NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý VỀ THOÁT VỊ RỐN Ở TRẺ SƠ SINH – Trung Tâm Y Khoa Pasteur Đà Lạt

Thoát vị xảy ra khi tổ chức hay một phần nội tạng lồi ra khỏi vị trí bình thường của nó trong cơ thể. Thoát vị rốn xảy ra khi nội tạng trong ổ bụng lồi ra ngoài thành một khối lồi ở vùng rốn. Khối thoát vị có thể chứa dịch, một phần nội tạng ví dụ như: Ruột, hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng.

Thoát vị rốn thường gặp nhất ở các trẻ sinh non hoặc có cân nặng nhẹ khi sinh. Có tới 75% trẻ sơ sinh có trọng lượng dưới 1,5kg có thoát vị rốn. Dị tật này gặp ở các bé gái nhiều hơn bé nam.

Hầu hết thoát vị rốn tự cải thiện ở độ 1 tuổi, mặc dù một số khác mất nhiều thời gian hơn. Khoảng 90% thoát vị rốn cuối cùng sẽ tự đóng lại. Tuy nhiên, khi trẻ được 4 tuổi mà không tự đóng lại thì có thể cần phẫu thuật.

1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn

Trẻ được nuôi dưỡng trong bụng mẹ bằng dây rốn. Trong thời gian mang thai, dây rốn đi qua một lỗ nhỏ ở cơ bụng của bé và được cắt khi bé chào đời. Trong vòng 1-2 tuần sau sinh cuống rốn teo dần và rụng đi, vết thương lành và tạo thành rốn của trẻ, lỗ ở thành bụng nơi dây rốn đi qua sẽ tự dần dần được đóng lại một cách tự nhiên khi bé lớn. Nếu các cơ không đóng với nhau hoàn toàn ở đường giữa của bụng, điểm yếu này trong thành bụng có thể gây ra thoát vị rốn hoặc sau này trong đời.

2. Các dấu hiệu của thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Các dấu hiệu thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh rất dễ nhận biết, chỉ cần cha mẹ quan sát kỹ vị trí rốn của trẻ là có thể nhận ra các dấu hiệu:

  • Ở vị trí rốn bé sẽ có một khối u mềm nhô lên.
  • Mỗi khi bé ho, khóc hoặc ưỡn mình có thể thấy chỗ phình. Chỗ phình biến mất khi bé thư giãn hoặc nằm ngửa.
  • Thoát vị rốn thường không gây đau và không gây bất kỳ sự khó chịu nào.

Nếu nghi ngờ trẻ bị thoát vị rốn, bố mẹ hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu đột nhiên xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Bé khóc ngằn ngặt, hoặc tỏ ra đau đớn
  • Bụng có vẻ to hơn, tròn hơn, đầy hơn bình thường
  • Vùng da khối thoát vị sưng nề và đỏ
  • Trẻ sốt
  • Trẻ nôn
  • Khó đi ngoài hoặc hoàn toàn không đi ngoài
  • Có máu trong phân

Lưu ý: Cha mẹ không nên dùng tay xoa hoặc ấn mạnh vào rốn với mục đích cho khối thoát vị mền ra vì điều này có thể gây đau đớn cho trẻ nhưng cũng không giúp cải thiện tình trạng được khá hơn

3. Biến chứng của thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Đối với trẻ sơ sinh, các biến chứng của thoát vị rốn là rất hiếm. Tuy nhiên, ở một số trường hợp sẽ khiến cho một đoạn quai ruột bị kẹt và không thể nào quay lại vị trí cũ nữa. Ở đoạn ruột này máu nuôi dưỡng sẽ ít đi, khiến cho mô ruột bị tổn thương hoặc dẫn đến đau vùng rốn. Trầm trọng hơn, đoạn ruột có thể bị nghẹt hoàn toàn không nhận được máu, hoại tử có thể xảy ra. Nhiễm trùng có thể lan rộng ra khắp ổ bụng, gây ra tình huống đe dọa tính mạng.

4. Cách điều trị thoát vị rốn ở trẻ em

  • Hầu hết thoát vị rốn nhẹ sẽ tự cải thiện đến khi trẻ 1 tuổi. Khi bé lớn lên, cơ thành bụng khoẻ hơn và có thể đóng kín lỗ hổng thành bụng, thoát vị sẽ tự mất đi.
  • Phẫu thuật: Các bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ tại cơ của khối này. Các mô đệm thoát vị quay trở lại khoang bụng. Bệnh sẽ khỏi hẳn, không tái phát.

  • Biện pháp phẫu thuật được thoát vị rốn ở trẻ em sử dụng đối với:
    • Trẻ sơ sinh bị thoát vị lớn, bị đau
    • Thoát vị rốn không biến mất đến khi 4 tuổi
    • Bị mắc kẹt hoặc chặn đường ruột
  • Khuyến cáo: Một số gia đình chữa “mẹo” thường dùng băng dính, đồng xu hoặc các loại băng ép đặt lên vùng thoát vị rốn để làm nó nhỏ đi. Tuy nhiên, phương pháp này không hề mang lại hiệu quả, thậm chí có thể khiến cho tình hình càng xấu hơn. Do đó cha mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ thay vì sử dụng các kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng nói trên.

5.        Chăm sóc khi bé bị thoát vị rốn

  • Cha mẹ cố gắng không để trẻ khóc nhiều, khóc to.
  • Hạn chế không để trẻ hoạt động quá mức, làm tăng đột ngột áp lực trong ổ bụng làm khối phồng lớn dần.
  • Tăng cường cho trẻ thức ăn có nhiều chất xơ, rau củ quả để hạn chế trẻ bị táo bón vì táo bón có thể khiến trẻ rặn làm tăng hiện tượng thoát vị.

Nếu thấy khối thoát vị to đột biến, cứng chắc, sờ đau, cho trẻ nằm ngửa khối thoát vị không mất, kèm theo đau bụng và nôn thì có thể trẻ bị thoát vị nghẹt. Trong trường hợp này bạn cần cho trẻ đến bệnh viện ngay.

Nguồn: BS Phan Thanh Hải.

Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt

Hotline: 19001042