Những Bài Viết Thư Tập Làm Văn Lớp 4 sáng tạo nhất
Viết thư tập làm văn lớp 4 là một phần khá quan trọng trong quá trình học tập của các em học sinh. Kỹ năng viết thư là điều bất cứ ai cũng cần phải có. Dưới đây, baiontap.com sẽ hướng dãn các em cách thức viết một bức thư, cũng như xem qua những bài viết thư tiêu biểu. Nhờ đó, các em sẽ củng cố và hoàn thiện vốn từ và kỹ năng của mình.
Mục Lục
1. Các mẫu bài tập làm văn viết thư lớp 4 thường hay gặp
Trước khi đến với phần hướng dẫn chi tiết cách viết một bức thư, chúng ta cần điểm qua một vài mẫu tập làm văn viết thư thường hay gặp trong quá trình học tập cũng như cuộc sống:
– Tập làm văn lớp 4 viết thư cho ông bà
– Tập làm văn lớp 4 viết thư cho người thân
– Tập làm văn lớp 4 viết thư cho bạn ở trường khác
– Bài văn viết thư lớp 4 kể về ước mơ
– Viết thư cho người bạn nước ngoài
2. Tìm ý phù hợp cho đề bài
Trước khi viết một bức thư, các em học sinh cần phải xác định rõ một số nội dung của bức thư. Cụ thể như sau:
– Đối tượng viết thư: Viết thư cho ai?
– Nội dung yêu cầu: viết về vấn đề gì ?
– Các em học sinh cần phải trình bày bức thư đúng hình thức (gồm 3 phần)
– Bám sát yêu cầu của đề bài (Thăm hỏi điều gì? Chia buồn việc gì? Chúc mừng nhân dịp gì?).
– Lời thư bày tỏ được tình cảm chân thật của người viết. Các nội dung cần thông báo hoặc trao đổi phải được viết rành mạch, lễ phép, lịch sự.
3. Dàn ý phù hợp với đề bài
Sau khi đã xác định được thể loại viết thư, các em cần phải lập dàn ý cho bức thư mình chuẩn bị viết. Dàn ý sẽ giúp các em viết thư cách mạch lạc, không đi lang mang và không bỏ sót ý.
Phần đầu thư:
Phần đầu thư cũng được xem như là phần mở bài. Các em cần xác định một số điểm sau:
Nơi viết và thời gian viết thư: TP. Hồ Chí Minh, ngày….tháng…năm…
Lời xưng hô ,thưa gởi: Ông bà kính thương. Bạn thân mến. Bố mẹ thương yêu…
Phần nội dung chính:
Đây là phần vô cùng quan trọng. Vì nó bao quát toàn bộ những điều các em muốn diễn tả, hay muốn nói trong bức thư. Đây cũng được xem là phần thân bài
– Nêu mục đích, lý do viết thư: Hôm nay, mình/ con..viết thư này vì…
– Thăm hỏi tình hình của người nhận thư.
– Thông báo tình hình của người viết thư.
– Nêu ý kiến cần trao đổi (thăm hỏi, chúc mừng, chia buồn hoặc công việc cần liên hệ).
– Tình cảm của người viết thư.
Phần cuối thư:
Đây là phần kết thúc hay là phần kết luận. Các em học sinh có thể làm như sau:
– Lời chúc, lời cảm ơn, hứa hẹn, lời chào.
– Chữ ký, tên hoặc họ và tên của người viết thư.
4. Viết bài văn viết thứ theo dàn ý đã lập ra
Sau khi đã hoàn thành dàn ý, các em có thể viết bài văn viết thư của mình theo dàn ý đó. Tuy nhiên trong quá trình viết thư các em cần lưu ý các điểm sau:
– Về mặt ngữ văn: Các câu văn phải ngắn gọn, mạch lạc, đúng chính tả. Viết câu chuyển ý ngắn gọn.
– Bám sát với dàn ý đã lập, tránh đi lang mang, lạc đề
– Kết thúc thư tự nhiên, lời chúc chân thành, thể hiện lối giao tiếp văn minh và tiến bộ.
5. Những bài văn lớp 4 viết thư có thể tham khảo
Sau đây là những bài viết thư tập làm văn lớp 4 các em có thể tham khảo. Nhờ có, các em có thể hình dung và viết bức thư dễ dàng hơn
Viết thư cho bạn kể về việc học tập
…, ngày … tháng … năm …
Thanh xa nhớ!
Thanh ơi, đã lâu lắm rồi, mình chưa có dịp viết thư cho bạn. Hôm nay, mình nhớ đến bạn quá. Mình tranh thủ viết mấy dòng ngắn ngủi để hỏi thăm sức khỏe và kể cho bạn nghe về tình hình học tập của mình trong thời gian vừa qua.
Thanh ơi, bạn dạo này thế nào? Bạn học vẫn tốt chứ? Bố mẹ bạn bây giờ có bận việc không? Bé Linh chắc đã học lớp 1 rồi nhỉ? Khi trái gió giở giời, bà bạn còn đau lưng nữa không? Trường bạn năm nay có gì thay đổi không? Lớp bạn chắc nhiều bạn học giỏi lắm nhỉ? Bạn có tham dự thi Violympic trên mạng không? Thanh ơi, bây giờ mình xin kể về tình hình học tập của mình vừa qua. Năm nay, chữ mình viết tiến bộ hơn rồi đấy. Từ đầu đến giờ, mình nhiều điểm tốt rồi. Mình thích học môn Toán nhất vì môn học này giúp mình có suy luận sáng tạo. Lớp mình được học máy chiếu thích lắm Thanh ạ.
Buổi học nào, chúng mình cũng được chơi trò chơi, có những tiết học lí thú. À, mình quên, trường mình có cô hiệu trưởng mới. Cô ấy còn trẻ và hiền lắm. Cô còn cho xây rất nhiều phòng học đẹp. Cả lớp mình được tham dự thi Violympic nữa đấy. Mình đã qua vòng 4 rồi Thanh ạ.
Thanh ơi, mình và bạn hứa với nhau xem ai đứng đầu lớp nhé. Thanh có kinh nghiệm gì về viết văn hay không, Thanh giúp cho mình với vì môn học này mình học chưa tốt lắm. Thôi, thư mình viết đã dài, mình xin dừng bút tại đây. Cuối thư mình chúc bạn chăm ngoan học giỏi. Mình tin rằng cuối năm Thanh sẽ có được thành tích học tập tốt nhất
Mình rất tự hào vì có người bạn như Thanh. À, Thanh nhớ viết thư cho mình nhé. Mình chờ thư Thanh.
Bạn thân của Thanh.
Viết thư thăm hỏi ông bà
…, ngày … tháng … năm …
Bà kính yêu!
Đã lâu lắm rồi, cháu chưa được về thăm bà, cháu rất nhớ bà. Hôm nay rảnh, cháu viết thư hỏi thăm bà đây.
Dạo này, bà có khỏe không ạ? Cái lưng của bà đã đỡ đau chưa? Vườn cây nhà ta có thu hoạch được nhiều quả không ạ? Đàn gà con chắc lớn lắm rồi, bà nhỉ? Cháu còn nhớ lần trước về quê, cháu được đi hái quả trong vườn bà. Bà còn cho cháu biết những điều mới lạ về các loài cây. Cháu vẫn còn nhớ hương vị ngọt ngào của trái hồng mà bà đã dành cho chúng cháu. Tối đến, chúng cháu quây quần bên bà để nghe kể chuyện cổ tích dưới ánh trăng sáng ngời.
Cháu rất thích món cháo đỗ xanh do chính tay bà nấu. Tất cả hình ảnh vườn cây và ngôi nhà xinh xắn của bà đều đã in đậm trong tâm trí cháu. Nhưng có lẽ kỉ niệm sâu sắc nhất là lần cháu bị ốm, bà đã chăm sóc cháu. Hôm ấy, trời nắng như đổ lửa, những đàn bướm trắng, bướm vàng bay dập dờn quanh cây hoa mẫu đơn rực rỡ. Vì cháu quá mải mê với những cánh bướm nên đã quên không đội mũ.
Tự nhiên cháu thấy nhức đầu, chóng mặt, toàn thân nóng ran. Cháu ngồi phịch xuống thềm nhà. Bà chạy vội ra cuống quýt: “Cháu tôi ốm mất rồi”, rồi bà đi ra vườn hái lá sắc lên cho cháu uống. Bà lấy khăn đắp vào trán cho cháu và nấu một nồi cháo thật ngon. Bà bảo phải cho thật nhiều hành và tía tô thì mới mau giải cảm. Bài thuốc của bà thật kì diệu, cháu khỏi ốm rất nhanh. Bây giờ, cháu còn nhớ đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo nhưng chứa đầy tình yêu thương ấm áp của bà.
Thôi, thư đã dài, cháu xin dừng bút tại đây. Cháu chúc bà luôn mạnh khỏe và bình an. Bà cho cháu gửi lời chúc sức khỏe đến mọi người hàng xóm xung quanh. Cháu rất yêu bà!
Cháu của bà.
Viết thư cho người thân kể về mơ ước của em
…., ngày… tháng… năm…
Thành nhớ nhiều!
Thành ơi, kể từ khi em vào Nam đến nay thấm thoát đã được gần một năm rồi nhỉ? Hôm nay anh học bài xong, anh viết mấy dòng để hỏi thăm và kể cho em nghe về ước mơ của anh.
Thành ơi, em có khỏe không? Bố Thành vẫn đi chữa bệnh chứ? Em vẫn học giỏi như ngày nào chứ? Mẹ em vẫn làm khu công nghiệp à? Em Thái đã đi mẫu giáo chưa? Trường em học đi có xa nhà không?
Còn anh gia đình ở đây vẫn ổn như ngày nào. Năm nay anh học thầy Lập. Vất vả lắm Thành ạ vì học lớp 4 kiến thức nhiều và tư duy cũng cao hơn. Thầy giáo luôn bảo rằng: “có công mài sắt có ngày nên kim”. Thành biết không? Anh có một ước mơ sau này anh sẽ trở thành một bác sĩ đa khoa chữa được mọi bệnh hiểm nghèo cho mọi người dân. Anh hình dung ra, anh sẽ làm trong một bệnh viện lớn. Anh sẽ mặc những chiếc áo trắng đầu đội mũ chữ thập. Anh sẽ mổ những ca mổ với thiết bị hiện đại, cứu sống rất nhiều người.
Thành ơi, ước mơ của anh là như vậy đấy. Còn em ước mơ sau này sẽ làm gì? Em kể cho anh nghe đi? Anh chờ thư Thành nhé.
Thôi thư anh viết đã dài, Anh dừng bút tại đây Anh chúc Thành học giỏi và gặp nhiều may mắn. Chúc ước của em sớm thành hiện thực.
Anh họ của em.
Viết thư chúc mừng bạn nhân dịp năm mới
Hà Nội, ngày … tháng ….năm …
Mai Lan thân mến!
Thư trước, mình viết cho bạn đã lâu mà chưa nhận được thư trả lời, sốt ruột, mình viết tiếp cho bạn một lá nữa đây. Đầu thư, mình xin gửi lời hỏi thăm sức khoẻ đến bạn cùng toàn thể gia đình.
Từ ngày bạn theo bố mẹ chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, chắc là mọi việc đều thuận lợi cả chứ? Trường mới có gần nhà không? Bạn đã kết thân với bạn nào chưa? Mình tin rằng bạn vẫn tiếp tục học giỏi như hồi ở ngoài này.
Mình không thể nào quên những kỉ niệm đẹp đẽ trong tình bạn của chúng ta. Hình ảnh nụ cười tươi tắn và hai bím tóc xinh xinh của cô bạn thân thiết đã in sâu trong tâm trí mình. Ngoài này, lớp mình vẫn thế. Các bạn nhắc Ngọc Anh luôn đấy!
Thời gian cuối năm trôi qua nhanh thật, hôm nay đã là ngày tiễn ông Táo cưỡi cá chép mang sớ lên chầu Trời. Chỉ một tuần nữa là chúng mình lại dược xúng xính trong bộ quần áo mới, cùng ông bà, cha mẹ đi chúc Tết và dạo chơi xuân. Nghĩ đến những điều thú vị mỗi dịp Tết đến, xuân về, mình lại nhớ bạn vô cùng! Tết này, mình và bạn không còn được nắm tay nhau vui vẻ len lách trong dòng người đông nghịt đổ ra xung quanh Hồ Gươm để đón giao thừa như mọi năm. Tiếc quá!
Nhân dịp năm mới, mình xin gửi tới gia đình bạn lời chúc mừng chân thành và tốt đẹp nhất! Chúc Ngọc Anh học giỏi, hát hay và gặp được nhiều điều may mắn!
Hẹn gặp nhau ở Hà Nội hè tới nhé ! Thân ái chào bạn!
Bạn cũ
Nhân Bình
Viết thư thăm hỏi người ốm
Hải Phòng, ngày …tháng…. năm …
Bà nội kính mến!
Hôm qua, nhận được thư bác Lợi báo tin bà nội ốm, cả nhà cháu rất lo lắng. Cháu thay mặt gia đình viết thư hỏi thăm sức khoẻ của bà và mong bà mau khoẻ.
Bà ơi, bệnh tình của bà hiện nay thế nào? Bà đã ăn cơm được chưa? Bà đã đọc sách được chưa? Tháng trước, bố cháu về thăm thì bà vẫn khoẻ mà nay bà đã bệnh rồi. Do trái gió trở trời hay vì tuổi già hả bà?
Bố mẹ cháu và chúng cháu thương bà lắm! Thỉnh thoảng bố cháu kể chuyện ngày xưa ông nội đi đánh giặc, bà thắt lưng buộc bụng, tần tảo nuôi cả nhà. Suốt một đời, bà vất vả vì con, vì cháu. Nghe bố kể, chúng cháu càng thêm thấm thía công lao to lớn của bà.
Bà nội kính mến!
Vì hoàn cảnh công tác xa nhà nên bố mẹ cháu không có điều kiện gần gũi để chăm sóc bà nội thường xuyên. Nay bà nội ốm, cả gia đình cháu đều rất lo. Cháu chẳng biết làm sao, chỉ mong bà khoẻ mạnh sống lâu với con cháu. Thế nào bố mẹ cháu cũng thu xếp công việc để về thăm bà. Cháu báo cho bà một tin vui là cháu vừa được thêm một điểm 10 Toán nữa đấy, bà ạ!
Cháu xin dừng bút, kính chúc bà, hai bác và các anh chị mạnh khoẻ! Cháu mong được về thăm bà vào dịp Tết sắp tới.
Kính thư
Cháu của bà
Hồng Anh
Viết thư cho bạn kể về trường lớp của mình
Sơn Tây, ngày 20 tháng 11 năm 2004
Bạn Lương Yên quý mến,
Đầu thư mình gửi lời thăm sức khỏe bà, hai bác, chị Bình, anh Trọng và Yên, người bạn chí thiết yêu thương.
Hôm nay, Hằng đi dự lễ kỉ niệm chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam tổ chức tại trường Tiểu học Phùng Hưng của chúng mình. Buổi lễ được tổ chức thật tưng bừng náo nhiệt. Có hơn 1.500 thầy cô giáo và học sinh toàn trường đến dự lễ, vừa đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, vừa biểu dương truyền thống tôn sư trọng đạo của quê hương. Các cuộc thi kéo co, đá cầu, đi cà kheo, cắm hoa, thi làm bánh kẹo giữa các lớp diễn ra vô cùng hấp dẫn. Buổi tối còn thi hát, thi diễn kịch vui. Lớp 4B chúng mình giành được 3 giải: bạn Hồng giải nhất đơn ca, bạn Quế giải ba cắm hoa, Quang Hùng giải khuyến khích cờ vua. Đội đá cầu lớp ta bị đội 4A đánh bại. Yến, Thi, Vịnh… đứa nào cũng nhắc tới Yên. Chúng mình nhớ Yên và cảm thấy thiếu một cái gì đó, vắng một cái gì đó trong ngày vui lễ hội.
Yên ơi, cô Đào vẫn làm chủ nhiệm lớp ta. Còn có cô Trường dạy vẽ, dạy nhạc, thầy Minh dạy thể dục. Bạn Hùng vẫn làm lớp trưởng. Không khí thi đua học tập của lớp chúng mình thật hăng say và sôi nổi. Cái Liên đã được thay chân Yên vào đội học sinh giỏi Toán lớp 4B.
Yên ơi! Năm học này, trường mới, thầy giáo mới, bạn học mới… Yên học tập như thế nào? Các môn Tiếng Việt và Toán, Yên có đứng đầu lớp như năm học lớp 3 nữa không? Hai bác vẫn công tác ở bệnh viện Biên Hòa chứ? Chị Bình và anh Trọng học Đại học năm thứ mấy rồi nhỉ? Nghe tin bà sau khi mổ mắt đã xem được báo. Thật là vui và mừng.
Các bạn Yến, Thi, Vịnh, Liên… gửi lời chúc Yên khỏe, học giỏi. Chỉ mong nhận được thư Yên mà thôi.
Một lần nữa, Hằng kính chúc bà và hai bác được dồi dào sức khỏe; anh Trọng, chị Bình nhận được học bổng như năm ngoái.
Hẹn gặp lại Yên nơi quê cũ Phùng Hưng thân yêu.
Nguyễn Thị Kim Hằng
(Lớp 4B Trường Tiểu học Phùng Hưng)
Viết thư cho anh đi bộ đội
Hồ Chí Minh, ngày … tháng … năm
Anh Phong thân mến!
Đã lâu không nhận được thư anh, ba má giục em biên thư để anh nhớ mà viết thư về. Anh biết không, gia đình trông tin anh lắm! Hôm nay, ngày lễ chiến thắng lại về, càng thấy hình ảnh anh bộ đội, cha mẹ lại càng thương nhớ anh.
Sức khoẻ anh độ này ra sao? Ăn uống ở chốt tiền tiêu chắc kham khổ lắm! Có lần anh Phát, người cùng tiểu đội với anh về phép, ghé thăm nhà mình và kể chuyện về các anh. Em thì thích thú còn mẹ thì cứ lo lắng hoài. Thế đấy. Anh hãy viết thư cho mẹ đi, ít lắm thì hai tháng một lần, chắc cũng không ảnh hưởng mấy đến thời gian công tác của anh.
Cả nhà đều bình thường. Sức khoẻ của ba mẹ đều tốt. Anh chị Hai vẫn đi dạy học dù đời sống có khó khăn. Chị Thư đã vào Đại học sư phạm. Còn em, đứa em mà đã có lần anh cho là “kẻ i tờ rít văn chương”, thì đang học “lớp chuyên văn” của Quận. Em tiến hay lùi nào?
Nhà mình đã được phường sửa chữa lại. Cái “chuồng chim câu” ọp ẹp ngày trước nay cũng đã che được nắng mưa. Anh về chắc cũng thấy lạ đấy!
Ở đây, mọi người quen thân đều nhắc tới anh. Các bạn học của anh cũng thường ghé thăm nhà hỏi tin tức về anh. Còn chị Anh Thuý cứ trách:
– Anh Phong như gió, bay qua là bay luôn, quên hết…
Nghe chị ấy trách anh, em cứ cười hoài!
Nè anh.
Anh về, sẽ thấy nhiều thay đổi. Nhiều nhà đã được sửa sang. Ngồi chợ trong phường đã được xây dựng lại. Lại có cả khu giải trí Kỳ Hoã, Đầm Sen, Thanh Đa…
Ba má dặn anh là phải cẩn thận, giữ gìn sức khoẻ. Đã là lính thì phải can đảm, làm tròn trách nhiệm của người anh trai. Anh cứ an tâm. Những người ở nhà biết mình phải làm gì để những người như anh vững chắc tay súng. Riêng em, em sẽ là học sinh giỏi như anh hồi nào.
Cả nhà mong thư anh, chờ ngày “lính về phép”.
Em
Nguyên Phương
6. Lời Kết
Với những thông tin được chia sẻ ở trên, các em học sinh và các bậc phụ huynh đã phần nào nắm bắt được cách thức Viết thư tập làm văn lớp 4.
Mong rằng các những kiến thức được chia sẽ bởi baiontap.com sẽ giúp các em học tập thật tốt và đạt được kết quả như mong muốn.