Những bóng hồng trong thơ nhạc: Vì sao tôi nhớ em thế này?
Có thể nói chính ca sĩ Đan Nguyên đã làm cho ca khúc Lại nhớ người yêu “bùng phát” trở lại một cách ngoạn mục, để bây giờ đi đâu cũng nghe: Vì sao anh nhớ em thế này? Thương nhớ đong đầy trong lòng mắt. Buổi chiều còn gặp nhau đây, mà đêm đã nhớ như vầy! Em hỡi em có hiểu có hay? Ca từ hết sức mộc mạc, giản dị nhưng lại quá đúng tâm lý của những người đang yêu, cách gieo vần “đây” và “vầy” biểu lộ trạng thái nhớ nhung da diết người mình thương nhớ một cách đầy thú vị.
Thức trọn đêm nay để nhớ thương em
Nhạc sĩ Giao Tiên kể: “Năm 1971, tôi phụ trách tuyển chọn ca sĩ cho một trung tâm và có một thiếu nữ khá đẹp tên là D.T.Y đến xin thử giọng. Nghe cô hát thử xong, tôi khuyên cô không nên đi theo con đường nghệ thuật này, vì 2 lẽ: Một là ngoài sắc vóc ra thì giọng của cô ấy không đủ tố chất để làm ca sĩ. Hai là lương bổng của trung tâm này trả cho ca sĩ không cao, trong khi cô ấy đang còn là một học sinh nếu đầu tư tại các “lò” đào tạo ca sĩ thì học phí sẽ rất cao, khó lòng mà theo đuổi… Nghe tôi phân tích như vậy, cô ấy liền cười bảo: “Hay là anh kèm em hát, luyện giọng cho em”. Tôi ừ đại, vì quả thật cũng thấy con tim mình rung động trước nét quyến rũ, rất dễ thương của em (mặc dù lúc đó tôi đã có vợ và 2 con).
Nhạc sĩ Giao Tiên (bìa phải) cùng ca sĩ Ngọc Ánh, Thái Châu tham gia chương trình Hãy nghe tôi hát (2019)
Rồi những lần gặp gỡ sau đó, chuyện gì sẽ đến đã đến: Chúng tôi yêu nhau thật say đắm, có thể nói không rời xa nhau được, nhớ nhau từng phút từng giây… Trong thời gian 2 năm (1971 – 1973), tôi đã sáng tác nhiều bài hát cho nàng và cho mối tình của chúng tôi, trong đó có bài Nhớ người yêu với đoạn cuối như sau: Thức trọn đêm nay để nhớ thương em, sương rơi lạnh căm cảnh vật im lìm. Ước gì mình đừng ngăn cách, ước gì nhà mình chung vách, anh khoét tường anh đến với em…
Khi thu âm xong, tôi mang ra quán nhạc để anh em nghệ sĩ cùng nghe. Mọi người nhận xét bài hát cũng chỉ ở mức bình thường và có nhiều câu ủy mị, nhất là câu cuối có vẻ “tà đạo” quá nên tôi sửa lại Hai đứa mình thức trắng đêm nay. Ai ngờ sau khi phát hành, ca khúc này lại nổi tiếng, thành công nhất trong số các bài hát của tôi lúc đó.
Lại nhớ người yêu và đoạn kết cuộc tình
Đến năm 1973, tôi cho ra đời ca khúc Lại nhớ người yêu với những ca từ như sau: Vì sao tôi nhớ em thế này? Thương nhớ đong đầy trong lòng mắt…
Ca khúc này tôi cũng viết riêng cho D.T.Y, và đã được phổ biến trên đài phát thanh, in thành bài hát bán ra thị trường nhưng thú thật là nó không được nổi tiếng như Nhớ người yêu…
Phải đến 45 năm sau (năm 2017), khi Trung tâm Thúy Nga Paris sử dụng ca khúc Lại nhớ người yêu với tiếng hát Đan Nguyên thì ca khúc này vụt bùng lên, trở thành bản nhạc “hot” nhất cho tới giờ này…
Trong năm 1973, D.T.Y phát giác tôi đã có vợ con nên nàng âm thầm trốn biệt. Tôi đã nhiều lần đi tìm nàng nhưng cũng đành bỏ cuộc…”.
Giao Tiên tên thật là Dương Trung, sinh năm 1941, tại Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định). Sự nghiệp sáng tác của ông khởi sự với ca khúc đầu tay Phận gái thuyền quyên (1970, ca khúc này ông cho một người bạn thân là Nguyên Thảo đứng tên chung). Từ năm 1970 – 1975, hàng trăm ca khúc của ông được ra đời và đã được phổ biến rộng rãi như: Đám cưới nghèo, Quán gấm đầu làng, Con gái của mẹ, Đính ước, Cô Thắm về làng, Vó ngựa trên đồi cỏ non, Tình đẹp mùa chôm chôm… Ca khúc của Giao Tiên có ý tứ bình dị, hồn nhiên, lời ca mộc mạc, giai điệu ngọt ngào mang âm hưởng dân ca và rất gần gũi với mọi tầng lớp người dân.
Giao Tiên được người hâm mộ xưng tụng là “Nhạc sĩ của đồng quê”. Tính đến nay, ông đã sáng tác khoảng 400 ca khúc (cả nhạc lẫn lời), riêng mảng thơ phổ nhạc thì ông đã phổ khoảng 1.000 bản. Ngoài bút danh Giao Tiên, ông còn ký hàng loạt bút danh khác như: Dương Trung, Hoàng Hoa, Thảo Trang, Diễm Đào, Rạng Đông, Ngân Trang, Thu Anh, Kim Khánh, Xuân Hòa, Xuân Hậu, Hương Xuân, Dương Tiếng Thu…
Giao Tiên hiện đang sinh sống cùng gia đình tại TT.Ba Ngòi (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa).