Những giải pháp cần có cho yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và giữ vững vị trí chủ lực về xuất khẩu lương thực hiện nay của Việt Nam :: Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh

NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN CÓ CHO YÊU CẦU TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ GIỮ VỮNG VỊ TRÍ CHỦ LỰC VỀ XUẤT KHẨU LƯƠNG THỰC HIỆN NAY CỦA VIỆT NAM

Hiện tại, đã có không ít quốc gia đang lâm vào tình trạng khó khăn về lương thực, thậm chí có nước phải áp dụng biện pháp phân phối lương thực theo hộ gia đình và Nhà nước phải can thiệp bằng biện pháp hành chính vào nền kinh tế thị trường tự do bằng việc cấm tăng giá gạo, cấm đầu cơ tích trữ lương thực, để ổn định đời sống nhân dân.

Bối cảnh ngành nông nghiệp và tình hình thị trường lương thực các nước trên thế giới hiện nay


Bước vào năm 2008, theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp quốc (FAO), tình hình thế giới đang có dấu hiệu bất ổn về lương thực, với 36 quốc gia đang có báo động về tình trạng thiếu lương thực. Dự trữ lương thực toàn cầu hiện chỉ còn 70 triệu tấn, ở mức thấp nhất so với mức dự trữ bình quân của 25 năm qua và chưa bằng 50% số gạo dự trữ của năm 2000. Trong khi gạo được coi là thức ăn chính của một nửa dân số trên thế giới (tức là vào khoảng 3 tỉ người). Tình hình khan hiếm lương thực sẽ trở nên gay gắt trước dự báo của Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ công bố ngày 19/6/2008, thì năm 2012 dân số thế giới sẽ tăng lên đến 7 tỷ dân (Báo Tuổi Trẻ ngày 12/6/2008). Áp lực tăng về dân số trong thời gian tới sẽ đặt ra yêu cầu lương thực rất lớn. Tình trạng này đã và sẽ góp phần đẩy giá lương thực tăng cao. Theo tổ chức Lương Nông LHQ, chỉ trong tháng 6/2008, đã có hiện tượng nóng về giá lương thực với giá lúa mì và giá ngô đã tăng 50% và gần đây (tháng 4/2008) giá gạo tăng đột ngột từ 550 USD/tấn lên 750 USD/tấn và vào thời điểm ngày 17/4/2008 đã đạt kỷ lục 1.000 USD/tấn (Theo TS.Trương Thị Minh Sâm, Hội KHKT&QL TP.HCM): Tình hình khan hiếm lương thực, đặc biệt ở các nước đang gặp khó khăn gay gắt về mùa màng và lương thực như Afganistan, CHDCND Triều Tiên, Indonesia, Philippines, Mehico, Maroc, Senegal, Guine, Yemen, Uzerbekistan v.v…, có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực, mà hậu quả làm phá vỡ các chính sách về xoá đói giảm nghèo, thậm chí làm tái nghèo trong một bộ phận dân cư ở các nước.

Theo các chuyên gia, có 6 nguyên nhân lớn đưa đến tình trạng bất ổn về lương thực hiện nay, đến nỗi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã phải lên tiếng báo động tại Hội nghị của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) mới đây, gồm: Các nước thiếu sự quan tâm đầu tư đúng mức cho nông nghiệp; diện tích canh tác lúa gạo có xu hướng ngày một bị thu hẹp để dành đất cho đầu tư khu công nghiệp, dân cư, giải trí; sự biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, sâu bệnh; sự bùng nổ của sản xuất nhiên liệu sinh học để ứng phó với tình giá giá dầu mỏ tăng cao; do dân số thế giới không ngừng gia tăng; giá nhiên liệu tiếp tục tăng đến chóng mặt.

Trước tình hình “báo động” thiếu hụt lương thực toàn cầu, có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực, để đảm bảo an ninh lương thực (vừa phục vụ ổn định cho nhu cầu của người dân và duy trì phát triển nông nghiệp, phát triển nền kinh tế), vừa  qua các nước đã tạm thời áp dụng hai giải pháp lớn gồm: Thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lương thực (như Pakistan, Nga, Ai Cập, Hoa Kỳ) hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu (như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ) hoặc tăng nguồn dự trữ (như Malaysia, Philippines, Indonesia).

Riêng tại Việt Nam, sau khi kiểm tra tình trạng được mùa và có khả năng dư thừa lúa gạo so với nhu cầu trong nước (vì tổng sản lượng lúa cả năm 2008 dự kiến đạt khoảng 37 triệu tấn, tăng khoảng hơn một triệu tấn so với năm 2007, nên năm 2008, VN có thể dư thừa trên 4,5 triệu tấn gạo, so với yêu cầu an ninh lương thực nội địa), nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh việc thu mua lúa và thực hiện việc xuất khẩu gạo có hiệu quả nhất. Và Philippines là nước có điều kiện dự trữ lương thực và ổn định lương thực vượt qua khó khăn cũng một phần do nhập khẩu gạo từ Việt Nam, nên mới đây Nữ Tổng thống Arroyo đã trực tiếp cảm ơn Thủ tướng Việt Nam trong kỳ hội ngộ ngoại giao tại Hoa Kỳ.

Thế mạnh và thực trạng phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong quá trình đổi mới nền kinh tế đất nước theo cơ chế thị trường


Ở Việt Nam, do đặc điểm lịch sử, trong chiến tranh giữ nước, người nông dân và địa bàn nông thôn đã đóng một vai trò rất quan trọng và vẻ vang trong thực hiện “liên minh công nông” vừa cung ứng sức người, sức của, hậu cần và cả địa bàn dưỡng quân, chiến đấu phục vụ hai cuộc kháng chiến thành công. Và trong hoà bình, xây dựng đất nước, từ Nghị Quyết Trung Ương 6 với “khoán 10” trong nông nghiệp và các Nghị Quyết Đại hội V và VI, luôn luôn xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu của nền kinh tế, trong thời kỳ đầu chuẩn bị công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập khu vực, quốc tế. Với chủ trương đổi mới, đất nước ta từ chỗ rất khó khăn về lương thực trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp phải áp dụng chính sách phân phối lương thực theo đầu người, đã tạo được động lực thi đua sản xuất của hầu hết nông dân, làm cho địa bàn nông thôn trở nên sôi động trong sản xuất nông nghiệp, đưa đất nước ta từ chỗ thiếu gạo đến một nước dư thừa lúa gạo để xuất khẩu, góp phần tích luỹ cho đầu tư cơ khí hoá và tiến tới là một nước đứng hàng thứ hai về xuất khẩu gạo trên thế giới, chưa kể các thứ hạng trong top 10 về xuất khẩu cà phê, hạt điều, tiêu, hải sản, cao su v.v… Mỗi năm nước ta xuất khẩu bình quân trên 3 triệu tấn, thậm chí có những năm xuất khẩu trên 4 triệu tấn lương thực, với chất lượng ngày một tăng và giá cả ngày một hấp dẫn, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Đất đai màu mỡ, nhất là tại đồng bằng Sông Cửu Long, tạo thế mạnh cho phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa gạo và cả các loại cây công nghiệp. Nếu được đầu tư đúng mức, hợp lý thì sẽ không ngừng phát huy hiệu quả kinh tế, đảm bảo giữ vững “mặt trận nông nghiệp” phát triển đi lên đồng bộ với các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện nay.

Khả năng nền nông nghiệp VN, nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vừa dư khả năng làm “nghĩa vụ quốc tế” xuất khẩu lương thực (đặc biệt là gạo) cho các nước, nhất là các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và vùng châu Phi, Trung Đông đang và sẽ có nhiều khó khăn lương thực, vừa góp phần cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho trên 70% lao động của cả nước an cư lạc nghiệp, không phải ly nông và ly lương.

Nhưng thực tế hiện nay, khi nền kinh tế đất nước ngày một nặng về đầu tư công nghiệp và thương mại, dịch vụ, do yêu cầu lợi nhuận cao và lợi nhuận nhanh, các nhà đầu tư và cả một số cơ quan nhà nước, trở nên ít quan tâm “đổ vốn” vào đầu tư cơ giới hoá, công nghiệp hoá nông thôn, đã vô tình làm hạn chế, tụt lùi đà phát triển nông nghiệp so với các ngành khác của nền kinh tế. Vì đầu tư vào nông nghiệp, trong thực tế hiện nay, lâu thu hồi vốn và lợi nhuận không cao, không nhanh. Đó là thực tế phũ phàng cho nông dân nước ta trong liên minh “công, nông và trí thức” trong thời kỳ hoà bình, xây dựng, phát triển đất nước. Cho nên chính Ông Nguyễn Đức Triều, nguyên chủ tịch Hội nông dân VN, cũng đã có nhận xét: “Không thể phủ định rằng từ khi thực hiện “khoán 10” trong nông nghiệp, chúng ta đã cải thiện cả về chất và lượng cuộc sống của nông dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhưng công bằng mà nói thì nông thôn bây giờ là tầng lớp nghèo và chịu nhiều thiệt thòi nhất” (Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 26/6/2008). Theo Ông Triều, “Đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 20% ngân sách, đây là điểm bất hợp lý và không công bằng. Cứ nói công nghiệp hoá nông thôn, nhưng nhiều doanh nghiệp bây giờ chỉ đầu tư kiểu hớt váng, mì ăn liền”.

Trong cuộc hội thảo chủ đề: “Người nông dân trong quá trình công nghiệp hoá” mới đây, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) còn đưa ra thông tin khá báo động về tình hình nông thôn, nông dân hiện nay, là: “Có đến 18% dân số của 61 triệu người sống ở nông thôn, vẫn đang thuộc diện nghèo đói, 63% rủi ro người nông dân hứng chịu từ dịch bệnh, mất mùa và thiên tai. Đáng chú ý là 30% số hộ nông dân không thể phục hồi sau khi hứng chịu rủi ro, thêm 40% hộ không thể hoàn toàn phục hồi” (Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 28/6/2008). PGS-TS Phạm Duy Nghĩa còn báo động: “Hiện có 3 nguy cơ rất rõ ràng là nông thôn mất ruộng, nông dân chán ruộng, chán chốn thôn quê”.

Tình trạng thu hồi đất của nông dân đã và đang diễn ra theo một thủ tục quá dễ dàng, để quy hoạch Khu công nghiệp (KCN), sân golf  vừa làm thu hẹp dần đất trồng trọt, vừa gây thiệt hại cho nông dân, quyền làm chủ trên đất đai nông nghiệp của nông dân trở nên bấp bênh, dễ làm cho người nông dân có tâm lý tiêu cực, muốn bán ruộng để ra thị thành làm thuê, làm mướn, nhất là đối với nông dân nghèo.

Theo Ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, thì “Trong 10 năm qua, đất trồng lúa đã bị giảm tới 350.000 ha. Ở nhiều địa phương, đất trồng lúa đã bị mất oan do chạy đua theo phong trào lấy đất làm dự án đô thị, công nghiệp, dịch vụ để báo cáo thành tích về chuyển đổi cơ cấu ngành nghề” (Hoàng Đình, Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 12/5/2008).

Trong thời gian qua, lợi dụng qui hoạch phát triển ở các địa phương, một số nhà đầu tư cơ hội vì chạy theo mục tiêu lợi nhuận trước mắt, đã tranh thủ chớp lấy những dự án để khoanh vùng, san nền, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với “giá cả trên trời”, chụp giật chênh lệch lợi nhuận bỏ túi riêng trong khi cả ngân sách Nhà nước và người nông dân chẳng được gì đáng kể, dù ở vai trò đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và chủ sử dụng đất nông nghiệp.

Một kinh nghiệm đáng quí ở Hoa Kỳ cần tham khảo, như ở bang Nevada, là một tiểu bang gần như sa mạc, nắng nóng không sản xuất nông nghiệp được, các nhà đầu tư được bật đèn xanh đầu tư phát triển khu giải trí cờ bạc, ăn chơi Las Vegas nổi tiếng thế giới, thu lợi rất cao. Nên chăng cần tiết kiệm các loại đất đai màu mỡ, nhất là đất đồng bằng ven sông, có điều kiện thuỷ lợi tốt cho trồng trọt phát triển nông nghiệp và cây ăn quả, cây công nghiệp phù hợp? Chỉ nên đầu tư công nghiệp, giải trí ở các vùng đất không có khả năng phát triển nông nghiệp, có lẽ hợp lý hơn trong qui hoạch phát triển.

Chính Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Kinh tế Quốc hội, Ông Lê Quốc Dung, cũng có quan điểm rõ ràng là: “Trước tiên phải đảm bảo duy trì và phát triển lợi thế về nông nghiệp chứ không phải làm cho nó mai một đi. Mật độ dân cư của chúng ta rất cao, khoảng 270 người/km2 trong khi diện tích đất nông nghiệp ít nên cần phải tiết kiệm và bảo vệ đất nông nghiệp” (Báo Pháp Luật TP.HCM số 126). Các chuyên gia kinh tế hầu hết thống nhất là cần phải thay đổi tư duy làm qui hoạch, phải có chính sách mới về nông thôn, nông dân và nông nghiệp, để giữ đất ổn định cho phát triển nông nghiệp, hạn chế lãng phí đất vào những đầu tư chưa thiết thực cho phát triển (như đầu tư giải trí, khu dân cư biệt thự sang trọng ở các đồng bằng lúa gạo).

Và chính cựu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ cũng đưa ra quan điểm: “Không thể cứ nhìn vào vị trí khiêm tốn của nông nghiệp trong cơ cấu GDP, cơ cấu xuất khẩu, mức thu ngân sách mà xem nhẹ việc đầu tư” và theo Ông, giải quyết vấn đề đất đai cho nông nghiệp phải “nói” bằng luật mới ổn định lâu dài cho nông dân, cho nông thôn (Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 27/6/2008).

Do đó, thức tỉnh trước tình hình lương thực thế giới khó khăn, đang có nguy cơ rơi vào khủng hoảng lương thực ở khá nhiều nước trong những năm tới và thấy được thế mạnh, lợi thế của nền nông nghiệp VN, nên các cơ quan thẩm quyền nhà nước về kinh tế, về phát triển nông nghiệp, nông thôn đã kết hợp cùng các chuyên gia kinh tế đã xây dựng đề án về “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) với mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo được tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thuỷ sản đạt trên 3,7%/năm, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp 2,5 lần so với hiện nay; lao động nông nghiệp còn 30% trong tổng lực lượng lao động với tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50% v.v… (Báo Tuổi Trẻ ngày 12/6/2008).

Đó cũng chính là bài toán chiến lược “tam nông” đảm bảo có đầu tư thoả đáng theo hướng cơ khí hoá, công nghiệp hoá kinh tế nông nghiệp và trang bị kiến thức nông nghiệp hiện đại cho lực lượng lao động nông nghiệp tại nông thôn vậy.

Những giải pháp lớn để tiếp tục đẩy mạnh phát triển ổn định sản xuất nông nghiệp, duy trì vị trí xuất khẩu lương thực trên thị trường thế giới


Tham khảo các ý kiến chuyên gia, các nhà kinh tế trên, người viết thấy cần đề nghị một số giải pháp căn cơ cho yêu cầu đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiện đại và chăm lo đời sống mọi mặt cho người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước như sau:

1. Nhà nước cần có chiến lược công nghiệp hoá sản xuất nông nghiệp, từ trang bị cơ khí hoá đến nghiên cứu giống cây trồng một cách khoa học, đầu tư sinh học để tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tư cả hệ thống giao thông nông thôn, cả đường bộ và đường thuỷ thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá, nối kết địa bàn nông nghiệp với các trung tâm đầu mối tiêu thụ nông sản phẩm và với thị trường tiêu thụ, trao đổi trong và ngoài nước.

2. Tạo điều kiện cho người nông dân có thể tích tụ ruộng đất dưới các mô hình sản xuất lớn như: trang trại, hợp tác xã nông nghiệp theo kiểu mới, các công ty cổ phần sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp (kể cả lúa gạo, rau quả, hải sản v.v…) để tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn, tích tụ tư bản để phục vụ mở rộng sản xuất.

3. Lập các cơ sở đào tạo tại chỗ về kỹ thuật sản xuất, phương pháp quản lý cả qui trình sản xuất từ gieo trồng, sử dụng phân bón, các đầu tư sinh học đến chế biến sản phẩm để đảm bảo đầu ra chắc chắn, có thị trường ổn định, hầu phòng ngừa, hạn chế tình trạng tự phát hiện nay là thường xuyên thay đổi cây trồng theo biến động nhất thời của thị trường, dẫn đến hậu quả sản xuất không ổn định, thu nhập của người nông dân bấp bênh.

4. Mở kênh thông tin về thị trường, về hàng hoá nông nghiệp và đảm bảo điều kiện tiếp nhận thông tin cho người nông dân, để người lao động nông thôn có cơ sở thực tế thị trường hầu định hướng đúng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình.

5. Hạn chế thấp nhất việc sử dụng đất tốt, phì nhiêu, có điều kiện thuỷ lợi tốt cho trồng trọt, cho phát triển nông nghiệp cho các yêu cầu xây dựng khu công nghiệp, khu giải trí, khu dân cư biệt thự vườn, kể cả việc hạn chế đô thị hoá những đồng bằng có lợi thế cho sản xuất nông nghiệp và sản xuất sản phẩm nông nghiệp (đặc biệt như lúa gạo) xuất khẩu.

6. Ưu đãi tín dụng trung và dài hạn cho yêu cầu vốn đầu tư dài ngày, ổn định cho nông dân và nông thôn. Minh định về mặt pháp luật quyền sử dụng đất ổn định lâu dài cho nông dân và hộ nông thôn, với thời gian ổn định sản xuất tối thiểu từ 50 năm trở lên và tất cả quyền dân sự khác về đất đai nông nghiệp.

Với các giải pháp bước đầu kiến nghị trên, theo tôi, có thể góp phần giải quyết tốt chiến lược “tam nông” cần có hiện nay. Đó cũng là bài toán củng cố thế mạnh của nông thôn, của lực lượng sản xuất nông nghiệp (cũng là một lực lượng chủ lực quan trọng của nền kinh tế) trong “liên minh công, nông và trí thức” trong thời kỳ hoà bình xây dựng phát triển kinh tế theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh vậy.

Tiến sĩ  NGUYỄN ĐĂNG LIÊM

(Uỷ viên BCH Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM)