Những điều cần biết về Chủ nghĩa Khắc Kỷ
Một trường phái triết học cổ xưa nhưng vẫn mang đậm hơi hướng của thời đại ngày nay, Chủ nghĩa Khắc Kỷ không kéo con người tới những vấn đề cao siêu mà đưa chúng ta tới với cuộc sống hằng ngày, những thứ rất “đời” mà mỗi ngày chúng ta phải đối mặt. Một lối sống Khắc Kỷ chính là cách mà con người có thể lấy lại cân bằng trong cuộc sống, tìm thấy sự bình thản trong tâm hồn.
Mục Lục
1. Chủ nghĩa Khắc Kỷ là gì?
Chủ Nghĩa Khắc kỷ (Stoicism) là một trường phái triết học cổ đại được sáng lập bởi nhà triết học Zeno xứ Citium vào đầu thế kỷ thứ 3 Trước Công Nguyên. Sau đó trường phái này được kế thừa bởi ba trụ cột thời La Mã là Seneca, hoàng đế Marcus Aurelius và Epictetus.
Chủ Nghĩa Khắc kỷ được khai sinh với sứ mệnh trui rèn bản lĩnh và tinh thần của con người trước những áp lực và khổ đau trong cuộc sống. Trong một thế giới hiện đại chênh vênh và đầy khủng hoảng: thất nghiệp, dịch bệnh, nỗi đau, cái chết, Chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ giúp bạn vững vàng đối mặt và tìm được sự bình thản trong tâm trí (the tranquillity of mind), để không bị “cuốn theo chiều gió” trước vô vàn những cám dỗ và khó khăn của đời sống thường ngày.
– Lịch sử hình thành của Chủ nghĩa Khắc Kỷ.
Nói tới sự hình thành và phát triển của trường phái triết học cổ xưa này, chúng ta có thể chia thành 3 mốc thời gian chính:
+ Mốc 1: Khởi nguồn của Chủ nghĩa Khắc Kỷ.
Bắt đầu từ những tác phẩm và lời dạy của ba nhà triết học đầu tiên thuộc trường phái Khắc Kỷ gồm Zeno xứ Citium (335 – 263 TCN), Cleanthes (331 – 232 TCN) và Chrysippus (khoảng 280 – 207 TCN), Khắc Kỷ đã trở thành trào lưu triết học quan trọng của thế giới Hy Lạp – La Mã, định hình sự phát triển tư tưởng trong Kỷ nguyên Kitô.
+ Mốc 2: Sửa đổi những nét đặc trưng của Chủ nghĩa Khắc Kỷ.
Các triết gia Khắc Kỷ Hy Lạp là Panaetius (khoảng 185 – 109 TCN) và Posidonius (khoảng 135 – 51 TCN) sửa đổi một số nét đặc trưng của Chủ nghĩa Khắc Kỷ.
+ Mốc 3: Nối tiếp và phát triển triết học Khắc Kỷ.
Các nhà Khắc Kỷ La Mã như Seneca, Epictetus (giữa thế kỷ thứ nhất đến đầu thế kỷ thứ hai), Musonius Rufus (khoảng 30 – khoảng 102 TCN), và hoàng đế Marcus Aurelius (121 – 180 , trị vì từ 161 – 180) đã sáng tác các tác phẩm về chủ đề Khắc Kỷ của riêng mình và cho tới nay, các tác phẩm đó vẫn mang lại những giá trị to lớn.
– Mục tiêu của Chủ nghĩa Khắc Kỷ.
Các nhà Khắc Kỷ cho rằng, những suy đồi đạo đức, nhưng đau khổ liên miên rất phổ biến trong xã hội của họ. Và dù trải qua hàng ngàn năm, những vấn đề tiêu cực mà Chủ nghĩa Khắc Kỷ đề cập vẫn đang hiện hữu ở xã hội hiện đại của chúng ta. Chính vì lẽ đó, Chủ nghĩa Khắc Kỷ được sinh ra với mục đích mang lại một cuộc sống tốt đẹp, sự cân bằng trong cuộc sống và hướng con người Khắc Kỷ tới với mong muốn bình thản trong tâm hồn.
2. Chủ nghĩa Khắc Kỷ trong đời sống hiện đại.
Mặc dù đã trải qua hơn 2000 năm, khi cuộc sống hiện đại liên tục chuyển mình từng giây, tại sao Chủ nghĩa Khắc Kỷ vẫn có thể mang lại những bài học quý giá, nhưng quan điểm triết học hữu ích, giúp con người cải thiện nội tại của bản thân?
– Chủ nghĩa Khắc Kỷ – đi tìm sự bình yên trong cuộc sống hiện đại.
Khi cuộc sống đang dần được nâng cao, con người ngày càng chạy theo những thứ bề ngoài, danh vọng, tiền bạc… mà quên đi rằng đời sống tinh thần của bản thân đang hoàn toàn trống rỗng, lạc lối. Chính vì thế, nhu cầu về sức khỏe tinh thần, thăng bằng trong cuộc sống đang được coi trọng hơn bao giờ hết.
Vì lý do đó, Chủ Nghĩa Khắc Kỷ đang được mọi người chú ý và quan tâm nhiều hơn bởi mục tiêu hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, tìm kiếm niềm vui từ chính nội tại bản thân mà trường phái triết học cổ xưa này đem lại. Triết học Khắc Kỷ tập trung giải quyết những vấn đề rất gần gũi xung quanh mỗi cá nhân khiến nó rất hữu ích cho con người đặc biệt là con người trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
– Một vài nhà Khắc kỷ nổi tiếng trong văn hóa đại chúng.
Rất nhiều người nổi tiếng hay những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tới xã hội coi lối sống Khắc Kỷ là cách để tiếp thêm sức mạnh, khả năng chịu đựng và sức bền cho cuộc sống đầy thách thức của họ. Một vài cái tên tiêu biểu có thể kể đến như:
+ Arnold Schwarzenegger – Cựu Mr. Olympia, Conan, Kẻ hủy diệt và Thống đốc bang California là một người hâm mộ triết lý Khắc kỷ.
+ Tom Hiddleston – Nam diễn viên người Anh là một fan hâm mộ tác phẩm “On the Shortness of Life” của Seneca.
+ JK Rowling – Tác giả của siêu phẩm Harry Potter là một fan hâm mộ của Marcus Aurelius.
3. Chủ nghĩa Khắc Kỷ là một trường phái triết học thực hành
– “Tưởng tượng tiêu cực” trong triết học Khắc Kỷ.
Đã bao giờ bạn nghĩ về những điều tồi tệ có thể xảy ra với bản thân trong tương lai? Hay đơn giản hơn, bạn bật chế độ phòng bị nơi đông người vì sợ rằng cái điện thoại hay ví tiền của mình chỉ trong tích tắc đã không cánh mà bay? Nếu bạn đã từng như vậy, bạn đang thực hành “Tưởng tượng tiêu cực”. Tuy nhiên, vì sao ta phải lường trước những rủi ro hay bất hạnh có thể xảy đến với bản thân? Các nhà Khắc Kỷ đã chỉ ra 3 lý do chúng ta nên sử dụng “Tưởng tượng tiêu cực” trong cuộc sống:
+ Ngăn không cho những tình huống bất lợi xảy ra
Việc bạn dành thời gian suy nghĩ về những căn bệnh mà mình có thể mắc phải khiến bản thân bạn thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
+ Giảm bớt tác động tiêu cực của chúng đến bản thân.
Khi ta mường tượng trước những phản ứng của bản thân về một sự việc có tính chất tiêu cực, trong ta sẽ có sự chuẩn bị nhất định và phần nào nguôi bớt nỗi đau buồn.
+ Tưởng tượng tiêu cực để hướng tới hạnh phúc.
Các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta dành thời gian tưởng tượng rằng bản thân mất đi những thứ mình quý trọng và với việc làm vậy sẽ khiến chúng ta trân trọng những thứ mình đang có.
– “Thuyết vận mệnh” và Chủ nghĩa Khắc Kỷ
Giống như phần lớn người La Mã cổ đại, các triết gia của Chủ nghĩa Khắc kỷ tin vào vận mệnh. Chính xác hơn, họ tin vào thuyết vận mệnh và sự tồn tại của ba nữ thần vận mệnh bao gồm: Clotho quay quận chỉ, Lachesis quyết định độ dài sợi chỉ và Atropos cắt chỉ. Dù cố gắng đến mấy, con người cũng không thể thoát khỏi số phận đã được các nữ thần vận mệnh lựa chọn cho họ.
Nhưng các nhà Khắc kỷ chỉ ủng hộ một hình thức giới hạn của thuyết vận mệnh. Chính xác hơn, họ khuyên chúng ta tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ, luôn tâm niệm rằng quá khứ không thể thay đổi. Các nhà Khắc kỷ sẽ không khuyên nhủ một người mẹ có đứa con bệnh tật tin vào thuyết vận mệnh tương lai bởi khi tin vào thuyết vận mệnh này, người mẹ sẽ tâm niệm rằng những hành động của mình không hề tác động đến các sự kiện tương lai trong khi việc cô ấy cần làm là chăm sóc đứa con mình khỏe lại. Nhưng nếu đứa con không may qua đời, họ sẽ khuyên người phụ nữ này tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ. Việc cảm thấy đau khổ sau cái chết của một đứa con là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng mãi đắm chìm vào cái chết đó sẽ gây ra đau khổ không cần thiết cho người phụ nữ bởi lẽ quá khứ không thể thay đổi.
Khi nói rằng không nên đắm chìm trong quá khứ, các nhà Khắc kỷ không có ý khuyên chúng ta không bao giờ được nghĩ về nó. Quá khứ xảy ra chính là cơ hội để rút ra các bài học giúp chúng ta trong nỗ lực định hình tương lai.
Tìm hiểu thêm về Chủ nghĩa Khắc Kỷ qua cuốn sách Seneca – Những bức thư đạo đức
4. Từ Seneca nhìn ra thế giới 4.0
– Chủ nghĩa Khắc Kỷ nói gì về tiền bạc?
Theo nhà triết học người La Mã Lucius Annaeus Seneca, một người trong hoàn cảnh thiếu thốn không phải là một người nghèo khó bởi thái độ chấp nhận của người đó với hoàn cảnh của bản thân họ. Chính vì thế, chúng ta cũng không thể đánh giá một người là giàu sang nếu người đó cứ phải ôm khư khư lấy của cải của mình và luôn sợ bị mất chúng.
Điều quan trọng mà triết gia Lucius Seneca muốn nhắc tới đó chính là chúng ta muốn có một đống tiền hay có đủ số tiền mình cần? Những người có một đống tiền thường muốn nhiều hơn, lý do rõ ràng chứng tỏ họ chưa có đủ. Trong khi những người có đủ rồi, họ đạt được một điều quan trọng mà những người khác không đạt được: họ nhận ra được điểm dừng.
Tiền không bao giờ khiến một con người thực sự giàu có: thứ nó làm được là tiêm nhiễm vào đầu những người chạm được nó sự thèm khát có thể sở hữu nó nhiều hơn. Nhưng khi một người đã nhìn ra được những nhu cầu cơ bản và chính yếu của tự nhiên, người đó không những làm chủ được bản thân, không còn biết đến sự nghèo khổ mà thậm chí còn vượt qua được nỗi sợ nghèo.
– Triết học Khắc Kỷ và việc quản lý thời gian.
Chúng ta luôn luôn hoài phí thời gian của bản thân, và việc này đã có từ hàng nghìn năm trước. Seneca, trong bức thư của ông gửi tới người bạn Lucilius đã đưa ra hai lời cảnh tỉnh đối với những “kẻ cắp thời gian” trong mọi thời đại.
+ Hãy trân trọng thời gian của bản thân, và đặc biệt là thời gian trong hiện tại.
Nhiều người, nhất là những bạn trẻ hay lầm tưởng rằng thời gian của mình là một con số khổng lồ, và cái chết là một thứ tưởng chừng như rất mơ hồ và xa xôi. Tuy nhiên, “thực ra chúng ta đã sai khi nghĩ cái chết ở tương lai: nó đến với ta mỗi ngày, bởi toàn bộ quá khứ của ta đều đã chết rồi đó thôi” (Bức thư số 1, Seneca – Những bức thư đạo đức). Đối với nhiều người, cái chết đến với họ chỉ trong gang tấc. Nếu một ngày thần chết gõ cửa nhà bạn mà không báo trước, liệu bạn có hối tiếc vì quãng thời gian bị phí hoài của bản thân?
+ Không chỉ trân trọng thời gian của bản thân, hãy trân trọng cả thời gian của người khác
Chắc hẳn chúng ta ai cũng ít nhiều là những “kẻ trộm” thời gian của người khác. Nhưng đối với nhiều người, mất thời gian có vẻ như không quan trọng lắm như việc mất tiền, mất đồ vật. Như trong bức thư đầu tiên gửi người bạn Lucilius, Seneca viết: “Một điều ngờ nghệch của người đời: khi họ vay mượn thứ gì, dù là nhỏ bé nhất, rẻ mạt nhất, họ biết mình sẽ mắc nợ, vậy mà không ai cho rằng mình mắc nợ khi làm mất thời gian của người khác, trong khi thời gian là thứ duy nhất mà ngay cả những người có lòng biết ơn cũng chẳng thể trả lại”.
5. Một vài cuốn sách hay về Chủ nghĩa Khắc Kỷ
Những cuốn sách Chủ nghĩa Khắc Kỷ chính là công cụ đầu tiên giúp bạn tiếp cận với trường phái triết học này để từ đó tìm ra hướng đi đúng đắn cho bản thân. Ba cuốn sách nền tảng về Chủ nghĩa Khắc Kỷ có thể kể đến “Seneca – Những bức thư đạo đức”; “Meditations” của Marcus Aurelius và “The Discourse” của Epictetus.
– Cuốn sách “Seneca – Những bức thư đạo đức”.
Được dịch từ cuốn “Letters from a Stoic” của Lucius Seneca, “Seneca – Những bức thư đạo đức” là một cuốn sách triết học về Chủ nghĩa Khắc Kỷ, chứa đựng những bức thư đạo đức mà Seneca muốn gửi gắm đến người bạn Lucilius. Với những ai đang tìm hiểu về Chủ nghĩa Khắc Kỷ và phương pháp thực hành triết học trong cuộc sống thường ngày thì “Seneca – Những bức thư đạo đức” là một cuốn sách vô cùng phù hợp. Những bức thư đạo đức mà Seneca viết tuy đã xuất hiện từ 2000 năm trước, nhưng những vấn đề mà nội dung bức thư đề cập vẫn rất hữu ích đối với con người của thời hiện đại.
Đọc “Seneca – Những bức thư đạo đức” không chỉ về triết học, mà còn về trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện sự tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời.
– “Meditations” của Marcus Aurelius và “Discourses and Selected Writings” của Epictetus
Với Suy tưởng – “Meditations” của Marcus Aurelius, cuốn sách này cung cấp một loạt các bài tập và suy ngẫm tâm linh xuất sắc được phát triển trong quá trình vị hoàng đế này đấu tranh để hiểu bản thân và hiểu về vũ trụ. Trong “Meditations”, tư tưởng Khắc Kỷ được mài giũa sáng ngời bằng chính sự quyết tâm của Aurelius trên con đường tìm kiếm sự bình thản trong tâm tưởng.
Về Nghệ thuật sống – “Discourses and Selected Writings” của Epictetus, cuốn sách này là một loạt các bài giảng không chính thức của Epictetus được viết lại bởi học trò của ông là Arrian vào khoảng năm 108 sau Công nguyên. Triết lý của Epictetus trong các bài giảng rất thực tế. Ông hướng các học trò của mình tập trung sự chú ý vào những vấn đề thiết thực đến đời sống của họ. Epictetus sử dụng tính hài hước, các cuộc trò chuyện giàu hình ảnh và những so sánh giản dị, gần gũi để truyền tải thông điệp của mình đến với người tiếp nhận.
Đọc thêm
VỀ CÁI CHẾT CỦA LUCIUS SENECA: SỰ BÌNH THẢN TRONG NHỮNG THỜI KHẮC CUỐI CÙNG
CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ NÓI GÌ VỀ TÌNH BẠN
CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ CỦA SENECA
5 LẦM TƯỞNG VỀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ