Những điểm cần lưu ý để có bài thi Tiếng Anh vào lớp 10 đạt điểm cao
TPO – Trước thềm kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm 2022, cô Nguyễn Thị Thu Thủy – giáo viên Trường THCS Minh Khai (Hà Nội) – chia sẻ một số nội dung kiến thức và kĩ năng học sinh cần lưu ý để có kết quả bài thi Tiếng Anh tốt nhất.
Với kinh nghiệm ôn luyện cho học sinh thi vào lớp 10, cô Thủy đã đưa ra một số lưu ý để các em có thể đạt kết quả tốt nhất.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Thủy, ở kỳ thi vào lớp 10, đối với môn Tiếng Anh, khối lượng kiến thức trong đề thi trải dài xuyên suốt các năm cấp THCS. Tuy nhiên, học sinh cần tập trung vào các nhóm chuyên đề chính.
Cô Thủy cho rằng, học sinh cần nắm vững tất cả các nội dung về từ vựng, ngữ pháp đã được học trong chương trình sách giáo khoa cấp THCS theo từng chủ đề. Nắm vững các cấu trúc câu có trong chương trình sách giáo khoa.
Ở phần ngữ pháp như thì của động từ, câu hỏi đuôi, câu điều kiện, câu bị động, câu trực tiếp – gián tiếp, các dạng so sánh của tính từ,…
Phần từ vựng theo chủ đề bài học;
Phần phát âm, trọng âm;..
Phần giao tiếp;…
Ở thời điểm chỉ còn một vài ngày nữa là đến ngày thi, cô Thủy cho rằng học sinh cần luyện đề theo cấu trúc của Sở giáo dục Hà Nội để nâng cao kĩ năng cũng như tốc độ làm bài (đề trên giấy, đề trên mạng, đề trên các phần mềm,…).
Cách làm bài thi thế nào?
Trong ngày thi, theo cô Thủy, sau khi nhận đề học sinh cần đọc lướt toàn bộ đề bài, câu nào dễ làm trước. Đọc kĩ câu hỏi tránh nhầm lẫn, nhất là phần tìm từ cùng nghĩa, từ trái nghĩa.
“Cần chú ý thời gian, không nên tập trung quá lâu vào 1 câu hỏi. Nếu chưa tìm ra câu trả lời đúng thì chuyển sang câu khác nhưng nhớ phải đánh dấu câu chưa làm, tránh bỏ sót”- cô Thủy lưu ý.
Cô Thủy cũng chỉ ra những lỗi học sinh thường mắc phải phần nhiều xuất phát từ việc thiếu cẩn thận. Đầu tiên là lỗi không đọc kỹ đề bài dẫn đến việc làm sai yêu cầu của đề thi.
“Để tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc, học sinh phải đọc thật kỹ đề bài, nên rèn tư duy làm câu dễ trước, câu khó sau. Cần rà soát kĩ để được tối đa điểm số”- cô Thủy nhấn mạnh.
Theo cô Thủy, học sinh cần xác định câu hỏi kiểm tra nội dung ngữ pháp gì.
Ví dụ: thì, câu ước, câu điều kiện, câu hỏi đuôi, …., sau đó tìm từ khóa, chọn đáp đúng hoặc loại dần đáp án sai.
Với dạng bài đọc điền từ, học sinh cần nhận biết các lựa chọn cho sẵn thuộc loại kiến thức nào (từ loại, thì của động từ…), xác định từ cần điền vào chỗ trống trong bài, dựa vào ngữ pháp, bám ý và văn phong của đoạn văn để chọn từ cần điền.
Cô Thủy cũng cho rằng, học sinh cần hoàn thành bài thi trước khoảng 5 – 7 phút để kiểm tra lại thông tin về tên, ngày tháng năm sinh, số báo danh, mã đề và câu trả lời, …. trước khi nộp bài cho giám thị.