Những hệ lụy từ mất an toàn thực phẩm

Thực phẩm có thể gây bệnh ở nhiều khâu từ sản xuất đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, nấu ăn và cách ăn. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 600 triệu người mắc bệnh và 420 nghìn người tử vong do ăn thực phẩm không an toàn. Thực phẩm không an toàn (TPKAT) là nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh khác nhau.

Thực phẩm không an toàn rất khó phát hiện bằng mắt thường

Mỗi loại thực phẩm đều có quy định riêng về ngưỡng an toàn và khi có loại thực phẩm nào đó chứa những yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe con người thì được gọi là thực phẩm không an toàn. Một thực phẩm được xem là TPKAT khi nó chứa các chất cấm, gây hại cho sức khỏe con người. Danh mục các chất cấm này đã được thông báo công khai trên website của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế.

Trong TPKAT có chứa rất nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm như: Vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh, độc tố nấm, độc tố vi khuẩn, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc nhuộm màu, chất bảo quản chống thối… Những tác nhân độc hại này khi xâm nhập vào cơ thể con người ban đầu có thể gây các phản ứng tức thời như: Ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Về lâu dài có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau, dẫn tới tử vong.

Những hệ lụy từ mất an toàn thực phẩmThực  phẩm  không được bảo quản tốt có thể nhiễm  khuẩn

TPKAT rất khó phát hiện bằng mắt thường. Những người có kinh nghiệm quan sát khi đi chợ có thể phân biệt phần nào tuy nhiên trong đa số trường hợp là không thể nhận biết được đâu là thực phẩm không an toàn và đâu là thực phẩm an toàn. Muốn biết chính xác thì cần phải nhờ vào việc kiểm tra qua một quá trình xét nghiệm kỹ lưỡng. Tùy theo nhiều yếu tố khác nhau mà quá trình này có thể dài hoặc ngắn.

Thực phẩm không an toàn gây ra bệnh gì?

Sử dụng TPKAT có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Hậu quả sớm là ngộ độc cấp tính. Biểu hiện của ngộ độc cấp tính là các triệu chứng đường tiêu hóa như: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy; thường gặp do ăn phải thức ăn bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh hoặc thức ăn bị biến chất trong quá trình bảo quản, chế biến… Hoặc các triệu chứng thần kinh như: Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau cơ, khó thở, rối loạn cảm giác, vận động thường do ăn phải thức ăn nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất độc tự nhiên có trong thực phẩm… Ngộ độc cấp tính thường xuất hiện trong vòng 4 đến 18 giờ sau ăn. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều thực phẩm không gây hậu quả ngay nhưng tiềm ẩn hậu quả nặng nề cho người sử dụng, đó là các thực phẩm nhiễm chất độc hại có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, bán cấp tính, nhưng nếu sử dụng kéo dài liên tục hoặc không liên tục sẽ tích lũy trong cơ thể, đến một thời điểm nào đó gây ra những bệnh lý nghiêm trọng như: Ung thư, rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh, quái thai… Có thể kể đến đó là những thực phẩm có nhiễm chì, thủy ngân, asen, thuốc bảo vệ thực vật, các độc tố vi nấm như aflatoxin có trong ngô, đậu, lạc mốc…

Người tiêu dùng nếu ăn thực phẩm nhiễm hóa chất phụ gia quá nhiều trong thời gian dài sẽ gặp những chứng bệnh nguy hiểm do kim loại nặng, thuốc kháng sinh và chất kích thích tăng trọng tích tụ trong cơ thể.

Các bệnh thường gặp đối với người tiêu dùng trong trường hợp ngộ độc kim loại mạn tính là suy gan, suy thận, thoái hóa hệ thần kinh trung ương, sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson, mất ngủ, lo âu, suy giảm trí nhớ. Thậm chí suy tủy xương dẫn tới thiếu máu, giảm bạch cầu.

Còn ngộ độc dư lượng kháng sinh hoặc thuốc kích thích tăng trọng của gia súc tích tụ dần trong cơ thể có thể gây ra các hiện tượng phù, ứ nước trong cơ thể và các bệnh như rối loạn nhịp tim, thậm chí, kích thích hệ thần kinh làm lo âu, mất ngủ, căng thẳng, sau đó có thể gây suy nhược thần kinh. Bên cạnh đó, khi bị ngộ độc loại này, cơ thể dễ bị đề kháng với các loại kháng sinh khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn.

Ngộ độc những chất vô cơ như formol, ure, hàn the… có thể gây ra tổn thương gan thận mạn tính cũng là nguy cơ gây ung thư và tổn thương tế bào não.

Chất độc trong thực phẩm bẩn bị ô nhiễm các phụ gia, chất bảo quản hóa học không được phép sử dụng cho người hoặc quá liều cho phép đều có thể gây tổn hại cho các tế bào trong cơ thể và ảnh hưởng đến thế hệ sau. Bởi tế bào sinh sản của hệ sinh dục là một trong các tế bào dễ bị tổn thương nhất. Nếu bị tổn thương sẽ gây ức chế hoạt động của buồng trứng và tinh hoàn, tạo ra nhiều trứng non không đủ trưởng thành vẫn rụng trứng hoặc tạo ra các tinh trùng dị dạng khó thụ thai và dẫn đến vô sinh.

Những hệ lụy từ mất an toàn thực phẩmSử dụng hóa chất để kích thích quả chín, màu  đẹp… là việc làm dẫn đến TPKAT .

Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ gìn sức khỏe

Cân nhắc trong lựa chọn thực phẩm: Trước tình hình TPKAT khó phân biệt và nhận biết, người tiêu dùng cần cân nhắc hơn trong việc lựa chọn thực phẩm. Các bà nội trợ cần có những kiến thức và kỹ thuật chọn các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, giá cả phải chăng, bảo đảm vệ sinh an toàn. Chú ý chọn các loại rau quả tươi, thịt, cá tươi, trứng tươi, đậu lạc không bị mốc, chú ý thời hạn sử dụng khi mua các thực phẩm chế biến sẵn hoặc đóng hộp. Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn, đồ uống và rửa dụng cụ. Các đồ dùng để nấu nướng và ăn uống phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, không dùng khăn ẩm mốc nhờn mỡ để lau khô bát đũa. Nấu chín kỹ thực phẩm thịt, cá, dễ bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh và ăn ngay sau khi nấu. Thức ăn nấu chín không ăn ngay để quá 4 giờ và nhất là để cách đêm nhất thiết phải đun nấu chín lại. Không để lẫn thực phẩm chín với thực phẩm sống khi bảo quản – không dùng thớt thái thịt chín với thớt thái thịt sống. Thịt chín để ăn ngay và thịt sống phải qua nấu nướng.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân người nấu ăn: Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch khi bắt tay vào chế biến nấu ăn. Cắt ngắn móng tay, không dùng tay để bốc và chia thức ăn. Không tham gia chế biến thực phẩm hoặc phục vụ ăn uống khi đang bị đau bụng, tiêu chảy, sốt, nôn, nhiễm trùng ngoài da hoặc các bệnh lây truyền khác. Giữ gìn vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm

Giữ gìn về sinh môi trường nơi ăn và chế biến thực phẩm: Xa khu chăn nuôi gia súc, nhà vệ sinh, bãi rác thải, cống rãnh ô nhiễm. Nơi ăn sạch sẽ thoáng mát, có bàn ăn cao tránh bụi bẩn, thức ãn bầy sẵn có lồng bàn che đậy phòng ruồi nhặng. Phải có đủ nước sạch, có vòi nước, rửa tay trước khi ăn.

Giữ gìn vệ sinh khi ăn uống: Món ăn đã được nấu nướng ngon lành, sạch sẽ, an toàn đưa đến người ăn. Người ăn phải đảm bảo không gây bệnh nơi bàn tay bẩn, bát đũa ăn không sạch, ăn uống vô độ, ăn quá nhiều gây bội thực, uống rượu bia quá nhiều gây cảnh say rượu nói bậy, nôn mửa mất vệ sinh và thiếu văn hóa. Bữa ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn, mọi người trong gia đình chú ý thực hiện các điều đơn giản về vệ sinh an toàn thực phẩm nói trên để bữa ăn không là nguồn gây bệnh mà sẽ là nguồn sức khoẻ, nguồn vui và hạnh phúc hàng ngày ở các gia đình.

Một vấn đề nữa vô cùng quan trọng là cần tuyên truyền cho các gia đình không sản xuất, đưa bán ra thị trường những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính quyền các cấp đặc biệt là chính quyền xã cần vận động nhân dân sản xuất – trước mắt là rau ăn – đảm bảo không bón quá nhiều phân đạm, không phun quá nhiều hoá chất trừ sâu, không tưới phân tươi, rau bán cũng như rau trồng để nhà ăn, đảm bảo an toàn như nhau.