Những cách bảo quản khoai tây tươi lâu và không bị mọc mầm
Bạn đã quá quen thuộc với các món ăn từ khoai tây như các món chiên , món canh cho đến những công dụng của khoai tây với sức khỏe. Thế nhưng việc bảo quản khoai tây đúng các bạn đã nắm rõ chưa? Trong chuyên mục Mẹo vào bếp của Điện máy XANH sẽ chia sẻ đến bạn các mẹo bảo quản khoai tây được tươi lâu ngay nhé!
Mục Lục
1 Khoai tây để được bao lâu?
Khoai tây là một loại thực phẩm rất quen thuộc trong mọi căn bếp bởi nguyên liệu này đã cho ra được bao nhiêu món ăn ngon, hấp dẫn mọi khẩu vị, không chỉ có vậy mà khoai tây còn mang đến những tác dụng tốt cho cơ thể. Tuy nhiên loại rau củ nào cũng sẽ có khoảng thời gian bảo quản nhất định để giữ cho chất lượng được tốt nhất và khoai tây cũng không ngoại lệ.
Đối với dạng khoai tây tươi, còn nguyên củ thì bạn có thể bảo quản từ 1 tuần đến vài tháng ở nhiệt độ phòng. Còn nếu bạn để ở ngăn mát tủ lạnh thì khoai sẽ càng để được lâu hơn.
Còn với khoai tây đã chế biến bạn có thể để được 4 – 5 ngày trong ngăn mát tủ lạnh. Còn ở ngăn đông thì sẽ để được ít nhất là một năm, khi ăn chỉ cần lấy ra rã đông là được.
2 Cách bảo quản khoai tây
Để khoai ở nơi thoáng mát
Để khoai ở nơi thoáng mát, đặc biệt là ở những nơi khô và tối như gầm tủ bếp, tránh tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp hoặc ở những nơi ẩm sẽ làm khoai tây dễ bị mọc mầm và hư hỏng.
Ngoài ra, nếu mua khoai tây ở trong siêu thị đã được đựng sẵn trong túi lưới thì bạn cứ để nguyên khoai trong túi và để ở nơi thoáng mát, khô, tối hoặc với trường hợp khoai không để trong túi thì bạn cho khoai vào những cái rổ để không khí được lưu thông.
Không bảo quản khoai tây trong tủ lạnh
Bạn có thể bảo quản khoai ở một nhiệt độ mát từ 6 – 10 độ C và bảo quản ở chỗ khô, tối từ 10 – 15 độ C thì khoai sẽ giữ được trong vài tuần đến vài thoáng.
Nhưng tuyệt đối không để khoai ở trong ngăn đông tủ lạnh hoặc ở nơi quá lâu, vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến màu sắc và mùi vị của khoai tây. Nhất là phần tinh bột trong khoai tây sẽ bị chuyển hóa thành đường nên khi chế biến sẽ làm khoai có vị quá ngọt, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
Không để khoai tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
Khoai tây được biết đến là một loại củ ưa tối, thế nên việc để khoai tiếp xúc với ánh sáng mặt trời là một điều cấm kỵ. Bởi khi khoai tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ làm cho vỏ khoai tây chuyển sang màu xanh (khoai sinh ra chất diệp lục).
Nếu ăn phải những củ khoai có phần vỏ xanh bạn sẽ có cảm giác đắng, nóng và rát, không chỉ vậy mà chất diệp lục ở trong vỏ khoai sẽ dễ sản sinh ra chất solanine – một chất hóa học cực kì gây hại. Nếu ăn phải một lượng lớn sẽ gây ra ngộ độc làm rối loạn tiêu hóa và hệ thần kinh và dẫn đến tử vong đấy nhé!
Không rửa khoai tây trước khi bảo quản
Khoai sau khi mua về, nếu chưa dùng liền thì bạn có thể bảo quản ngay ở nơi khô ráo và không cần phải rửa sạch trước khi bảo quản. Bởi lúc này vỏ khoai sẽ bị ẩm và là “nơi ở” tốt nhất để nấm và vi khuẩn phát triển, làm cho khoai dễ bị hư hỏng.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm sạch lớp đất bên ngoài bằng cách dùng khăn khô hoặc bàn chải khô để loại bỏ đi lớp đất dơ một cách dễ dàng mà không ảnh hưởng đến khoai.
Không bảo quản khoai tây chung với các loại thực phẩm khác
Một lưu ý nhỏ khi bảo quản khoai tây, đó là bạn nên để khoai tây ra riêng, tránh để chung với các loại củ quả khác. Bởi có một số củ quả sẽ tiết ra chất ethylene – chất này làm khoai tây dễ bị mọc mầm và hư hỏng nhanh hơn.
Nên kiểm tra khoai tây định kỳ
Trong quá trình bảo quản, bạn không nên chủ quan dù đã áp dụng một số lưu ý bảo quản mà vẫn phải kiểm tra khoai định kỳ mỗi tuần nhất là khoai chưa sử dụng hoặc mua ở trữ lượng lớn.
Việc kiểm tra định kỳ giúp bạn phát hiện ra các dấu hiệu hư hỏng như củ khoai bị mềm, khoai mọc mầm, vỏ củ chuyển sang màu xanh, khoai có mùi lạ,… để mang đi loại bỏ ngay. Như vậy sẽ tránh lây lan sang các củ khách và làm hư toàn bộ phần khoai nhé!
3 Cách bảo quản khoai tây đã gọt vỏ
Đối với khoai tây đã gọt vỏ thì bạn có thể cho khoai vào một thau nước có pha thêm một ít nước cốt chanh và để khoai trong tủ lạnh. Tuy nhiên với cách này bạn chỉ nên để trong khoảng 2 – 3 ngày và sử dụng ngay, không nên để quá lâu.
Ngoài ra, còn có một cách để bảo quản khoai tây đã gọt vỏ đó là lau khô khoai bằng khăn rồi bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
4 Cách bảo quản khoai tây chiên
Không còn quá xa lạ với món khoai tây chiên giòn rụm, bùi bùi beo béo bởi đây là món ăn vặt yêu thích của rất nhiều người, đặc biệt là các em nhỏ. Thế nên việc bảo quản khoai tây chiên sẽ càng quan trọng hơn để giúp khoai ở lần chiên kế tiếp vẫn giữ được độ giòn và ngon hơn.
Với khoai đã được rửa sạch và cắt sẵn để làm khoai tây chiên thì bạn có thể luộc sơ khoai với một ít muối, sau đó để ráo, dùng khăn để thấm khô khoai càng tốt. Rồi cho khoai vào hộp đựng thực phẩm, để trong ngăn đông tủ lạnh, trước khi chiên chỉ cần mang đi rã đông là được.
Còn nếu với phần khoai tây đã chiên và không dùng hết, bạn có thể để nguội, cho vào hộp, rưới một ít dầu ăn lên trên để vào tủ lạnh và bảo quản được từ 4 – 6 ngày.
Tham khảo ngay một số mẫu hộp đựng thực phẩm đang kinh doanh tại Điện máy XANH để bảo quản khoai tây an toàn hơn nhé
Trên đây là các cách bảo quản khoai tây được tươi lâu, không bị mọc mầm. Chúc các bạn thực hiện thành công! Đừng quên vào chuyên mục Mẹo vào bếp của Điện máy XANH thường xuyên để “bỏ túi” thêm nhiều mẹo hay nhé!
Biên tập bởi Nguyễn Đào Minh Cát Đằng • Đăng 18/08/2021