại Quyết định số 313 VH/VP). Nhân dân xã Hương Sơn và du khách thập phương khi trẩy hội thường gọi với cái tên dân dã là đi chùa Hương, bởi theo “Truyện Phật Bà chùa Hương” thì nơi đây là nơi tu trì và trác tích của đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã được Việt hoá và danh xưng là Phật Bà chùa Hương, nghĩa là: Dấu vết thơm tho.
Mùng 6 tháng Giêng hằng năm là ngày khai hội Chùa Hương, ngày này vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương, sau này trở thành ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng, và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo.
3. Chợ Viềng Nam Định (khai hội đêm mùng 7 tháng Giêng)
Chợ Viềng mở chính thức vào đêm mùng 7 tháng Giêng, nhưng ngay từ chiều cùng ngày đã có rất nhiều người ở khắp các địa phương mang hàng hóa về bày bán.
Câu ca dao cổ còn lưu truyền đến ngày nay: “Chợ Viềng năm có một phiên/Để cho trai gái tốn tiền trầu cau” như lời mời gọi du khách gần xa dừng chân du xuân chợ Viềng Nam Định cho dù dẫu chưa một lần tường tận gốc tích của phiên chợ độc đáo này!
Trước đây, Nam Định có tới 4 chợ Viềng cùng tồn tại, là chợ Viềng Phủ Giày (Vụ Bản), chợ Viềng Nam Giang (Nam Trực), chợ Viềng Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) và chợ Viềng Mỹ Trung (Mỹ Lộc), nhưng bây giờ thu hút du khách nhiều nhất vẫn là chợ Viềng Vụ Bản và chợ Viềng Nam Trực. Mỗi chợ đều có nét độc đáo riêng, nhưng tựu chung đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng đầu xuân của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ xa xưa.
Với người dân Nam Định, đi chơi chợ Viềng đầu năm đã trở thành một thói quen không dễ gì thay đổi được, những bạn trẻ thì coi đây là chuyến du xuân tuyệt vời trong năm. Uớc tính phiên chợ này hằng năm thu hút không dưới hàng chục nghìn người từ Hà Nội về, từ Hải Phòng sang, từ Ninh Bình, Thanh Hóa ra, để được đắm chìm trong lung linh, huyền diệu của chợ Viềng xuân. Khách thập phương thường lấy lộc kết hợp luôn cả đi lễ chùa, lễ phủ, vì ở Viềng Nam Trực có chùa Đại Bi thờ Từ Đạo Hạnh, còn Viềng Vụ Bản có phủ thờ thánh mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” được truyền tụng trong dân gian cả nghìn đời nay.
Du xuân chợ Viềng, mấy ai từ chối món thịt bò được thui bằng rơm nếp, thịt mềm, ngọt, bì vàng suộm, được treo tại các quầy bán phở, bán bún, được bày bán la liệt trên các sạp, các bàn, thậm chí cả nong nia trên đường vào chợ ngày xuân. Hầu như ai cũng có ý thức mang lộc từ chợ, từ đất thánh về lấy may!
Trong 4 điểm chợ Viềng ở Nam Định thì chợ Viềng Phủ Giày (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) là đông đúc hơn cả, vì thuận tiện đường đi lại và là điểm tham quan danh thắng đền phủ có sức hút lớn. Đây cũng là nơi lượng thịt bò thui được tiêu thụ nhiều nhất. Mọi người cứ đi hội, đi mua thịt bò đem về hoặc mời nhau ăn một bát bún, bát phở, một đĩa sào thịt bò để thưởng thức hương vị ngày xuân, trong tâm thức luôn luôn có sự cầu may.
Sở dĩ ở chợ Viềng xuân chỉ bán thịt bò thui vì nó đã đi vào tâm thức dân gian là món lễ vật đầu năm cúng thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa. Trong một số văn bia ở Phủ Giày có ghi: Ngày mồng 3 tháng 3 hoặc mồng 4 tháng 3 đều dùng hai mâm xôi (mỗi mâm 10 đấu gạo), một buồng cau to, hai vò rượu và đặc biệt là một con bò thui để cúng thánh.
4. Lễ hội Yên Tử (khai hội mùng 10 tháng giêng, đến hết tháng 3 âm lịch)
Lễ hội Yên Tử là một lễ hội được tổ chức tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến quanh năm.
Yên Tử là nơi vua Trân Nhân Tông hóa Phật, nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đạo Phật Việt Nam, một dòng Thiền có một không hai trên thế gian này. Trong Ngài thể hiện rất rõ, quyện vào nhau ba yếu tố con người hiện thực, hướng thượng và nhập thế để sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đạo Phật của Việt Nam.
Yên Tử là một quần thể di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng của nước nhà, là một kho tàng lịch sử và truyền thuyết phong phú, hấp dẫn. Yên Tử còn lưu những di tích lịch sử văn hóa thời Lý, Trần và các dấu ấn lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại.
Hệ thống chùa, am, tháp, tượng điêu khắc, bia kí,…phong phú, đa dạng của các thời đại: Lý, Trần, Lê, Nguyễn còn đến ngày nay ở Yên Tử, là những di sản văn hóa vô giá của dân tộc, là sản phẩm của nền văn minh Đại Việt, nổi bật là thời đại nhà Trần.
Ngày 10 tháng Giêng, lễ khai mạc Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn “Dấu Thiêng Chùa Đồng” đầu năm rất quan trọng và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian,.. tưng bừng, nhộn nhịp.
5. Hội Lim (chính Hội ngày 13 tháng Giêng)
Hội Lim là lễ hội lớn nhất của người quan họ Kinh Bắc. Hội diễn ra trong 2 ngày 12, 13 tháng Giêng hằng năm, trong đó ngày 13 là chính Hội. Hội Lim do Sở VHTT tỉnh Bắc Ninh và UBND huyện Tiên Du phối hợp tổ chức.
Trước đó, tối 12 là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ có được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.
Về với Hội Lim là về với một trời âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm… như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật.
Hàng loạt trò chơi dân gian độc đáo đã diễn ra, như thi dệt vải, đu tiên, vật, đập niêu, bịt mắt bắt dê, cờ người…, các chòi hát quan họ, cửa đình, cửa chùa vang lên những câu ca của các liền anh, liền chị.
6. Lễ Bà chúa Kho (đầu năm âm lịch)