Những giải pháp xã hội cho tình trạng ly hôn ngày càng tăng
Những năm gần đây, tình trạng ly hôn ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước, trong đó phần lớn là những người trẻ. Đây là thực trạng đáng báo động trong mối quan hệ gia đình hiện nay.
Một vụ án hôn nhân – gia đình được tòa án đưa ra xét xử.
Những con số giật mình
Theo thống kê, năm 2018, TAND huyện Châu Thành A thụ lý 288 yêu cầu ly hôn. Trong đó, chỉ động viên hòa giải thành được 32 trường hợp (11%), còn lại đã giải quyết cho 256 trường hợp ly hôn. Trong số này, trên 90% đều là vợ chồng trẻ mới kết hôn từ 10 năm trở lại, có trường hợp chỉ mới kết hôn được vài tháng tính đến thời điểm tòa án giải quyết.
Còn tại huyện Châu Thành, năm 2016, toàn huyện thụ lý, giải quyết 195 yêu cầu ly hôn; năm 2017, là 224 vụ. Đến năm 2018, con số này tăng lên 343, tăng gần 53% so năm 2017, nếu so sánh số liệu kết hôn mới toàn huyện năm qua có 632 cặp thì trung bình cứ 2 cặp kết hôn mới, cơ quan chức năng phải giải quyết 1 trường hợp ly hôn.
Tính chung trên địa bàn tỉnh, trong cả năm 2018, toàn tỉnh giải quyết gần 2.100 vụ ly hôn. Trong đó, vợ chồng ly hôn trong độ tuổi từ 18-30 chiếm 70-80%.
Bà Mạc Thị Chiên, Chánh án TAND huyện Châu Thành A, cho biết: Trong gần 300 vụ án hôn nhân – gia đình năm 2018 do TAND huyện thụ lý, có hơn 70% cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30, phần lớn trong số đó có con nhỏ.
Như trường hợp của chị T.T.L. và anh N.H.A. Quen biết nhau 5 tháng, sau đó cưới nhau được 1 năm thì hai vợ chồng ra tòa ly hôn. Tại tòa, khi được hỏi nguyên nhân vì sao ly hôn, chị L. cho biết: “Yêu nhau hơn 3 tháng thì em có bầu nên gia đình bắt cưới. Sinh xong, nuôi con nhỏ mà chồng em toàn đi chơi game bắn cá, không đi nhậu thì cũng cà phê suốt ngày với bạn bè, không lo làm ăn để mình em tự nuôi con. Vợ chồng son mà ngày nào cũng cãi nhau, hết vui như hồi mới quen nên em ẵm con về nhà mẹ ruột”.
Còn một vị kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chia sẻ cho phóng viên nghe câu chuyện buồn về việc giải quyết một vụ ly hôn vào cuối 2018.
Theo đó, sau khi xét xử, tòa cấp sơ thẩm tuyên chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa anh L.H.T. và chị N.H.C. Giao 2 con chung cho chị C. tiếp tục nuôi dưỡng và buộc anh T. cấp dưỡng định kỳ… Do chị C. không đồng ý nuôi con chung nên kháng cáo yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại việc nuôi con.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử hỏi bé P. (9 tuổi) nhiều lần về nguyện vọng sống chung với cha hay mẹ. Bé trả lời trong tiếng khóc nức nở, có lần bé trả lời sống với cha, có lần bé trả lời không biết sống với ai.
Trả lời trong tiếng nấc nghẹn ngào, những người dự khán hiểu phần nào cả anh T. và chị C. đều không đồng ý nuôi con… Nghĩ mà tội cho bé hay căm giận người cha mẹ này?
Đi tìm nguyên nhân ?
Theo TAND tỉnh, trong số hơn 2.100 vụ việc ly hôn do tòa án 2 cấp thụ lý trên toàn tỉnh thì nguyên nhân dẫn đến ly hôn rất nhiều, có thể do mâu thuẫn về kinh tế, bạo lực gia đình, ngoại tình… Trong đó, về kinh tế là phổ biến nhất.
Theo bà Đặng Hồng Luyến, Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, sau nhiều năm tham gia công tác xét xử, đối với các vụ việc hôn nhân – gia đình thì nguyên nhân dẫn đến ly hôn thường bắt đầu từ mâu thuẫn kinh tế và được chia làm các mốc thời gian.
Thứ nhất là kết hôn trong khoảng thời gian 1 năm, lý do ly hôn thường là bất đồng quan điểm, không hợp. Giai đoạn này các cặp vợ chồng ly hôn trong tự nguyện để tìm cuộc sống mới.
Giai đoạn thứ 2, thời gian kết hôn từ 1-3 năm, đây là khoảng thời gian rất khó khăn đối với các cặp vợ chồng trẻ, nhất là về điều kiện kinh tế khi chi phí sinh hoạt gia đình, nuôi con cái tăng cao vượt quá khả năng. Nhiều cặp vợ chồng thường cảm thấy hôn nhân không có màu hồng, những tật xấu của vợ hoặc chồng dần bộc lộ. Từ đây, kéo theo nhiều mâu thuẫn khác dẫn đến chán nản rồi tiến tới ly hôn.
Giai đoạn thứ 3 là khi con cái bắt đầu trưởng thành, lúc này, 1 trong 2 phía bắt đầu xuất hiện những tình cảm ngoài luồng, thường so sánh đối phương với những người xung quanh, do đó dễ dàng dẫn đến ngoại tình rồi ly hôn.
Giai đoạn cuối cùng dẫn đến ly hôn là sau khi kết hôn 20 năm. Lúc này, cuộc sống hôn nhân tưởng chừng viên mãn thì cũng là khoảng thời gian người phụ nữ bắt đầu bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Chính vì vậy, người đàn ông thường dễ có tâm lý, xu hướng ngoại tình, khi bị phát hiện thì sẽ dẫn tới ly hôn.
Giải pháp nào kiềm chế ly hôn ?
Thời gian qua, để hạn chế ly hôn, cơ quan chức năng, các cấp, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục pháp luật về hôn nhân – gia đình. Đồng thời, tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, quan tâm hỗ trợ chính sách an sinh xã hội…
Đối với ngành tòa án, trong quá trình tiếp nhận, xét xử các vụ án ly hôn, điều đáng ghi nhận là các cấp tòa án trên địa bàn, đặc biệt là tòa cấp sơ thẩm rất chú trọng công tác hòa giải. Nhiều bản án, quyết định tòa án bác đơn xin ly hôn một cách đúng đắn đã tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc hàn gắn những rạn nứt không đáng có trong tình cảm và cuộc sống chung của vợ chồng.
Ông Trương Đình Nghệ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho rằng, rất khó để đưa ra giải pháp giảm thiểu ly hôn vì đó là quy luật của cuộc sống, có điều làm thế nào có thể thay đổi suy nghĩ của mỗi người về cuộc sống hôn nhân mới là vấn đề quan trọng. Ngành tòa án tỉnh cũng đã và đang cố gắng nỗ lực hết sức mình vì nhiệm vụ chung của toàn xã hội, thực hiện tốt công tác hòa giải để hạn chế ly hôn.
Có thể thấy, để giảm thiểu tình trạng ly hôn như hiện nay, vấn đề cần đặt ra là phải tìm ra được những giải pháp có tính thực tiễn nhất để giảm thiểu những vụ ly hôn có tính chất tiêu cực. Như trang bị kiến thức trước khi kết hôn, chuẩn bị tốt về tài chính, xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân khi kết hôn, chung thủy, nói không với bạo lực gia đình và tránh xa các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, ma túy…
Bên cạnh đó, phải nâng cao trình độ, năng lực cũng như đạo đức, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của những người làm công tác chuyên môn trong giải quyết những vụ án ly hôn để đảm bảo việc giải quyết ly hôn là biện pháp cuối cùng…
Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO