Những giải pháp vượt qua thách thức khi gia nhập WTO

Bước đi quan trọng

Sau những biện pháp cải cách mạnh mẽ từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển quan trọng. Trở thành thành viên của AFTA từ đầu năm 1996; đề xuất xin gia nhập WTO năm 1995; ký Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ năm 2000 là những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mở cửa thị trường trong nước, tranh thủ vốn và công nghệ từ nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu là những yếu tố chính sách quyết định giúp Việt Nam thu hút thêm các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng GDP trung bình đạt hơn 7% trong điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát và thâm hụt ngân sách đều được kiềm chế và duy trì ở mức thấp. Xuất khẩu tăng trưởng nhanh ở mức hai con số. Ðộ mở  của nền kinh tế ước tính theo giá trị xuất nhập khẩu trên tổng GDP đạt hơn 100% năm 2004 với giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt trên ngưỡng bình quân của một nước có nền thương mại phát triển. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp tăng trưởng nhanh và là một động lực tăng trưởng sản phẩm công nghiệp (chiếm hơn 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, và gần 30% tổng giá trị xuất khẩu). Tăng trưởng kinh tế nhanh là điều kiện để đạt được những kết quả ấn tượng trong xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ gần 58% năm 1993 giảm xuống còn xấp xỉ 28% năm 2002. Ðặc biệt, các biện pháp cải cách mở cửa đã mang lại sức sống mới cho khu vực kinh tế hộ gia đình, là khu vực đang tạo ra hơn 80% số công ăn việc làm cho lực lượng lao động. Tăng giá đối với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, tăng cầu cho chế biến nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống của gần 70% dân số Việt Nam đang sống tại các vùng nông thôn.

Tổng kết kinh nghiệm cải cách của Việt Nam cho thấy tích cực hội nhập kinh tế khu vưc và thế giới theo một lộ trình từng bước là yếu tố quyết định thành tích của Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo. Tiếp tục duy trì định hướng phát triển kinh tế kết hợp giữa cải cách hệ thống thể chế, chính sách trong nước, tích cực tận dụng các cơ hội và nguồn lực do toàn cầu hóa mang lại thông qua một lộ trình hội nhập thận trọng là chìa khóa giữ vững tốc độ tăng trưởng, tiếp tục đẩy mạnh giảm nghèo trong thời gian tới.

Ban Công tác về việc gia nhập của Việt Nam được thành lập từ đầu năm 1995 sau khi Việt Nam gửi đơn xin gia nhập tổ chức này, với sự tham gia của nhiều nước thành viên WTO. Cho đến nay, Ban Công tác đã có chín phiên làm việc với mục tiêu làm rõ chế độ thương mại của Việt Nam và điều chỉnh chế độ đó cho phù hợp các quy định của WTO. Tháng 12-2004, phiên làm việc thứ 9 của Ban Công tác, dựa trên những tiến bộ đạt được trong quá trình đàm phán đã đưa ra bản Dự thảo Báo cáo Ban công tác, đánh dấu tiến trình đàm phán đa phương đang đi vào giai đoạn kết thúc. Song song với đàm phán đa phương, Việt Nam đang tích cực kết thúc các cuộc đàm phán song phương. Là một quốc gia hơn 80 triệu dân nằm trong khu vực kinh tế năng động và tăng trưởng nhanh, và là một nước xuất khẩu nông sản quan trọng, cho đến thời điểm hiện nay, 27 quốc gia đã yêu cầu đàm phán song phương đối với Việt Nam.

Cần nhấn mạnh rằng Việt Nam không có nhiều cơ hội sử dụng vị trí của một nước đang phát triển để đề xuất những ưu đãi trong đàm phán. Trên góc độ đàm phán đa phương, về nguyên tắc WTO dành những ưu đãi nhất định để hỗ trợ cho các nước đang phát triển chuẩn bị sẵn sàng hơn cho việc thực hiện đầy đủ các cam kết gia nhập. Tuy nhiên, ngay cả khi Việt Nam có thể đạt được những ưu đãi trong đàm phán đa phương thì vẫn có khả năng những ưu đãi này có thể bị xóa bỏ bởi kết quả đàm phán song phương với các quốc gia thành viên. Xu hướng chung trong đàm phán song phương là các đối tác đàm phán thường đòi hỏi Việt Nam cam kết nhiều hơn những gì mà WTO quy định. Một khi Việt Nam đạt được thỏa thuận trong khuôn khổ một hiệp định song phương thì Việt Nam cũng sẽ phải đa phương hóa những nhượng bộ đó cho các thành viên khác theo quy tắc Tối huệ quốc. Kết quả là gói gia nhập cuối cùng trước khi Việt Nam có thể trở thành thành viên chính thức của WTO sẽ chặt chẽ hơn, chứa đựng nhiều nhượng bộ hơn tất cả những gì quy định trong khuôn khổ các hiệp định đa phương của WTO. Ðây chính là ý nghĩa của “WTO cộng” mà Việt Nam sẽ phải chấp nhận cam kết khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức này.

Những lợi ích

Ðộng lực chính của các nước đang phát triển như Việt Nam tìm kiếm khả năng gia nhập WTO là khả năng tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng khả năng tiếp cận thị trường có thể đạt được thông qua đối xử Tối huệ quốc. Mặc dù Tối huệ quốc là một nguyên tắc căn bản nhất của WTO nhưng vẫn có khả năng Việt Nam có thể không được trao hoàn toàn các lợi ích của quy chế này.

Trở thành thành viên của WTO là một dấu hiệu quan trọng của một môi trường đầu tư hấp dẫn, tuân thủ theo những quy định phổ biến của “sân chơi” quốc tế. Vì vậy, mục tiêu gia nhập WTO thường vẫn được biện minh bởi khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cho tăng trưởng kinh tế. Thành công của nhiều nền kinh tế Ðông Á và một số nước công nghiệp hóa mới ở Ðông – Nam Á trong khoảng ba thập kỷ qua nhấn mạnh vai trò của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu. Tuy nhiên, xác định ảnh hưởng trực tiếp của gia nhập WTO đối với thu hút đầu tư nước ngoài, là tương đối khó khăn. Xét trên khía cạnh thu hút đầu tư nước ngoài, việc gia nhập WTO có thể được hiểu là thể chế hóa những nỗ lực tự do hóa đã thực hiện dưới dạng cam kết quốc tế. Về nguyên tắc, việc thực thi các cam kết tự do hóa thương mại và đầu tư, mở cửa thị trường dịch vụ, bảo hộ sở hữu trí tuệ là những bảo đảm chính sách có tác dụng cải thiện môi trường đầu tư. Nhưng những lợi ích này không nhất thiết là kết quả của gia nhập WTO.

Một trong những thiết chế quan trọng của WTO là Ðịnh ước Giải quyết tranh chấp. Ðịnh ước này là quy trình và thủ tục được thể chế hóa trong khuôn khổ của WTO để giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các quốc gia thành viên. Quy trình và thủ tục giải quyết tranh chấp này bảo đảm tính bình đẳng về nguyên tắc cho các nước nghèo trong giải quyết tranh chấp thương mại với các nước lớn. Tuy nhiên, hạn chế về năng lực kỹ thuật và những phí tổn trong quá trình giải quyết tranh chấp hạn chế khả năng tiếp cận của những nước nghèo đối với thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại. Trong số 305 trường hợp được đưa ra Ủy ban Giải quyết tranh chấp của WTO cho đến nay có 91 trường hợp do các nước đang phát triển đệ trình.

Những thách thức

Sức ép đối với khu vực nông nghiệp của Việt Nam có thể được coi là một trong những thách thức mang tính chiến lược hàng đầu. Nông thôn Việt Nam là khu vực sinh sống của gần 70% dân số, kinh tế hộ gia đình ở nông thôn hiện tạo ra khoảng 80% số việc làm cho lực lượng lao động và sẽ tiếp tục là nguồn tạo việc làm chính cho khoảng 1,5 triệu người bổ sung vào lực lượng lao động hằng năm. Mặc dù khu vực nông nghiệp không phải là động lực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng nông nghiệp giữ vai trò quyết định trong ổn định xã hội và nâng cao mức sống dân cư.

Cần lưu ý thêm rằng mặc dù Việt Nam chấp nhận những nhượng bộ về mở cửa thị trường nông nghiệp, nhưng chúng ta sẽ khó có thể đòi hỏi những nước giàu, là thị trường tiêu thụ nông sản chủ yếu, cũng dành cho Việt Nam những ưu đãi tương tự. “Tiêu chuẩn kép” là một hiện tượng gây tranh cãi nhưng rất phổ biến trong WTO. Trong khi những nước giàu gây sức ép đối với các nước nghèo mở cửa thị trường nông sản thì họ vẫn tiếp tục trợ cấp và duy trì nhiều rào cản xâm nhập thị trường nông sản. Hằng năm nông dân trồng ngô của Mỹ nhận được trợ cấp trị giá 10 tỷ USD, nông dân sản xuất đường của EU nhận được trợ cấp trị giá gần 840 triệu ơ-rô. Bên cạnh việc duy trì trợ cấp nông nghiệp, một số nước giàu còn sử dụng nhiều rào cản kỹ thuật khác như tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn… áp dụng đối với hàng nông sản nhập khẩu từ các nước nghèo nhằm bảo hộ nông dân trong nước.

Sức cạnh tranh yếu kém của nhiều ngành công nghiệp vẫn tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Ðối với một số sản phẩm công nghiệp mà Việt Nam có sức cạnh tranh tương đối cao như dệt – may, giày, dép, gia nhập WTO sẽ mở ra một triển vọng mới vì Việt Nam sẽ được miễn hạn ngạch như đối với tất cả các nước thành viên khác. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là tăng trưởng xuất khẩu dệt – may sẽ chỉ có thuận lợi. Hiện nay, EU và Hoa Kỳ là hai thị trường chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt – may của Việt Nam. Trong khi EU đã đồng ý xóa bỏ hạn ngạch cho Việt Nam từ năm 2005 thì Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì hạn ngạch đối với hàng dệt – may xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, đàm phán để Mỹ loại bỏ hạn ngạch dệt – may cho Việt Nam giống như EU đã làm là một mục tiêu quan trọng của đàm phán song phương Việt – Mỹ.

Cam kết bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ là một cản trở đáng kể trong việc tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật của Việt Nam. Trong lịch sử phát triển kinh tế, không có một nước giàu nào trả  tiền cho sở hữu trí tuệ khi họ bắt đầu quá trình công nghiệp hóa. Ngay cả các nền kinh tế mới công nghiệp hóa ở Ðông Á và Ðông – Nam Á cũng không phải trả tiền cho sở hữu trí tuệ khi bắt đầu chiến lược công nghiệp hóa thúc đẩy xuất khẩu trong nửa cuối của thế kỷ 20. Tuy nhiên, xu hướng chung của đàm phán song phương là các nước thành viên gây sức ép đòi hỏi Việt Nam phải cam kết nhiều hơn là khuôn khổ của Hiệp định TRIPS về các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại. Việt Nam đã có những nhượng bộ đáng kể trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, đặc biệt là thỏa thuận hạn chế các công ty dược phẩm được sử dụng các kết quả thử nghiệm lâm sàng của công ty khác trong khoảng thời gian năm năm. Ðiều đó dẫn đến giá thành cung cấp nhiều loại dược phẩm sẽ tăng vì tất cả các công ty dược sẽ phải thực hiện quá trình thử nghiệm lâm sàng tốn kém trước khi cho ra đời các loại dược phẩm.

Cam kết mở cửa thị trường dịch vụ là một vấn đề nhạy cảm vì có liên quan khu vực tài chính của Việt Nam. Trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO hiện nay, Việt Nam đã đồng ý cho các công ty nước ngoài được phép tham gia vào 92 loại hình hoạt động dịch vụ bao gồm tài chính, nghiệp vụ chuyên môn, viễn thông, và dịch vụ pháp lý. Ðạt được sự cân bằng giữa cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và yêu cầu kiểm soát hệ thống tài chính là một thách thức đối với cải cách khu vực tài chính của Việt Nam.

Tận dụng thời cơ và vượt lên thách thức

Gia nhập WTO không còn là sự lựa chọn mà đã là quá trình được khởi động từ lâu và đang trong giai đoạn kết thúc. Những phân tích ở trên cho thấy trong khi các lợi ích tiềm năng của gia nhập WTO là có điều kiện, Việt Nam vẫn phải chấp nhận những thách thức rất đáng kể khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Câu hỏi chiến lược đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là làm thế nào để quá trình gia nhập WTO có lợi cho phát triển?

Trước hết, cần nhấn mạnh rằng “thách thức” đặt ra đối với Việt Nam trong quá trình gia nhập WTO cũng chứa đựng những “thời cơ” cho phát triển. Mặc dù sức cạnh tranh quốc tế trong nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam còn yếu kém, tiếp cận với áp lực cạnh tranh trực tiếp là một thách thức lớn. Nhưng thời cơ có thể đến chính từ sức ép cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố vị thế thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Cải cách môi trường pháp lý, chính sách để bảo đảm hướng tới một “chuẩn” thống nhất theo quy định của WTO cũng là một khó khăn đối với Việt Nam. Nhưng trong dài hạn, cải cách môi trường thể chế, hướng tới các “luật chơi” quốc tế là điều kiện cần thiết cho tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thực hiện các cam kết cải cách chính sách thương mại, hệ thống quy định pháp lý, áp dụng các tiêu chuẩn hải quan, tiêu chuẩn kỹ thuật… trong khuôn khổ quy định của WTO sẽ là những ràng buộc mang tính pháp lý, bắt buộc phải thực hiện theo đúng lộ trình đã cam kết. Theo cách tiếp cận như vậy, mặc dù điều chỉnh hệ thống chính sách liên quan đến các quy định của WTO là một quá trình khó khăn và phát sinh chi phí đáng kể, cam kết của Việt Nam với tư cách thành viên WTO có thể coi như một “cú huých” từ bên ngoài để tạo thêm đà cho những nỗ lực trong nước hướng đến một môi trường thể chế minh bạch, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và xóa đói, giảm nghèo.

Những thách thức đặt ra cho Việt Nam là đáng lo ngại, nhưng thời cơ đi kèm trong chính thách thức cũng là hứa hẹn. Cái giá mà Việt Nam phải trả với tư cách là một nước đang phát triển đi sau trong đàm phán gia nhập WTO cũng không ít, đặc biệt là trong ngắn hạn. Vì vậy, chuẩn bị trước để đối phó với những tác động tiêu cực có thể phát sinh là điều kiện cần để có thể kiểm soát được quá trình thực hiện cam kết với WTO theo cách có lợi cho phát triển của Việt Nam.

Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn cần tính đến tác động tiêu cực của cam kết mở cửa thị trường nông sản. Trong điều kiện trợ cấp nông nghiệp, sử dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt khó có thể được sử dụng, chính sách phát triển nông nghiệp cần có những biện pháp khác để hỗ trợ nông dân mà không vi phạm quy định của WTO. Ðầu tư cho giáo dục, chăm sóc y tế, và các dịch vụ công cộng khác là cần thiết để tăng cường khả năng tiếp cận của khu vực nông thôn với cơ hội có được từ hội nhập. Tiếp tục các nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, trong đó tập trung tạo việc làm phi nông nghiệp cho lực lượng lao động ở nông thôn là giải pháp quyết định ổn định xã hội và nâng cao mức sống của các hộ gia đình. Chính sách phát triển nông nghiệp cần đặc biệt chú ý ngăn chặn khả năng tái nghèo của nhiều hộ gia đình nông thôn. Tăng cường phổ biến thông tin khoa học kỹ thuật canh tác, tích cực triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến nông sản là những hỗ trợ đáng kể cho sản xuất nông nghiệp mà không trái với quy định của WTO. Cần lưu ý rằng, những chính sách cần thiết để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của WTO đối với khu vực nông  nghiệp chỉ giúp cho quá trình thực hiện các cam kết với WTO không ảnh hưởng tiêu cực đối với những kết quả Việt Nam đã đạt được trong xóa đói, giảm nghèo.

Duy trì đà tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho xóa đói, giảm nghèo đòi hỏi các ngành công nghiệp của Việt Nam phải đứng vững được trước sức ép cạnh tranh quốc tế. Loại trừ một số ngành công nghiệp có năng lực cạnh tranh tương đối cao hiện nay như may mặc, giày dép, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử dân dụng, sản phẩm gỗ chế biến… hầu hết các ngành công nghiệp còn lại của Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ gia nhập WTO ở mức độ khác nhau. Lựa chọn một số ngành có tiềm năng để áp dụng có giới hạn một số công cụ bảo hộ tạm thời, dựa trên nền tảng một lộ trình tự do hóa ngay từ khi bắt đầu cho phép áp dụng những công cụ bảo hộ là lựa chọn khả thi nhất để hạn chế cạnh tranh quốc tế đối với một số ngành công  nghiệp mà nước ta có tiềm lực, nhưng chưa đủ khả năng đối đầu trực tiếp với các công ty quốc tế. Tiếp tục cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tăng hiệu quả hoạt động của một số tổng công ty lớn nên được xem là ưu tiên quan trọng để tiếp tục giữ vững vai trò chủ đạo của khu vực nhà nước trong nền kinh tế. Tiếp tục khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước, loại bỏ những rào cản về thể chế gây khó khăn cho khu vực tư nhân trong tiếp cận các nguồn tín dụng, hướng tới áp dụng một bộ luật doanh nghiệp thống nhất là những động thái tích cực giúp cải thiện môi trường đầu tư. Tiếp tục sử dụng những yêu cầu về xuất khẩu, công nghệ là cần thiết cho đến khi Việt Nam buộc phải tuân thủ theo lộ trình thực hiện cam kết tự do hóa đầu tư. Yêu cầu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với các nhà đầu tư nước ngoài cần được xem lại trên cơ sở đánh giá năng lực cung cấp linh kiện, phụ tùng trong nước. Ngoài ra, có chính sách chuẩn bị để hỗ trợ cho lực lượng lao động dôi dư, hỗ trợ tái đào tạo cũng là cần thiết để giúp cho quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp của Việt Nam khi thực hiện cam kết với tổ chức này.

Trong các vấn đề về sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường dịch vụ, trước sức ép của các nước, Việt Nam khó có thể có cách nào khác hơn là chấp nhận cam kết với WTO. Riêng đối với khu vực tài chính, xây dựng các thể chế kiểm soát, giám sát hoạt động của các thị trường tài chính, định chế tài chính, và các giao dịch tài chính trên thị trường để bảo đảm hoạt động lành mạnh, ngăn chặn khả năng căng thẳng tài chính cần được xem là ưu tiên hàng đầu.