Những khó khăn và giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa

Mỗi tuần, các công nhân của Ridwell đến những khu phố ở 6 thành phố của nước Mỹ, thu nhặt những bao tải bằng vải nhồi đầy túi nhựa và rác thải đóng gói. Rác thải nhựa được phân loại và chuyển đến Nevada, được tái chế thành ván sàn Trex. Mỗi năm, công ty khởi nghiệp về môi trường thu nhặt 500,000 pound (227 000 kg) chất thải nhựa để tái chế chỉ riêng ở khu vực Seattle.

Đây là kịch bản lý tưởng cho nỗ lực giải quyết rác thải nhựa. Nhưng kịch bản này không diễn ra trên toàn thế giới và ngay cả trong điều kiện ngành tái chế nhựa phát triển rộng khắp toàn cầu, vẫn chưa đủ để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa.

Thực tế với hầu hết rác nhựa trên thế giới thật nghiệt ngã. Ở Mỹ, khoảng 5% rác thải nhựa được tái chế. Hầu hết số còn lại kết thúc trong các bãi chôn lấp hoặc xả vào môi trường. Theo Greenpeace, khoảng 12 triệu tấn nhựa đổ xuống đại dương mỗi năm.

Những con số càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Lượng nhựa mà người Mỹ xả rác hàng năm tăng 40% từ năm 2000 đến năm 2018, USAFacts cho biết.

Những người tiêu dùng mong muốn môi trường bền vững bị mắc kẹt, không chắc chắn về những gì có thể tái chế, hoàn toàn không biết phân loại rác thải nhựa và làm gì để giải quyết “khủng hoảng rác thải nhựa” trên toàn cầu.

Tái chế không đủ để giải quyết khủng hoảng ô nhiễm nhựa

Lucas Ellis , PGS tại Trường Kỹ thuật Hóa học, Sinh học và Môi trường thuộc Đại học Bang Oregon cho biết: “Đặt gánh nặng môi trường lên vai người tiêu dùng là một phần của vấn đề.”

Mặc dù là một chuyên gia về tái chế nhựa với bằng TS kỹ thuật hóa học, nhưng Ellis thừa nhận, ngay cả ông cũng gặp khó khăn trong việc theo dõi, loại nhựa nào có thể tái chế được hoặc không thể tái chế.

Hiện nay, các công ty khởi nghiệp, các nhà khoa học, bộ máy lãnh đạo chính phủ và các doanh nghiệp, bao gồm nhiều công ty có trụ sở ở phần Tây Bắc Thái Bình Dương đang thực hiện những hành động tích cực hơn để giải quyết tình trạng rác thải nhựa bùng phát từ những năm 1970 và gia tăng với tốc độ cao trong nhiều thập kỷ. Những giải pháp đang được triển khai ở Mỹ:

– Những người thu gom rác thải thành phố và các công ty tái chế nhựa như Ridwell sẽ là những nhân tố hướng dẫn cho người tiêu dùng phân loại nhựa để tái chế, củng cố thị trường sử dụng sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa ở Mỹ.

– Các nhà nghiên cứu đang đổi mới phương pháp phân hủy nhựa hiệu quả hơn thành các vật liệu có thể tái sử dụng như nhiên liệu máy bay, nguyên vật liệu bền vững hoặc phụ gia tăng cường bê tông.

– Các nhà hoạt động vì môi trường và các chính phủ thúc đẩy các chính sách nhằm mục đích giảm sản xuất nhựa mới và gia tăng trách nhiệm về rác thải lên các nhà sản xuất.

Nhưng tái chế rác thải nhựa vẫn là một vấn đề khó khăn với những doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa và các nhà khoa học. Không phải tất cả rác thải có thể tái chế đều được tái chế, nhiều loại nhựa tái chế quá đắt, khó tái sử dụng về mặt hóa học.

“Tái chế là không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa,” McKenna Morrigan, cố vấn chiến lược của Cơ quan Tiện ích Công cộng Seattle về Quản lý Sản phẩm và Ngăn ngừa Rác thải cho biết.

Tái chế thay cho chôn lấp

Những khó khăn và giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ảnh 1

Công ty Seattle Public Utilities, cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn cho 700,000 khách hàng ở Seattle, tái chế được rất nhiều loại hàng tiêu dùng từ nhựa. Nhưng cũng chỉ có giới hạn.

Thành phố Seattle có thể tái chế chai nhựa, bình và hộp đựng sữa chua; nắp 3 inch hoặc lớn hơn; chậu cây rửa sạch sẽ; đồ chơi; xô đựng nước và các mặt hàng tương tự. Rác thải nhựa được đưa đến bãi chôn lấp bao gồm bất kỳ loại nhựa bẩn nào, bể bơi nhựa bơm hơi; túi, hộp đựng đĩa CD và DVD; rèm cửa nhà tắm; bạt nhựa các loại; các loại rác thải túi nhựa tiêu dùng và nhựa vinyl khác.

Nhìn chung, đối tác của Seattle là những doanh nghiệp tái chế khá hiệu quả: Khoảng 80% tổng số nhựa được thu gom có ​​thể được tái chế và khoảng 20% là “chất gây ô nhiễm”, không đúng loại nhựa có thể tái chế hoặc đúng loại nhưng vấy bẩn do thực phẩm hoặc nấm mốc, theo báo cáo của thành phố.

Ông Morrigan nói: “Chương trình tái chế rác thải nhựa của chúng tôi có kết quả tốt nhất so với tất cả các chương trình tái chế trong nước.

Tuy nhiên, vẫn có những thách thức đáng kể. Ví dụ, công ty buộc phải ngừng thu gom túi nhựa vào năm 2020 vì các túi nhựa đựng thực phẩm hoặc vật dụng làm kẹt thiết bị phân loại. Những loại rác thải gây khó khăn cho thiết bị phân loại bao gồm cả gối hơi bằng nhựa và túi nhựa, thường được Amazon sử dụng để vận chuyển. Amazon hiện đang là công ty có mức sử dụng các sản phẩm nhựa gia tăng.

Theo một báo cáo mới từ Oceana, doanh nghiệp bán lẻ khổng lồ có trụ sở tại Seattle ước tính đã tạo ra 709 triệu pound (309 triệu kg) rác thải bao bì nhựa vào năm 2021. Đó là mức tăng 18% so với năm 2020. Trước khi phát hành báo cáo, Amazon đăng bài trong blog của mình, khẳng định khối lượng rác thải bao bì nhỏ hơn nhiều và chia sẻ những chiến lược để giảm số lượng đó.

Nhựa mới hình thành thách thức mới

Những khó khăn và giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ảnh 2

Ridwell thành công trong nỗ lực tái chế nhựa mỏng do loại này được đóng gói riêng, giúp tránh phải phân loại bằng máy, có thể sẽ khiến máy bị dính. Caleb Weaver, phát ngôn viên của Ridwell cho biết, các doanh nghiệp xử lý chất thải nhựa chỉ tái chế những vật liệu sạch và khô.

Nhưng ngay cả với quy trình đơn giản hóa, vẫn có những rào cản.

Các nhà sản xuất vật phẩm tiêu dùng đang sử dụng ngày càng nhiều loại bao bì mới, được gọi là nhựa nhiều lớp. Loại nhiều lớp được sử dụng cho các túi dày như túi đựng Craisins, thức ăn cho thú cưng và các loại thực phẩm khác, hoặc túi khoai tây chiên và granola có lớp lót giấy bạc. Những loại bao bì này yêu cầu một quy trình tái chế khác, ít phổ biến hơn quy trình được sử dụng cho túi nhựa mỏng.

Weaver cho biết: “Đó là một loại vật liệu nhựa hầu như không thể tái chế để sử dụng trong các gia đình.”

Ridwell gần đây đã tìm được hai công ty có trụ sở tại Los Angeles sẵn sàng nhận những loại nhựa này. Một doanh nghiệp biến những loại nhựa này thành sỏi giả, sử dụng để thoát nước cảnh quan và một doanh nghiệp khác đang phát triển một giải pháp thay thế cho các gạch lỗ xây dựng. Đây là những nỗ lực mới với khả năng hạn chế.

Biến nhựa trở lại thành nhựa

Dòng chất thải nhựa ngày càng tăng hiện đang được giải quyết ở cấp độ quốc tế. Đầu tháng 12, các đại sứ ở Liên Hợp Quốc đã gặp nhau để thảo luận về một hiệp ước ô nhiễm nhựa sắp tới. Nỗ lực này nhằm mục đích giảm sử dụng nhựa và cố gắng hạn chế sản xuất nhựa mới. Một lệnh cấm toàn cầu như vậy sẽ đòi hỏi những lựa chọn tốt hơn để chuyển hóa rác thải nhựa trở lại thành nhựa, một thách thức mà PGS Ellis Nuckolls thuộc Đại học bang Oklahoma đang giải quyết.

PGS Ellis đã phát triển một chiến lược mới đầy sáng tạo để xử lý nhựa thải, có thể tái chế được hỗn hợp rác thải nhựa dễ dàng hơn. Công nghệ sử dụng các thuốc thử hóa học sẵn có và không sử dụng nhiệt độ siêu cao theo yêu cầu của những quy trình khác.

Chất thải nhựa sẽ trải qua quá trình xử lý hóa học để biến thành dung dịch nuôi vi khuẩn biến đổi gen. Vi khuẩn chuyển đổi dung dịch thành các hợp chất, đóng vai trò là khối xây dựng để sản xuất nhựa mới. PGS Ellis và các đồng nghiệp đã công bố nghiên cứu trên tạp chí uy tín Science.

Chiến lược kết hợp hiệu quả quá trình hóa học và sinh học “là phương pháp thực sự mới lạ,” Ellis cho biết. Quy trình có thể được điều chỉnh để tối ưu hóa cho các dòng chất thải và sản phẩm cuối cùng khác nhau. Quy trình này “mở ra một hướng” với nhiều mục đích sử dụng.

Tại Đại học Bang Washington, các nhà khoa học cũng đang sử dụng những phương pháp kỹ thuật khác nhau để biến nhựa thành nhiên liệu hàng không, tái chế vải polypropylene hoặc polyester, sử dụng trong khẩu trang dùng một lần thành thành phần phụ gia giúp bê tông bền vững hơn .

Nhưng ngay cả khi các thành phố như Seattle và các công ty như Ridwell tham gia vào quy trình tái chế, các nhà nghiên cứu khám phá những công nghệ thông minh tái sử dụng một số rác thải nhựa, các chuyên gia đều thừa nhận rằng, tái chế là không đủ.

Các chuyên gia khẳng định, khối lượng sản phẩm nhựa được tạo ra phải làm suy giảm đến bằng 0 và những sản phẩm trong giai đoạn quá độ cần được thiết kế có tính đến tái chế.

Điều đó sẽ đòi hỏi phương pháp tiếp cận toàn hệ thống mà các nhà sản xuất nhựa đóng vai trò giải quyết vấn đề, PGS Ellis cho biết và nói thêm, “chúng ta cần suy nghĩ về vòng đời của vật liệu và sự bền vững của môi trường sẽ có quan hệ thế nào.”

Theo Geek Wire