Những khó khăn và bất cập trong truyền thông về ô nhiềm môi trường và biến đổi khí hậu

05/12/2022

TN&MTTrong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, các phương tiện truyền thông đại chúng đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường và đấu tranh chống những hành vi huỷ hoại môi trường.

Các vụ xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường điển hình như: Vedan giết sông Thị Vải, Formos Hà Tĩnh gây các chết hàng loạt tại hà Tĩnh năm 2016… bị dư luận lên án và các ban ngành chức năng vào cuộc xử lý, công lao trước hết là ở sự phát hiện và công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng của những người làm báo ở địa phương và Trung Ương.

Những khó khăn và bất cập trong truyền thông về ô nhiềm môi trường và biến đổi khí hậu

Ảnh minh họa.

Riêng về biến đổi khí hậu, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng có những đóng góp tích cực với các hoạt động triển khai phòng, chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Trên một số Website có chuyên mục riêng về Biến đổi khí hậu. Vì thế, các tầng lớp dân cư, cộng đồng khác nhau đã có những hiểu biết nhất định về biến đổi khí hậu và hậu quả của nó đối với đời sống, kinh tế của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, công tác truyền thông cộng đồng hiện nay vẫn còn những khó khăn, bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, tần suất số lượng bài viết về biến đổi khí hậu trên các phương tiện truyền thông đại chúng còn quá ít. Mỗi tháng chỉ có 2- 3 bài báo đề cập đến chủ đề biến đổi khí hậu. Những thông tin mang tính cảnh báo, dự báo và chỉ dẫn để người dân ứng phó với biến đổi khí hậu chưa nhiều và chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Một phần do nhận thức của chính những người làm truyền thông còn nhiều hạn chế bởi thiếu kiến thức chuyên môn và tập huấn. Phần khác, do cách thức truyền tải chưa hấp dẫn, sinh động và chưa thực sự hữu ích trong đời sống. Những khuyến nghị chung chung chưa thực sự tạo ra những “xung” tác động mạnh mẽ để dẫn tới việc thay đổi nhận thức, hành động từ cộng đồng và thay đổi chính sách từ phía các cơ quan quản lý.

Những khó khăn và bất cập trong truyền thông về ô nhiềm môi trường và biến đổi khí hậu

Ảnh minh họa.

Thứ hai, các phương tiện truyền thông mới chỉ tập trung và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với thiên tai và nông nghiệp, trong khi các ảnh hưởng và tác động của biến đổi khí hậu đến, ví dụ sức khoẻ, cũng có ý nghĩa quan trọng. Một số các áp lực khí hậu chưa thu hút được nhiều sự chú ý và chưa được đưa tin. Hơn nữa, nhận thức về các cơ hội kiểm soát phát thải khí nhà kính cần được nâng cao trong các quan chức nhà nước và dân chúng.

Thứ ba, Kênh truyền tải thông tin truyền thông về biến đổi khí hậu hiện nay chưa phát huy hết hiệu quả do chưa tận dụng được hết vai trò của Internet, truyền thông xã hội, trong đó có mạng xã hội. Trong khi các loại hình báo chí truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, sụt giảm lượng công chúng. Báo in, phát thanh, thậm chí ở tương lai gần, cả truyền hình cũng sẽ chịu áp lực cạnh tranh, không còn là thế mạnh của truyền thông, trong khi đó, Internet phủ rộng, các dòng điện thoại thông minh ngày càng cải tiến và thông dụng kéo theo sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của báo mạng điện tử, của nhiều loại hình mới, đặc biệt là truyền thông xã hội: Facebook, twiter, youtube… Thông tin nói chung, thông tin về biến đổi khí hậu nói riêng hiện nay lại vẫn đi theo những lối mòn với những cách thức thông tin truyền thống sẽ khó có thể cạnh tranh được. Hiệu quả truyền thông kém tất yếu sẽ cần có những thay đổi.

Những khó khăn và bất cập trong truyền thông về ô nhiềm môi trường và biến đổi khí hậu

Ảnh minh họa.

Thứ tư, Thông điệp truyền thông về biến đổi khí hậu vẫn nặng tính tuyên truyền, một chiều, chưa thực sự mang lại những thay đổi nhận thức rõ rệt, khó đạt được hiệu quả, mục đích truyền thông. Sự khô cứng trong cách thức thể hiện và truyền tải thông điệp sẽ khó tiếp cận giới trẻ – một lực lượng lớn của xã hội cũng như nhịp sống năng động, thay đổi liên tục hiện nay. Những cách thức truyền thông truyền thống lại đang trở thành những rào cản hiệu quả của quá trình truyền thông về biến đổi khí hậu cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, mức độ nhận thức của các tầng lớp xã hội về vấn đề này chưa cao. Sự hạn chế về hiểu biết, cùng với một bộ phận dân cư thiếu quan tâm đến biến đổi khí hậu có thể xem là một thách thức đối với Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các điều khoản của Công ước và Nghị định thư về biến đổi khí hậu.

Một vài nội dung trình bày trên đây cho thấy chúng ta đang đối diện với những vấn đề môi trường bức xúc. Những yếu tố và tác nhân gây tổn hại đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội vừa có những yếu tố truyền thống vừa có yếu tố hiện đại. Cuộc sống và sức khoẻ của con người ngày càng bị “đe dọa” nhiều hơn do sự gia tăng ô nhiễm môi trường trong phát triển không bền vững.

Những khó khăn và bất cập trong truyền thông về ô nhiềm môi trường và biến đổi khí hậu

Ảnh minh họa.

Điều quan trọng là hoạt động giáo dục, truyền thông làm thế nào để lãnh đạo, người dân và cộng đồng phải hiểu biến đổi khí hậu như một cơ hội cũng như thách thức cho phát triển con người. Các hoạt động nâng cao nhận thức cần phải đi đến thay đổi hành vi và hành động của cá nhân và cả ở cấp cộng đồng, cũng như trong Chính phủ. Những chính sách liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có xác định về vai trò, nhiệm vụ của truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý, của cộng đồng cần được bám sát. Truyền thông cần phải trở thành cầu nối đưa chính sách vào trong thực tiễn cuộc sống, đồng thời, phản ánh kịp thời những tác động của chính sách để có những thay đổi phù hợp với thực tiễn nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như nâng cao được vai trò, hiệu quả của truyền thông.

Tuyên truyền, giáo dục và đấu tranh để bảo vệ môi trường “Xanh, Sạch, Đẹp” trong sự tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là trách nhiệm của mọi công dân và toàn xã hội trong đó có vai trò quan trọng của truyền thông đại chúng.