Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Diễn Châu

Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Diễn Châu

Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước. Xử phạt VPHC kịp thời, nghiêm minh, công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật không chỉ góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật mà còn có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm sự công bằng trong xã hội và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước. Xử phạt VPHC kịp thời, nghiêm minh, công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật không chỉ góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật mà còn có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm sự công bằng trong xã hội và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác thi hành pháp luật xử lý VPHC, từ năm 2020 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện Diễn Châu và đặc biệt là Phòng Tư pháp đã có nhiều cố gắng trong tham mưu thi hành pháp luật về xử lý VPHC, cụ thể: Ban hành 19 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, chấn chỉnh các vấn đề tồn tại, hạn chế cũng như hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật xử lý VPHC; ban hành văn bản hướng dẫn lập hồ sơ xử phạt VPHC trong lĩnh vực nghĩa vụ quân sự, đất đai; hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật xử lý VPHC 2020 và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý VPHC, trong đó tập trung vào các quy định liên quan đến những vi phạm, sai sót thường gặp trong lập hồ sơ xử phạt VPHC trên địa bàn huyện; kịp thời ban hành Kế hoạch và tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị định 19/2020/NĐ-CP, Luật sửa đổi bổ sung Luật xử lý VPHC 2020. Hàng năm, UBND huyện đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác xử lý VPHC; biên soạn 15 đề cương tuyên truyền gửi cho các xã, thị trấn phát trên hệ thống truyền thanh; đăng tải hơn 250 bài viết tuyên truyền pháp luật xử lý VPHC trên Page “Tư pháp Diễn Châu”; tổ chức tuyên truyền lưu động quy định xử lý VPHC về An toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh COVID-19, phòng chống vi phạm pháp luật về pháo, ma túy… vào các đợt cao điểm; tổ chức 15 hội nghị lồng phép phổ biến pháp luật xử lý VPHC về đất đai, môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội.

UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC; việc áp dụng pháp luật xử lý VPHC thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND, Trưởng Công an 30/37 xã, thị trấn. Thông qua kiểm tra đã chỉ rõ tồn tại, hạn chế, đồng thời hướng dẫn, kiến nghị biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành pháp luật xử lý VPHC của các địa phương.

Mặc dù, trong thời gian gần đây công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chẳng hạn như: Trình tự, thủ tục ban hành quyết định xử phạt VPHC chưa đảm bảo theo quy định (ban hành quá thời hạn, trái thẩm quyền, xác định hành vi vi phạm không đúng, áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không phù hợp đối với hành vi VPHC); việc thi hành quyết định xử phạt VPHC chưa triệt để; công tác lưu trữ hồ sơ, thống kê, theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả xử phạt VPHC chưa kịp thời, đầy đủ; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc xử lý VPHC chưa thống nhất…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, trước hết xuất phát từ các quy định của Luật Xử lý VPHC và các Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực. Mặc dù, Luật xử lý VPHC 2012 đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật xử lý VPHC năm 2020; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP thay thế bằng Nghị định 118/2021/NĐ-CP đã khắc phục được một số vấn đề bất cập song vẫn còn có những vấn đề chưa được giải quyết, phát sinh bất cập mới, khó khăn cho công tác xử phạt VPHC tại địa phương, cụ thể như sau:

– Khó khăn trong việc xác định “yếu tố lỗi” trong VPHC (lỗi cố ý, lỗi vô ý), mức độ của hành vi VPHC (không nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, nghiêm trọng…), mức độ phức tạp của vụ việc (tình tiết phức tạp, nhiều tình tiết phức tạp) …dẫn đến lúng túng trong quá trình áp dụng do hiện nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, ví dụ như quy theo Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020): tại Điều 26 về việc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC được áp dụng đối với “VPHC nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”; tại khoản 2 Điều 61 về thời hạn giải trình: “Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử phạt có thể gia hạn nhưng không quá 05 ngày làm việc”; tại điểm c khoản 1 Điều 66 về thời hạn ra Quyết định xử phạt: “Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp….thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản VPHC”.

– Khó khăn trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 9 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020), các tình tiết như “Người VPHC đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả (KPHQ) bồi thường thiệt hại”; “Người VPHC đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện VPHC, xử lý VPHC”; “VPHC vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra”; “VPHC do trình độ lạc hậu”…quy định chung chung, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc áp dụng nhiều nơi còn tùy tiện. Qua kiểm tra hồ sơ xử phạt VPHC ở cấp xã, với trường hợp đối tượng vi phạm là hộ nghèo, do nhận định họ có thể gặp khó khăn trong việc thi hành quyết định xử phạt hoặc để tạo điều kiện cho đối tượng nên cán bộ, công chức tham mưu hoặc người có thẩm quyền xử phạt thường áp dụng tình tiết này để xử phạt ở mức phạt thấp nhất của khung hình phạt.

– Khó khăn trong việc thực hiện quy định về thời hạn chuyển biên bản VPHC và hồ sơ đề nghị xử phạt VPHC trong trường hợp người lập Biên bản không có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật sửa đổi, bổ sung Luật xử lý VPHC 2020 (trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản). Quy định này gây khó cho cơ quan thi hành pháp luật bởi trong thực tế nhiều vụ việc phức tạp, nhất là vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng .. cần phải có nhiều thời gian để xác minh, làm rõ (hành vi, đối tượng, giá trị tang vật, phương tiện VPHC và các tình tiết khác có liên quan) nhằm xác định đúng thẩm quyền xử phạt, sau đó mới có thể hoàn thiện hồ sơ và chuyển giao cho cấp có thẩm quyền, trong khi đó cán bộ, công chức còn phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác, không có đủ thời gian để thực hiện đúng quy định này. Do đó, để đáp ứng yêu cầu chuyển hồ sơ đúng thời hạn sẽ dẫn đến tình trạng hồ sơ lập sơ sài, không đảm bảo theo quy định.

– Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực song vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập, không phù hợp với thực tiễn, không có tính khả thi, cụ thể:

+ Khoản 2 Điều 208 Luật đất đai 2013 quy định:“Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm” tuy nhiên lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể về biện pháp ngăn chặn mà Chủ tịch UBND cấp xã được áp dụng, trong khi đó theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai thì Chủ tịch UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm”; không có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khác như “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do VPHC”; “buộc trả lại đất lấn, chiếm”; “buộc đăng ký đất đai”.

+ Trên thực tế, toàn bộ VPHC trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện Diễn Châu đều là hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất hoặc lấn, chiếm đất, do đó theo quy định tại các Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 và Điều 38 Luật xử lý VPHC thì thẩm quyền xử phạt đều thuộc Chủ tịch UBND huyện (một vài trường hợp thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh). Quy định này dồn áp lực cho cơ quan chuyên môn cấp huyện vì phải tập trung xử lý hồ sơ của toàn huyện (Diễn Châu có 37 xã, thị trấn, trung bình nếu mỗi xã một năm có từ 2 đến 3 vụ việc thì Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ phải tiếp nhận xử lý hàng trăm vụ việc), đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm xử lý do không đủ nguồn nhân lực để thực hiện công việc. Mặt khác, do không có quy định cụ thể về biện pháp ngăn chặn nên không có biện pháp hiệu quả để ngăn cản đối tượng tiếp tục vi phạm.

– Khó khăn trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt VPHC/Quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có nhiều nội dung bất cập, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện nhưng lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể. Mặc dù Luật xử lý VPHC đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 nhưng đến nay vẫn chưa có Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định này.

+ Về áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá: Trong thực tế rất khó khăn trong việc xác minh thông tin về tài sản riêng của người vi phạm, phải thi hành quyết định xử phạt trong khối tài sản chung của gia đình (tài sản chung vợ chồng, tài sản của con trong khối tài sản chung gia đình…).

+ Nghị định số 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (sửa đổi, bổ sung  tại Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, đăng ký nghĩa vụ quân sự trong ngạch dự bị, đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, đăng ký khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập, đăng ký tạm vắng; buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự; buộc tham gia huấn luyện dân quân tự vệ. Tuy nhiên Nghị định 166/2013/NĐ-CP lại không có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong những trường hợp  này. Trong thực tế các đối tượng vi phạm nghĩa vụ quân sự đi khỏi địa phương nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm và đưa đối tượng về chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả nên hiện nay các quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực này đều chưa thi hành được triệt để.

– Hiện nay, trên địa bàn huyện Diễn Châu, mỗi năm xử phạt từ 40-50 trường hợp về hành vi “vi phạm quy định chung về Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh”, đối tượng vi phạm thường xuyên di chuyển qua nhiều tỉnh, thành phố nên các cơ quan chức năng không có điều kiện để xác minh thông tin vì không có thời gian để trực tiếp xác minh, gửi văn bản đề nghị xác minh thì quá thời hạn giải quyết vụ việc. Mặc dù Luật xử phạt VPHC 2012 đã có quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử phạt VPHC nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xác minh thông tin, xác định các trường hợp “tái phạm”, nhất là đối với các trường hợp không có nơi cư trú trên địa bàn, thường xuyên di chuyển đến nhiều địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm nguyên tắc quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 và hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý VPHC quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020).

– Năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt VPHC cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến công tác thi hành pháp luật xử phạt VPHC. Mặc dù UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn; tổ chức kiểm tra, kiến nghị khắc phục hậu quả song vẫn còn một số đơn vị, cá nhân chưa quan tâm, chú trọng, chưa làm đúng trách nhiệm trong công tác quản lý, trong lập hồ sơ xử phạt VPHC; tuy nhiên đến nay huyện cũng chưa xử lý kỷ luật trường hợp nào vi phạm kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC theo Nghị định 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, thực trạng thi hành pháp luật  xử lý VPHC trên địa bàn huyện Diễn Châu thời gian vừa qua và yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, để khắc phục các tồn tại hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC, UBND huyện Diễn Châu đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý VPHC, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật xử lý VPHC và các Nghị định chi tiết hướng dẫn thi hành; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể những nội dung còn quy định chung chung trong Luật và Nghị định; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho cấp xã, đồng thời có cơ chế bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện ở cấp xã.

Hai là, đề nghị các Sở, ngành cấp tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý VPHC cho đội ngũ tham mưu quản lý nhà nước về xử lý VPHC, người có thẩm quyền lập biên bản VHPC và có thẩm quyền xử phạt VPHC, qua đó, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ xử lý VPHC, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật về xử lý VPHC, hạn chế những sai sót trong quá trình thực thi công vụ về xử lý VPHC, nhất là các lĩnh vực như đất đai, môi trường, xây dựng. Kịp thời hướng dẫn giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật xử lý VPHC cho cơ sở.

Ba là,  xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy cho các cơ quan chức năng, tăng cường đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác thi hành pháp luật xử lý VPHC đủ về số lượng và có năng lực nghề nghiệp, trình độ chuyên môn vững về xử lý VPHC.

Bốn là, tăng cường kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt VPHC; thực hiện nghiêm việc xử lý kỷ luật theo Nghị định 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật xử lý VPHC.

Năm  là, bảo đảm các điều kiện cho công tác thi hành pháp luật xử lý VPHC như xây dựng cơ chế tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị, cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC./.