Những điều cần biết khi dùng thực phẩm bổ sung
Một số trường hợp nên sử dụng thực phẩm bổ sung, như bổ sung axit folic trước khi thụ thai và đầu thai kỳ, bổ sung hàng ngày có chứa vitamin A, C và D cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, bổ sung D trong những tháng mùa thu và mùa đông. Tuỳ thuộc từng nhu cầu cụ thể hoặc tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ cân nhắc tư vấn sử dụng thực phẩm bổ sung.
Mục Lục
1. Thực phẩm bổ sung là gì?
Có rất nhiều sản phẩm được bán dưới dạng “thực phẩm bổ sung” (được mô tả là “thực phẩm chức năng” ở Hoa Kỳ), có sẵn để mua từ các cửa hàng và qua Internet. Các sản phẩm này bao gồm các chất bổ sung vitamin và khoáng chất (ví dụ: vitamin tổng hợp, vitamin E, kẽm), các sản phẩm từ thực vật hoặc thảo dược, chất bổ sung protein và nhiều sản phẩm khác (ví dụ: glucosamine hoặc probiotics). Thực phẩm bổ sung cũng có sẵn ở nhiều dạng và liều lượng khác nhau, bao gồm viên nén, viên nang, bột, đồ uống, dầu và tùy thuộc vào loại sản phẩm và mục đích sử dụng, ví dụ: thực phẩm bổ sung cho người lớn, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho người già.
Theo quy định của Liên minh Châu Âu đưa ra định nghĩa sau về “thực phẩm bổ sung” như sau:
“Bất kỳ thực phẩm nào có mục đích bổ sung cho chế độ ăn uống bình thường và là nguồn tập trung vitamin hoặc khoáng chất hoặc chất khác có tác dụng dinh dưỡng hoặc sinh lý, được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp và được bán ở dạng định liều.”
Các sản phẩm này tập trung vào các chất bổ sung có chứa vitamin, khoáng chất và / hoặc các chất dinh dưỡng khác (ví dụ: axit béo omega 3), mặc dù thông tin về cách các sản phẩm này được quản lý cũng có liên quan đến các loại sản phẩm khác được bán dưới dạng “thực phẩm bổ sung”.
Theo một cuộc khảo sát với 2.000 người tiêu dùng Vương quốc Anh (từ 16 tuổi trở lên), được thực hiện vào tháng 9 năm 2018 cho thấy, 59% người tiêu dùng cho biết họ đã uống vitamin, khoáng chất hoặc các sản phẩm bổ sung khác vào một thời điểm nào đó trong năm 2018 và 34% cho biết họ dùng thực phẩm bổ sung hàng ngày (38% của phụ nữ và 29% ở nam giới). Chi tiêu cho các chất bổ sung vitamin và khoáng chất trong năm 2018 ước tính khoảng 442 triệu bảng Anh và các chất bổ sung phổ biến bao gồm dầu gan cá và vitamin tổng hợp, cũng như các chất bổ sung vitamin và khoáng chất đơn lẻ khác.
2. Các chất bổ sung nào được khuyến cáo sử dụng?
Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh (Department of Health and Social Care) khuyến nghị một số chất bổ sung cho một số nhóm người có nguy cơ thiếu hụt. Các chất dinh dưỡng sau đây được đặc biệt khuyến cáo dưới dạng thực phẩm bổ sung ở Anh:
Vitamin D
Vitamin D góp phần vào sự phát triển và duy trì xương và răng khỏe mạnh. Trong những tháng mùa xuân và mùa hè ở Anh, phần lớn người dân số thể nhận được lượng vitamin D cần thiết thông qua việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khi phơi nắng và thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Trong suốt mùa thu và mùa đông, người lớn và trẻ em từ 5 tuổi trở lên nên cân nhắc dùng chất bổ sung có chứa 10 microgam vitamin D. Đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ (0-1 tuổi), trẻ em từ 1-4 tuổi, cũng như những người lớn có rất ít hoặc không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (ví dụ những người ít khi ở ngoài trời hoặc những người mặc quần áo che gần hết da), thì những đối tượng này nên bổ sung hàng ngày vitamin D có chứa 10 microgam.
Vitamin A, C và D cho trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ
Vitamin A và C đảm nhiệm loạt các chức năng trong cơ thể bao gồm hỗ trợ hệ thống miễn dịch và giúp làn da khỏe mạnh. Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, đặc biệt là những trẻ ăn không ngon miệng, do có thể không nhận đủ vitamin A hoặc C từ chế độ ăn uống và rất khó để có đủ vitamin D chỉ từ thực phẩm. Vì vậy, tất cả trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi được khuyến cáo nên uống bổ sung vitamin hàng ngày có chứa vitamin A, C và D. Những trẻ đang bú 500ml sữa công thức trở lên mỗi ngày không nên cho trẻ uống bổ sung, vì sữa công thức đã được bổ sung các chất này.
Axit folic và thai kỳ
Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ đang mang thai hoặc có thể mang thai nên bổ sung hàng ngày các sản phẩm có chứa 400 microgam axit folic, từ trước khi thụ thai cho đến khi thai được 12 tuần. Điều này nhằm giảm nguy cơ trẻ sinh ra bị khiếm khuyết ống thần kinh (NTD).
3. Có bằng chứng nào cho thấy chất bổ sung làm giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính không?
Có nhiều lý do tiềm ẩn khiến người tiêu dùng có thể sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất hoặc các sản phẩm bổ sung khác, chẳng hạn như để tăng mức năng lượng, giảm cân hoặc ngăn ngừa cảm lạnh, mặc dù nhiều người quan tâm đến việc duy trì sức khỏe tổng thể và sức khỏe của họ. Điều này bao gồm việc dùng chất bổ sung để bảo vệ khỏi nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tim mạch (ví dụ: đau tim hoặc đột quỵ) và ung thư.
Tuy nhiên, kết quả từ các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên lớn, đã kiểm tra xem việc sử dụng thực phẩm bổ sung có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư hoặc tử vong do mọi nguyên nhân hay không, thường không cho thấy tác dụng có lợi. Trong một số trường hợp, việc sử dụng các chất bổ sung liều cao (ví dụ như beta-carotene) đã được chứng minh là có tác dụng phụ đối với nguy cơ mắc bệnh.
4. Nghiên cứu về chất bổ sung cho thấy gì?
Một số đánh giá và phân tích tổng hợp đã xem xét tác động của việc bổ sung vitamin và khoáng chất đối với nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
- Nghiên cứu phân tích tổng hợp được thực hiện gần đây của hơn 200 thử nghiệm (được công bố vào tháng 5 năm 2019), bao gồm gần 1 triệu người tham gia, không tìm thấy tác dụng đáng kể nào của chất bổ sung đối với tỷ lệ tử vong hoặc bệnh tim mạch.
- Đánh giá toàn diện và phân tích tổng hợp dữ liệu từ 179 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (xuất bản vào năm 2018) đã phân tích tác động của 14 loại vitamin và khoáng chất riêng biệt, cũng như kết hợp (vitamin tổng hợp, vitamin B-complex và chất chống oxy hóa), đối với nguy cơ bệnh tim mạch (bệnh mạch vành, đau tim hoặc đột quỵ) và tử vong do mọi nguyên nhân và bệnh tim mạch. Nhìn chung, không có bằng chứng thuyết phục nào được tìm thấy rằng các chất bổ sung mang kết quả có lợi cho các kết quả nghiên cứu. Trong khi một số bằng chứng đã được tìm thấy rằng, vitamin B và axit folic có thể làm giảm bệnh tim mạch và axit folic có thể làm giảm đột quỵ.
- Năm 2014, Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ (U.S. Preventive Services Task Force – USPSTF) kết luận rằng, không có đủ bằng chứng để đánh giá sự cân bằng giữa lợi ích và tác hại của việc sử dụng các chất bổ sung đơn lẻ, kết hợp (ví dụ: vitamin D và canxi) hoặc đa chất dinh dưỡng (chứa 3 hoặc nhiều vitamin / khoáng chất) để ngăn ngừa bệnh tim mạch hoặc ung thư. Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ (U.S. Preventive Services Task Force – USPSTF) khuyến cáo không nên sử dụng các chất bổ sung beta-carotene hoặc vitamin E để ngăn ngừa bệnh tim mạch hoặc ung thư.
- Nghiên cứu đánh giá của Cochrane được xuất bản vào năm 2012, đánh giá bằng chứng về các chất bổ sung chống oxy hóa (beta-carotene, vitamin A, vitamin C, vitamin E và selen) và 78 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy, không có bằng chứng nào ủng hộ việc sử dụng các chất này để giảm nguy cơ tử vong.
- Một số thử nghiệm có đối chứng cũng đã được tiến hành trên các chất dinh dưỡng cụ thể bao gồm axit folic, vitamin E và A, canxi, vitamin D và axit béo omega 3, để điều tra xem chúng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh hay không. Nhìn chung, những nghiên cứu này không cung cấp bằng chứng chắc chắn các chất bổ sung chất dinh dưỡng đơn lẻ có thể có tác dụng hữu ích đối với nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim mạch hoặc ung thư.
Tại sao nhiều thử nghiệm cho thấy chất bổ sung không có tác dụng?
Lý do đầu tiên gây nhầm lẫn về bằng chứng các chất bổ sung và nguy cơ mắc bệnh được thực hiện bởi một số nghiên cứu quan sát đã tìm thấy những tác dụng có lợi, nhưng sau đó các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên không cho ra kết quả tương tự. Lý do cho sự mâu thuẫn này rất có thể là do những người sử dụng chất bổ sung có xu hướng có lối sống lành mạnh hơn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sử dụng chất bổ sung thường có trình độ học vấn và thu nhập cao hơn, và có xu hướng có lối sống lành mạnh hơn về mặt tổng thể, bao gồm mức độ hoạt động thể chất cao hơn, không hút thuốc, uống ít rượu hơn và duy trì cân nặng hợp lý – tất cả các yếu tố này đều liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
Những người sử dụng thực phẩm bổ sung cũng có thể có chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng hơn những người không sử dụng, và do đó có lượng dinh dưỡng hấp thụ từ thực phẩm cao hơn và có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính mà không cần thực phẩm bổ sung.
Tác động của các chất dinh dưỡng từ thực phẩm bổ sung so với thực phẩm đã được khám phá trong một nghiên cứu quan sát trên 30.000 người trưởng thành tại Hoa Kỳ được công bố vào năm 2019, khi xem xét lượng dinh dưỡng hấp thụ từ cả thực phẩm và thực phẩm bổ sung. Việc sử dụng bổ sung đơn hoặc đa chất dinh dưỡng không liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, ung thư hoặc bệnh tim mạch, sau khi đã tính đến các yếu tố giáo dục và lối sống. Tuy nhiên, hấp thụ đầy đủ một số chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm (vitamin A, vitamin K, magiê, kẽm và đồng) có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân hoặc bệnh tim mạch.
Thực hiện chế độ ăn đa dạng và cân bằng có thể cung cấp cho hầu hết tất cả các vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác cần thiết cho sức khỏe tốt, cũng như các thành phần quan trọng khác trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như chất xơ, rất quan trọng để duy trì sức khỏe đường ruột, cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường type 2, tim mạch và một số bệnh ung thư.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,… Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn tham khảo: nutrition.org.uk