Những “dấu hỏi” về tình yêu
1. Em cảm thấy xấu hổ khi phải nhận rằng có lẽ em đã yêu thầy em mất rồi. Dù không muốn nhưng lúc nào em cũng nghĩ đến thầy, chẳng tập trung làm được việc gì cả. Em cố lao vào học thì lại càng nhớ thêm.
Em chờ từng ngày mỗi khi gửi email cho thầy. Em đã gửi cho thầy một lá thư rất dài nhưng thầy chỉ trả lời em có vài dòng làm em buồn lắm. Em tự thấy mình thua kém thầy mọi mặt, em phải làm sao bây giờ?
(Một bạn gái giấu tên, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
– Yêu thầy giáo không có gì phải xấu hổ. Bất cứ hai người độc thân, tự do nào cũng có quyền yêu nhau. Không thiếu gì các cặp vợ chồng hạnh phúc ngày nay trước kia là thầy trò. Vấn đề là mối quan hệ này không được gây xáo trộn bầu không khí học tập và quan hệ thầy trò trong lớp học. Có điều là dường như tình cảm của em chỉ có một chiều theo cách thầy trả lời thư cho em.
Tình yêu như mọi hành động khác có mục đích phải có chiến lược, chiến thuật. Có câu châm ngôn Pháp nói về phụ nữ nhưng cô tạm áp dụng nó cho tình yêu: “Tình yêu như một chiếc bóng, đuổi theo nó nó sẽ tránh xa bạn, xa lánh nó nó sẽ đuổi theo bạn”. Dường như từ phía em việc “săn đuổi” hơi quá tích cực. Hãy tự kiềm chế bằng cách quan tâm đến vô số vấn đề khác trên đời: lý tưởng sống, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao…
Em thấy thua kém thầy mọi mặt, vậy thì hãy làm sao để bắt kịp thầy không phải bằng những lá thư email thật dài mà bằng học tập, rèn luyện để trở thành một phụ nữ giỏi giang và xây dựng cho mình một nhân cách đẹp. Cũng có thể em sẽ còn nhiều thần tượng khác nữa chứ không phải một mình thầy giáo đâu.
2. 15 tuổi có phải là quá nhỏ để yêu không? Hễ gặp người nào em thương là em lại không tự chủ được. Gần đây, anh C. (em chỉ biết anh là người miền ngoài, đã đi làm) nói thương em nhưng em không trả lời. Sau đó C. tỏ ra không để ý đến em nữa, chỉ thích “chat”. Nhưng em lại rất muốn nói với C. là em thương anh lắm.
Em rất muốn có một người bạn trai để chia sẻ vui buồn với mình. Làm sao để em biết được người ta có thương mình không?
(T.P.D., Châu Thành A, Cần Thơ)
– Ở tuổi 15, việc các em bị thu hút bởi người khác phái là chuyện bình thường nhưng chớ nên coi đó là tình yêu. Tình yêu theo đúng nghĩa là một tình cảm thiêng liêng kèm theo trách nhiệm cao cả. Người ta nói “yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng” là như vậy. Có nghĩa là yêu phải dẫn đến một mục đích cao đẹp nào đó.
Ví dụ như nhờ tình yêu mà người ta hoàn thành một lý tưởng cao thượng. Bình thường nhất là tình yêu dẫn tới hạnh phúc gia đình, sinh con đẻ cái, giáo dục nó nên người, thành những công dân tốt cho xã hội. Tối thiểu yêu nhau là giúp nhau tự hoàn chỉnh.
Do đó em rất đúng khi hỏi “15 tuổi có phải là quá nhỏ để yêu không?” và em đã tự trả lời cho mình rồi đó. Nếu hiểu tình yêu như cô vừa nói thì nó đòi hỏi sự hiểu biết, sự trưởng thành, kinh nghiệm sống… và hơn hết là trách nhiệm. Mà những thứ ấy chỉ có thời gian mới cho ta được. Em khỏi nói gì, chắc chắn qua cách thể hiện của em C. cũng biết em thích (cô không dùng chữ thương) anh ta.
Để chia vui sẻ buồn, có lẽ em không chỉ cần một bạn trai mà nhiều bạn gồm trai lẫn gái để có được nhiều ý tưởng. Như trái cây giú ép không ngon, em hãy học tập, vui đùa, mở rộng khối óc và con tim ra cả thế giới, khoan chăm bẳm vào chuyện chỉ của hai người. Những cảm xúc của em hiện nay là để em tập dượt và học làm chủ bản thân. Thân mến.