Những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Luật lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Luật lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhận thấy trên thực tế còn xảy ra một số khó khăn vướng mắc như:

Thứ nhất, về xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích: Theo quy định tại Bộ Luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự thì Tòa án có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xóa án tích hoặc Quyết định xóa án tích khi người dân có yêu cầu. Trong khi đó, theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, trách nhiệm xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Trên thực tế việc xác minh này còn gặp khó khăn do phải thực hiện tại nhiều cơ quan. Một số trường hợp người dân không còn lưu giữ được các giấy tờ cần thiết để chứng minh đã hoàn thành các trách nhiệm, nghĩa vụ dân sự trong bản án, cũng như các cơ quan có liên quan cũng không còn lưu giữ sổ sách, hồ sơ để thực hiện việc xác minh, dẫn đến việc thời hạn xác minh phải kéo dài. Do vậy, cần sửa đổi các quy định liên quan đến pháp luật hình sự và nên quy định trách nhiệm của các cơ quan Tòa án trong việc chủ động cấp Giấy chứng nhận đương nhiên xóa án tích cho người dân khi đã đáp ứng đủ các điều kiện về đương nhiên xóa án tích theo quy định.

Thứ hai, việc cấp Phiếu LLTP số 2: Theo quy định tại Điều 42 của Luật LLTP thì nội dung của phiếu LLTP số 1 không thể hiện tất cả các thông tin về tình trạng án tích như phiếu LLTP số 2 (trong trường hợp có án tích và đã được xóa án tích), theo quy định tại điểm b Điều 43 của Luật quy định về nội dung của phiếu LLTP số 2 phải được thể hiện đầy đủ các thông tin về  án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án… và trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian. Như vậy, phiếu LLTP số 2 là phiếu đảm bảo bí mật đời tư của một cá nhân, tuy nhiên, đa số công dân khi tới giao dịch tại các cơ quan, tổ chức trong đó đối với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, họ đều yêu cầu công dân phải xuất trình phiếu LLTP số 2. Thiết nghĩ, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nên chăng bỏ Phiếu LLTP số 2 để đảm bảo giữ bí mật đời tư và giảm bớt khó khăn, trở ngại cho người dân trong giao dịch, đặc biệt là giao dịch với cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Thứ ba, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng trong vấn đề cung cấp thông tin LLTP để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp: Theo quy định tại Điều 16 Luật Lý lịch tư pháp; Điều 15 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP; Điều 13, Điều 26 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP đã quy định cụ thể về nhiệm vụ của cơ quan Tòa án trong việc cung cấp thông tin Lý lịch tư pháp và phối hợp rà soát thông tin LLTP; đồng thời, đa số các địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp và rà soát thông tin lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, trên thực tế tại một số cơ quan Tòa án cũng như một số bộ phận cán bộ thư ký của Tòa được phân công phụ trách việc cung cấp thông tin chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin LLTP cho Sở Tư pháp. Đơn giản người có trách nhiệm nghĩ Sở Tư pháp đề nghị cung cấp thông tin LLTP là không quan trọng, các Công văn đề nghị Tòa phối hợp cung cấp, đối chiếu thông tin đa số được xử lý chậm, không đúng thời gian cung cấp theo quy định, cũng có những trường hợp Sở Tư pháp yêu cầu xác minh, đối chiếu lại thông tin nhưng không nhận được văn bản phản hồi từ cơ quan được yêu cầu. Đồng thời, ở đây vẫn còn tồn tại cách hiểu về hoạt động “Xin cho” chứ không phải là trách nhiệm cung cấp. Do vậy, cần phải có sự chỉ đạo chặt chẽ từ cơ quan cấp trên của các cơ quan có liên quan thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP mới được hoàn thiện, đảm bảo đồng bộ và thống nhất.

Thứ tư, về thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp: Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật quy định Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày và tối đa là không quá 15 ngày. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 1 Điều 25 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định thời hạn tra cứu thông tin về án tích tại cơ quan Công an thì trong thời hạn 07 ngày làm việc và tối đa không quá 09 ngày làm việc phải trả kết quả về Sở Tư pháp. Nhưng trên thực tế, đa số công dân đều có thời gian cư trú ở rất nhiều tỉnh thành trên cả nước nên ngoài việc xác minh tại nơi đăng ký thường trú, còn phải xác minh tất cả các nơi công dân đã có thời gian cư trú tính từ khi đủ 14 tuổi trở lên, việc xác minh đều phải gửi bằng đường Công văn và việc gửi, trả kết quả bằng đường Công văn thì mất cũng mất vài ngày đối với các tỉnh lân cận và cũng mất cả tuần đối với các tỉnh ở xa, chưa kể phải có thời gian để tra cứu hồ sơ. Do đó, thời hạn tra cứu theo quy định của Luật không đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn cũng như thời hạn cấp phiếu LLTP và trả kết quả cho công dân không thể thực hiện đúng hạn theo quy định. Như vậy, để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cần phải có giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thời hạn cấp phiếu và thời hạn tra cứu, xác minh đối với Luật LLTP và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP.

Thứ năm, về thời gian cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mới được quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp: Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp quy định người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình. Tuy nhiên, tại Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đều không có quy định về thời gian cư trú tại Việt Nam của người nước ngoài trong thời gian bao lâu thì được quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc quy định người nước ngoài phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong thời gian cư trú tại Việt Nam để xin cấp phép lao động là cần thiết, nhưng việc không quy định thời gian cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là bao lâu thì mới được quyền yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp gây khó khăn cho người lao động nước ngoài. Trên thực tế, việc giải quyết cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam trong thời gian rất ngắn (có trường hợp chưa được 1 tháng) thường là không có án tích. Giả sử, trong trường hợp họ có phạm tội thì thời gian của quy trình tố tụng như điều tra, truy tố, xét xử cũng phải mất vài tháng, như vậy, trong thời gian họ cư trú tại Việt Nam với thời gian ngắn như vậy sẽ không đủ thời gian đưa ra kết luận có án tích. Để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài xin cấp giấy phép lao động tại Việt Nam cần nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung điều kiện về thời gian cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian bao lâu thì mới cần có Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Nên quy định cụ thể trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam từ 03 hoặc 06 tháng trở lên mới cần có Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Từ thực trạng nêu trên, về lâu dài công tác xây dựng thể chế về lý lịch tư pháp cần tiếp tục phải hoàn thiện, trong đó chú trọng đến việc rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan đến lý lịch tư pháp. Đồng thời, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác lý lịch tư pháp, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý lý lịch tư pháp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay.