Những bài tập cải thiện chứng rối loạn tiền đình – Benh.vn
Bệnh tiền đình tuy không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng rất hay tái phát, gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Với những bài tập về tiền đình dưới đây, Benh.vn sẽ hỗ trợ làm giảm thiểu những triệu chứng khó chịu của bệnh tiền đình, giúp người bệnh giữ gìn sức khỏe.
Thời tiết giao mùa, sức đề kháng kém cộng với những căn bệnh mãn tính thường gặp như: huyết áp, tim mạch… khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai… Đó là những biểu hiện của chứng rối loạn tiền đình.
Bệnh tiền đình tuy không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng rất hay tái phát, gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống.
Với những bài tập về tiền đình dưới đây, Benh.vn sẽ hỗ trợ làm giảm thiểu những triệu chứng khó chịu của bệnh tiền đình, giúp người bệnh giữ gìn sức khỏe.
Thế nào là bệnh rối loạn tiền đình
Tiền đình là một bộ phận nằm ở phía sau ốc tai hai bên, nó là một hệ thống giữ vai trò quan trọng trong sự điều chỉnh thăng bằng tư thế, dáng bộ và các phối hợp khác của cơ thể như cử động mắt, đầu và thân mình.
Có hai loại rối loạn tiền đình: rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương.
Triệu chứng rối loạn tiền đình
Người bị rối loạn tiền đình có thể có các triệu chứng điển hình như sau:
- Nôn thốc nôn tháo.
- Chóng mặt đến lao đao, chệnh choạng…
- Nếu nặng phải nằm liệt, mọi vật đảo lộn, quay cuồng…
Nguyên nhân rối loạn tiền đình
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình thường không rõ ràng và không có một nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng trên. Một số những tác nhân gây ra biểu hiện rối loạn tiền đình có thể kể đến như sau:
- Do môi trường, thời tiết (chuyển mùa).
- Do nhiễm độc (hóa chất, thuốc, ăn uống…)
- Do tuần hoàn kém.
- Các vấn đề thần kinh, tâm lý, tạo máu…
Đối tượng dễ mắc rối loạn tiền đình
Trong cộng đồng dân cư, có một số đối tượng dễ mắc chứng rối loạn tiền đình hơn các đối tượng khác và cần lưu ý phòng bệnh.
- Tuổi trung niên.
- Lão niên.
- Phụ nữ tiền mãn kinh.
- Những người làm việc trong khối văn phòng…
Tỷ lệ mắc bệnh tiền đình trong khối văn phòng đang gia tăng (Ảnh minh họa)
Những bài tập cho bệnh tiền đình
Do rối loạn tiền đình thường không có nguyên nhân rõ ràng nên việc phòng bệnh và sử dụng các bài tập đơn giản để giúp giảm nhẹ các triệu chứng là điều cực kỳ quan trọng. Khi bị rối loạn tiền đình, bạn hãy nghĩ ngay tới các bài tập cải thiện rối loạn tiền đình thay vì nghĩ tới việc dùng thuốc đầu tiên.
Mục đích của các bài tập cho người rối loạn tiền đình
- Duy trì thăng bằng khi đứng yên.
- Duy trì thăng bằng khi lắc lư.
- Duy trì thăng bằng khi xoay chuyển.
- Duy trì thăng bằng khi đi lại.
Nguyên tắc chung của các bài tập cho người rối loạn tiền đình
- Các bài tập được chia thành nhiều mức độ từ dễ đến khó.
- Bắt đầu từ từ, động tác chậm đến nhanh dần.
- Thời gian từ ngắn đến lâu hơn, tần suất lặp lại tăng dần.
Bài tập cải thiện chứng rối loạn tiền đình mức độ 1
1. Đứng thẳng
- Đứng thẳng, hai chân áp sát, hai tay buông thẳng sát vào người, hai mắt nhắm lại.
- Đứng như vậy trong thời gian 30 giây, sau đó lặp lại động tác.
Động tác này có thể nâng lên sau đó, các bước như cũ, chỉ thay đổi là hai tay đưa thẳng về phía trước song song với thân người, song song với mặt đất.
2. Bài tập lắc lư ra trước, ra sau
Các bài tập rối loạn tiền đình (Ảnh minh họa)
- Đứng thẳng, chân dang rộng bằng vai, hai tay buông thẳng.
- Nhẹ nhàng ngả người ra trước rồi ra sau sao cho lực dồn xuống ngón chân và gót chân khi thực hiện (không được giở ngón chân hoặc gót lên).
- Cố gắng sao cho cả vai và hông di chuyển cùng với nhau, không khom lưng.
- Thực hiện mỗi lần 20 nhịp.
- Động tác nâng dần lên theo biên độ di chuyển và tốc độ di chuyển (Ban đầu mở mắt, sau đó nhắm mắt)
3. Lắc lư sang hai bên
- Đứng thẳng, chân dang rộng bằng vai, hai tay buông thẳng.
- Di chuyển cả thân mình (cả vai và hông cùng di chuyển) sang trái, sao cho toàn thân trụ trên chân trái, rồi sang phải, trụ lên chân phải. Không được nhấc gót và ngón chân lên.
- Lặp lại 20 lần. Động tác sau đó nâng lên bằng cách tăng tốc độ lắc, lặp lại nhiều lần (Mở mắt sau đó tập với mắt nhắm)
4. Dậm chân tại chỗ
Động tác dậm chân tại chỗ (Ảnh minh họa)
- Thực hiện động tác dậm chân tại chỗ như người đi hành quân.
- Lặp đi lặp lại (tập trong khoảng 20 phút)
Bài tập cải thiện rối loạn tiền đình mức độ 2
1. Xoay người
- Đứng thẳng, tư thế thoải mái, hai tay buông.
- Xoay người nửa vòng tròn sang trái, dừng 10 giây, sau đó xoay trở lại bên phải, dừng 10 giây và động tác lặp lại.
- Nếu thấy chóng mặt thì nghỉ ở tư thế đó đến hết chóng mặt thì lặp lại.
2. Cử động đầu
- Đứng thẳng tư thế thoải mái, hai tay buông.
- Gập đầu ra trước lên xuống 10 lần.
- Nghiêng đầu sang hai bên trái, phải 10 lần.
- Xoay đầu sang trái, phải 10 lần.
3. Đi bộ
- Bước nhanh tới phía trước 5 bước, dừng đột ngột (Nghỉ 10 giây, rồi tiếp tục các động tác trên)
- Bước nhanh tới phía trước 5 bước, dừng đột ngột sau đó bước lui nhanh 5 bước, dừng đột ngột. (Nghỉ 10 giây, lặp lại động tác)
Động tác đi bộ giúp cải thiện tình trạng tiền đình (Ảnh minh họa)
4. Đi bộ kết hợp động tác
- Đi bộ, vừa đi vừa xoay đầu sang trái rồi sang phải.
- Đi bộ, vừa đi vừa nghiêng đầu sang trái rồi sang phải.
- Đi bộ, vừa đi vừa gật đầu lên xuống.
- Đi bằng ngón chân và bằng gót chân với mắt nhắm.
- Đi nối gót với mắt mở và nhắm.
Khoảng cách các động tác đi bộ tuỳ theo sự chịu đựng của mỗi người, ban đầu có thể chóng mặt, nên nghỉ cho hết rồi lặp lại. Khoảng cách đi tăng dần và tùy theo mức độ của bệnh rối loạn tiền đình cũng như tình trạng sức khỏe nói chung.
5. Các bài tập với mắt
- Di chuyển tròng mắt từ chậm đến nhanh dần theo các hướng: lên-xuống, sang hai bên, xoay vòng tròn (Động tác này tập với tư thế ngồi, đứng và đi).
- Tập nhìn cố định một vật để ở phía trước cách mắt một sải tay.
- Đứng lên ngồi xuống với mắt mở 5 lần rồi mắt nhắm 5 lần.
- Tung trái banh nhỏ từ tay nọ sang tay kia ở ngang tầm mắt.
Lời kết
Bên cạnh việc luyện tập các bài tập riêng về tiền đình, người bệnh nên kết hợp tập thể dục và điều chỉnh các thói quen, lối sống như: không ngồi liên tục quá lâu, nhất là ngồi máy tính, hạn chế uống rượu, cà phê, thuốc lá, tránh thay đổi tư thế đột ngột, giảm thiểu căng thẳng, lo âu…
Tập luyện là cách thử thách tốt nhất để tăng cường sức chịu đựng, bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, người bệnh không nên tập quá sức mà phải làm quen dần dần với các tư thế, từ chậm đến nhanh, tăng dần thời gian để cơ thể thích nghi….tránh xảy ra những biến cố trong khi tập.