Những giải pháp phòng, chống tệ nạn ma túy hiệu quả

Theo văn bản của Thủ tướng Chính phủ triển khai “Tháng hành động phòng chống ma túy” hàng năm mang tính chỉ đạo cụ thể hóa đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống ma túy theo Chỉ thị 36-CT/TW và chương trình hành động phòng, chống ma túy của Chính phủ, chuẩn bị cho việc thi hành Luật phòng chống ma túy vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Để phòng chống tệ nạn sử dụng ma túy đạt hiệu quả cao, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Gia đình phải thường xuyên quan tâm giáo dục con, em. Cha mẹ thương con nhưng không được nuông chiều quá mức; ngược lại cũng không nên quá khắt khe, mắng chửi, đánh đập, sỉ nhục con cái.

Phải quan tâm, giúp đỡ, dìu dắt con em trong những khó khăn, vướng mắc của cuộc sống. Tạo môi trường gần gũi giữa cha mẹ và con cái, quan tâm, giám sát chặt chẽ giờ giấc học tập, vui chơi, quan hệ bạn bè của con em mình. Nên mềm mỏng nhưng cương quyết khuyên bảo con em mình tránh xa bạn bè xấu.

Khi phát hiện con em mình nghiện ma túy, cha mẹ phải bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, giải thích tác hại của ma túy cũng như khuyên nhủ con em mình không nên tiếp tục sử dụng ma túy. Đồng thời phải báo cáo, trao đổi với chính quyền địa phương để được giúp đỡ, hướng dẫn tổ chức cai nghiện cho con em mình, không nên bao che, giấu diếm.

Đối với các đoàn thể và tổ chức xã hội như: Hội Liên hiện phụ nữ; Đoàn Thanh niên; Hội Cựu chiến binh… nên thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức công dân, kỹ năng sống… giúp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết hậu quả tác hại do ma túy gây ra. Qua đó, có biện pháp chủ động phòng ngừa, biết cách phát hiện sớm người thân có sử dụng ma túy.

Tham gia tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho những người nghiện ma túy nhẹ, đảm nhận việc giáo dục những người lầm lỗi liên quan đến ma túy, quản lý và giúp đỡ những người sau cai nghiện, tạo việc làm ổn định cuộc sống để họ tái hòa nhập cộng đồng, chống tái nghiện. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng phòng, chống ma túy thực hiện các chương trình hành động làm trong sạch địa bàn, tiến tới xóa bỏ tệ nạn ma túy.

Đối với bản thân mỗi người, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, phải có lối sống trong sạch, lành mạnh; không ăn chơi, đua đòi; không sống buông thả; cương quyết không quan hệ với những đối tượng xấu, có liên quan đến ma túy; không thử, không sử dụng ma túy dù chỉ một lần.