Những con số chấn động về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương
(VTC News) –
Bài viết này của cô giáo Hoàng Thị Vân, Trường Tiểu học Bình Sơn 3, tổ 14 khu phố Sư Nam, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang nói về những băn khoăn của mình về hậu quả của rác thải nhựa trôi ra đại dương.
Bạn đã bao giờ nghe nói về “Ocean trash”?
Vâng đó là một thùng rác đại dương; những con sóng phải quằn quại ôm trong mình hơn 5,25 nghìn tỷ mảnh vụn nhựa, 269.000 tấn rác nhựa nổi trên bề mặt và hơn 4 tỷ sợi vi nhựa trên mỗi km2 rải rác dưới biển sâu.
Bạn đã bao giờ lặn với ống thở hoặc lặn biển chưa?
Hãy nghĩ đến những rặng san hô đầy màu sắc, những cầu vồng tuyệt đẹp của những chú cá sọc đang bơi một cách yên bình trong nước. Bong bóng và rong biển, màu sắc và san hô. Tất cả điều này đang gặp nguy hiểm.
Nhựa đang phá hủy các đại dương, giết chết các rạn san hô và làm tổn thương các động vật sống dưới nước. Nhựa đang bao phủ đại dương bằng các mảnh vụn và biến những làn sóng nước trong xanh thành những ngọn đồi rác và giết chết hàng triệu sinh vật mỗi ngày.
Hình ảnh rác thải nhựa trôi trên biển.
Bạn đã hiểu rõ khái niệm về rác thải nhựa?
Rác thải nhựa là cụm từ được sử dụng để chỉ những sản phẩm được làm bằng nhựa, đã qua sử dụng hoặc không được dùng đến và vứt ra ngoài môi trường. Rác thải nhựa gồm có túi nhựa, chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa hay các loại đồ chơi, vật dụng bằng nhựa.
Những sản phẩm này có đặc điểm chung là thời gian phân hủy lâu có thể lên đến hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Theo thống kê của WHO, mỗi phút cả thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, mỗi năm có 5.000 tỷ túi nilon được sử dụng… chưa kể đến các loại sản phẩm khác được làm từ nhựa như đồ dùng, bàn, ghế…
Tính đến nay, thế giới đã sản xuất ra 8,3 tỷ tấn nhựa, trong đó, có đến 6,3 tỷ tấn là rác thải nhựa. Trung bình mỗi năm, thế giới thải ra ngoài môi trường khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa và có đến 8 triệu tấn thải ra biển. Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy dự báo đến năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải biển.
Chất thải nhựa gia tăng chóng mặt trong thời gian gần đây. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được sử dụng tăng gấp 20 lần, dựa báo sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm nữa. Những con số này sẽ không ngừng tăng lên, đặc biệt là ở các quốc gia mới, đang phát triển.
Việt Nam là một trong những quốc gia thải ra ngoài đại dương lượng rác thải nhựa lớn trên thế giới, khoảng 0.28 – 0.73 triệu tấn/năm (chiếm 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ liên quan khác đến chất thải nhựa khi con số này không ngừng tăng lên. Theo thống kê mới nhất tại Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, thải ra ngoài môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon mỗi năm.
Mặc dù tình trạng sử dụng rác thải từ nhựa đã giảm nhưng việc phân loại, thu hồi còn nhiều hạn chế nên có những diễn biến phức tạp.
Điều này cũng khiến cho lượng rác thải nhựa ở Việt Nam vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 8-12% chất thải sinh hoạt, có đến 10% lượng rác thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải trực tiếp ra ngoài môi trường khiến công tác xử lý gặp khó khăn. Nếu như tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài sẽ tạo ra một gánh nặng lớn đối với môi trường, dẫn tới nhiều thảm họa ô nhiễm mà các chuyên gia đã cảnh báo trước đó.
Tác động lớn nhất của rác thải nhựa biển là các loài sinh vật biển. Theo số liệu thống kê, việc nuốt phải rác thải nhựa đã được ghi nhận với tỷ lệ cao đến 31% ở một số loài, trong đó có 46 loài thuộc Bộ Cá voi. Bằng chứng của việc động vật nuốt phải nhựa thường dựa trên việc giải phẫu xác động vật trên bãi biển, nhưng không biết được chúng đại diện cho tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số cá thể bị ảnh hưởng.
Rùa biển và cá voi có răng thường được phát hiện có lượng lớn túi nhựa và vải nhựa trong ruột. Cấu tạo cơ thể của một số loài rùa biển và cá voi có răng làm cho nhựa nuốt vào rất khó được đào thải. Các loài khác nhau nuốt phải các loại nhựa khác nhau với kích thước khác nhau.
Nhiều loài nhầm lẫn nhựa với đồ ăn, ví dụ như cá nhầm lẫn hạt nhựa với sinh vật phù du, chim nhầm lẫn các mảnh nhựa với mực hay con mồi khác và rùa biển nhầm lẫn túi nhựa với sứa.
Những con chim non thường chứa nhiều nhựa bên trong hơn những con chim già, có lẽ vì chúng không biết cách phân biệt thứ gì ăn được và đôi khi, chim bố mẹ vô tình cho chim non ăn phải nhựa. Một số loài khác có thể nuốt phải nhựa có bên trong con mồi, ví dụ như các loài cá biển khơi (những loại cá sống giữa tầng đáy và mặt nước) được cho là thường ăn phải hạt nhựa và sau đó bị hải cẩu lông mao ăn.
Một ảnh hưởng lớn của việc nuốt phải nhựa là gây chán ăn vì nhựa làm đầy dạ dày. Điều này có thể dẫn đến chết đói. Nuốt phải nhựa còn có thể gây ra tắc đường ruột nghiêm trọng và tổn thương nội tạng. Loại mảnh nhựa sinh vật nuốt phải phụ thuộc vào đặc điểm và hành vi của sinh vật cũng như phạm vi của loại hạt nhựa sinh vật đó tiếp xúc.
Có bằng chứng cho thấy, nhựa có thể được chuyển từ con mồi sang loài ăn mồi. Vi nhựa cũng được tìm thấy trong nhiều loài thương phẩm như vẹm, trai, sò, điệp. Nhiều loài hai mảnh và nhuyễn thể ăn bằng cách lọc nước, sống ở vùng nước nông gần bờ và dễ tiếp xúc với nồng độ vi nhựa cao hơn các loài không sống bám và các loài di động.
Bị mắc vào lưới, dây và các loại rác thải khác cũng là một mối nguy đáng kể đối với sinh vật biển và đã được ghi nhận ở hơn 130 loài sinh vật biển trong đó có 6 loài rùa biển, 51 loài chim biển và 32 loài thú có vú ở biển.
Tác động đặc biệt của hạt vi nhựa ngày được quan tâm nhiều hơn và còn nhiều băn khoăn vì rất khó để định lượng vi nhựa trong mô động vật.
Rác thải nhựa tác động lên môi trường sống của các loài sinh vật biển như thế nào?
Sau khi chạm tới đáy biển, nhựa có khả năng cao làm thay đổi sự hoạt động của hệ sinh thái. Lớp nhựa có thể ảnh hưởng tới quá trình trao đổi khí và dẫn đến hiện tượng yếm khí hay thiếu hụt oxy.
Các nhà nghiên cứu kêu gọi cần phải tìm hiểu thêm về ảnh hưởng của nhựa đối với các loại hệ sinh thái khác như rặng san hô, thảm cỏ biển và đáy sâu. Rác thải nhựa còn ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển. Những môi trường “rác biển” tạo thành từ các vật nổi tự nhiên như gỗ, tảo biển… dạt vào bờ thường có lẫn nhựa. Chúng chiếm chỗ của các loài cần môi trường bãi biển sạch sẽ và ảnh hưởng đến khả năng kiếm ăn của động vật hoang dã.
Sự tồn tại của nhựa làm thay đổi chuyển động của nước và sự truyền nhiệt trên bãi biển. Các nghiên cứu cho thấy rằng bãi biển có chứa mảnh nhựa nóng lên chậm hơn và đạt nhiệt độ tối đa thấp hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến sinh vật hoang dã trên bãi biển.
Nhằm ngăn chặn những tác hại do chất thải nhựa gây ra nhiều phương pháp xử lý đã được đặt ra. Nhưng, đâu là cách xử lý rác thải nhựa an toàn bảo vệ môi trường được đánh giá cao nhất hiện nay?
Muốn hạn chế nguy hại của chất thải nhựa, đầu tiên ý thức của người dân cần được nâng cao bằng cách liệt kê và phân tích chi tiết các tác hại do nguồn rác này gây ra để mọi người dễ dàng nhận thấy. Đồng thời, cần kêu gọi người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa và đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm minh với các trường hợp cố tình vứt chất thải nhựa vào môi trường.
Xử lý nguồn chất thải nhựa lớn như hiện nay đòi hỏi cần đưa ra được các phương pháp tái chế rác. Phương pháp này được đánh giá cao khi hội tụ đa dạng các ưu điểm đặc biệt như làm sạch môi trường sống và tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên tạo ra.
Hình ảnh các sản phẩm đã được tái sử dụng từ rác thải nhựa.
Tái sử dụng cũng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường.
Thay vì dùng một lần và vất đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa kích thích sáng tạo: Chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, bột giặt, nước rửa bát…
Tuy nhiên, lưu ý là vỏ chai của các loại thuốc tẩy, chai đựng hóa chất… thì không nên tái sử dụng. Tái sử dụng đồ nhựa, chai nhựa để làm đồ trang trí như ống cắm bút, chậu hoa… khá đơn giản mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà.
Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay bằng ý thức của các cá nhân tổ chức và cộng đồng. Chúng ta đừng để đại dương phải một mình chống chọi với vấn nạn này nữa, hãy chung tay bảo vệ môi trường ngay từ hôm nay bằng những hành động nhỏ nhất.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Hoàng Thị Vân
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ